27/08/2011 06:57 (GMT+7)
Số lượt xem: 133317
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


  Mới đây trên hệ thống liên mạng toàn cầu xuất hiện bài viết “ Tội Ác Phóng Sinh” của một tác giả nào đó trong nước, rồi được nhiều người chuyển tiếp khiến hàng Phật tử có thể dao động, ngoại đạo có thể lấy cớ đó cho rằng Phật Giáo khuyến khích “tội ác” (*) qua tục lệ phóng sinh chứ Đạo Phật cũng chẳng tốt lành gì.


Thế nhưng, trong khi một tục lệ tốt đẹp có trên ngàn năm nay của dân tộc Việt Nam bị công kích thì non một tháng nay, 500 người Mỹ ở Massachussetts- dĩ nhiên toàn người Mỹ giàu có, hiểu biết- đã thả 500 con tôm hùm (lobster) về biển cả. Nhìn tấm hình 500 người này, trong đó có rất nhiều trẻ em, chúng ta thấy họ đang trải qua những giây phút cực kỳ sung sướng vì họ nghĩ rằng họ đã cứu vớt sinh mạng 500 con tôm hùm, cũng là chúng sinh như chúng ta, về với cuộc sống tự do. Nếu họ không làm thế thì chỉ lát nữa đây hoặc chậm lắm là tối hôm đó, 500 chú tôm hùm này sẽ được chuyển tới các nhà hàng sang trọng. Và dưới tài xào nấu khéo léo của các đầu bếp, các chú sẽ biến thành món tôm hùm nướng béo ngậy, thơm phức để phục vụ con người. Dĩ nhiên khi mua tôm hùm như thế, họ cũng phải để đó vài ngày để chờ tổ chức một buổi lễ phóng sinh, khiến tôm hùm có thể yếu đi hoặc có thể bị bệnh. Nhưng có thể nào vì lẽ đó mà chúng ta kết tội họ là “hành hạ thú vật” rồi kéo tới căng tấm biểu ngữ “ Phóng Sinh Là Một Tội Ác” (*) để phản đối họ? Hoặc chúng ta dịch sang Anh Ngữ bài viết “Tội Ác Phóng Sinh” (*) rồi trao vào tay họ để cảnh báo họ là họ đang phạm phải “tội ác tày trời” mà họ không biết? Nếu chúng ta làm thế, tôi đoan chắc họ sẽ nhìn chúng ta như những sinh vật xa lạ, quái đản và có thể đề nghị chúng ta nên vào bệnh viện tâm thần để chữa trị không biết chừng.

Dĩ nhiên cái vòng luẩn quẩn là: Do một lúc bán được 500 con tôm hùm để thả chứ không phải để ăn, chủ vựa thay vì xúc động bỏ nghề, lại thấy làm ăn khấm khá, bèn ra sức đánh thêm tôm hoặc đặt mua thêm tôm nơi các ngư phủ! Thế là có thể hàng trăm chú tôm hùm khác “bị bắt oan” chỉ vì số cầu gia tăng thì số cung gia tăng. Rồi để dễ dàng bắt mấy chú tôm hùm này trở lại, chủ vựa có thể cho uống thuốc làm chúng đờ đẫn, dù có được thả ra, cũng chẳng bơi được xa và rồi chẳng chóng thì chầy, lại chui vào giỏ. Các ông bà ở Masachuttes đã gây “tội ác phóng sinh” lại tới mua. Chủ vựa tôm lại kiếm thêm tiền. Đấy cái thông minh nhưng cũng là cái quái ác, dã man của con người nằm ở chỗ đó. Nghiệp chướng của chúng sinh cũng nằm ở chỗ đó.

