06/01/2012 21:06 (GMT+7)
Số lượt xem: 214807
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

“Minh Phát là một hiện tượng lạ lùng. Nếu kể về học vấn thì ổng có học bao nhiêu mà bây giờ cũng viết sách (đời sống Đức Điều Ngự), mà điều đáng phục là làm văn thơ có hơi hướm biền ngẫu mới tài đó chớ. Những lời tác bạch miệng đầy văn chương và thiền vị, cái đó mới là khó làm. Nếu không có học sẵn đâu từ đời trước thì không thể nào làm được như vậy. Nếu như ở những người khác có thì giờ rãnh rỗi miệt mài thì là do sức học hiện tại, còn đàng này bận rộn suốt ngày có thì giờ đâu mà giở sách lục tìm chớ!”


Hoà Thượng Thích Hụê Hưng

Hồi ức về cuộc đời của Thầy Minh Phát (Điệu Nguyên)

Pháp huynh Thích Minh Thành

Các Tăng Ni, phật tử thường gọi là chú Nguyên vì chú tên Lê Nhựt Nguyên, quy y với Bổn sư thượng Thiện hạ Hoà và Ngài cho Pháp danh là Thích Minh Phát, pháp hiệu Nguyên Đức. Nhà của điệu Nguyên ở xóm vườn Lài, gần đầu ngõ trước chùa Ấn Quang. Cả quyến đều tin kính Tam Bảo, thường tới chùa lễ Phật nghe pháp.

Kể từ khi mới chào đời, năm 1956, điệu Nguyên đã có hảo tướng của đức Di Lặc Bồ tát (ưa thỉnh tượng Di Lặc chứa đầy tủ) lại trên mỏ ác đã có ba quần vết cũ của ba liều thuở trước còn lưu dấu ấn. Do đó trong gia đình ai cho ăn đồ huyết nhục thì điệu Nguyên đều phun phèo phèo. Lúc lên hai, ba tuổi thì điệu Nguyên đòi mẹ dắt dẫn qua chùa Ấn Quang để lễ phật nghe kinh. mỗi lần gặp gỡ với dáng vẻ tròn trịa trong trắng thật dễ thương, chúng tăng đều hoan hỷ theo nụ cười tươi tắn của điệu và thay phiên nhau bồng ẵm nựng nịu; tôi (Thích Minh Thành) là người hun nựng nhiều nhất. Vì thuở nhỏ miệng điệu Nguyên lúc nào cũng thơm tho nên tôi ưa nựng đến đỗi điệu Nguyên phải gỡ tay tôi ra mà chạy ùa vào vòng tay của mẹ. Tôi chẳng chịu thua, liền lên phòng Bổn sư lấy trái cây xuống cho điệu để dụ khị hầu dễ bề thân cận.

Lần lần theo năm tháng lớn lên đến năm sáu tuổi, điệu Nguyên tự mình qua chùa Ấn Quang để gần gũi Tam bảo. Tôi là người thị giả đang hầu Ngài viện chủ nên điệu thường lẩm đẫm theo tôi để dễ ra vào bái kiến Tôn sư. Sau vài lần Tôn sư xoa đầu dạy bảo…điệu Nguyên giao cảm được tình Thầy trò một cách thấm thiết như đã từng liên hệ tự thuở xa xưa rồi; nên bèn thỏ thẻ: “xin Thầy ban cho con một pháp danh để con được quy y và tu học theo Thầy”. Ngài Viện chủ liềm mỉn cười nói ngay rằng: “con tên Nguyên nghĩa là nguồn gốc của đạo đức, vậy Thầy cho con pháp danh là Minh Phát, nghĩa là nguồn gốc đạo đức kể từ đây được con làm phát triển huy hoàng xán lạn”. Thế là điệu mừng rỡ bái lĩnh và tươi cười khúc khích mãi, trông cho tới ngày Phật đản 1960 để được chánh thức dự lễ định kỳ truyền trao quy giới.

