31/07/2011 21:10 (GMT+7)
Số lượt xem: 82921
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

HỎI: Gia đình tôi đều quy y Tam bảo và tin tưởng Phật-Pháp-Tăng tuyệt đối. Song, cha ruột của tôi (giảng viên đại học về hưu, hiện đã 71 tuổi) chỉ tin Phật mà không tin Tăng. Nhà của cha có thờ Bồ tát Quán Thế Âm nhưng chỉ thờ theo truyền thống như ông bà xưa vẫn thờ

. Mỗi lần đề cập đến chư Tăng, cha tôi tỏ thái độ rất tiêu cực. Tôi tìm hiểu thì cha nói thấy ngày nay không ít sư thầy hút thuốc, uống cà phê, đi xe và dùng điện thoại xịn, nói năng ồn ào,... Những hình ảnh ấy đã làm cho cha mất niềm tin vào Tăng bảo. Hiện cha tôi sắp gần đất, xa trời nhưng vẫn oán kết nặng nề với sư thầy, thậm chí không muốn mời thầy đến tụng kinh trong tang lễ của cha. Tôi rất đau lòng, biết cha nặng nghiệp mà không khuyên nhủ cha được. Vậy, làm thế nào để thuyết phục được cha tôi tin vào Tam bảo? Giả sử, làm mọi cách mà cha vẫn không chịu đồng ý để lúc lâm chung có sự tham dự của quý sư thầy, thì tôi tự tụng kinh cầu siêu cho cha có được không? 

(NGỌC LAN, nglan2000@yahoo.com)

ĐÁP:

Bạn Ngọc Lan thân mến!

Chúng tôi rất hiểu và đồng cảm với nỗi niềm “rất đau lòng, biết cha nặng nghiệp mà không khuyên nhủ cha được” của bạn. Cuộc sống là một bức tranh muôn màu, là sự kết hợp của vô vàn nhân duyên trùng điệp thiện ác và tốt xấu đan xen. Tuy vậy không phải ai cũng thấy toàn thể bức tranh, có không ít người chỉ thấy được một số mảng màu tối sáng theo nghiệp lực của mình.

Việc một số “sư thầy hút thuốc, uống cà phê, đi xe và dùng điện thoại xịn, nói năng ồn ào…” theo như phản ánh của cha bạn hẵn nhiên là có nhưng chỉ là thiểu số, cá biệt. Trong bối cảnh đời sống thị dân phát triển khá cao của một đô thị hiện đại như TP.HCM thì đời sống của người xuất gia được nâng cao hơn, năng động hơn là điều dể hiểu và chấp nhận được.

Về uy nghi cũng như việc sử dụng một số phương tiện đời sống của một vài người xuất gia có thể chưa chuẩn so với quy củ thiền môn xưa nghiêng về “thiểu dục, tri túc”, nhưng khắt khe đến độ không chấp nhận, kể cả lúc chết thì sự oán đối ấy có sắc thái cực đoan, quá nặng nề.

Cha bạn là một trí thức thừa hiểu biết nhưng lại thiếu cảm thông. Có thể có một sự oán kết mang dấu ấn ác cảm với chư Tăng rất sâu nặng từ kiếp trước hay trong quá khứ còn lưu dấu đến hiện nay.

May mắn là cha của bạn còn tin Phật. Đây cũng là mấu chốt quan trọng để đánh thức thiện tâm nhằm chuyển hóa tâm ý thiên chấp của cha. Bạn nên gợi ý cùng cha trao đổi những đề tài liên quan đến Đức Phật. Đức Phật Thích Ca là một nhân vật lịch sử, bậc Giác ngộ ngay giữa cuộc đời này. Suy nghiệm về Đức Phật qua các phương diện thực tiễn như tướng hảo, nhân cách, phương thức giáo dục v.v… cũng là một cách gieo trồng thiện căn có khả năng trị liệu và chuyển hóa nghiệp chướng.

Mặt khác, bạn nên cùng cha và gia đình đi du lịch, tiện thể tham quan một số chùa hay thiền viện như thiền viện Trúc Lâm, tu viện Hương Sen (Lâm Đồng), thiền viện Thường Chiếu-Viên Chiếu (Đồng Nai), thiền viện Chơn Không (Vũng Tàu) chẳng hạn. Đây là những tu viện, thiền viện chuyên tu nên cảnh và người rất nhàn tịnh. Tiếp xúc với chư vị Tăng Ni hay chiêm ngưỡng hình ảnh của họ tại các viện chuyên tu có thể sẽ làm cho nhận thức của cha bạn về người xuất gia thay đổi theo hưởng tích cực.

Trường hợp bạn đã nỗ lực hết mình mà cha vẫn oán kết nặng nề với chư Tăng thì đành chịu. Thời Phật còn tại thế, một vài trường hợp Ngài cũng không hóa độ được vì họ không đủ duyên lành. Nếu cha bạn không chuyển hóa mà còn cự tuyệt không cho con cháu mời chư Tăng đến tụng kinh trong tang lễ thì bạn cũng nên tùy thuận. Dù sao thì đó cũng là ý nguyện của người quá cố cần phải tôn trọng. Tuy vậy bạn và thân nhân vẫn có thể tụng niệm cầu nguyện cho cha để tỏ lòng thảo kính mà không có gì trở ngại cả.

Qua sự việc này, mỗi người xuất gia cũng nên tự quán xét và thúc thủ uy nghi của mình luôn như Pháp, như Luật để cho hàng Phật tử sơ cơ tăng trưởng tín tâm.

 

TỔ TƯ VẤN (tuvangiacngo@yahoo.com


Âm lịch

Ảnh đẹp