Những năm gần đây, dù không trẩy hội chùa Hương, nhưng chỉ cần xem
truyền hình và đọc báo về “lễ hội truyền thống” này, chúng ta không khỏi kinh
hãi trước cảnh tượng những con vật bị moi gan, mổ bụng, róc xương… treo lủng
lẳng trên móc sắt được bày bán la liệt từ bến đò Yến Vĩ đến tận chân chùa Thiên
Trù. Một cảnh tượng không chỉ gây phản cảm về thẩm mỹ, mà còn đặt ra những câu
hỏi nhức nhối về văn hóa. Điều lạ lùng là
nhiều “khách hành hương” vẫn có thể thản nhiên chè chén một cách vui vẻ giữa
cảnh tượng đáng rùng mình đó trên đường đi lễ Phật! |
Trong thời buổi hiện nay, trên thế giới có lẽ hiếm có quốc
gia nào có thể ngang nhiên trưng bày những cảnh tượng hãi hùng đó để chào mời
khách hàng, như ở Việt Nam.
Trong khi các quốc gia phương Tây ra sức bảo vệ thiên nhiên, chăm sóc cho từng
con vật, kể cả những loài bị xem là sát thủ của loài người, hùm, beo, cá sấu,
rắn độc v.v..., thì chúng ta lại tỏ ra hả hê, thậm chí hãnh diện với chuyện chè
chén những món “độc” như thú rừng quý hiếm. Ăn được thịt của những loại thú lạ
và quý hiếm cũng là cách để khẳng định “đẳng cấp” (?) của những trọc phú thừa
tiền lắm của trong xã hội quái dị của chúng ta hiện nay. Nếu khách trẩy hội đến
với chùa Hương bằng cả tấm lòng chân thành mộ đạo thì không thể không đau xót
khi chứng kiến cảnh tượng phơi bày xác thú vật một cách man rợ, trông chẳng
khác gì lò sát sinh trong địa ngục kia, vì đàng sau cảnh tượng đó là viễn tượng
của một xã hội đang băng hoại về đạo đức và suy đồi về tâm linh.
Sống mãi trong môi trường đó, tâm thức con người chắc chắn
sẽ bị tập nhiễm, lâu ngày sẽ trở nên trơ lì vô cảm. Chỉ những ai có đời sống
tâm linh trong trạng thái còn thấp kém mới có thể cảm thấy hả hê khi tàn sát
loài thú vô tội, vì những người đó cũng sẽ dửng dưng vô cảm trước sự khổ đau và
cái chết của chính đồng loại mình. Mạnh Tử khuyên người quân tử nên xa lánh nhà
bếp(2), vì tránh tiếp xúc với cảnh giết
chóc các loài cầm thú ngay trong nhà bếp cũng là phương tiện để nuôi dưỡng
thiện tâm. Khi thiện tâm không có môi trường để sinh khởi thì nó sẽ trở nên khô
cằn, và con người dễ dàng trở nên tàn ác. Thực trạng đạo đức của xã hội hiện
nay đang minh chứng cho điều ấy. Câu nói của Thánh Gandhi như vang vọng ngay
tận trái tim văn hóa đang băng hoại của đất nước chúng ta.
Nền tảng thực sự cho sự phát triển của một xã hội không
phải là bề mặt nổi của những công trình công cộng, mà là văn hóa. Khi thiên
nhiên nổi giận, chỉ cần một cơn địa chấn hay một đợt sóng thần là tất cả những
gì con người khổ công gầy dựng hàng nhiều thế kỷ có thể bị quét sạch đi một
cách dễ dàng trong nháy mắt. Thế giới ngày nay đã cho ta thấy quá nhiều sự kiện
nhãn tiền. Động đất ở Tứ Xuyên, sóng thần ở Nhật v.v... Cái gì sẽ còn lại sau
những đổ nát tan hoang đó, những đổ nát khó lòng tránh khỏi giữa một cõi thế
quá đỗi vô thường với muôn vạn thiên tai? Chính văn hóa, và chỉ có văn hóa, mới
là nền tảng thực sự để giúp một đất nước trường tồn, có thể quật khởi sau những
giai đoạn suy vi. Một đất nước dù giàu có, phồn thịnh đến mấy mà khi văn hóa đã
đổ nát thì chắc chắn sẽ đi đến diệt vong về mặt tinh thần. Đó là quy luật lịch sử.
Văn hóa là hồn nước, khi hồn nước đã tan thì toàn bộ đất nước chỉ còn là cái
xác vô hồn. Chỉ có văn hóa mới giúp chúng ta kiến tạo được một đất nước vững
bền. Suốt một ngàn năm chịu sự đô hộ của Trung Quốc, người Việt - dầu chỉ ít ỏi
như một dân tộc nhỏ - vẫn bất khuất ngẩng cao đầu, không chịu bị đồng hóa trước mọi kẻ thù phương
Bắc, để
phục quốc xưng vương và giành lại nền tự chủ. Đó là sức mạnh của văn hóa.
