nhưng trong thời gian mang bệnh
(bệnh chưa khỏi) hoặc phải sống chung với bệnh (bệnh không điều trị được
hoặc phải điều trị lâu dài), và nhất là đối với người già, bệnh được
xem là điều không ai tránh khỏi, thì việc làm sao để giảm nỗi đau, nỗi
lo lắng, sợ hãi, bi quan, chán nản là hết sức cần thiết. Sau đây là một
số điều cần đặc biệt quan tâm:
1. Những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh
Những giá trị tinh thần, giá trị tâm
linh có thể giúp con người chiến thắng nỗi đau, bệnh tật, vượt qua khó
khăn và làm được những việc khó làm.
Trong Tương Ưng Bộ kinh V có
ghi nhiều trường hợp các đệ tử của đức Phật lâm trọng bệnh, nhờ nghe
pháp, thực hành pháp mà vượt qua cơn trọng bệnh. Chẳng hạn như Tôn giả
Ma ha Ca Diếp bệnh nặng, đức Phật đến thăm và nói tóm lược cho Tôn giả
nghe về pháp Thất giác chi, nghe xong Tôn giả Ca Diếp lành bệnh.
Đời Đường, ngài Bát Thích Mật Đế người Ấn Độ nhiều lần tìm cách đem kinh Lăng Nghiêm
sang Trung Hoa truyền bá nhưng không được, vì đây là bản kinh quý hiếm
nên triều đình không cho phép truyền ra ngoài. Sau nhiều lần không thành
công, ngài đã viết kinh vào một mảnh lụa mỏng rồi cuốn lại, xẻ thịt bắp
vế của mình nhét vào, sau đó băng lại trông giống như bị bệnh cùi phong
ghẻ lở. Nhờ vậy mà ngài mới đem kinh Lăng Nghiêm ra khỏi nước
được để truyền sang Trung Hoa và phổ biến cho đến ngày nay. Một vết
thương do dao cắt, vật nhọn đâm còn đau đớn khó chịu, huống chi xẻ thịt
nhét cuộn vải vào rồi băng lại thì đau đớn đến mức nào. Lâu ngày vết
thương ấy lở loét, nhiễm trùng làm độc, chẳng những hành hạ nóng lạnh,
đau đớn nhức nhối, mà còn nguy hiểm đến tính mạng. Nếu là người tầm
thường không có chí nguyện cao cả, không có công phu tu tập thì mấy ai
làm nổi điều này.
Pháp sư Đạo Chứng (Đài Loan) vốn là một
bác sĩ điều trị bệnh ung thư nhưng lại mắc phải ung thư. Người xuất gia
tu hành, phát tâm cứu khổ ban vui, dấn thân vào công tác từ thiện và
hoằng dương Phật pháp. Người thường tiếp xúc với các bệnh nhân ung thư,
an ủi, khích lệ và giúp bệnh nhân có niềm tin chuyển hóa nỗi đau bệnh
tật, thay đổi cuộc đời mình, tìm thấy niềm an vui bằng con đường hướng
thiện, thực hành đời sống tâm linh, Người dạy bệnh nhân thay đổi ý niệm,
chuyển hóa cảm xúc, sống lạc quan và thọ trì danh hiệu đức Phật A Di
Đà. Thật kỳ diệu thay, từ đó người thoát khỏi bệnh khổ.
Trên là một vài trường hợp dẫn ra để
minh chứng giá trị tinh thần, giá trị tâm linh thật to lớn. Một số giá
trị tinh thần, giá trị tâm linh mà người tu tập, sống đời sống đạo đức
theo Phật giáo có được:
a. Nhận thức tích cực
Nhận thức được bản chất thế gian, bản
chất đời sống là vô thường, vô ngã, do duyên sinh luôn ở trong tình
trạng biến dị (đổi khác), từ đó con người phải chấp nhận quy luật sinh,
già, bệnh, chết cũng như mọi sự thay đổi của hoàn cảnh, điều kiện xung
quanh theo chu trình sinh, trụ, dị, diệt hay thành, trụ, hoại, không,
nhận thức được điều đó giúp cho chúng ta không có thái độ bất mãn, kháng
cự, chống đối (không muốn chấp nhận sự thật già nua, bệnh tật, cái
chết) một cách lực bất tòng tâm, một cách nhọc nhằn vô ích đối với những
gì được xem như là quy luật. Thái độ thuận theo quy luật tự nhiên, bình
thản trước sự vô thường khiến cho chúng ta nhẹ nhàng, bớt khổ, bớt não
dù cơ thể đang mang nhiều bệnh tật.