Nhìn vào những con chim bị bắt đang nhốt trong lồng để chờ người ta đến mua để phóng sinh. Nhìn thấy đôi cánh chúng rã rời, yếu đuối vì người đánh chim bất nhân đã cho chúng uống thuốc (tác giả không nói rõ thuốc gì) để chúng yếu đi, không thể bay xa rồi bị bắt lại, tác giả bài viết đã xót xa, thương cảm, bất mãn “Tôi đứng đó, ứa nước mắt, và tự sỉ vả mình hèn hạ vì đã không dám lên tiếng” . (*) Từ cái phẫn uất đó nhưng bất lực, thay vì kết tội kẻ săn bắt chim để mưu sinh, tác giả căm phẫn người đàn bà đang làm lễ để thả chim “Lũ chim được người đàn bà giơ cao đưa ra trước đức phật, cầu nguyện và mở nắp, lũ chim đứng yên, không hề muốn bay ra. Người đàn bà phóng sinh thò bàn tay mập mạp, bắt từng con thả ra, chúng bay uể oải và đậu trên một nhánh cây gần đó.” (*) Thế nhưng, thay vì khuyên bảo người phóng sinh là mua chim rồi thì nên thả ngay - không cần đem tới chùa làm lễ - thì phước báu cũng như thế, mà chim thì đỡ khổ, tác giả lên một bản án nặng nề “Truyền thống chim phóng sinh giờ đây là một việc làm độc ác cần xóa bỏ” (*)

Ở đây tôi không hề có ý tranh luận Đúng-Sai hoặc công kích bài viết của tác giả nào đó ở trong nước- mà qua văn phong tôi đoán có thể là một bậc nữ lưu - có hiểu biết, có lòng yêu mến thú vật nhưng lại quá nhiều cảm xúc. Do đó tôi sẽ trình bày vấn đề dưới cái nhìn bao quát thay vì chỉ nhìn về một phía.

Giả sử trong một dịp nghỉ nào đó, tác giả bài viết và một cô bạn ở bên Mỹ mới về, du lịch miền sơn cước, Tỉnh Hòa Bình chẳng hạn. Vừa bước vào một quán bên đường, cạnh bìa rừng, hai người nhận ra một chú nai tơ đang bị trói gô nằm ở dưới đất. Da chú mượt mà, vàng óng, bốn chân chú xinh xắn như chân trẻ thơ, còn đôi mắt chú thì mở to như mắt bồ câu. Nhưng đôi mắt ấy giờ đây ươn ướt, đang nhướng lên van xin, cầu khẩn vì chú đang nằm đó chờ mấy tay chuyên làm đồ nhắm (đồ nhậu) ở miền xuôi mua về xẻ thịt để cung cấp cho mấy ông thích những món thịt rừng như nai sào lăn, nai nướng trui, nai chiên bơ v.v.. Bà tác giả của bài viết thì thản nhiên ăn bánh, uống nước, không để ý chi cả, nhưng cô bạn gái thì cứ nhìn vào chú nai tơ mà nước mắt rươm rướm. Bà đang nghĩ tới những chú nai hạnh phúc trong Vườn Lộc Uyển nơi mà Đức Phật thường thuyết pháp năm xưa, những Công Viên Quốc Gia (National Park) ở Hoa Kỳ, nơi mà tất cả các loài thú được chăm sóc, bảo vệ. Cuối cùng bà hỏi người chủ quán:

-Con nai này của ông phải không?

            Người chủ quán sẵng giọng:

-Hỏi để làm gì?

-Tôi muốn mua con nai này.

Chủ quán dịu giọng đôi chút:

-Đã hứa bán cho người ta rồi.

-Nhưng tôi muốn mua nó. Ông có thể để lại cho tôi không?

Chủ quán ngạc nhiên hỏi:

-Bà mua để làm gì?

-Đó là chuyện riêng của tôi. Ông có muốn bán không?

            Sau một phút suy nghĩ, chủ quán đáp:

-Tôi đã hứa để lại cho người ta 1 triệu. Nếu chịu trả 2 triệu tôi sẽ bán cho bà.

            Không kèo nài, người bạn gái rút trong ví ra 100 đô-la trao cho người chủ quán. Thế rồi dưới sự giúp đỡ của ông ta, người bạn gái bế chú nai ra bìa rừng, tự tay cởi trói cho nó. Cho dù đã được cởi trói, phải ít phút sau chú nai mới có thể đứng dậy. Rồi chú khập khiễng, vừa đi vừa ngoái cổ nhìn lại người đàn bàn, ân nhân đã cứu giúp chú. Rồi ít phút sau, chú nai biến mất vào đám rừng cây…trở về với tự do, với thiên nhiên và với bầy nai. Từ câu chuyện giả tưởng này nảy ra câu hỏi mà ngàn đời sau con người vẫn có thể còn đặt ra:

-         Phải chăng việc săn bắt thú rừng để làm món ăn là một tội ác? Theo tôi không hẳn thế bởi vì- nếu không vi phạm luật lệ của chính phủ, của nhà nước thì săn bắn thú rừng, ngay tại Hoa Kỳ, ngoài việc giết thịt để ăn, còn là một “môn thể thao” được ưa chuộng. Hơn thế nữa người chủ quán cũng chỉ hành nghề để mưu sinh,  giống như các trại chăn nuôi cung cấp hằng triệu con lợn, bò, gà, cừu …cho các lò sát sinh, rồi từ đó cho các chợ, các siêu thị để làm thực phẩm cho hàng tỷ con người trên hành tinh này trong đó có chúng ta ung dung ăn thịt chúng mỗi ngày.

-         Phải chăng sự thản nhiên của bà tác giả bài viết nói trên là vô cảm, là ác độc? Không! Chắc chắn bà ta chả có tội gì và bà cũng chẳng có trách nhiệm gì trong việc bắt và giết hại thú rừng ngày hôm nay. Có thể hành vi im lặng của bà xuất phát từ quan điểm cho rằng nếu mình xót thương, bỏ tiền ra mua rồi trả chú nai về với thiên nhiên (phóng sinh) là khuyến khích cho chuyện săn bắt. Thà cứ lơ đi, mặc kệ, cho nó chết. Khi chẳng còn ai mua nữa thì mấy tay thợ săn, mấy quán nhậu sẽ thất nghiệp rồi bỏ nghề. Lúc đó, nai, chim có bay, chạy ngờ ngờ trước mắt cũng chẳng ai đụng tới. Đó là giải pháp tốt đẹp nhất.

-         Phải chăng hành vi của người bạn gái từ Mỹ về là một tội ác? Thật tình tôi không nhìn thấy, không tìm thấy bất cứ bằng cớ nào, một ý nghĩ ác độc nào khi người bạn gái rơm rớm nước mắt nhìn chú nai bị trói nằm dưới đất, rồi sau đó bà rút tờ giấy 100 đô-la ra mua rồi thả chú về rừng. Trong cái giây phút đó, trong cái giờ phút động tâm đầy nhân tính này đây, bà ta đã hành xử theo phản ứng của một con người có từ tâm. Giống như chúng ta thấy một em bé gái mặt mũi xinh xắn đang đứng ăn xin ở một góc phố, chúng ta xúc động cho em tiền hoặc cho em ăn. Chắc chắn đó không phải là một hành vi tội ác hay khuyến khích tội ác cần phải hủy bỏ chỉ vì người cha bất nhân thấy nhiều người cho em tiền sẽ tiếp tục đầy đọa em, bắt em phải đi ăn mày để sống trên mồ hôi, nước mắt và cuộc đời của em. Kẻ đáng lên án ở đây là người cha độc ác chứ không phải người bố thí. Chúng ta nghĩ thế nào khi các nhà sinh thái học thả mấy chục con chó sói trở lại Yellow Stone National Park để chúng nó ăn thịt những con bison là loài bò rừng lông dài chuyên sống ở đây. Vì thiếu chó sói, loài bison sẽ phát triển bừa bãi, khiến chúng nó có nguy cơ diệt chủng vì không còn thực phẩm (cỏ) để ăn. Cho đến bây giờ tôi chưa thấy một phản ứng hoặc lên án nào của công luận Mỹ về hành vi này của các nhà khoa học để cân bằng sinh thái.

