09/06/2012 15:21 (GMT+7)
Số lượt xem: 73976
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TT - Các PV có mặt khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cuốn nhật ký của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn sáng 4-6 tại Hà Nội chỉ kịp nhìn thấy những trang giấy vàng sẫm đầy chữ.



Trong đó có kẹp mấy đồng tiền cũ nát.

Ông Vũ Đình Sơn, con của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn, bên di ảnh mẹ - Ảnh: Hà Hương

Để được trở về VN, cuốn nhật ký nằm sâu trong tủ sách của cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Robert “Ira” Frazure đã có một hành trình dài gần đời người - 46 năm. Lần theo chút thông tin ít ỏi có được, chúng tôi tìm về huyện Bình Giang, Hải Dương - quê hương của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn.

Chúng tôi và có lẽ cả cuốn nhật ký đã đến quá muộn, vợ liệt sĩ đã qua đời trước đó hơn hai tuần. Gõ cửa ngôi nhà trong một buổi trưa nắng gắt, trong tiếng niệm kinh cho người mẹ mới qua đời, cùng với hai người con liệt sĩ Vũ Đình Đoàn, những hồi ức về người cha hào hoa, người mẹ tần tảo trong những năm tháng chiến tranh ác liệt lại gợi về nguyên vẹn.

Tìm cha qua quân bài tú lơ khơ

“Mẹ tôi trước lúc qua đời cũng rất vui vì biết tin về cuốn nhật ký của cha. Chuyện về người lính Mỹ trả lại kỷ vật, mẹ tôi dặn: Trong chiến tranh, ông không bắn tôi thì tôi bắn ông. Họ cầm giấy tờ của cha rồi vẫn tìm cách để trả lại chứng tỏ người ta vẫn sống cũng có đức” - ông Vũ Đình Sơn kể.

“Khi cha tôi vào đến Trường Sơn, ông gửi thư về nói rằng đổi lại tên tôi là Sơn. Em trai của tôi được đặt tên là Nam để đánh dấu việc ông hành quân vào đến miền Nam” - ông Vũ Đình Sơn, con trai thứ ba, cũng là người con trai duy nhất còn sống của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn, mở đầu câu chuyện.

Không còn giữ được kỷ vật của cha, nhưng những câu chuyện về cha qua lời kể của đồng đội, những người dân nơi cha mình từng đóng quân là ký ức luôn được giữ vẹn nguyên trong họ: “Đến đâu ông cũng gửi thư về, những lá thư mẹ tôi chẳng bao giờ dám mở ra trước mặt con để đọc lại vì đau xót quá. Những chiếc áo của cha, anh em tôi thay nhau mặc đến khi sờn rách vì thời đó nghèo khó. Cứ có cái gì là lấy ra mặc rồi chẳng giữ lại nổi vật gì”.

Tin ông Vũ Đình Đoàn hi sinh, người xóm Cậy nghe lần đầu tiên từ đài của chính quyền Sài Gòn. Ngày ngày, đài ra rả thông báo số người chết, người hi sinh, quê ở đâu... nghe đến đau xót. “Hồi đó cha tôi làm xã đội phó, lại diện con một, nhưng ông xung phong đi bộ đội để làm gương cho thanh niên - bà Vũ Thị Tuyến, con gái đầu của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn, kể lại - Sau ba tháng huấn luyện, ông phải vào Nam, nhắn mẹ tôi lên gặp nhưng mẹ tôi ngượng, không dám đi. Thế là hai người không còn gặp nhau từ ngày ấy. Khi đó mẹ tôi đang mang thai cậu út tên Nam”.

Năm 1986, những người con bắt đầu đi tìm mộ người cha đã hi sinh đúng 20 năm trước. Thông tin ít ỏi họ có được là người cha mất ở một nơi nào đó tận Quảng Ngãi. Tất cả nỗ lực gặp những đồng đội cùng vào Nam với liệt sĩ Vũ Đình Đoàn đều nhận được câu trả lời: “Chỗ đấy bị bỏ bom, nát cả làng, không còn ai nữa”. Thậm chí, ngày mất trong giấy báo tử với ngày mất nghe trên đài Sài Gòn cũng khác nhau.

