Giáo pháp của Đức Pháp vương
Gyalwang Drukpa không xa lạ, hàn lâm. Ngài giác ngộ mọi người bởi sự
chân tu và nhập thế, sự thông tuệ của Ngài được chuyển hóa đến với
những người tiếp xúc một cách rất truyền cảm, giản dị và thực tiễn.
Là vị lãnh tụ tâm linh của
Truyền thừa Drukpa thuộc Phật giáo Kim Cương thừa, Ngài hiện đang lãnh
đạo hệ thống hàng trăm tự viện tại các quốc gia Nepal, Ấn Độ... và
nhiều trung tâm Phật giáo trên toàn thế giới. Mọi triết lý của Ngài quy
tụ trong ba chữ “Tình yêu thương, Trí tuệ và Hành động”. Đức Pháp
vương đã đem những triết lý ấy trở lại thăm Việt Nam lần thứ tư để
giảng pháp, hướng đạo trong thời gian từ 31.10 đến 7.11, theo lời mời
của Thành hội Phật giáo Hà Nội. Trước đó Pháp vương đã ba lần viếng
thăm Việt Nam vào năm 2010, 2008 và 2007. Ấn tượng đầu tiên từ Đức Pháp
vương là sự gần gũi và nụ cười rạng rỡ của Ngài, và cách Ngài chào,
bắt tay mọi người rất thân mật. Dưới đây là ghi chép của phóng viên từ
những lời của Ngài tới người dân và Phật tử Việt Nam trong chuyến thăm
này.
Nhân duyên với đất nước Việt Nam
Tôi có thể cảm nhận được sự kết
nối đặc biệt giữa tôi với đất nước, người dân Việt Nam. Đó là do duyên
lành, do “nghiệp” từ lâu đời. Đến nay, mối liên hệ đó phát triển mạnh
mẽ nhờ tâm chí thành thực hành Phật pháp của các Phật tử Việt Nam và
quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ. Hơn nữa, Truyền thừa Drukpa
trong tiếng Phạn có nghĩa là “Rồng thiêng”, tên gọi bắt nguồn từ việc
bậc sáng lập Truyền thừa 800 năm trước đã thấy chín rồng thiêng cuộn
mình bay lên hư không từ nơi thánh địa Namdruk. Rồng là biểu hiện cho
tình yêu thương, hòa bình và sự thịnh vượng. Giờ tôi lại đến Hà Nội –
Thăng Long, vùng đất rồng bay, chẳng phải là do duyên nghiệp hay sao!
Trí tuệ, tình yêu thương và hành động
Truyền thừa Drukpa là Truyền
thừa thực hành, chủ trương đem Phật pháp áp dụng vào trong cuộc sống
thông qua những hành động thiết thực dựa trên tình yêu và trí tuệ, hiểu
biết chân thật hơn là việc chỉ thuần túy ngồi thiền định và cử hành
các khóa lễ, các nghi thức tôn giáo khác nhau. Chúng tôi cũng thực hiện
các nghi lễ cầu nguyện và thiền định. Nhưng chúng tôi tin rằng nếu
không áp dụng được giáo pháp vào trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ
lãng phí thời gian và năng lượng. Thời gian và năng lượng mà chúng ta
được ban tặng rất quý giá và cần phải được dùng để chuyển hóa thành
tình yêu thương và trí tuệ, phải được thực hành hàng ngày trong từng
phút từng giây.
Hành động là điều quan trọng
trong căn bản của Phật pháp. Hãy đưa giáo lý tình yêu thương thành hành
động, làm lợi ích cho tất cả các loài, không chỉ mọi người, động vật,
mà cả với cây cối môi trường, đem lại sự tươi mát, sự sống và niềm vui
cho muôn loài...
Tôi rất trân trọng người Việt
Nam vì sự năng động. Các bạn tôi làm việc ở đây nói rằng người Việt Nam
rất chăm chỉ, tích cực, chủ động trong việc sửa đổi cách sống, cải
thiện chất lượng sống, tôi rất trân trọng điều đó. Bởi tôi nghĩ rằng
nếu bạn cải thiện cuộc sống của bạn, bạn đang làm cho Việt Nam tốt hơn.
Nếu bạn làm cho Việt Nam tốt hơn, bạn đang cải thiện cả thế giới.