Những kinh nghiệm về bệnh tật, sự biến
hoại dần dần của cơ thể, nỗi khổ của tuổi già giúp chúng ta ý thức rõ
ràng hơn, sâu sắc hơn về bản chất của đời sống con người, về những diễn
biến vô thường đang xảy ra trong từng tháng, từng ngày, từng giây, từng
phút, từng tích tắc, sát na mà lúc bình thường chúng ta không quan tâm,
không nhận thấy.
Sự thể nghiệm này giúp chúng ta chứng thực về khổ đế (sự thật về khổ, chân lý về khổ), giác ngộ về vô thường, vô ngã.
b. Năng lực tu tập
Người đã có quá trình dày công tu tập,
thành tựu định lực và tuệ giác sẽ vững chãi hơn, tâm kiên cố, trí sáng
suốt hơn một người bình thường không có công phu tu tập. Khi đứng trước
những biến cố vô thường, ngay cả khi bệnh tật và đối diện với cái chết,
tâm người có tu tập vẫn an ổn, không hoang mang lo lắng, không sợ hãi,
không khổ não.
Càng buông bỏ, xả ly tâm tham ái, chấp
thủ, không lưu luyến, không giận hờn, không nuối tiếc, không oán không
thương, thì càng nhẹ nhàng, an ổn, thoát khỏi những khổ não nhọc nhằn.
Do đó việc tu tập tâm, rèn luyện tâm là điều vô cùng cần thiết.
c. Năng lực phước báu
Một người sống với điều thiện thì tâm an
ổn, không ân hận, hối tiếc, không ray rứt lương tâm, trong lòng thường
thấy vui, mãn nguyện, từ đó những nỗi đau về thể xác do bệnh tật hoành
hành cũng vơi đi, dù có đối diện với cái chết vẫn không lo lắng sợ hãi,
và người đó tin tưởng rằng mình sẽ có một đời sống tốt ở tương lai sau
khi rũ bỏ xác thân này nhờ nhân duyên phước báu mà mình đã tạo.
Những người làm nhiều điều thiện cũng
thường gặp điều kiện, hoàn cảnh tốt, được nhiều người quan tâm, giúp đỡ,
sẻ chia, từ đó họ cũng tìm được nhiều niềm vui và cơ hội vượt qua khó
khăn, bệnh tật.
d. Tinh thần lạc quan, ý chí, nghị lực vượt lên khổ đau, bệnh tật:
Những trạng thái tâm lý như buồn bã, lo
lắng, sợ hãi, chán nản, khổ não, suy sụp tinh thần, hoang mang vì bệnh
tật; nỗi ám ảnh, hoang tưởng về bệnh tật, về cái chết sẽ làm tiêu hao
sức sống, suy giảm khả năng miễn dịch, sức đề kháng chống lại bệnh tật,
làm cho tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng thêm. Tinh thần lạc quan, ý
chí, nghị lực, niềm tin vượt qua bệnh tật; sự xem thường bệnh tật,
không quan trọng hóa bệnh tật sẽ giúp cho người bệnh vơi đi những nỗi
đau về thể xác do bệnh tật mang lại, làm tăng khả năng đề kháng chống
lại bệnh tật.
