10/05/2012 20:34 (GMT+7)
Số lượt xem: 112312
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đó là những suy tư xin được diễn bày nỗi niểm để cùng nhau tìm đến và níu kéo những ước vọng mới cho mỗi mùa Phật đản hằng năm. Chứ thật tình tôi không có đủ tư cách để làm một cuộc tổng kết, vì rất dễ rơi vào biên kiến chủ quan, chạm đến nhiều khía cạnh.


Mỗi một mùa Phật đản tại thành phố này, tôi thương nhất là sự chắt chiu,  “gồng mình” hết sức lực của các vị trụ trì ở các  ngôi chùa  để không khí chung quanh đó có một chút màu sắc Phật đản. Đó thật sự là một sư hy sinh. Sự hy sinh đó mang nhiều dáng vẻ khác nhau  và tùy vào hoàn cảnh trú xứ khác nhau. Những điều này không nằm trong  văn bản chỉ thị của PG cấp trên, hoàn toàn tự nguyện vì tất cả  diễn ra cũng rất tự nhiên!

Và Phật đản thành phố HCM được có không khí hân hoan bao trùm hoặc rộn rã khắp nơi (như một vài tờ báo PG đưa hàng tít lớn) là nhờ vào những  tinh thần không có trong văn bản này.

Ngay cả mỗi chiếc xe hoa góp phần vào đêm diễu hành, mỗi đơn vị thưc hiện cũng không khỏi đắn đo ngang dọc trăm chiều. Nhưng đây là lệnh, đây là văn bản, bắt buộc  phải thi hành. Vâng! Chỉ duy nhất điều này thôi, chứng tỏ được bản lĩnh của PG cấp trên. Tất cả ai cũng đều hoan hỷ vui vẻ. Vì sao? Vì nó hợp lòng  người con Phật, hợp thời thế và hợp lẽ đuơng nhiên.

Còn những mặt khác thì sao?  Có lẽ chẳng gì thuyết phục hơn khi chúng ta đọc những dòng phản hồi của bạn đọc , cũng là những Phật tử  có chút lòng ưu tư cho Phật đản trên diễn đàn Phattuvietnam.net (bài: LẠC LÕNG TREO CỜ KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN) . Đó là một bức tranh toàn cảnh, xác thực nhất. mỗi vị một ý kiến chân thật  và từng trải nghiệm, đóng góp tiếng nói về những mùa Phật đản tại thành phố này.

Rất hiểu và cảm thông cho những ai mới đón mùa Phật đản đầu tiên tại thành phố này, hoặc chỉ cảm nhận ngày lễ Phật đản qua đêm diễu hành xe hoa và qua mấy hàng dây cờ mà các chùa giăng mắc chung quanh trú xứ mình như vừa nói trên. Nhưng dù sao cũng mong rằng tình cảm tốt đẹp đó được lâu bền dựa trên các  sự kiện ấy, hơn là  phải biết nhiều về một mùa Phật đản so với các nơi khác sa sút hay hân hoan hơn  như thế nào chỉ chuốc thêm phiền não.

Tất nhiên, trong lạc lõng mà có một vài nhà “dám” treo cờ Phật giáo  hoặc làm vườn Lâm Tỳ Ny  trước nhà mình thì phải thú thất là  cá nhân tôi rất nể phục và xin được nghiêng mình trước tấm lòng hân hoan ấy.

Chỉ một chuyện treo cờ thôi  mà bao nhiêu năm nay, kể từ sau biến cố Pháp nạn 1963, họ nhà Ngô giật và liệng phăng xuống đất, người con Phật  khắp nơi- nhất là  xứ Huế, đã nhặt lên bằng máu lửa-nuớc mắt và trang trọng treo lên vị trí cũ; thế mà người không ít Phật tử thành phố chúng tôi vẫn chưa làm được điều đó, lại còn phải e dè, sợ sệt thì đúng là đáng buồn ghê gớm. Buồn cười nhất là cho đến hôm nay vẫn có người hỏi “Cờ nước nào vậy?”.

Cờ nước Phật  đấy ! Cờ Phật của thế giới đấy chứ không phải của riêng PGVN chúng ta đâu. Cho nên máu-lửa Bi Hùng Lực năm 1963 đổ xuống cũng là để bảo vệ lá cờ này đấy!

Không biết đến bao giờ ngày Phật đản tại thành phố này được tròn vẹn như khi xưa nó đã từng làm tiền đề cho PG các nơi khác noi theo!

Nhưng trước mắt, hôm nay, ngày Phật Đản này, nếu không nhìn thấy ba tấm ảnh sau đây có lẽ  sẽ không có bài viết này :

Ảnh 1- Phật tử ở huyện Cần Giuộc, một huyện  vùng xa của tỉnh Long An, tham gia đòan diễu hành xe hoa của Huyện mình bằng tất cả những gì sẵn có, nói thay tấm lòng mình đối với ngày Phật đản sinh. Đây là xe Kút-Kít, giới thợ hồ thì gọi là xe con rùa. Rất cảm động.

Ảnh 2 – Trong đêm diễu hành xe hoa ở thành phố Sài gòn, một  Thiếu Nam  GĐPT (có lẽ khuyết tật) chạy xe  chuyên dụng theo đoàn xe hoa, trước và sau xe là những ba lá cờ tung bay theo gió! Không biết rồi đó anh có chạy  theo kịp không nhưng bức ảnh nói với chúng ta rất nhiều điều.

Ảnh 3 -  Phật tử ở Huyện Cát Tiên - Lâm Đồng, xe đạp cũng có thể  là xe hoa , chở theo biết bao nhiêu nỗi lòng hân hoan của người con Phật  nghèo vùng sâu.

Thật là đắng lòng biết bao, khi ở  nơi tôi ở, năn nỉ từng nhà treo cờ. Nói 10 nhà thì chỉ có một, hai nhà chịu treo nhưng với điều kiện chỉ treo hai ngày thôi và cờ, cán cờ phải cho luôn! Phải chi mà  có điều kiện  mình đem xuống tặng các Phật tử này  có ý nghĩa hơn.

Thật lạ lùng cái sự treo cờ Phật giáo ở Sài gòn hôm nay!

Xem xong ba bức ảnh này  chúng ta có thể thấy rằng  người Phật tử lúc nào cũng sẵn lòng hưởng ứng  tinh thần Phật Đản , dù bất cứ ở đâu hay trong hoàn cảnh nào. Quan trọng là giới lãnh đạo Giáo Hội có thấu hiểu  và tận dụng, để phát huy tinh thần  cao đẹp đó không.

Thí dụ  chuyện nhỏ nhất là  ra sức khuyến khích Phật tử  treo cờ tại tư gia một cách tích cực hơn. Phật tử thành phố này sẽ không phụ lòng tin của chư tôn lãnh đạo  vì đó cũng là một việc làm hợp với  nguyện vọng phật tử.

Sâu xa hơn là để quần chúng ngày một biết thêm lá cờ Phật giáo và khi treo nó lên người ta luôn gởi theo gió niềm tự hào  vô cùng tận về ánh sáng từ bi của đức Phật, về tinh thần hai ngàn năm đồng hành cùng dân tộc vẻ vang.

Và như vậy , Phật Đản 2556-2012 qua đi, chỉ có nỗi  những niềm này lắng đọng, không biết đến bao giờ vơi đi  hay tuột dốc như  ngày lễ Phật đản với sự thời ơ đến ngán ngẫm.

Ngày rằm trăng sáng Phật sinh
Nguyện cầu thế giới hòa bình an vui.

http://www.phattuvietnam.net/diendan/19055.html

Âm lịch

Ảnh đẹp