Đời sống văn hóa không phải được đánh giá qua những phong
trào hay những câu khẩu hiệu khoa trương dán đầy từ trong hẻm ra ngoài phố mà
nó ẩn tàng trong sinh hoạt và ứng xử hàng ngày. Cảnh tượng giết thú man rợ ngay
bên cạnh nơi thờ phụng thiêng liêng để “phục vụ” khách hành hương cho thấy mặt
bằng văn hóa nước ta đã sa xuống quá thấp, nếu không muốn nói là đang băng
hoại. Tại sao con đường dẫn đến cửa Phật từ bi lại phải đi qua xác của biết bao
sinh linh vô tội?
Vào tháng 6 năm 2011, Chính phủ Úc đã từng ra lệnh cấm
xuất khẩu bò sang Indonesia, thị trường nhập khẩu gia súc lớn nhất của nước
này, sau khi Hãng Truyền thông quốc gia Úc (ABC) truyền hình cảnh động vật bị
giết mổ dã man tại Indonesia, tạo ra làn sóng phản ứng dữ dội trong dư luận(3). Đó mới chính là đỉnh cao văn hóa của đất
nước loài chuột túi. Tôi rất xúc động khi đọc tin này vì hồi còn nhỏ, nhà tôi ở
gần một lò mổ bò, tôi nhiều lần thấy những con bò đứng trì dây kéo không chịu
bước đi với đôi mắt ướt đẫm, khi bị dẫn đến lò mổ. Chúng cảm nhận được sự hãi
hùng với cái chết cận kề. Cảnh tượng trông rất thương tâm.
Nhà văn Thoreau, sau nhiều năm sống ở trong rừng một cách
thân thiện với loài vật, đã quan sát thấy con thỏ khi bị dồn đến bước đường
cùng cũng kêu khóc như một đứa bé(4).
Một chi tiết rất nhỏ, nhưng nếu cảm nhận được, thì khi đưa một miếng thịt thỏ
lên miệng hẳn ta sẽ thấy đắng cả lòng.
Khi đời sống văn hóa và tâm linh càng phát triển thì con
người càng muốn xa lánh chuyện sát sinh. Đó cũng là cách biểu hiện lòng tôn
trọng đối với tất cả các loài hàm thức. Phật giáo khuyến khích ăn chay là một
cách để giúp tín đồ thể hiện hạnh nguyện ấy. Ăn chay còn có một hàm ý sâu xa
khác, vì ăn chay là dùng toàn thảo mộc. Khác với loài vật khi bị giết là chết
hẳn, các loài thảo mộc sau khi bị đốn, chặt vẫn có thể tiếp tục đâm chổi nảy
lộc để tái sinh. Cho nên ăn chay, bên cạnh việc hạn chế sát sinh để tu dưỡng
thiện tâm, còn có nghĩa là tiếp nhận được nguồn năng lượng tái sinh đó.
Ở Tây Tạng, người ta quan niệm rằng, những người ăn thịt
cá chỉ nhằm thỏa mãn sự đói khát mà không hề suy ngẫm về hành động của mình và
hậu quả về sau thì nên ăn chay; vì những tố chất thú vật mà người ăn hấp thu
vào cơ thể có thể làm tăng thêm thú tính của họ. Nhưng vẫn có rất nhiều tu sĩ
lạt-ma không ăn chay với lập luận rằng: khi họ ăn thịt và tiêu hóa thịt thú vật
thì đồng thời họ cũng tiêu hóa những tố chất tâm linh khác được kết hợp trong
đó, và họ có thể chuyển hóa được thực phẩm đó trở thành nguồn năng lực tinh
thần và tâm linh để con vật được tái sinh trong cõi người.
Đối với chúng ta thì điều đó quá cao xa và bất khả tư
nghì. Chúng ta chỉ cần biết ăn chay là phương tiện trì giới để tu dưỡng thiện
tâm. Khi chưa có điều kiện để ăn chay thường xuyên thì chúng ta nên hạn chế
việc sát sinh. Ăn chay hay hạn chế sát sinh có tạo được phước hay không, tôi
cho rằng điều đó không quan trọng, vì khi ăn chay hay giữ giới sát mà ta cảm
nhận được sự bình yên trong tâm thì đó mới thực sự là phước. Cũng như
khi ta làm được một việc thiện thì tự nhiên thấy trong lòng hân hoan vui sướng,
đó mới chính là “thiện báo”. Phật tại tâm, mà tâm an lạc tức là đã được Phật
ban phước lành, sao lại phải trông đợi ở đâu xa?
Chú thích
(1)http://thinkexist.com/quotation/the_greatness_of_a_nation_and_its_moral_progress/189870.html.
(2) Quân tử viễn bào trù (Mạnh Tử, Lượng Huệ Vương
thượng).
(3)
http://tamnhin.net/Print/11658/Australia-ngung-xuat-khau-gia-suc-sang-Indonesia-Loi-bat-cap-hai-.html.
(4)The
hare in its extremity cries like a child. (Thoreau, Walden, Rinehart
& Winston Inc., 1961, tr. 165).