2. Công năng chuyển hóa thân tâm của thiền định
Các pháp môn thiền định có công năng
chữa trị tâm bệnh lẫn thân bệnh, giúp người bệnh thoát khỏi những trạng
thái tâm lý tiêu cực như cảm giác bất an, lo lắng, sợ sệt, đau buồn,
chán nản, khổ não và làm giảm thiểu những nỗi đau thể xác do bệnh tật
mang lại.
II. Phương pháp hành Thiền Nguyên thủy để có được giá trị lợi ích của thiền định
1. Giới thiệu sơ lược về phương pháp hành thiền Tứ niệm xứ qua pháp quán niệm hơi thở
Thiền Nguyên thủy còn được gọi là Như
Lai thiền, là pháp thiền rút ra từ kinh tạng Pàli (Nikàya). Một trong
các bài kinh quan trọng nói về thiền Nguyên thủy là kinh Nhập tức xuất
tức niệm (Niệm hơi thở vô hơi thở ra- Anàpànasatisuttam, kinh số 118
thuộc Trung Bộ III). Đây là bài kinh quan trọng nhất nêu phương pháp tổng hợp thiền chỉ và thiền quán.
Thiền Phật giáo gồm có thiền chỉ
(Samatha) và thiền quán (Vipassana), Anàpànasati (Niệm hơi thở vô hơi
thở ra) là pháp thiền đủ cả chỉ và quán. Dừng suy nghĩ, để tâm theo dõi
hơi thở vô hơi thở ra chính là thiền chỉ. Quán sát tánh sanh diệt của
thân thể, cảm thọ, tâm ý và các pháp (tứ niệm xứ), phân tích, tư duy về
các đối tượng ấy trên cơ sở Duyên sinh, vô thường, vô ngã, đây chính là
thiền quán.
Sau đây là 16 đề mục đức Phật dạy người
hành thiền Tứ niệm xứ (quán niệm thân, thọ, tâm, pháp) qua pháp quán
niệm hơi thở vô hơi thở ra:
A. Bốn đề mục về thân (Thân niệm xứ)
1. Khi hơi thở vô dài, hành giả rõ biết: Tôi thở vô dài – Khi hơi thở ra dài, hành giả rõ biết: Tôi thở ra dài.
2. Khi hơi thở vô ngắn, hành giả rõ biết: Tôi thở vô ngắn – Khi hơi thở ra ngắn, hành giả rõ biết: Tôi thở ra ngắn.
3. Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô – Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra.
4. An trụ thân hành, tôi sẽ thở vô – An trụ thân hành, tôi sẽ thở ra.
B. Bốn đề mục về cảm thọ (Thọ niệm xứ)
1. Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô – Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra.
2. Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô – Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra.
3. Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô – Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra.
4. An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô – An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra.
C. Bốn đề mục về tâm (Tâm niệm xứ)
1. Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô – Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra.
2. Với tâm hoan hỷ, tôi sẽ thở vô – Với tâm hoan hỷ, tôi sẽ thở ra.
3. Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô – Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra.
4. Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô – Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra
D. Bốn đề mục về pháp:
1. Quán vô thường, tôi sẽ thở vô – Quán vô thường, tôi sẽ thở ra.
2. Quán ly tham, tôi sẽ thở vô – Quán ly tham, tôi sẽ thở ra.
3. Quán hoại diệt, tôi sẽ thở vô – Quán hoại diệt, tôi sẽ thở ra
4. Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô – Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra.
2. Giới thiệu sơ lược về thiền Minh sát tuệ (Vipassana) hay Thiền tỉnh thức, Nội quán
Cũng giống như Thiền Tứ niệm xứ, Thiền
Minh sát tuệ lấy thân, thọ, tâm, pháp làm đối tượng quán chiếu, mục đích
là trực tiếp nhận ra tính vô thường, duyên sinh vô ngã của các hiện
tượng (các trạng thái tinh thần và vật chất, tâm lý và vật lý, tiêu biểu
ở đây là thân, thọ, tâm, pháp). Nhờ thiền mà đình chỉ được các vọng
niệm, vọng tưởng, thấy rõ được bản chất vô ngã (do duyên sinh, không tự
thể, không chủ tể, do điều kiện, nhân duyên mà có, không tồn tại độc
lập, không tự sinh ra cũng không tự nhiên mất đi), vô thường (luôn luôn
thay đổi, không thường có, thường còn (không thường tồn bất biến).
