- gương mặt lộ vẻ háo hức như một chàng trai nói rành rọt bằng
tiếng Việt: “Yên tâm, tôi đủ sức”.
Giáo sư Ivo có thể gọi là kỳ nhân: ông biết tới 10
ngoại ngữ: tiếng Czech, tiếng Việt, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp,
tiếng Triều Tiên, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Malaysia... Khả năng
ngoại ngữ của ông đặc biệt đến nỗi giáo sư Keity Price ở London- Anh
quốc đã phải chụp lại bộ não của GS Ivo để nghiên cứu. Kết quả nghiên
cứu cho thấy bộ não của giáo sư Ivo rất trẻ. Dường như cứ biết thêm một
ngoại ngữ thì bộ não của ông lại trẻ ra.
Tôi cảm nhận được chất trẻ ấy khi cùng ông cất bước
leo lên đỉnh Ngoạ Vân... Vừa đi, giáo sư Ivo vừa tâm sự: “Trong gần 10
ngoại ngữ mà tôi đã làm chủ, tôi nặng lòng nhất với tiếng Việt. Tôi có
cơ duyên với Việt Nam, cách đây 50 năm, ngay khi còn là sinh viên đại
học tổng hợp Praha, tôi đã tìm hiểu về Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp khoa
tiếng Triều Tiên, Viện nghiên cứu phương Đông cần một chuyên gia về
văn hoá - lịch sử Việt Nam. Tôi nhận việc ấy ngay và bắt đầu học tiếng
Việt, càng học càng bị cuốn hút. Và từ đó bắt đầu một vòng tròn cho đến
tận hôm nay: Sang Việt Nam nghiên cứu, về Czech giảng dạy môn Việt Nam
học, dạy tiếng Việt cho người...Việt ở Czech, rồi lại sang Việt Nam.
50 năm qua, tôi đã 50 lần sang Việt Nam, nhưng lần thứ 50 này rất đặc
biệt khi tôi đọc bài tham luận tại hội thảo “Trần Nhân Tông và con
đường chính pháp” tổ chức tại Hoàng thành. Tôi rất ngưỡng mộ đức Phật
hoàng”.
Những người dự hội thảo đã xúc động khi nghe giáo sư
Ivo đọc tham luận về Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng thứ tiếng Việt rất
chuẩn: “Đức Trần Nhân Tông còn là nhà tư tưởng và triết học vĩ đại hiểu
được triệt để bản chất của đạo Đức Phật để lại với nhân loại và giải
thích cách kết hợp đạo với đời để con người có thể vừa tìm hạnh phúc cá
nhân, vừa thực hiện sứ mạng xã hội của mình ở mọi vị trí xã hội...”.
|
GS Ivo dịch bia đá. |
Lần thứ 50 đến Hà Nội, lịch làm việc kín đặc, nhưng
giáo sư Ivo vẫn tha thiết với cái tâm nguyện có vẻ như không phù hợp với
tuổi 76 của ông: lên am Ngọa Vân viếng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Giờ đây, những bước chân của giáo sư vừa nhẫn nại, vừa
phấn khích bước lên những đỉnh dốc Yên Tử. Núi càng lên cao càng dốc.
Hoang vắng như 700 năm trước Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã chọn nơi thâm
sơn cùng cốc này để tránh sự thăm viếng của quân thần bởi lúc ấy
đường qua chùa Giải Oan lên Hoa Yên đã khá phong quang nên ngựa xe võng
lọng thường đến phá tan sự tĩnh mịch chốn tu hành.
Xung quanh tôi chỉ có rừng cây, núi đá, một cơn gió
mát lành ùa tới và nắng cũng trong veo như thủy tinh. Giáo sư Ivo đầu
trọc, mồ hôi nhễ nhại, dang tay đón gió, cảm khái thốt lên: “Tóc tôi
đang bay”.
Cơn gió đến rồi đi, chỉ có nắng mỗi lúc một gay gắt,
gần tới giờ ngọ mà đường lên Ngọa Vân vẫn trập trùng những dốc đèo phía
trước. GS Ivo mồ hôi nhễ nhại, ông đã cởi hết cúc áo sơ mi, tay chống
gậy, bước chân đã run run. Tôi nắm tay giáo sư bước qua con dốc cao,
giữa lưng chừng núi chợt nghe ông đọc mấy câu thơ: “Đi đường mới biết gian lao; Núi cao rồi lại núi cao trập trùng; Núi cao lên đến tận cùng; Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.
Đây chính là bài “Đi đường” trong tập Ngục trung Nhật Ký của Hồ Chí
Minh. Tôi đã thôi ngạc nhiên khi biết chính giáo sư Ivo là người dịch
tập thơ “Nhật ký trong tù” từ nguyên bản tiếng Hán sang tiếng Czech,
được xuất bản ở Tiệp Khắc năm 1985 và được người dân xứ này đón nhận
nồng nhiệt. Trong hồi ức của GS Ivo, những lúc dịch thơ lúc nào cũng
thường trực hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh bởi chính ông đã từng phiên
dịch cho Người.
GS kể: “Tháng 10-1960, khi đoàn đại biểu Chính phủ
Tiệp Khắc do Thủ tướng Lenart dẫn đầu sang thăm Việt Nam, tôi được mời
là một trong những phiên dịch của đoàn. Tôi có mặt bên cạnh Thủ tướng
Lenart khi ông nói chuyện với Bác Hồ, với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bác
Hồ biết tôi sử dụng thành thạo tiếng Việt và Bác đã mời tôi dự bữa cơm
thân mật cùng hai đoàn đại biểu chính phủ. Bác mời tôi ngồi bên cạnh và
Bác nói: “Hôm nay chú không cần phiên dịch gì hết vì chú là khách của
Bác”. Một vị Chủ tịch một nước đang chiến tranh như Việt Nam, đang phải
lo rất nhiều việc đại sự, mà lại quan tâm đến một nhân viên như tôi
khiến tôi rất xúc động. Những nét nhân văn trong ứng xử đó của Bác Hồ và
nhiều đồng chí của Người đã “bỏ bùa” tôi, khiến tôi muốn gắn bó và đưa
hình ảnh của Việt Nam ra với bạn bè quốc tế”.
Quá trưa, am Ngọa Vân hiện ra trên đỉnh núi, GS Ivo nở
một nụ cười lóa nắng, rốt cuộc niềm mong đợi bấy lâu của ông cũng đã
đến. Ông run rẩy bước vào am Ngọa Vân, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông
từng ngồi thiền và viên tịch. Và giáo sư thắp hương, cúi mình trước pho
tượng đồng trong tư thế nằm của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Am Ngọa Vân,
một ông Tây thắp hương và khấn đức Phật Hoàng bằng tiếng Việt. Và cũng
chính ông Tây đó khi lần đọc và dịch những dòng chữ Hán khắc trên bia
đá cổ có từ đời Trần.
|
GS Ivo viếng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong am Ngọa Vân. |
Đã đến giờ phải xuống núi. Dù việc đi am Ngọa Vân chỉ
trong một ngày là quá tải đối với cả thanh niên, nhưng ông Tây 76 tuổi
này vẫn mỉm cười và cùng dang tay nhảy lên không trung để chụp ảnh kỷ
niệm với các bạn trẻ. Vừa nhảy ông vừa đọc câu thành ngữ: “Cưa sừng làm
nghé”. Lúc này thì tôi ngỡ ông là người Việt Nam và đang trai trẻ.
Theo: Tiền Phong