Đức Phật cũng như chúng ta đã sinh vào một thế giới đầy khổ đau. Dĩ nhiên Đức Phật không  muốn khổ, cho nên Ngài đã từ bỏ cung vàng điện ngọc ra đi tìm Chân Lý Diệt Khổ. Do giác ngộ, do bừng nở hoa tâm, do linh mẫn khác thường, Đức Phật đã nhìn thấy cội nguồn của khổ đau do chính Tâm mình, khác hẳn với mọi giáo lý đương thời - khổ đau và hạnh phúc là do Thần Linh (God) tạo ra. Chính vì giác ngộ được như thế cho nên Đức Phật không than Trời oán Đất, không thù ghét tha nhân, không đổ lỗi cho người này người kia mà “trực chỉ nhân tâm” để hoàn thiện con người. Chính vì thế mà suốt 45 năm hành đạo, Đức Phật không bao giờ kết tội ai. Đức Phật không phải là quan tòa để phán xử và tự cho mình có quyền phép để đưa người này vào Thiên Đàng hay đẩy người kia xuống Hỏa Ngục. Ngay đối với những người phạm tội ác kinh thiên động địa, Đức Phật cũng không hề kết tội, căm ghét hay nhục mạ họ, mà Ngài chỉ nói về Luật Nhân Quả và chỉ ra con đường tốt lành phải theo. Do đó nếu là người con Phật hoặc thấm nhuần tư tưởng Phật Giáo, chúng ta không bao giờ kết tội ai mà phải nhìn bằng con mắt cảm thông và bao dung. Cảm thông và bao dung là hai trụ cột đạo đức mà nhân loại đang ngưỡng mộ và vươn tới. Nếu nhìn bằng con mắt này thì chúng ta sẽ xót thương ngay cả những người chuyên bẫy, bắt chim chóc rồi làm cho chúng yếu đi để bày bán trong ngày lễ phóng sinh hay Rằm Tháng Bảy. Phải chăng vì họ không được sinh trưởng trong gia đình sung túc? Không được giáo dục từ thưở ấu thơ về lòng yêu mến thú vật, thiên nhiên, lại sống ở nơi biên địa ánh sáng văn minh, tiện nghi thế giới ít rọi tới cho nên họ phải sống bằng nghề như vậy? Giả sử may mắn như chúng ta đây, liệu chúng ta có làm những nghề như thế không? Thấy mình ấm thì xót thương người giá buốt. Thấy mình no thì xót thương người đói kém. Thấy mình có học thì xót thương người không được mở mang trí tuệ… Thấy người trong cảnh cá chậu chim lồng thì tìm cách cứu ra…đó chính là Phật Tánh…là lương tâm…là trí tuệ rốt ráo của con người. 

Còn đối với người đàn bà (?) viết bài lên án những người đang phóng sinh kia là phạm tội ác, thực sự bà không hề có ác ý mà chỉ vì lòng xót thương thú vật và mong muốn giải quyết một lần cho rốt ráo. Thế nhưng bà chỉ nhìn thấy cảnh chim bị mệt mỏi trong lồng khi vị nữ thí chủ làm lễ phóng sinh mà không thấy cả thế giới. Hiện nay trào lưu phóng sinh, thả sinh vật bị bắt giữ về với thiên nhiên, đang thấm dần vào xã hội Hoa Kỳ. Việc thả 500 con tôm hùm ở Massachusetts là bước khởi đầu và sẽ có rất nhiều việc thả như vậy trong tương lai. Rồi lâu dần có thể trở thành một tục lệ.

            Gỉa sử ngày mai đây tất cả Phật tử chúng ta cũng như những người thuấn nhuần văn hóa lâu đời của dân tộc chấm dứt tục lệ phóng sinh theo như lời kêu gọi và lên án của tác giả bài viết, câu hỏi đặt ra là: Liệu từ đây sẽ không còn ai săn bắt chim để bán? Liệu cảnh cá chậu chim lồng sẽ vĩnh viễn chấm dứt trên cõi đời này? Theo tôi, câu trả lời hoàn toàn KHÔNG! Bởi vì cho dù tất cả chúng ta có làm thế đi nữa thì vẫn còn có người săn bắt chim để bán cho người nuôi làm cảnh hoặc ăn nhậu. Thế rồi, lại có những người động lòng trắc ẩn. Chúng ta lấy tư cách gì ngăn cản họ động tâm thương xót loài vật trong cảnh cá chậu chim lồng  rồi mua để phóng sinh hoặc đem lên chùa làm lễ phóng sinh? Rồi những người buôn bán, vì cuộc mưu sinh, lại hè nhau bắt cho thật nhiều chim để bán. Nghiệp lực giống như bánh xe luân hồi tiếp tục xoay vần giống hệt như trước, muôn đời muôn kiếp cho đến khi cõi Diêm Phù Đề này hủy diệt. Quý vị thử qua Hoa Kỳ mà xem, ngoài các quán nhậu, nhà hàng - đám cưới nào hầu như cũng có món chim cút rô-ti, các Pet Shop bán  không biết bao nhiêu cá, chim đủ loại đánh bắt từ khắp nơi trên thế giới. Vậy “kỹ nghệ tội ác” đánh bắt chim để ăn hay nuôi làm cảnh, nhốt chim trong lồng, giam cá trong chậu, đâu phải dọ tục lệ phóng sinh mà có?