Sau buổi lễ ấy rồi thì điệu Nguyên càng thường xuyên hơn nữa tới chùa phụ tôi quạt hầu Bổn sư vào buổi sáng và trưa lúc Ngài thọ trai. Mỗi khi Ban hộ niệm Ấn Quang đi dự lễ cầu an, cầu siêu nơi nào mà điệu Nguyên hay biết được liền bén gót theo sau trong chiếc áo tràng đủng đỉnh thật dễ thương. Nếu ai mắc bịnh dây dưa mà có lời than cầu giúp đỡ thì điệu Nguyên liền tự nhiên lấy nước cúng phật, một tay bưng chung nước, một tay bắt ấn cam lồ để trước ngực, miệng khấn nguyện lâm râm, rồi đưa bịnh nhân và bảo “Cứ niệm Phật, uống vào là khỏi”. Hằng ngày ngoài việc phụ tôi hầu Tôn sư, theo chúng tụng Niệm, kinh hành, điệu Nguyên còn hăng hái tham gia cùng chư Tăng và phật tử cổ động đi cứu trợ đồng bào bị hoả hoạn, thiên tai…từ thuở lên bảy tuổi mà đã có lòng từ bi như thế.

Năm lên tám tuổi, điệu Nguyên vốn đã thân cận với Thầy tri sự thích Huệ Thới trong việc nhà trù và tụng niệm tại chùa; lại thường theo ban Hộ niệm Ấn Quang do đạo hữu Minh Đức làm trưởng ban và thường ủng hộ Ban Từ thiện Ấn Quang do bà Diệu Nhẫn làm trưởng ban; nhất là điệu thường thân cận với tôi trong việc hầu hạ Bổn sư. Nên một hôm nhân người nhà bỏ cá thịt giấu trong đáy chén dưới lớp cơm trắng phủ đầy để ép thử xem sao? điệu Nguyên vừa bưng chén cơm lên, biết ngay là có mùi thịt cá, bèn làm bộ giận rồi dứt khoát rời khỏi nhà sang ở luôn bên Chùa Ấn Quang. Mỗi ngày điệu Nguyên ăn mâm hầu Thầy với tôi hoặc ăn với các vị hành đường. Còn mỗi tối điệu Nguyên ngũ trong góc phòng của Bổn sư, hoặc trong phòng của tôi hoặc trong phòng của Thầy Huệ Thới, lắm lúc điều nằm chèo queo trên sân thượng. Thật là đơn giản, dễ ăn dễ ngũ và dễ thương làm sao ấy. Mỗi nửa tháng tới kỳ cạo tóc của chúng Tăng thì điệu Nguyên cũng xin được cạo theo, lắm lúc mượn dao bào tự cạo lấy. Thế là coi như điệu Nguyên đã tự xuất gia chớ không làm lễ thế độ hay lễ nhập tự nhập chúng gì cả như các tu sĩ khác.

Năm ấy gặp mùa pháp nạn 1963, điệu Nguyên cũng tình nguyện tuyệt thực theo quý vị Tôn túc chỗ này chỗ nọ rồi đi thăm các bậc lãnh đạo phong trào chống chế độ Ngô Đình Diệm. Lợi dụng tấm thân còn bé bỏng, chánh quyền không lưu tâm, điệu Nguyên nhận nhiệm vụ thông tin cho quý Ngài thượng cấp của Giáo hội. Sau khi ĐT. Dương văn Minh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm xong thì điệu Nguyên trở về chùa Ấn Quang xông pha nơi nhà trù trông coi mấy bà nấu ăn. Lắm lúc Điệu vận quần ống cao ống thấp với chiếc khăn vắt vai, vén tay áo gọn gàng, dáng đi ỏng ẹo như một Ni cô gọt món này nấu dâng Bổn sư, chế biến món nọ cúng dường Đại chúng, làm món nào cũng nhặm lẹ khéo léo ai ăn cũng đều khen ngon. Thế là điệu Nguyên đã được sự tín nhiệm của Đại chúng Ấn Quang. Kể từ đó tự dần dần trở thành vị Tri khố của Tổ đình. về Kinh kệ không thấy học, chỉ siêng tụng niệm theo đại chúng mà mỗi ngày một thuộc nhiều, việc từ thiện mỗi ngày một tích cực, việc hộ niệm mỗi ngày được mở rộng theo năm tháng lên dần.

