Lễ ra mắt Phân ban Đặc trách Ni giới tỉnh Gia Lai
Sen nở giữa đại ngàn
Gia Lai là một trong những tỉnh trung
tâm của Tây Nguyên với nhiều ưu thế về vị trí địa lý, giao thông và
những ưu đãi của thiên nhiên. Nơi đây, đồng bào dân tộc thiểu số đã
chung sống hài hòa từ hàng trăm năm trước. Trong đó người Bahnar, Jrai
có mặt sớm nhất.
Ðến thế kỷ thứ XVIII, người Kinh từ các
miền xuôi như Bình Ðịnh, Phú Yên, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế… với nhu
cầu mưu sinh lập nghiệp đã đặt chân đến Tây Nguyên, và Gia Lai là một
trong những tỉnh được nhiều người chọn làm nơi định cư. Trong thời kỳ
đầu, giữa rừng thiêng nước độc, sơn lam chướng khí, thú dữ hoành hành,
bên cạnh vật dụng và tư liệu sản xuất, hành trang của những đoàn người
di dân còn có giá trị tinh thần được truyền thừa nơi quê cha đất tổ. Từ
đó, Phật giáo có mặt giữa đại ngàn nhưng chỉ là những sơ tâm ban đầu
nương vào những niệm Phật đường nho nhỏ để bệnh tật tiêu trừ, xóm làng
bình an cách đây gần một thế kỷ.
Ðến những năm 30 của thế kỷ trước, tại
Gia Lai, chùa Phật Học Tỉnh hội (nay là chùa Bửu Thắng) được xây dựng,
do cư sĩ Hoàng Văn Ở làm hội trưởng cùng các cư sĩ như đạo hữu Phạm Bá
Khải (tức ông Hương Thê), Hồ Gia Quý, Nguyễn Lợi, Nguyễn Trát, chăm lo
các công tác Phật sự và chăm sóc nhu cầu tín ngưỡng nhân dân địa phương.
Từ thập niên 50 đến thập niên 60, các tổ
chức Giáo hội như Hội Phật giáo tỉnh hình thành và sinh hoạt, tu tập
ngày càng quy củ hơn ngày càng mạnh hơn. Cũng từ đó, các truyền thống tu
tập: Phật giáo Cổ truyền, hệ phái Khất sĩ v.v... bắt đầu du nhập và xây
dựng các cơ sở tự viện tại đây như: tịnh xá Ngọc Trung, Ngọc Túc, Ngọc
Bảo, Ngọc Phú. Nhờ vậy, Phật giáo Gia Lai trong giai đoạn phát triển
hưng thịnh, hòa nhập vào xã hội bằng việc xây dựng các cơ sở văn hóa
giáo dục mà tiểu biểu là hệ thống các Trường Bồ Ðề; sinh hoạt Gia đình
Phật tử nở rộ.
Đại giới đàn Cam Lộ do Phật giáo Gia Lai tổ chức
Những năm 1960-1963, Phật giáo Gia Lai
cũng đi vào khúc ngoặt của lịch sử cùng với Phật giáo Việt Nam do chính
sách kỳ thị tôn giáo ngày càng rõ rệt dưới chế độ Ngô Ðình Diệm mà chùa
Bửu Thắng là tâm điểm của các cuộc xuống đường của Tăng Ni, Phật tử sau
sự kiện ÐÐ.Thích Ðức Thiệu, trụ trì bị chính quyền thời bấy giờ bắt
giam. Ðây được xem là nét son, là biểu hiện sinh động cho niềm tin Phật
giáo ăn sâu vào trái tim người dân bản xứ nơi đại ngàn.
Từ năm 1964, Ban Ðại diện Giáo hội Phật
giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Pleiku được thành lập và lần lượt chư tôn
đức: HT.Thích Ðổng Quang, HT.Thích Ðức Thiệu, HT.Thích Thiện Nhơn (Bình
Ðịnh) lần lượt được suy cử lãnh đạo Phật giáo tỉnh.
Sau năm 1975, do những khó khăn sau giải
phóng nên hoạt động Phật giáo có phần chững lại và sau sự kiện thống
nhất Phật giáo năm 1981, Tăng Ni Phật tử tỉnh Gia Lai - Kon Tum đã tổ
chức Ðại hội, bầu Ban Trị sự THPG lần thứ nhất gồm có 17 thành viên do
HT.Thích Ðổng Quang làm Trưởng ban Trị sự, nhưng vì nội bộ thiếu đoàn
kết cho nên ngưng hoạt động và cũng không thể cơ cấu được thành phần
nhân sự tiếp theo. Từ năm 1987 đến 1997, HT.Thích Ðổng Quang được TƯGH
phân công tạm thời xử lý mọi Phật sự tại địa phương. Năm 1991, đơn vị
hành chính Gia Lai - Kon Tum được tách ra làm hai tỉnh, Gia Lai và tỉnh
Kon Tum. Mãi đến năm 1998, HT.Thích Từ Hương với sự hỗ trợ của Trung
ương Giáo hội và chính quyền các cấp đã đứng ra làm Trưởng ban vận động
tổ chức Ðại hội Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ I, lập Ban Trị sự mới vào năm
1998, đến nay đã qua ba nhiệm kỳ hoạt động.
Giữ nhịp phát triển
Có thể nói, nhiệm kỳ thứ III vừa qua là
một nhiệm kỳ mang tính ổn định của Phật giáo tỉnh Gia Lai sau nhiều khó
khăn và thử thách cả nội tại cũng như ngoại duyên. Theo HT.Thích Từ
Hương, Ủy viên HÐTS, Trưởng ban Trị sự THPG, bằng tinh thần phụng sự Ðạo
pháp và Dân tộc, Tăng Ni Phật tử tỉnh nhà, trong 5 năm qua đã thực hiện
nhiều việc làm thiết thực, trong đó chú trọng đến công các hoàn thiện
hệ thống tổ chức Giáo hội, đào tạo đội ngũ Tăng Ni trẻ kế cận cũng như
hướng dẫn tu học cho quần chúng Phật tử.