Từ nguyên thủy, chỉ vì có cảnh cá chậu chim lồng mà có tục lệ phóng sinh. Khi thấy thú vật bị giam giữ để chờ giết hoặc bán - cho dù chưa có hành động phóng sinh - mà chúng ta không động lòng trắc ẩn, không có ý nghĩ phóng sinh là giết chết lòng Từ Bi ngay trên tâm mình. Phóng sinh là biểu tỏ tinh thần yêu mến Tự Do, Đức Hiếu Sinh và Lòng Thương Cảm. Rồi theo dòng thời gian cả ngàn năm đã biến thành tục lệ vì người dân Việt tin rằng trong những dịp hiếu kính cha mẹ, phóng sinh sẽ làm tăng thêm phước thọ cho đấng sinh thành còn sống và siêu sinh cho người quá cố. Cũng chỉ vì có địa ngục mà có lời nguyện “Địa ngục giai không” của Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát. Nếu chúng ta vì quá phẫn cảm mà cho rằng “Phóng Sinh Là Một Tội Ác” e rằng sẽ làm tổn thương đến tình cảm một khối người không nhỏ mà tục lệ đó đang lan tỏa ra toàn thế giới, điển hình là Hoa Kỳ qua việc phóng sinh 500 con tôm hùm nói ở trên.

Lo cho dân ấm no trước rồi tăng cường giáo dục trẻ thơ (Phú nhi giáo chi) về lòng yêu mến thú vật, cây cỏ thiên nhiên ngay từ thưở đầu đời là cách chuyển nghiệp vững chắc nhất. Khi không còn ai có ý nghĩ đánh bắt chim để ăn, để bán, thì tục lệ phóng sinh cũng chấm dứt. Khi nhà tù không còn thì các hội ân xá cũng đóng cửa. Khi tất cả chúng sinh đã thành Phật thì kinh giáo dùng để làm gì? Theo giáo lý Hoa Nghiêm của nhà Phật thì vạn vật nương tựa vào nhau mà hiện hữu. Có cái này thì có cái kia. Cái này diệt thì cái kia cũng diệt. Tất cả tưởng chừng như thực nhưng không có cái gì thực cả. Do đó nếu dùng trí tuệ bát nhã để quán chiếu thì không có cái gì đúng mà cũng không có cái gì sai. Tất cả đều do tâm thức biến hiện của chúng sinh. Hạ thấp xuống một tầng cho Thế Giới Ta Bà này, chúng ta có thể chấp nhận một số điều nếu nó không gây khổ đau hay lấy đi sinh mệnh của kẻ khác. Đó là lòng Từ Bi. Còn đi tìm chân lý tuyệt đối Đúng-Sai là rớt vào Cực Đoan và Vô Minh rồi tự làm khổ mình, khổ người.  Xét cho cùng, tục lệ phóng sinh của người con Phật - dù có làm cho mấy con chim sắp bị đem làm thịt  yếu đi trong lúc chờ đợi được thả (theo tác giả bài viết) thì vẫn còn nhân hậu gấp bội việc dùng gái trinh (trong quá khứ) và giết hằng trăm con bò, dê, cừu (hiện tại) để dâng cúng giáo chủ trong các đạo thờ Thần Linh.

Đào Văn Bình

(California 26 Tháng 8, 2011)

 

Cước chú: Dấu (*) là phần trích dẫn bài viết “Tội Ác Phóng Sinh”


Âm lịch

Ảnh đẹp