Thấy thế Bổn sư cho điệu Nguyên đến trường Bồ đề - Chợ lớn để học văn hoá tới hết lớp ba tiểu học. Đến năm 1966, một hôm vì bận lo nấu đám chung thất của Phật tử Ấn Quang nên điệu đi học trễ giờ bị cô giáo quở trách. Nhân đó điệu Nguyên nói “ Tôi cảm ơn cô giáo đã tận tâm dạy dỗ nhưng xét cho cùng thì học già đời cũng chết. Vậy từ nay xin chào cô giáo, tôi không học nữa” rồi htay cho những giờ đi học đó, điệu mướn các truyện Tàu đọc ngấu nghiến đọc hết bộ nào đều nhớ vanh vách bộ ấy. Thấy TV chiếu tuồng nào là điệu biết ngay nó ở bộ nào, vào thời đại nào của Trung quốc. Không bao lâu thì việc bỏ học này cả điệu được báo cáo lên Bổn sư. Ngài kêu hỏi lý do thì điệu cũng bạch đáp như trên. Kế đến năm 1967 Bổn sư lại gởi gấm cho điệu theo học chữ Hán với cụ đồ Minh Khởi ở Phú Nhuận, người phát tâm sao chép bộ Đại Luật và in ra hàng trăm bộ cho Tổ đình làm tài liệu để Tăng Ni chuyên học luật. Điệu Nguyên theo học chữ Nho được vài tuần rồi cũng trốn học, bị Bổn sư rầy nên vì sợ Thầy buồn, Điệu ráng đi học thêm vài ba lần nữa rồi cũng tự xin nghỉ học luôn. Sở học văn hoá của điệu Nguyên chỉ tới lớp ba mà mỗi khi có dịp liền xuất khẩu thành thi. Đôi khi quay bên này đọc cho thư ký viết một bài, quay bên kia đọc cho thư ký khác viết một bài khác, bài nào cũng lưu loát cả tình đời lẫn ý đạo. Còn chữ Nho học chưa hết 214 bộ, vậy mà bản chữ Hán nào hay, những câu liễn, kệ nào có người đọc cho nghe qua một lần, sau này vị đọc đó nếu quên thì điệu Nguyên nhắc liền cho. Chẳng những như thế mà có ai xin liễn hoặc kệ văn chữ Hán, điệu Nguyên sẵn sàng ứng khẩu đọc cho viết ngay, đầy những yếu lý nhiệm mầu của Đại thừa Phật giáo.

Đến năm 1971, Tu viện Quảng Đức ở cạnh làng Đại học Thủ đức mở giới đàn, thỉnh Hoà thượng Thích Trí Thủ làm đàn đầu, Bổn Sư liền viết thư gởi điệu Nguyên lên thọ giới Sa di khi xong trở về lễ tạ Bổn sư, Minh Phát được Ngài cho thêm pháp hiệu là Nguyên Đức, ngụ ý rằng từ nay muôn đức đều tu. Năm sau Ngài Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức lại mở lớp Sơ cấp Phật học, được thông báo đến Ấn Quang, Bổn sư bảo Thầy Minh Hạnh dẫn đưa hai hiền đệ là Minh Phát và Minh Lương lên gởi gấm cho nhập học. Được tiếp nhận học nội trú, độ hơn một tháng hai vị lại bỏ học trốn về chùa Ấn Quang.

Dần dà đến năm 1975, chùa Pháp Giới ở gần Cầu Tre quận 11 có mở giới đàn, thỉnh Hoà thượng Thích Hành Trụ làm Đàn đầu, Minh Phát đã đến tuổi hai mươi nên Hoà Thượng Bổn sư chấp thuận cho đi thọ đại giới Tỳ kheo và Bồ tát. Chính nơi đây, Thầy Minh Phát đã nổi danh khắp các tỉnh thành bởi hai bài “Tác bạch cầu thọ đại giới” và “tác bạch tạ Sư” do Thầy Minh Phát ứng khẩu bái trình. Các giới Sư đều hết lời khen ngợi: “Thật là một người thông minh xuất chúng”.

Quả thật danh bất hư truyền, Thầy Trí Quang, Thầy Hộ Giác….kể cho nghe sự tích gì hay đọc các bộ truyện Tàu, hoặc đọc các truyện tiền thân Phật hoặc nghe qua các bài pháp ngữ nào lọt vào tai rồi thì điệu Nguyên không bao giờ quên, trí như tờ giấy trắng in thứ gì vào là lưu lộ rõ ràng. Từ ngày thọ Đại giới về sau cho đến ngày viên tịch, không có việc khó nào mà Thầy Minh Phát không làm được. Dù có đám đột xuất lớn lao đến đâu của Tổ đình hay của Giáo hội mà được giao phần trai soạn, thì Thầy Minh Phát đều nhất hô bá ứng, cụ biện rất nhanh, phục vụ đầy đủ và ngon lành. Từ nhỏ tới lớn hễ bịnh nhân nào tới bái cầu cứu độ thì đều được bình phục, trừ bịnh nào mà Thầy Minh Phát lắc đầu và tìm cách tránh né thì là vô phương cứu chữa. Nhất là việc thiện xã hội khắp cả nước đều được Thầy Minh Phát chủ động cứu trợ, kết quả thật tài tình thần diệu. Mỗi năm chùa nào có mở trường học khắp cả nước đều được Thầy Minh Phát tổ chức đi cúng dường để hổ trợ cho Tăng Ni tu học. thường trực hàng tuần Thầy Minh Phát đều ủng hộ thực phẩm cho Tăng Ni khu vực Đại Tòng Lâm. Nơi nào có chùa chiền trùng tu hoặc xây dựng thiếu tài chánh thì Thầy Minh Phát đều tuỳ hỉ trợ cấp ít nhiều cho chóng thành tựu. Đặc biệt đối với các môn đồ đệ tử trong các giớ xuất gia, tại gia hoặc nghệ sĩ, Thầy Minh Phát đều ban tặng mỗi vị nhiều bài thơ, bài kệ để khuyến tấn hành giả.

Tóm lại, Điệu Nguyên – Thích Minh Phát suốt đời đã tận tuỵ thực hiện hạnh nguyện từ bi, vô ngã vị tha của một bậc Bồ tát tái sanh. Nguyện cầu Bồ tát Thích Minh Phát sẽ tái hiện Đàm hoa để tiếp tục giáo hoá cõi ta bà đau khổ và phổ độ chúng sanh thời mạt pháp bi thương này.

Pháp huynh Thích Minh Thành.

Tiếng chuông lay lá bồ đề
Con choim cánh trắng bay về Tây phương.

Đôi dòng hồi tưởng Thầy Minh Phát

Huệ Nghiêm Cao Đẳng Phật Viện
Thích Minh Thông

Núi đứng nghiêng mình chờ trăng tới,

Tùng ngơ ngác đợi giữa ngàn sương,

Ngửa nghiêng trời đất dị thường,

Sáng nay hạc trắng thẳng đường về Tây.

Ôi hạc trắng đã đi rồi, tùng trúc cũng phất phơ đứng chờ lạnh buốt…. Vũ trụ này trăng hiện nữa làm chi. Thầy đã ra đi để lại sau lưng trận mưa lệ lâm li. Trong lòng tôi tình pháp lữ vừa dậm chân tại đó !

Nhớ lại ngày xưa, khi Thầy còn là chú Điệu Nguyên dễ thương úc mích, tôi đã cảm mến Thầy nên cứ mỗi lần thấy Thầy xách cặp đi theo sau Hoà thượng giám đốc là chúng tôi lén sau lưng nựng một cái mới chạy đi. Thầy quay lại mỉn cười, tôi đã bắt ánh mắt dễ thương và nụ cười hoà nhập.