Với tâm nguyện chuyển hóa yêu
thương thành hành động thông qua sự hiểu biết như vậy, năm 2007, Đức
Pháp vương Gyalwang Drukpa đã khởi xướng phong trào thiện hạnh quốc tế
“Live To Love” (Sống Để Yêu Thương). Hiện nay, trụ sở chính của Live To
Love được đặt ở Hồng Kông và được sự hưởng ứng của tình nguyện viên
tại nhiều quốc gia như Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia,
Singapore, Nepal, Bhutan, Monaco, Mexico và Peru. Các thiện hạnh “Sống
để yêu thương” được tập trung trên các lĩnh vực bình đẳng giới, y tế,
giáo dục, môi trường, bảo tồn di sản...
Trong chuyến đi bộ vì môi trường
gần đây vào cuối năm 2010, Đức Pháp vương đã dẫn đầu đoàn lữ hành 300
người hành hương, đi bộ vượt 300km từ bang Tây Bengal đến Sikkim, Ấn
Độ. Trên bước hành trình, cả đoàn người đã thu gom được 980kg phế liệu.
Trong những cuộc đi bộ kéo dài hàng tháng đó, Pháp vương đã qua những
vùng khắc nghiệt nhất của dãy Himalaya, gặp gỡ người dân bản địa tại
những xóm làng xa xôi hẻo lánh nhất và những bộ tộc du cư để đánh giá
nhu cầu viện trợ và hỗ trợ của họ. Ngài phát động chương trình trồng
một triệu cây xanh để cứu sinh thái ở bang Ladakh, Ấn Độ. Điểm nhấn
của chương trình này là một kỷ lục thế giới Guinness: Lúc 10 giờ 10
phút, ngày 10/10/2010, hơn 9000 người đã trồng tới 50.033 gốc cây chỉ
trong hơn 33 phút. Năm 2010, Đức Pháp vương được trao giải thưởng Anh
hùng xanh – giải thưởng cao quý nhất về môi trường của Ấn Độ.
Cũng năm 2010, Liên Hợp Quốc đã
trao cho Đức Pháp vương giải thưởng cao quý “Vì mục tiêu Phát triển
Thiên niên kỷ” để tri ân những nỗ lực và đóng góp của Ngài ở khắp nơi
vì một thế giới tốt đẹp hơn. Tại Ấn Độ, Ngài lập ra ngôi trường xanh
Bạch Liên Hoa (Druk White Lotus School), vừa thân thiện với môi trường,
vừa cung cấp cho học sinh nền giáo dục hiện đại, nỗ lực giúp bảo tồn
nền văn hóa địa phương của họ.
Bình đẳng giới là một ví dụ nữa
về chữ “hành động” của Đức Pháp vương. Ngài chú trọng nâng cao địa vị
của các ni cô trong cộng đồng Truyền thừa Drukpa, cho họ học hành, đào
tạo kỹ năng sống, thậm chí khuyến khích họ học võ. Trong nhiều phái võ
quốc tế, Ngài đã lựa chọn võ cổ truyền Việt Nam để huấn luyện cho các
ni sư tại một tự viện của Ngài ở Nepal, với thầy dạy là một võ sư người
Việt, một mối thiện duyên khác của Ngài với Việt Nam. Trong mọi hoạt
động của mình, Đức Pháp vương luôn nhấn mạnh vai trò của giáo dục. Theo
Ngài, trí tuệ được tạo ra từ giáo dục. Không có sự giáo dục thì sự
hiểu biết nhỏ không thể thành trí tuệ. Giáo dục cần phải được trưởng
dưỡng bằng nhiều cách, không chỉ qua việc đến trường đọc sách mà còn
nhờ sự ban truyền cảm hứng, gương mẫu thực hiện các hành động cụ thể
trong cuộc sống. Giáo dục hay giáo pháp là quá trình phát triển thực
hành mỗi phút mỗi giây.
Ý nghĩa của Tình yêu thương
Chính vì ta không thể trốn chạy
thực tế nên ta cần phải sống với tình yêu thương lớn lao. Cho dù ta
sống thế nào, gia đình ta thế nào, trong điều kiện nào, chất lượng ra
sao, thì thực tế vẫn là ta đang sống và tồn tại trên thế giới này.
