Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền
Trực chỉ nhân tâm
Kiến Tánh thành Phật.
nghĩa là :
Không lập văn tự
Truyền ngoài giáo lý,
Chỉ thẳng tâm ngưòi
Thấy Tánh thành Phật.
Tại sao lại gọi là “Tuyên ngôn sấm
sét”?
Bởi vì tuyên ngôn đó đưa ra một quan
điểm hoàn toàn xa lạ đối với các nhà trí thức Phật giáo đương thời, vốn là những
học giả không những học rộng hiểu nhiều về thế học, uyên bác về các nguồn tư
tưởng Đông Phương, mà hiện đang say sưa thảo luận về kinh điển nhà Phật.
Vậy Bồ Đề Đạt Ma là ai mà lại có hành
tung đặc biệt như thế? Chúng ta sẽ cùng nhau lần dở trang Phật giáo sử để tìm
hiểu.
Vào thời vua Hán Minh Đế nước Trung Hoa,
khoảng giữa thế kỷ thứ nhất Dương lịch, Phật giáo từ Ấn Độ đã lan truyền đến
Trung Quốc. Tính từ đó tới ngày ngài Bồ Đề Đạt Ma đặt chân lên nước Lương năm
520 Dương lịch, là đã được khoảng 500 năm rồi.
Sau năm trăm năm thâu thập kinh sách và
tài liệu rồi phiên dịch từ tiếng Phạn ra tiếng Hán, nay đã tới lúc các học giả
Phật giáo say sưa nghiên cứu, chia môn lập phái, tìm tòi nghĩa lý ẩn tàng trong
ngón tay mà không để ý tới phần thực hành để đạt được mặt trăng, theo như lời
căn dặn của nhà Phật “kinh sách là ngón tay chỉ Chân Lý là mặt
trăng, thấy mặt trăng rồi thì buông ngón tay xuống mà tu hành để đạt tới Chân
Lý”.
Là những học giả của một dân tộc hâm mộ
từ chương, giới trí thức Trung Hoa thời đó rất say sưa nghiên cứu phần lý
thuyết có tính chất triết học của nhà Phật, đàm luận về những sự huyền diệu,
thâm sâu, uyên áo, chẻ sợi tóc ra làm tư, coi Phật giáo như một triết thuyết,
phí bỏ mất phần cốt tủy của đạo Phật, là phần tu chứng với mục tiêu giải thoát
được kiếp người ra khỏi những phiền não ràng buộc, giác ngộ lại Bản Thể, chấm
dứt mọi đau khổ triền miên trong dòng sinh tử.
Cùng thời gian đó, tại vương quốc miền Nam Ấn kia, có một vĩ nhân ra đời. Đó là vương tử thứ ba
của quốc vương, tên là Bồ Đề Đa La. Nhân một dịp quốc vương thỉnh Tổ Thiền tông
thứ 27 là Bát Nhã Đa La vào cung để cúng dường trai tăng, vương tử Bồ Đề Đa La
gặp được Tổ và sau khi đàm luận về Đạo Học, vương tử bái Tổ tôn ngài lên làm thày.
Sau khi vua cha tạ thế, vương tử Bồ Đề Đa La xuống
tóc đi tu. Thấy học trò tinh tường Phật pháp, Tổ Bát Nhã Đa La đổi tên vương tử
là Bồ Đề Đạt Ma. Trước khi qua đời, Tổ Bát Nhã Đa La căn dặn học trò sau này
phải qua Trung Hoa để giúp cho những người học Phật tại đó đi đúng con đường
đức Phật dạy để đạt được kết quả của sự tu hành, tiến tới giác ngộ giải thoát.
Nhưng Tổ cũng dặn là hiện nay chưa thể đi ngay, phải chờ vài chục năm nữa mới
lên đường.
Sau khi Tổ tịch rồi, ngài Bồ Đề Đạt Ma
còn ở lại quê hương hoằng pháp một thời gian. Nhiều chục năm trôi qua, một hôm
nhớ lời sư phụ dặn dò, ngài vào từ biệt quốc vương là cháu của ngài để lên
đường sang Trung Hoa, đem ánh sáng giác ngộ chiếu vào miền đất vốn thấm nhuần
tư tưởng Lão Trang, lại được giáo lý nhà Phật khai tâm, nhưng quá ham mê phần
lý thuyết mà không thực hành, nay cần sự chỉ dẫn để có thể tự tu tự độ.
Quốc vương hạ
lệnh sửa soạn thuyền và thủy thủ rồi tiễn ngài lên đường.