Thật diễm phúc khi Thầy được trưởng dưỡng giới thân huệ mạng trong ánh từ quang đức hạnh của Hoà thượng.Lại cộng thêm túc duyên sẵn có, nên lớn lên Thầy nghiễm nhiên trở thành viên ngọc quý của Phật pháp. Thầy có trí vô sư chăng? Tôi chưa tìm được câu giải đáp. chỉ thấy Thầy thông tuệ nội điển lẫn ngoại chương mà không qua trường lớp là tôi đã để trong lòng mình một niềm quý kính rồi. Những bài điếu, bài nguyện, thi kệ, liễn, đối….một lần qua tai là Thầy thông thuộc, dường như đã sẵn có trong tàng thức tự thuở nào. Với Thầy, ai cũng đọc được nét hoan hỷ bao dung trên gương mặt đoan nghiêm khả kính. Được tâm sự cùng Thầy, được sự an ủi động viên của Thầy thì những rối rắm, nhọc nhằn của đời trần dường như tan biến đi, để lại trong tâm hồn một nụ cười độ lượng bao dung.

Ôi phải chăng Thầy đã “thừa Như lai sư, hành Như lai sự” vì không phật sư nào dù lớn hay nhỏ mà Thầy không đón nhận. từ miền Bắc xa xôi, qua Trung phần trắc trở, xuống nam bộ mênh mông, đâu đâu gót chân Thầy cũng tới. Những ngôi phạm vũ tòng lâm, trang nghiêm chốn Tổ, Phật học viện đào tạo Tăng tài, đến cả những nơi thiên tai lũ lụt…đều có bàn tay ân cần từ mẫn của Thầy. Chánh điện uy nghiêm cũng có bàn tay thấy xắt gọt. Cõi dương gian thanh tịnh ít nhiều nhờ bàn tay Thầy vận tài góp sức. Nơi âm giới siêu nhờ tấm lòng từ bi của Thầy chuẩn tế trai đàn. Giữa cuộc hồng trần xoay chuyển, sa mạc sanh tử mênh mang, Thầy đã hiện thân nhỏ xuống những giọt cam lồ tươi mát. Thầy đã hiến trọn sự nghiệp cho đạo pháp, đâu tâm tư nào riêng nghĩ cho mình. Thầy sống đơn sơ, mộc mạc đậm nghĩa tình, quý bậc tài đức, kẻ kém hơn mình sẵn sàng nâng đỡ…Thầy Minh Phát ! Thầy có biết chăng? Trong tận cùng của hàng vạn con tim đang chờ đợi từ dung của Thầy, Thầy có biết?

Thầy đã đến và đi trong nếp sống đẹp đáng làm mô phạm cho Tăng trẻ ở hiện tại và mai sau. Tùng đang cằn cỗi, đêm tối mịt mờ, núi vẫn đứng lặng, chờ mà sao chim vỗ cánh bằng bay mất…

Giữa đêm trường tịch mịch, đợi chờ bình minh tới,

Ngàn sao khuya đã rụng, cô đưng leo lét tàn,

Vũ trụ vẫn mênh mang, chân lạc lỏng địa đàng,

Trăng đã đến đây chi, mà sao đi vội quá..!

Huệ Nghiêm Cao Đẳng Phật Viện

Thích Minh Thông

Vài nét về Thầy Minh Phát

Thích Minh Cảnh (Tu Viện Huệ Quang)

“Thầy giám đốc mới có một ông đệ tử sao mà giống bà bóng quá?”

Đó là câu nhận xét đầu tiên của chúng tôi khi mới gặp Thầy lần đầu hồi còn là chú tiểu. thật vậy, với dáng điệu tròn như hột mít, hay mặc bộ đồ xám mỡ gà một mình lơ thơ trước chùa, hết nhìn người này đến người nọ, chú tiểu ấy khác hẳn với mọi người cùng trang lứa. dáng dấp tròn trĩnh ấy, mới gặp lần đầu nhiều người tự hỏi: “Đây là ông điệu hay cô ni?”. Thêm chiếc miệng cười duyên càng làm cho mọi người dễ nhận lầm Thầy là người khác phái. Điều ngộ nhận này không phải riêng quý Thầy mà cả đến các Ni sư cũng lầm nốt.