Thông thường khi nhắc đến một cuộc đời, người ta chỉ ghi năm sinh, năm
mất và ở giữa là một cái gạch ngang ngắn ngủi và vô cảm. Nhưng thực sự,
“cái gạch ngang” đó lại là toàn bộ cuộc đời và ý nghĩa cuộc đời của
chúng ta. Gạch ngang đó phải được kích hoạt thành sự sáng tạo, thành
những hành động tích cực đóng góp cho xã hội, làm cho cuộc sống của
mình có ý nghĩa.
Tôi lấy một ví dụ, thực chất các
loại thiên tai thảm họa trên thế giới, tất cả cơ bản đều xuất phát từ
việc thiếu tình yêu, sự quan tâm, sự hiểu biết. Tình yêu đó không chỉ
là tình yêu nam nữ, mà là giữa con người với tự nhiên. Chúng ta không
quan tâm tự nhiên, ta chỉ quan tâm đến bản thân. Ta không quan tâm đến
cây cỏ, đến động vật, ta chỉ quan tâm việc của ta. Đó là lý do cơ bản
gây ra mọi thảm họa. Với một đứa trẻ, hãy dạy cho nó biết đừng xả rác
ra môi trường, đừng bẻ cây, ngắt lá... Đó là cách yêu thương của tôi và
muốn mọi người chia sẻ.
Đối trị stress và phiền não trong cuộc sống
Thực tế, stress là kết quả của
một vài tà kiến, những nhận biết sai lầm về cuộc sống của chúng ta. Đó
là lý do khiến chúng ta suốt ngày bận rộn cho những mục đích hão huyền
vô nghĩa. Chính sự bận rộn vô lý này đem lại vô số lo lắng, căng thẳng
và stress cho chúng ta. Stress là kết quả của sự tuân thủ một cách rập
khuôn những khuôn mẫu và tiêu chuẩn nhất định. Và nếu mọi chuyện không
diễn ra theo cách bạn mong đợi thì bạn trở nên căng thẳng. Công việc
của bạn, bạn bè và gia đình, đối tác, hay bất cứ điều gì khác cũng có
thể khiến bạn chịu stress, và vì vậy trở thành nguyên nhân của căng
thẳng và khổ đau. Tại sao vậy? Đó là vì bạn hy vọng và sợ hãi. Bạn sợ
mình không hoàn hảo, và hy vọng mình trở thành hoàn hảo, trong khi mọi
chuyện chúng ta làm đều chỉ mang tính chất tương đối mà thôi. Vì thế,
chúng ta nên cố hết sức mình. Nếu chúng ta cố gắng làm hết sức mình,
thì nói một cách tương đối, như thế là đủ.
Hãy biết trân trọng cuộc sống và thực tại nhiệm màu
Thực ra thì chẳng có gì đáng để
theo đuổi, cho dù đó có là sự giàu có hay bất kỳ điều gì khác. Bạn cũng
không cần phải cạnh tranh đến mù quáng vì tất cả đều chỉ là tương đối,
và chẳng có gì thực sự tồn tại vững bền. Nếu biết rằng cuộc sống của
mình chỉ là tương đối, chúng ta có thể đi làm để kiếm tiền, rồi xây
dựng gia đình và sống một cuộc đời bình dị, mà vẫn tận hưởng niềm vui.
Chúng ta có thể có được rất nhiều thứ cùng một lúc như là hạnh phúc và
sự bằng lòng – những thứ tuyệt vời nhất. Nếu không có sự bằng lòng,
không có sự mãn nguyện, không có hạnh phúc, thế thì bạn làm việc để làm
gì. Những người may mắn hiểu về sự thật tương đối sẽ có khả năng tận
hưởng cuộc sống.
Tình yêu thương là quyền năng lớn nhất giúp bạn không sợ hãi.
Tình yêu thương là quyền năng lớn nhất thế gian, trong vũ trụ này.
Chẳng có gì mạnh hơn tình yêu thương.
Khi đã dưỡng trưởng tình yêu thương, lòng bi mẫn,
sẽ không còn sợ hãi. Sợ hãi không thể tồn tại vì tình yêu thương là
phép đối trị nỗi sợ hãi.
Tình yêu thương có thể tồn tại cùng nỗi sợ, song đó là tình yêu thương không chân thật.
(Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa)
|
Mỹ Hằng
theo Laodong