Sau ba năm lênh
đênh trên sông nước, vùng đất Trung Hoa đầu tiên mà ngài đặt chân lên thuộc
tỉnh Quảng Châu, đó là vào năm 520, đời nhà Lương. Quan tỉnh dâng sớ về triều
tâu bày sự việc.
Vị vua đương thời
là Lương Võ Ðế vốn là một nhà Phật học uyên thâm, thường khoác áo cà sa ra
ngoài ngự bào để giảng kinh thuyết pháp. Nhà vua cũng là một đại thí chủ đương
thời.
Con trai lớn của
Lương Võ Ðế là thái tử Chiêu Minh cũng là một học giả Phật giáo, thường cùng
với pháp sư Lâu Ước, đại sĩ Ðạo Phó và Lương Võ Ðế bàn luận về "thánh đế
đệ nhất" (là chân lý tuyệt đối) và "tục đế" (là chân lý quy
ước).
Thái tử Chiêu
Minh cũng nghiên cứu kinh Kim Cang rất sâu sắc, đã thiết lập một đài bằng đá để
ghi dấu công cuộc phân chia kinh Kim Cang ra làm 32 chương của ông. Sau này có
một người Việt Nam là nhà thơ Nguyễn Du nhân đi sứ sang Tầu có đến thăm đài và
làm một bài "Vịnh
đài đá phân kinh của Luơng Chiêu Minh thái tử", có ý chê thái
tử không hiểu phần cốt tủy thâm áo của kinh nên mới làm công việc huênh hoang
hình tướng này.
Được tin có ngài
Bồ Ðề Ðạt Ma tới nước mình, Lương Võ Đế sai sứ đi đón, rước vào kinh. Trong
buổi tiếp kiến, nhà vua hỏi:
- Từ khi
lên ngôi, trẫm đã xây chùa, chép kinh, độ tăng nhiều vô số kể, vậy có công đức
gì không?
Ngài Ðạt Ma đáp:
- Ðều không có công đức.
Vua hỏi lại :
- Tại sao không có công đức?
Ngài đáp:
- Xây chùa, chép kinh, độ tăng là tạo nhân hữu lậu, chỉ được hưởng thiện quả
nơi cõi Trời, cõi người, quả theo nhân như bóng theo hình, là phước đức, không
phải công đức. Công đức là do tu hành, trí rỗng rang, tâm sáng suốt, từ nơi bản
tánh, không do nơi công nghiệp thế gian.
Vua hỏi lại:
- Thế nào là thánh đế đệ nhất nghĩa? (ý Võ Đế muốn hỏi về chân lý tuyệt đối)
Tổ đáp:
- Quách nhiên vô thánh (ý ngài Đạt Ma muốn trả lời là người giác ngộ thì tâm
trí rỗng rang, sáng suốt, vượt lên trên khái niệm về thánh, phàm)
Vua gặng thêm:
- Ai đang đối diện với trẫm?
Tổ đáp:
- Không biết !
Lương Võ Ðế sai
người tiễn khách. Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma băng qua sông Giang Bắc, thẳng đường qua nước
Ngụy, lên núi Tung Sơn ngồi quay mặt vào vách đá chùa Thiếu Lâm chín năm, người
đương thời gọi ngài là Bích quán Bà La Môn, nghĩa là ông Bà La Môn nhìn
vách.
Tương truyền, sau
khi ngài Bồ Ðề Ðạt Ma ra đi, Lương Võ Ðế gặp hòa thượng Chí Công, bèn kể lại
câu chuyện. Hòa thượng Chí Công hỏi:
- Bây giờ bệ hạ
đã biết người ấy là ai chưa?
Võ Ðế đáp:
- Không biết.
Hòa thượng nói:
- Ðó là đại sĩ Quan Âm tới truyền tâm ấn Phật.
Võ Ðế hối tiếc,
sai sứ đi thỉnh, nhưng ngài Bồ Ðề Ðạt Ma không quay trở lại. Sau này hồi tưởng
chuyện cũ, Lương Võ Ðế tự soạn văn bia như sau:
Hỡi ôi!
Thấy như chẳng thấy
Gặp như chẳng gặp
Ðối mặt như chẳng đối mặt
Xưa đâu nay đâu
Oán bấy hận bấy . . .
Tại sao mà đến
nỗi vua Lương Võ Ðế mang hận như vậy?
Ðó là vì nhà vua không phân biệt được giữa phước đức hữu lậu do làm
việc thiện sẽ được hưởng phước báo trong vòng nhân quả tương đối và công đức vô
lậu do tu hành có công năng vượt qua được dòng sông sinh tử. Vì
sự hiểu lầm này mà nhà vua coi trọng vấn đề bố thí làm phước, tưởng như thế là
đã đủ trên con đường tu hành, mà không quan tâm đến vấn đề tu chứng.
Về phần ngài Bồ
Đề Đạt Ma, ngài là một thiền sư đắc đạo, ngài dạy cái cốt tủy, thuộc về Phật
thừa. Ngài dạy người tu để giác ngộ thành Phật. Cho nên Lương Võ Đế không hiểu
được ngài.
Bây giờ chúng ta cùng nhau tìm hiểu câu
kệ nổi tiếng là “sấm sét” của ngài:
“Không lập văn tự
Truyền ngoài giáo lý,
Chỉ thẳng tâm ngưòi
Thấy Tánh thành Phật.”
Muốn tìm lý do nảy sinh câu kệ này,
chúng ta phải đi ngược lại từ thời đức Phật tại thế.
Một hôm, trên pháp hội Linh Sơn, đức
Phật giơ cành hoa lên. Cả pháp hội đều ngơ ngác nhìn, duy có tôn giả Ma Ha Ca
Diếp mỉm cười. Đức Phật nói: "Ta có chánh pháp
nhãn tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, Thực Tướng Vô Tướng, pháp môn vi diệu, nay trao
lại cho Ma Ha Ca Diếp."
Đó là mệnh lệnh truyền thừa từ đức Phật
sang qua tôn giả Ca Diếp, tôn giả trở thành đệ nhất Tổ Thiền Tông. Sự truyền
thừa này được gọi là “truyền Tâm ấn”.
Đức Phật giơ cành hoa, tôn giả Ca Diếp
mỉm cười, vậy khi đức Phật nói là trao lại cho Ma Ha Ca Diếp “chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, Thực Tướng Vô Tướng,
pháp môn vi diệu”, câu đó có nghĩa gì?
Trong câu của ngài Bồ Đề Đạt Ma “Không
lập văn tự, Truyền ngoài giáo lý, Chỉ thẳng tâm người, Thấy Tánh thành Phật”, và
“trí rỗng rang, tâm sáng suốt, từ nơi bản tánh”, những câu đó có nghĩa gì?
Sau này, khi Lục Tổ Huệ Năng ở nơi Ngũ
Tổ Hoằng Nhẫn, làm bài kệ:
Bồ-đề vốn không cây,
Gương sáng chẳng phải đài,
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi nhơ
Lục Tổ còn dạy trong phẩm Bát Nhã:
"Phải biết đối với kẻ ngu, người
trí, Phật tánh không có sai khác, chỉ do mê ngộ bất đồng, vì thế có ngu , có
trí. ........
Phàm phu tức là Phật, phiền não tức là
Bồ-đề.
Niệm trước mê tức là phàm phu, niệm sau
ngộ tức là Phật.
Niệm trước chấp cảnh tức là phiền não,
niệm sau lìa cảnh tức là bồ-đề. ........”
Niết Bàn Diệu Tâm, Tâm Bồ Đề
cũng chính là Phật Tánh, Giác Tánh.
Tổ Lâm Tế là một vị Tổ Sư của rất nhiều
Tăng Ni Việt Nam. Có thể đôi khi quý thính giả tham dự tang lễ chư vị Tăng
Ni, nghe thấy những câu “Lâm Tế chính tông...” trong tiểu sử người qua đời, câu
đó có nghĩa là vị sư này xuất gia với bổn sư thuộc dòng thiền Lâm Tế.
Tổ Lâm Tế nói:
"Sơn tăng chẳng có một pháp cho
người, chỉ là trị bệnh mở trói”.
“Nếu các ngươi thôi nghỉ cái tâm niệm
niệm tìm cầu thì với chư Tổ chư Phật chẳng khác. Các ông muốn nhận biết chư Tổ,
chư Phật chăng ? Chính là ngươi đang nghe pháp trước mắt đây.
“Chư đạo hữu !
Các ông phải biết, Tâm pháp vô hình thông suốt mười phương, ở mắt gọi là thấy,
ở tai gọi là nghe, ở mũi gọi là ngửi, ở miệng gọi là nói bàn, ở tay gọi là nắm
bắt, ở chân gọi là chạy nhảy, vốn là một cái tinh minh, phân thành sáu hòa hợp.
Một tâm đã không thì mọi nơi đều giải thoát”.
“Tâm pháp vô hình thông suốt
mười phương” cũng chính là Diệu Tâm, Giác Tánh...
