22/08/2011 10:14 (GMT+7)
Số lượt xem: 111028
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Bạn thân, Nhận lời họa sĩ Sĩ Hoàng tham gia làm “diễn giả” cho buổi trao đổi về đề tài “Người lớn học được gì từ trẻ em” hôm thứ Bảy 9/7 vừa rồi tôi mới giật mình thấy khó. Khó ở chỗ với tư cách là một bác sĩ nhi khoa,

 tôi chỉ sẽ được tiếp cận về mặt “sinh học” của đề tài này, bởi đã có tiến sĩ giáo dục học Bích Hồng bàn về tâm lý và đã có Sĩ Hoàng về mỹ thuật. “Người lớn học được gì từ trẻ con” ở góc độ sinh lý học đơn thuần quả là không dễ. Nhưng trong “ngũ uẩn” hẳn “Sắc” phải là yếu tố quan trọng nhất, bởi không có “sắc” thì làm gì có “thọ, tưởng, hành, thức” nên Ban tổ chức đã mời tôi phát biểu trước.

Tôi bắt đầu bằng cách thú thiệt rằng tôi không biết thế nào là… trẻ em. Người lớn học được gì từ trẻ em, nhưng, trẻ em là gì thì tôi chịu! Nhớ hồi tôi còn làm ở Bệnh viện Nhi đồng Saigon (nay là Nhi Đồng 1 Tp.HCM), một bệnh viện dành riêng cho trẻ em, thì theo quy định chỉ nhận bệnh nhi dưới 12 tuổi. Quá 12 tuổi, nữ thì chuyển qua BV Từ Dũ, còn nam thì chuyển qua BV Chợ Quán (BV Bệnh Nhiệt Đới bây giờ). Sau 1975, thì BV Nhi đồng nhận bệnh đến tuổi 15, thống nhất trên cả nước. Thời bao cấp, sai tuyến, sai tuổi, đều không chấp nhận. Có bệnh nhân khai 15 tuổi để được khám ở Nhi Đồng, bác sĩ nghi ngờ thì cho đi khám răng để xác định tuổi… mà chuyển viện! Ở một số quốc gia, ngành Nhi khoa chăm sóc cho “trẻ em” đến tuổi 18! Ngày xưa, ở ta có câu “thành nhân chi mỹ”, phải có gia đình rồi mới được coi là … người lớn, hoặc phải tự túc về kinh tế mới được coi là người lớn. Bây giờ nhiều bạn trẻ ngoài 30 vẫn chưa lập gia đình, ngoài 40 còn xin tiền cha mẹ! Tóm lại, không biết đến lúc nào thì ta mới hết “trẻ con”?

Rồi tuổi bắt đầu là trẻ con cũng không dễ thống nhất. Tây tính từ lúc bé chào đời. Ta tính từ lúc thụ thai, trong bụng mẹ. Cho nên có tuổi Ta và tuổi Tây. Cho nên Đông phương có thai giáo. “Con vào dạ, mạ đi tu”. Đi tu không phải cạo đầu vào chùa mà là sửa mình, “chỉnh” mình lại để sẵn sàng làm mẹ! Nói cách nào khác, khi trứng thụ tinh thì trẻ đã… dạy cho bố mẹ một bài học! Bài học “sửa mình”. Không đùa cợt nhảy nhót, không ăn ngủ linh tinh, nói năng bừa bãi nữa. Thân khẩu ý đều phải trang nghiêm. Rồi bé phát triển trong bụng mẹ là một giai đoạn kỳ diệu. Chỉ là một cái tế bào nhỏ xíu ban đầu, sinh sinh hoá hóa thế nào chẳng bao lâu mà cục cựa, nhúc nhích, quẫy đạp, nghe ngóng, sẵn sàng can thiệp vào đời sống riêng của bố mẹ. Từ lúc đó, bé đã dạy cho bố mẹ biết bao điều về dòng sống, về kiếp người… Hai tháng tuổi trong bụng mẹ, bé mới chỉ bằng ngón tay út, vậy mà khi ra đời đã nặng hơn 3 kg, dài hơn 50cm. Đến 2 tuổi bé đã cao 85-90cm! Và đặc biệt não bộ ở bé 2 tuổi đã phát triển bằng 80% não bộ của người lớn rồi! Cần nhớ rằng một bé 2 tuổi cao 85cm thì tương lai khi trưởng thành sẽ cao 170cm. Gấp đôi. Bé đã “dạy “ ta về sự vô thường, về sự phát triển, sự đổi thay liên tục của cuộc sống. Và 2 năm đầu đời chính là hai năm quyết định cho tăng trưởng và phát triển về sau. Không biết tại sao bây giờ người ta ly dị nhiều quá, và sớm quá. Theo tôi, nếu đã có con với nhau thì hãy đợi sau 2 năm hẳn… ly dị để bé được lớn trọn vẹn!