Nghe kể lại, ở Nha trang có cuộc lễ Tăng Ni cùng vân tập, chú tiểu Minh Phát nhà ta đứng vào hàng Tăng, bị mấy bà Ni cho là đứng lộn hàng bắt kéo xuống hàng Ni. Nhưng chú tự khẳng định giới tính của mình không nói không rằng trở lại đứng bên hàng Tăng. Bị hiểu lầm, không cự nự không than van trách cứ, tự khẳng định ưu thế Tăng bảo của mình, đó là một đặc tính mỗi lúc càng biểu lộ của Thầy Minh Phát.

Không biết có phải Thầy đã áp dụng câu “ có thực mới vực được đạo” hay không mà từ khi biết việc đến khi nhắm mắt Thầy luôn luôn gắn bó với nhà trù. Sau ngày giải phóng, nhất là sau khi Hoà thượng Giám đốc viên tịch, trách nhiệm nhà trù mới phân công hẳn cho Thầy. Mười lần như một, muốn kiếm Thầy Minh Phát thì cứ xuống bếp. khăn đỏ vắt vai, quần ống cao ống thấp, dáng đi ngoe nguẩy, tay cầm chiếc vá to tướng nêm nếm thức ăn, càng quá giống bà thường trụ chính hiệu. chính do tài biến chế của Thầy mà chư Tăng có được những bữa ăn tươm tất, lần lần phong phú hơn.

Sau giải phóng ít tháng, phía trong khuôn viên chùa Ấn Quang, trước phòng phát hành bây giờ, ở sát vách tường, mỗi sáng mọc lên một quán “hủ tiếu chay” vỉa hè, bán cho nội bộ. Mọi người chư Tăng có, Phật tử có, khách vãng lai có, giới xích lô có cùng xúm lại ủng hộ. Nhờ đó cũng tạm giải quyết vấn đề “Kinh tế nhà chùa” trong giai đoạn khó khăn. Về sau hủ tiếu chay vỉa hè đã tiến ra mặt lộ do người khác quản lý, nhưng phải công nhận người khai sinh ra nó là Thầy Minh Phát.

Hồi sanh tiền, Hoà Thượng Thích Hụê Hưng đã nói: “Minh Phát là một hiện tượng lạ lùng. Nếu kể về học vấn thì ổng có học bao nhiêu mà bây giờ cũng viết sách (đời sống Đức Điều Ngự), mà điều đáng phục là làm văn thơ có hơi hướm biền ngẫu mới tài đó chớ. Những lời tác bạch miệng đầy văn chương và thiền vị, cái đó mới là khó làm. Nếu không có học sẵn đâu từ đời trước thì không thể nào làm được như vậy. Nếu như ở những người khác có thì giờ rãnh rỗi miệt mài thì là do sức học hiện tại, còn đàng này bận rộn suốt ngày có thì giờ đâu mà giở sách lục tìm chớ!”

Thật thế, những bài tác bạch hay bài văn ứng khẩu (đọc cho người chép) của htầy có những nét đặc biệt cổ kính lại biền ngẫu (đối không chỉnh lắm) nhưng rất hợp thời đầy đạo vị, tạo thành một phong cách riêng mà một số người đã đem áp dụng.

Có một lần tôi xuống phòng Thầy thấy một bà ăn mặc khá sang trọng đến trước ghế quỳ xuống xin cầu điều chi. Thầy với tay ra chai nước để sẵn kế bên đưa cho bà và bảo: “Thôi ! Về uống cái này sẽ hết”. Bà ấy nhanạ chai nước với nét mặt rạng rỡ biết ơn và lạy như tế sao. Tôi hỏi thì Thầy cho biết: “Mẹ bà ấy hơn 80 tuổi bịnh lâu, xin nước của tôi về uống khoẻ lại, nay tới xin thêm”. Tôi hỏi: “Thầy trì chú gì trong đó?” Thầy trả lời: “mình chỉ niệm phật mà thôi, tại họ tin rồi có nghiệm! ông bác sĩ Dương Dậu cũng xin nước của tôi đó”.