Như
quý vị đã thấy, điều chung trong các câu của đức Phật và ba vị Tổ Sư đều nói về
Tâm. Đức Phật nói Diệu Tâm, chính là Giác Tánh, là Tánh. Ngài Bồ
Đề Đạt Ma dùng chữ Tánh, Lục Tổ Huệ Năng dùng chữ Tâm Bồ Đề, cũng tức là Giác
Tánh.
Đặc biệt Tổ Lâm Tế còn nói rõ hoạt dụng
của Diệu Tâm như sau:
“Tâm pháp vô hình thông suốt mười phương, ở mắt gọi là thấy, ở tai
gọi là nghe, ở mũi gọi là ngửi, ở miệng gọi là nói bàn, ở tay gọi là nắm bắt, ở
chân gọi là chạy nhảy, vốn là một cái tinh minh, phân thành sáu hòa hợp”.
Trong Luận Đại Thừa Khởi Tín, luận sư
Mã Minh dạy:
“Cái tâm này (tâm chúng sanh) có hai phần:
Một là Tâm Chân Như,
Hai là Tâm sanh diệt.
Hai tâm này không rời nhau và đều bao
trùm tất cả pháp”.
HT Thích
Thiện Hoa giảng rằng:
“Chân Như là "Thể", còn Sanh
diệt là "Tướng" và "Dụng". Tướng và Dụng không rời Thể, Thể
không rời Tướng và Dụng; cũng như nước không rời sóng, sóng không rời nước. Bởi
Thể, Tướng và Dụng không rời nhau, nên mỗi một phần đều bao hàm được tất cả
pháp.
Nếu người nào lìa các vọng niệm, thì
người ấy nhập được Chân Như. Nghĩa là "Vọng" hết, thì "Chân"
hiện. Đoạn này đồng một ý nghĩa với bốn chữ "bất tuỳ phân biệt" trong
Kinh Lăng Nghiêm”.
Vọng niệm
nổi lên trong tâm con người ta luôn luôn liên tục từ sát na này tiếp nối sát na
khác như là dòng suối, nên còn gọi là dòng suối ý thức.
Nếu có thể bất thình lình nguồn tư tưởng triền
miên đó ngưng một sát na thì dòng suối đứt đoạn, gọi là “lìa vọng chứng chân”,
đương sự bừng tỉnh cơn mê, trong một thoáng thấy lại được Bản Tánh, cũng là
Giác Tánh, Diệu Tâm, vân vân. Sự kiện này là “kiến tánh”, thiền Nhật Bản gọi là
Satori.
Đức Phật giơ cành hoa lên là phương tiện thiện
xảo của Ngài, tâm tôn giả Ca Diếp lúc đó đã lắng đọng, cho nên chỉ một hành
động của đức Phật, nhà Thiền gọi là cơ xảo, tâm tôn giả Ca Diếp chợt bừng tỉnh.
Cơ xảo giơ cành hoa của đức Phật như thế, Thiền tông gọi là “tháo đinh nhổ chốt”, Tổ Lâm tế gọi là “trị
bệnh mở trói”, đều là gỡ cái nút thắt trong tâm của hành giả tu Thiền,
khiến cho Tâm hành giả bừng tỉnh mà thôi.
Tâm trò bừng tỉnh thì thông suốt với tâm rỗng rang của Thày, nên gọi là
“Tâm ấn Tâm”, và sự truyền thừa đó gọi là “Truyền Tâm Ấn”.
Ở đây chỉ
có Tâm rỗng rang của hai thày trò thông suốt nhau, không có gì được truyền từ
thày sang trò, vì thế nhà Phật đã có câu “dĩ Tâm ấn Tâm, dĩ
Không môn vi Pháp môn”, nghĩa là “Tâm
thông suốt với Tâm, cửa Không là cửa Pháp”.
Nếu trong tâm lại còn
có bất cứ cái gì để mà có thể truyền từ tâm thày sang trò thì tâm còn ô nhiễm,
sao gọi là Phật, như câu “Năng lễ sở lễ tánh không tịch” được.
Pháp môn
này gọi là “Trực chỉ nhân tâm kiến Tánh thành Phật”, và phương tiện thiện xảo
đó là “chỉ thẳng tâm người”.
Như
vậy, nhiệm vụ ngài Bồ Đề Đạt Ma tới Trung Hoa là để chỉ thẳng cho các học giả Phật
giáo thấy mục
tiêu cốt tủy của đạo Phật không phải là nghiên cứu ngón tay chỉ mặt trăng là
phần lý thuyết, mà phải thực
hành để đạt được mặt trăng là “kiến Tánh thành Phật”.
Tuệ Đăng