Do địa bàn rộng, dân cư, Tăng Ni và cả
các tự viện nằm thưa thớt nên việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức là một điều
không dễ dàng. Tuy vậy, ngay sau khi Ban Trị sự Tỉnh hội nhiệm kỳ III
ra mắt, Tỉnh hội đã tiến hành hiệp thương và bổ nhiệm 8 ban, ngành trực
thuộc theo đúng Hiến chương Giáo hội. Ngoài ra, 7 Ban Ðại diện Phật giáo
các huyện Chư Sê, Chư Prông, Ðức Cơ, Ðăk Pơ, thị xã An Khê, thị xã Ayun
Pa, Ðăk Ðoa cũng được cơ cấu hợp lý để điều hành các Phật sự địa
phương. Vào năm 2010, Tỉnh hội thành lập thêm Phân ban Ðặc trách Ni giới
do Ni sư Hạnh Nguyện làm Trưởng Phân ban.
Phật giáo Gia Lai làm công tác từ thiện
HT.Thích Từ Hương cũng cho biết thêm,
Phật giáo hình thành và phát triển tại Gia Lai gần một thế kỷ nhưng mãi
đến năm 2010 vừa, lần đầu tiên Tỉnh hội mới tổ chức Ðại giới đàn truyền
giới cho Tăng Ni và Phật tử để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng
người con Phật. Có 438 giới tử xuất gia của 14 tỉnh, thành phố và gần
800 giới tử tại gia tiếp nhận giới pháp, đánh dấu một bước phát triển
mới của Phật giáo Gia Lai trong sự nghiệp tiếp dẫn hậu lai, duy trì mạng
mạch Phật pháp. Liên quan đến công tác đào tào lực lượng kế thừa, hàng
năm Tỉnh hội còn tổ chức 5 đến 6 điểm an cư tập trung cho Tăng Ni trong
và ngoài tỉnh. Ðây là một trong những công tác Phật sự quan trọng nhằm
nhắc nhở Tăng Ni nâng cao nhận thức tôn kính Giới trong đời sống phạm
hạnh, tăng cường nội lực tu hành, giữ gìn giới thể trang nghiêm.
Liên quan đến sinh hoạt, tu học của Phật
tử, Tỉnh hội luôn có những định hướng kịp thời và phù hợp. Trong nhiệm
kỳ qua, Tỉnh hội đã tổ chức nhiều phiên họp bàn đến biện pháp phát triển
các đạo tràng tu học, tránh các thành phần bất hảo lợi dụng hướng Phật
tử theo chỉ dẫn mê tín. Nhờ vậy đến nay, toàn tỉnh có 39 đơn vị Gia đình
Phật tử sinh hoạt, 14 đạo tràng Phật tử với hàng ngàn người tham gia tu
học đều đặn và ổn định.
Nói về những gì đã trải qua, HT.Thích Từ
Hương nhìn nhận, với truyền thống hiếu hòa, tôn trọng mọi sự khác biệt
để cùng nhau xây dựng phát triển, hướng con người đến đời sống đạo đức
giải thoát, giác ngộ; Phật giáo Gia Lai đã đoàn kết nội bộ, phát huy
tinh thần đại đoàn kết dân tộc, củng cố tự thân, góp phần xây dựng và
bảo vệ quê hương đất nước. “Tuy vậy, các cấp Giáo hội tỉnh dù cố gắng
nhưng hoạt động chưa đồng bộ, chưa sâu sát, chỉ chú trọng về hình thức
số lượng, việc điều hành quản lý, giải quyết công tác Phật sự còn tương
đối chậm, chưa đáp ứng nhu cầu”.
Trong nhiệm kỳ mới, HT.Thích Từ Hương
tin tưởng với thành phần nhân sự mới, Tỉnh hội sẽ khắc phục được những
yếu kém, giữ nhịp độ phát triển, tập trung vào đào tạo lực lượng Tăng Ni
trẻ và hướng đến việc tu học cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa.
Là một tỉnh miền núi Tây Nguyên, có tổng diện tích là 15.496km2;
phía Bắc giáp với tỉnh Kon Tum, phía Nam giáp với Ðăk lăk, phía Ðông
giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh và Phú Yên; dân số khoảng 1,2 triệu
người (số liệu thống kê năm 2008) bao gồm 34 cộng đồng dân tộc cùng sinh
sống.
Toàn tỉnh có 413 Tăng Ni tu học tại 79 cơ sở tự viện; 14
đạo tràng tu học với hàng ngàn Phật tử; 39 Gia đình Phật tử với 2.100
huynh trưởng, đoàn sinh.
Nhiệm kỳ qua, Phật giáo đã tiến hành xây
dựng mới 10 cơ sở tự viện; tổ chức thành công Ðại giới đàn Cam Lộ tại
chùa Minh Thành và chùa Bửu Sơn, truyền giới cho 438 giới tử Tăng Ni, tổ
chức Ðại lễ cầu siêu cho các anh linh Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang
huyện Ðức Cơ; tổ chức an cư kiết hạ hàng năm; giới thiệu đào tạo 5 tiến
sĩ Phật học, 3 thạc sĩ và hàng chục cử nhân Phật học quay trở lại phục
vụ Tỉnh hội; thực hiện công tác từ thiện gần 1 tỷ đồng.
Bảo Thiên