Triển vọng tốt đẹp của cuốn
sách đó được tiếp tục xác nhận bởi những tác phẩm kế đó như In Dublin
Battle, Of Mice and Men và nhất là The Grapes of Wrath - một cuốn tiểu
thuyết có uy thế tới nỗi nó vẫn còn là một nguyên mẫu của nền văn chương
Hoa Kỳ. Luôn luôn lấy California làm bối cảnh, những tác phẩm sau đó
của John Steinbeck bao gồm Cannery Row, The Wayward Bus, East of Eden,
The Short Reign of Pippin IV và Travel With Charlie.
Ông
mất năm 1968 sau khi đọat Giải Thưởng Văn Chương Nobel vào năm 1962.
Khi thông báo giải thưởng, Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã tuyên bố “Ông
không có ý định làm một người vô tội để mua vui cho người khác. Thay vào
đó, các đề tài mà ông chọn lựa đều có tính cáo giác - chẳng hạn như
những khổ đau đánh vào những nông trang trồng bông và trồng trái cây ở California.
Nguồn văn chương của ông vững vàng từng bước từng bước đạt tới sự thúc
đẩy. Tác phẩm lớn Of Mice and Men ra đời, theo sau là những truyện ngắn
có một không hai mà ông tập
hợp lại trong cuốn The Long Valley. Con đường giờ đây đã mở ra cho tác phẩm lớn…thiên anh hùng ca biên niên sử The Grapes of Wrath.” (Tài liệu trên Internet)
John Steinbeck trước đây có đến thăm Miền Nam. Theo lời nhà thơ Cung Trầm Tưởng, trong dịp ông viếng thăm Việt Nam,
một số nhà văn, nhà thơ đã mời ông đi ăn thịt chó. Ông đã khóc khi bỏ
miếng thịt chó vào miệng nhai để chứng tỏ ông hòa mình với phong tục tập
quán xứ người. Còn nhà văn Võ Phiến sau khi nhận được bản dịch Of Mice
and Men do dịch giả gửi tặng đã hồi ức lại kỷ niện gặp gỡ với John
Steinbeck như sau, “Quận Cam Tháng 6, 2004. Thưa bác Đào Văn Bình:
John Steinbeck có nhiều duyên nợ với Việt Nam!
Chuyện ông qua Sài Gòn, chuyện ông ăn thịt chó v.v…đã thích thú. Lại có
chuyện con trai ông từng tu với Ông Đạo Dừa! Anh em cầm bút cỡ tuổi tôi
chắc còn nhớ cả những sách của ông ta
mình từng đọc, cuộc tiếp xúc với ông ở Sài Gòn v.v.. Riêng tôi lại còn
một kỷ niệm là vụ cãi cọ với Tú Rua năm nọ về Chuột và Người.
Mọi chuyện rồi cũng qua đi, theo thời gian. Nay được bác cho sách, bồi
hồi nhớ lại bao việc cũ. Xin chân thành thâm tạ món quà văn chương của
bác. Võ Phiến. “
Còn
nhà văn Dõan Quốc Sĩ (Houston) sau khi nhận được bản dịch Of Mice and
Men do dịch giả gửi tặng cũng đã khuyến khích như sau, “Nên in bản dịch này ra thành sách để phổ biến cho nhiều người đọc”.
Không
biết tác phẩm Of Mice and Men trước đây đã được dịch sang tiếng Việt
chưa? Song bản dịch này có một nét đặc biệt. Tôi đã mua cuốn sách này
lúc còn ở trại tù Hà Tây - do anh em lén lút đưa vào với giá 8 đồng (đủ
để mua một kilô thịt heo) rồi đọc và nghiền ngẫm. Khi ra khỏi tù, tôi
tiếp tục đọc và khi vượt biển tôi bắt đầu dịch sang tiếng Việt. Mãi tới
năm 1999 bản dịch này mới được đăng từng kỳ trên Tuần Báo Văn Nghệ Tiền
Phong.
Thông
thường, mỗi bản dịch đều mang một văn phong khác nhau. Ở Nhật Bản, vì
số lượng độc giả quá đông đảo cho nên đôi khi có cả chục bản dịch khi
một tác phẩm hay được giới thiệu vào trong nước. Điều này cũng dễ hiểu
vì độc giả - có khi thích lối dịch của người này mà không thích lối dịch
của người khác. Chỉ có một bản dịch duy nhất cho một tác phẩm lớn du
nhập vào trong nước là dấu hiệu nghèo nàn của sinh họat văn chương.
Dầu
sao việc chuyển ngữ một tác phẩm viết bằng tiếng người sang tiếng mẹ đẻ
- nhất là tác phẩm lớn như Of Mice and Men – mà các nhân vật trong
truyện dùng rất nhiều tiếng lóng và lọai ngôn ngữ bình dân thô lỗ, rất
khó hiểu đối với người không sinh đẻ tại Hoa Kỳ - chắc chắn không tránh
khỏi sơ sót. Tôi sẵn sàng đón nhận mọi lời chỉ giáo để sau này nếu tác
phẩm được in sẽ là một bản dịch hòan hảo để phục vụ quý độc giả Việt Nam
không có thì giờ đọc nguyên tác mà cũng có thể thưởng thức một tác phẩm
lớn của nền văn chương Hoa Kỳ mà uy thế của nó vẫn còn vang vọng tới
ngày nay.
Xin
lưu ý, muốn phổ biến bản dịch trên các website, in thành sách hoặc đăng
từng kỳ trên các nhật báo, tuần báo, nguyệt san, hoặc đọc trên các
chương trình phát thanh - thì phải có sự đồng ý (bằng thư) của tác giả.
Qúy vị có thể liên lạc với dịch giả qua địa chỉ email: daovanbinh@sbcglobal.net
Quý vị cũng có thể vào weblog: http://daovanbinh.cattien.us để thưởng thức tác phẩm này.
Trân trọng,
Đào Văn Bình
California Tháng 10 , 2010