Rồi tình cờ những người con tìm thấy quân bài tú lơ khơ ghi rõ: Vũ Đình Đoàn, hi sinh ngày 7-3-1966 tại đồi Chóp Nón, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Quân bài được một đồng đội của ông Vũ Đình Đoàn ghi lại, gửi về quê, qua tay mấy đời cán bộ làm chế độ thương binh, liệt sĩ của xã mới đến tay gia đình. Năm 2001, những người con lại khăn gói vào Quảng Ngãi tìm mộ cha.

“Khi nhìn thấy tôi, một người dân gần đồi Chóp Nón kêu lên: cháu rất giống một người quê ở Hải Dương, người đó hi sinh và được chôn trong vườn nhà tôi. Người ta nhớ nhất cha tôi vì ông hào hoa, hay đàn hát, ở trong đội văn nghệ. Cũng nhờ thế, chúng tôi tìm được chính xác mộ của cha” -  ông Vũ Đình Sơn hồi tưởng.

Người vợ của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn chờ chồng hơn 30 năm, đến ngày tìm được mộ vẫn còn lo sợ tìm nhầm. Thêm hai năm ròng rã nhờ bộ đội biên phòng tìm kiếm thông tin và xác minh, mấy chục người dân sống cạnh đồi Chóp Nón làm đơn công nhận mộ liệt sĩ Vũ Đình Đoàn thì gia đình mới tin tưởng mang ông về năm 2008. Ngày 7-3-1966, liệt sĩ Vũ Đình Đoàn được người dân chôn cùng một đôi dép và chiếc thước ngắm dùng trên các khẩu pháo.

Cuốn nhật ký của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn cùng những trang viết kín chữ trong nhật ký của ông - Ảnh: H.Giang chụp từ phim của Đài MSNBC

Lời trăng trối của mẹ

Cuốn nhật ký của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn đã nằm trên giá sách của Robert “Ira” Frazure suốt 46 năm. Có lẽ đối với cựu lính thủy đánh bộ Mỹ này, những trận đánh nhiều chết chóc, hình ảnh người lính ôm cuốn nhật ký trên ngực trước khi hi sinh... là những ký ức không thể nào quên. Bị thôi thúc bởi ám ảnh, ông đã đi tìm gia đình của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn rất lâu với mong muốn đơn giản: trả lại cuốn nhật ký cho những người thân.

Tháng 4-2012, một văn phòng luật sư tại TP.HCM đã trực tiếp liên hệ với con trai liệt sĩ Vũ Đình Đoàn là ông Vũ Đình Sơn. “Họ đã tìm quá lâu rồi. Họ cũng muốn trao tận tay kỷ vật cho gia đình. Họ gửi cho chúng tôi một bức ảnh kẹp trong cuốn nhật ký đề nghị xác minh tên hai người này. Đó là hai cô Yến - Nhật, cùng hoạt động trong đội du kích xã với cha tôi” - ông Vũ Đình Sơn kể.

Người vui nhất khi nhận được tin này là vợ liệt sĩ Vũ Đình Đoàn, bà Nguyễn Thị Vượng. Bà đã chờ điều này suốt 46 năm qua. “Họ liên lạc vài lần rồi hẹn đầu tháng 5 gọi lại. Mẹ tôi cứ ngóng mãi rồi thắc mắc: sao lâu rồi không thấy họ gọi nhỉ? Nhưng rồi bà không đợi được, bà ốm đột ngột và ra đi rất nhanh, khi chưa nhìn thấy cuốn nhật ký của cha tôi” - ông Sơn bồi hồi.

Vợ liệt sĩ Vũ Đình Đoàn mất trước ngày cuốn nhật ký theo bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến VN hơn hai tuần. Giờ đây, hai người con của liệt sĩ ngày ngày vẫn ngóng tin để được đọc những dòng chữ của cha mình viết ra cách đây gần nửa thế kỷ.

