Một thời, Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, tinh xá
ông Anàthapindika. Có thanh niên Subha Todeyyaputta đi đến Thế Tôn, sau khi
chào và hỏi thăm, liền ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn :
Thưa
Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì giữa loài người với nhau, chúng tôi
thấy có người đoản thọ, có người trường thọ…?
Vậy, này Thanh niên, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ
nói:
Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn
ông sát sinh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại, đả thương, tâm không
từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, sau khi mạng chung bị sanh vào
cõi dữ, ác thú. Neu được tái sanh trong loài người, người ấy phải đoản mạng.
Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay đàn
ông từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có
lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh. Do nghiệp ấy, sau khi
mạng chung được sanh vào thiện thú, thiên giơi. Nếu tái sanh trong loài người,
người ấy được trường thọ.
(ĐTKVN, Trung Bộ III, kinh Tiểu Nghiệp Phân
Biệt, VNCPHVN ấn hành, 1992, tr.473)
LỜI BÀN:
Mỗi người sống trên đời đều có một thân phận, tuổi thọ
khác nhau. Có người sống lâu và khoẻ mạnh nhưng cũng có người luôn bị bệnh tật,
tai nạn hoặc thậm chí chết yểu. Nguyên nhân của sự khác biệt về thọ mạng giữa
người trường thọ và người đoản thọ là do hành nghiệp của họ trong quá khứ và
ngay chính trong hiện tại khác nhau. Nếu người nào tạo nhiều nghiệp sát sinh,
không có lòng từ thì người ấy bị ác báo sát sinh làm cho đoản mạng. Ngược lại,
người nào sống trên đời không sát sinh, biết bảo vệ và tôn trọng sự sống, giàu
lòng từ ái đối với mọi người, mọi loài thì người ấy được phước báo trường thọ.
Nhân quả về thọ mạng rất rõ ràng và minh bạch, không
một đấng quyền năng hoặc siêu nhiên nào có quyền chi phối và quyết định sự sống
con người. Chính con người tự quyết định lấy số phận của họ thông qua nghiệp
lực do chính họ tác tạo.
Để cải tạo nghiệp lực, nhất là nghiệp sát sinh nhằm
tăng thượng phước báo về thọ mạng thì mỗi người nên tu tập phát triển lòng từ.
Chỉ có từ bi mới dập tắt hận thù; chỉ có lòng thương không phân biệt và vô điều
kiện của từ bi mới hóa giải mọi mâu thuẫn và xung đột. Trong bối cảnh chiến
tranh, khủng bố, bạo lực và giết hại tràn lan khắp thế giới, ác nghiệp sát sinh
đang hoành hành, người Phật tử phải ý thức sâu sắc về hậu quả của nghiệp giết
hại, tận lực kêu gọi và đấu tranh cho hòa bình. Đồng thời, tự thân khắc phục
sát nghiệp bằng cách thực hành ăn chay, bảo vệ môi trường, tôn trọng sự sống,
trưởng dưỡng và phát tán hạt giống từ bi đến với mọi người.
Theo lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikaya
Quảng Tánh