Về sinh lý, trẻ còn “dạy “ ta nhiều thứ lắm. Chẳng hạn trẻ dạy ta thở bụng- một cách thở sinh lý, tự nhiên nhất. Cứ ngắm một đứa bé đang ngủ thì biết. Chỉ có cái bụng nó là phình xẹp đều đều thôi. Giấc ngủ bé sâu mà ngon nên mau lớn, mau khôn. Trong khi người lớn thở cà giựt, cà hước, phì phò vì bao nỗi lo âu phiền muộn. Rồi ăn cũng vậy. Trẻ ăn theo nhu cầu. Một thí nghiệm ở Hà Lan, cho một số trẻ 3 tuổi vào trong một phòng kính, bên ngoài có thể quan sát được. Họ bày đủ loại thức ăn và quan sát. Khi đói, mỗi trẻ thích một thức khác nhau. Cân đo theo dõi thì thấy trẻ nào cũng phát triển và tăng trưởng tốt, cả về thể chất và tâm lý. Vậy mà bây giờ ta thấy nhiều bà mẹ ép con ăn quá đáng, buộc phải ăn những thứ bà mẹ cho là tốt, muốn con phải giống y như đứa bé hàng xóm. Họ so sánh con cái với nhau rồi người vui kẻ buồn. Tôi thường trả lời họ: Ủa, sao không so sánh 2 ông bố với nhau nhỉ? Người lớn bây giờ không ăn theo nhu cầu mà theo… yêu cầu, theo… quảng cáo. Mỗi bữa ăn của ta không phải để ăn mà để… tính toan, thương thảo, trong chốn “thơn thớt nói cười” nữa kìa!

Một vấn đề khác. Bộ não. Khả năng học tập của trẻ gần như vô tận, còn ta đầu óc đặc sệt vì nhét vào đó biết bao thông tin “rác”. Trẻ lại thích thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên, còn ta thích đốn sạch cây cối để xây nhà cao tầng rồi trồng mấy cây cau kiểng! Trẻ nào được gần gũi thiên nhiên thì sức đề kháng tốt, khác với những bé kiều dưỡng, tuy bụ bẫm mà yếu ớt, dễ mắc bệnh và khi bệnh thì thường nặng. Ta giam mình suốt ngày trong bốn bức tường máy lạnh có lẽ cũng không hay.

Trước lúc đến buổi giao lưu này, tôi cũng đã thử “thăm dò” vài bà mẹ trẻ. Một bà có con gái 6 tuổi nói lạ lắm, gãi lưng dỗ nó ngủ mà chỉ cần mình không “chánh niệm” thì nó biết ngay, bứt rứt lăn lộn hoài, còn mình thực sự chánh niệm thì nó ngủ rất nhanh, ngủ ngon lành! Đúng vậy. Thần kinh trẻ mẫn tiệp, ghi nhận rất nhanh những tình huống đó và phản ứng ngay. Cho nên cha mẹ lời lẽ ngọt ngào với con, nuông chiều con đủ thứ mà trong tâm nghĩ khác thì không giấu được trẻ!
Một bà mẹ có con hơn 3 tuổi nói một lần bé nhìn cái gối ghiền bị quay trong máy giặt, bé cứ khóc rấm rứt mãi. Ngoan nào. Nín đi con. Đừng khóc mới ngoan. Bé ngạc nhiên hỏi: Không khóc là ngoan hở mẹ? Sao con thấy khóc dễ chịu hả mẹ! Thì ra, khóc được thì nên khóc. Trẻ đã dạy ta một cách xả stress. Một bà mẹ có con gái 9 tuổi nói con cao gần bằng mẹ rồi, tội nghiệp mẹ quá! Sao lại tội nghiệp? Tôi bí!

Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc.

http://www.dohongngoc.com/web/goc-nhin-nhan-dinh/th%C6%B0-g%E1%BB%9Fi-b%E1%BA%A1n-xa-xoi-3/#more-4772

Âm lịch

Ảnh đẹp