Chẳng những cho nước phép mà còn cho thần chú hay ông Phật để đeo nếu ai cầu xin. Trong phòng Thầy bao giờ cũng có sẵn ít nhất vài chai nước lọc, hoặc một hộp chỉ ngũ sắc. hễ ai xin Thầy lấy đưa cho một cách tự nhiên như cho tiền hay biếu tặng mà không có đọc lâm râm như các Thầy bùa Thầy pháp thông thường. Phải chăng do thần lực tích tụ sẵn có khiến cho “vật qua tay thành thuốc” mà giúp đỡ mọi người chăng?

Người ta biết đến Thầy Minh Phát do sự hào phóng của Thầy trong công tác phật sự. chỗ này đúc chuông, góp thêm 500 ngàn; chùa qúa nghèo cần trùng tu, góp 100 bao xi măng. nhất là công trình của Thầy tổ, Thầy đã ra sức hoàn thành. Chùa Long Triều, Huệ Nghiêm, Dược sư, Thầy đứng ra lo tiền để tu sữa; Thầy dự định đại trùng tu chùa Phụng sơn nhưng có lẽ chưa đủ duyên nên Thầy ra đi quá sớm.

Mấy lúc sau nà, phong trào cứu trợ thiên tai bão lụt ở thành phố dâng cao, chùa Ấn Quang và Giáo hội đã đóng góp một phần đáng kể đều là do công huy động của Thầy Minh Phát. Việc làm của Thầy như chơi mà thiệt. Gặp thiên tai ở miền trung qua thông báo của báo đài, các phật tử tới thăm thì Thầy dặn:

- Kỳ này bão lớn, đồng bào khổ lắm, Chị này bao nhiêu?(Thầy hay kêu mấy bàphật tử lớn tuổi là chị hay bà chị)

- Dạ con xin góp ba triệu.

- Ố ! Ba triệu ít quá ! thôi năm triệu đi !

- Dạ !

- rồi day qua bà khác:

- Bà chị này có tính góp phần không?

- Dạ, con xin góp hai triệu.

- Sao kỳ này ít vậy !

- Còn một tấn mì gói và một số quần áo cũ nữa thưa Thầy !

- Ờ cũng được.

Cứ thế mà hoan hỷ phụng hành phẩm vật cứ thi nhau đổ về hàng tán để đưa đến các vùng bị nạn.

Thỉnh thoảng Thầy cũng dẫn phái đoàn đi uỷ lạo mặc dù phật sự rất nhiều. “Dẫn phật tử đi cho họ tận mắt thấy cảnh khổ của đồng bào nghèo để họ hăng hái đóng góp chớ!” Thầy cười hề hề trả lời khi có ai lo lắng cho tình trạng sức khoẻ suy kiệt của Thầy.

Người ta thương Thầy phục Thầy vì Thầy có những đặc điểm:

Giữ gìn phạm hạnh

Chỉ nghĩ đến đại chúng mà ra sức phục vụ.

Không nghĩ riêng về phần mình. Đáng lẽ nếu muốn, Thầy sẽ có một toà tháp nhiều tầng rực rỡ ở nơi Thầy lựa chọn nhưng đến giờ chót Thầy cũng không một lời nói đến.

thật là:

Lúc đến không báo trước

Khi đi chẳng giã từ

Đến đi đều tự tại

Trong thế giới an nhiên.

Huệ Quang Tu Viện - Thích Minh Cảnh

www.tuvienhuequang.com

Trích từ Kỷ Yếu Thượng Tọa Thích Minh Phát

  • Chủ biên : TT Thích Minh Thành
  • ĐĐ Thích Nguyên Huệ
  • Biên soạn : TT Thích Minh Cảnh
  • TT Thích Minh Thông
  • ĐĐ Thích Quãng Chơn
  • Biên tập : ĐĐ Thích Đồng Văn
  • Vi tính : ĐĐ Thích Giác Đồng
  • Viết chữ Hán : ĐĐ Thích Lệ Trang
  • Sữa bản in : TT Thích Thiện Minh
  • Kỹ thuật : Giác Hạnh
  • Chúc Thanh
  • Xuất bản Năm 1996

Nguồn: Viengiac.Vn

http://tuvienhuequang.com/nhan-vat/luu-huong-duong/2110-2012-01-04-18-26-42.html


Âm lịch

Ảnh đẹp