Cơ sở của Thiền Minh sát tuệ cũng dựa
trên pháp Tứ niệm xứ, nhưng được khai triển thành nhiều phương pháp để
áp dụng cho nhiều đối tượng khác nhau. Phương pháp thực hành là quán
thân và hơi thở thông qua sự chú tâm theo dõi hiện tượng chuyển động
phồng lên xẹp xuống của bụng. Trong lúc này để tâm ý quán sát những hiện
tượng phát sinh nơi thân, nơi tâm, chỉ quán sát thôi chứ không đồng
nhất mình với những hiện tượng đó. Để tâm ý tập trung theo dõi, nhận
diện sự sinh khởi (sự xuất hiện, sự sinh ra) và sự thay đổi, mất đi của
các hiện tượng nơi thân, nơi tâm.
Có một số trung tâm thiền Minh sát dạy
hành giả giữ chánh niệm (tập trung tâm ý không suy nghĩ, vọng tưởng) nơi
mũi, theo dõi hơi thở rồi chuyển sang quán sát cảm thọ nơi thân thể
hoặc quán sát những chuyển biến nơi tâm.
Cuối bài viết này xin khẳng định lại
những giá trị lợi ích mà thiền mang lại cho người bệnh nói riêng và tất
cả những ai có niềm tin vào pháp môn này nói chung:
1. Về thể chất
- Điều hòa cơ thể, giúp lưu thông khí
huyết, tái lập quân bình âm dương (Theo cơ sở lý luận của Đông y thì
tình trạng mất quân bình âm dương dẫn đến khả năng đề kháng bệnh tật suy
giảm).
- Giúp hấp thu nguồn năng lượng sống.
- Loại bỏ mầm bệnh (Các nghiên cứu về
khí công cho biết, thiền giúp thanh lọc cơ thể, đào thải trọc khí, bệnh
khí có hại cho cơ thể).
2. Về tinh thần
- Giúp thư giãn, giải tỏa những căng thẳng ức chế tâm lý, loại bỏ stress vốn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý.
- Giúp ổn định tinh thần, làm chủ cảm xúc (không để phát sinh những cảm xúc tiêu cực mà người xưa gọi là lục dục, thất tình).
- Làm tăng khả năng tập trung, trí nhớ tốt
- Tinh thần dồi dào, đầu óc minh mẫn sáng suốt.
3. Về tâm linh
Về phương diện tâm linh thì giác ngộ,
giải thoát là giá trị lớn nhất mà chỉ có thiền Phật giáo mới có, các
pháp thiền ngoại đạo không có được. Thiền giúp phát triển định (khả năng
tập trung tâm ý cao độ, không bị tán loạn, an tịnh, không bị sự tác
động, chi phối của các đối tượng bên ngoài và bên trong (vọng tưởng, tạp
niệm) và tuệ (sự thấy biết trực tiếp về hiện hữu tâm lý và vật lý. Sự
thấy biết này khác với nhận thức thông thường). Khi quán chiếu sâu sắc,
thuần thục về tính vô thường, duyên sinh, vô ngã của các pháp (các sự
vật, hiện tượng tâm, vật lý) thì xuất hiện trí tuệ thấy như thật thực
tại, từ đó hành giả thể nhập thực tại vô ngã, không còn ảo kiến mê chấp
về ngã, từ đó không còn bị ràng buộc, chi phối bởi các pháp, đây gọi là
giác ngộ, giải thoát. Khi chứng được vô ngã pháp (nhân vô ngã, pháp vô
ngã) thì chuyện sinh tử khổ đau chỉ là chuyện của kẻ còn trong mộng.
Phan Minh Đức