Mười năm trời sau khi ông Đoàn hi sinh, vì không ai xác nhận nên gia đình không được tính là gia đình liệt sĩ. Người con trai thứ ba là Vũ Đình Sơn mới học đến lớp 8 phải nghỉ học để dồn tiền cho người anh cả học không quân ở Nha Trang. Mãi đến năm 1975, một người đồng đội trở về sau ngày giải phóng miền Nam mới viết đơn xác nhận trường hợp hi sinh của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn. Người vợ cầm lá đơn, lặn lội đến tận Bộ Thương binh - xã hội ở Hà Nội (nay là Bộ Lao động - thương binh và xã hội) để làm chế độ liệt sĩ cho chồng.

HƯƠNG GIANG - HÀ HƯƠNG

Nhật ký trở về sau 46 năm

Tháng 3-1966, trung đội 1 (đại đội Bravo, tiểu đoàn 1 của trung đoàn 7) của Robert “Ira” Frazure giao tranh trên chiến trường Quảng Ngãi trong chiến dịch Indiana. Sau trận đánh, Frazure nhìn thấy một cuốn nhật ký màu đỏ sẫm nằm trên ngực của người lính VN đã chết và mang cuốn nhật ký theo mình về Mỹ. Tháng 11 cùng năm, Frazure giải ngũ khỏi quân chủng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.

Cũng vào tháng 3 năm đó, một người bạn của Frazure là Gary E. Scooter chết trong chiến dịch Utah. Nhiều thập niên sau, Frazure gặp em gái của Scooter là Marge. Khi đó Marge đang tìm dữ liệu để viết một cuốn sách về cuộc đời và binh nghiệp của anh mình. Frazure đã nhờ Marge trả lại cuốn nhật ký cho gia đình của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn.

Nhưng nếu không nhờ một chương trình truyền hình của Mỹ, có lẽ cuốn nhật ký của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn giờ đây vẫn chưa thể có mặt ở VN. Chương trình Những thám tử lịch sử của Đài PBS chuyên giới thiệu các câu chuyện về những ngày xưa cũ như Chiến tranh thế giới II, cuộc nội chiến Mỹ hay những ngày đầu độc lập của đất nước này. Trong chương trình, các chuyên gia của PBS bắt đầu chuyện kể về một hiện vật, sau đó điều tra quá khứ của nó, rồi hé mở những bí ẩn và tìm ra nguồn gốc của các câu chuyện ấy.

Tháng 2-2012, Marge đưa cuốn nhật ký tới chương trình Những thám tử lịch sử để tìm hiểu thêm thông tin cũng như tìm kiếm gia đình của liệt sĩ Đoàn. Chương trình này lại nhờ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội giúp đỡ. Và đó là lý do tại sao cuốn nhật ký có mặt trong hành trang sang thăm VN đầu tháng 6 của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta.

Trong bài viết đăng trên báo The Oregonian ngày 6-6, ký giả Kristi Turnquist dẫn lời ông David Davis, đồng sản xuất của chương trình, nói: “Tôi nghĩ đây có thể là lần đầu tiên chúng tôi có một kỷ vật của Những thám tử lịch sử biến thành một sự kiện tin tức”. Còn Wes Cowan, người theo mảng nghiên cứu của chương trình và trực tiếp liên hệ với Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội, nói về cảm nhận của mình: “Hậu quả với cả hai bên đều tàn khốc. Đó là ý nghĩ đã đến với tôi khi cầm cuốn nhật ký trong tay. Rất có thể tôi đang cầm ký ức quý giá của ai đó về người họ hàng của mình”.

Một nhân viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng cho Tuổi Trẻ hay đoàn làm phim đang lên kế hoạch để có thể sang VN, về tận nơi gia đình ông Vũ Đình Sơn đang sinh sống để hoàn tất những thước phim về cuốn nhật ký có số phận đặc biệt này. Chương trình Những thám tử lịch sử dành cho câu chuyện của cuốn nhật ký này dự kiến phát sóng ngày 25-9 trên kênh PBS.

Nguon: http://www.baomoi.com/Home/XaHoi/tuoitre.vn/Cuon-nhat-ky-den-muon/8643990.epi


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp