Dù chưa đủ xua tan màn đêm còn sót lại, ánh rạng đông là tín
hiệu đáng vui mừng và tin tưởng, vì nó báo hiệu bóng tối đang lùi dần,
nhường chỗ cho ánh sáng mặt trời tỏa ấm và soi sáng muôn vật. Chúng
ta đang đón tiếp một mùa Xuân dân tộc với một niềm tin tưởng như vậy về
quê hương đất nước chúng ta. Mặc dù còn nhiều khó khăn cần khắc phục và
vượt qua, xã hội Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực nhằm
phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức dân tộc và nhằm hòa nhập vào trào
lưu tiến bộ chung của thế giới; và chúng ta tin tưởng một tương lai
tốt đẹp đang đến gần với con người và đất nước Việt Nam. Đó là tín hiệu
mùa Xuân đối với mọi người Việt Nam chúng ta.
Đối với người Phật tử thì mùa Xuân còn là tín hiệu của điềm lành, của
phước nghiệpđang đến gần, đang chào đón chúng ta, những người làm
lành, giống như bà con và bạn hữu đang vui mừng chào đón sự trở về của
người khách viễn xứ vậy:
"Khách lâu ngày ly huơng,
An toàn từ xa về,
Bà con cùng thân hữu,
Hân hoan đón chào mừng.
Cũng vậy các phước nghiệp,
Đón chào người làm lành,
Đời này và đời sau,
Như thân nhân đón chào". (Pháp Cú, 219-220)
Người khách ly hương quay về xứ sở, góp sức mình cùng xây dựng quê
hương tốtđẹp. Cũng vậy, các phước nghiệp quay về với người làm lành,
gióng tiếng nói cho cuộc sống thêm đẹp, cho đời thêm tươi.
Hòa chung niềm vui của đất nước đang có những chuyển biến tốt đẹp,
người Phật tử Việt Nam chúng ta càng tin tưởng và nỗ lực nhiều hơn nữa
trong nếp sống thiện, nếp sốngđạo đức và nêu cao nét đẹp đạo đức của
mình, vì chúng ta hiểu rằng, chỉ có nếp sống thiện, nếp sống đạo đức mới
xây dựng được một xã hội tốt đẹp, một đất nước thật sự phát triển và
ổn định. Nhân dịp này, chúng tôi muốn giới thiệu với quý vị bài
kinh "Giáo Giới Rahula", như là phương pháp sống đạo đức của người Phật
tử, mở đường cho hạnh phúc và an lạc của tự thân, gia đình và xã hội,
một bài kinh đã được vua A-dục cho khắc vào bia ký và yêu cầu cả giới
xuất gia và tại gia cần phải tụng đọc và hành trì hằng ngày.
Bài kinh này (Kinh số 61, Trung Bộ) do đức Phật giảng dạy cho Tôn giả
Rahula khi Tôn giả còn là Sa-di, đang tập sự làm người xuất gia hành
Sa-môn hạnh. Sa-môn hạnh là nếp sống chuyên đào luyện thân tâm dựa trên
pháp môn Giới, Định, Tuệ của đức Phật. Bài kinh được tóm tắt như sau:
Hôm ấy, đức Phật đến thăm Tôn giả Rahula đang sống tu tập tại ngôi
rừng Ambalatthika.Tôn giả Rahula đón tiếp bậc Đạo sư của mình với một
tâm tư hoan hỷ và một vài nghi thức cần thiết như sửa soạn chỗ ngồi, múc
nước rửa chân, kính lễ bậc Đạo sư... Rồi đức Phật, trong khi đang rửa
chân, đã dùng ảnh dụ "chậu nước rửa chân", để dạy cho Tôn giả Rahula về
hạnh không nói láo, bởi biết mà nói láo là hành vi được xem là phi
Sa-môn hạnh, khiến Sa-môn hạnh trở nên bị kém cỏi, bị đổ bỏ, bị lật úp,
trở thành trống rỗng, giống như ảnh dụ cái chậu nước rửa chân vậy.
Tiếp theo, đức Phật dùng ví dụ hai con voi lâm trận để minh họa hai
nếp sống khác nhau. Thứ nhất là nếp sống biết phòng hộ lời nói (không
nói láo), được ví cho con voi thứ nhất, biết giữ gìn và bảo vệ cái vòi
khi lâm trận, nên không quăng bỏ mạng sống của nó nơi chiến địa, là nếp
sống đáng thực hành, đáng học tập. Thứ hai là nếp sống không phòng hộ
lời nói (nói láo), được ví như con voi thứ hai, không biết giữ gìn và
bảo vệ cái vòi khi lâm trận, nên cuối cùng con voi ấy đành quăng bỏ mạng
sống của mình nơi trận mạc, là nếp sống không nên thực hành; bởi vì,
khi người ta không chú ý đến việc phòng hộ lời nói, khi người ta nói láo
mà không biết tàm quý xấu hổ thì điều đó sẽ có nghĩa là con người ta
có thể làm nhiều việc tệ hại hơn, giống như con voi lâm trận nhưng
không khéo gìn giữ, bảo vệ cái vòi của nó, con voi ấy sẽ không từ bỏ
bất cứ một hành động độc ác nào.
Sau cùng, đức Phật lại dùng ví dụ "chiếc gương soi" để huấn luyện cho
Tôn giả Rahula phương pháp thanh tịnh hóa ba nghiệp–thân, khẩu, ý–
bằng cách xem xét và phản tỉnh nhiều lần đối với mỗi hành vi của ba
nghiệp, trước khi làm, trong khi làm và sau khi làm, khiến cho ba
nghiệp được thanh tịnh, không rơi vào các hành động phi pháp, phi đạo
đức. Đức Phật khuyên Tôn giả Rahula nên thực hành pháp môn này, bởi
vì đó là phương pháp tịnh hóa ba nghiệp mà bất kỳ Sa-môn hay Bà-la-môn
nào, dù ở quá khứ, hiện tại hay vị lai, muốn trang nghiêm thanh tịnh ba
nghiệp của mình đều thực hành theo phương pháp này.
Như vậy, nếp sống đạo đức của người Phật tử, như được mô tả trong bài
kinh Giáo Giới Rahula, là nếp sống chuyên phòng hộ và tu tập ba
nghiệp, không để cho ba nghiệp rơi vào hành vi ác, bất thiện. Người
Phật tử là người phát nguyện đi theo con đường giác ngộ của đức Phật,
do đó, bất cứ hành vi nào chống lại sự giác ngộ, chống lại khả năng tự
hoàn thiện nhân cách giác ngộ ấy đều được người Phật tử nhận chân và
ngay lập tức tìm cách loại bỏ nó. Nếp sống đạo đức của người Phật tử là
nếp sống biết làm điều gì và không làm điều gì.
Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy. (Pháp Cú, 183)
Bài kệ trên đã khái quát rõ một nếp sống mà người Phật tử cần phải
chọn lựa. Để tìm thấy hạnh phúc, Phật tử không những từ bỏ các điều ác,
mà còn phải làm các điều lành, bởi chỉ có thân làm lành, miệng nói
lành, ý nghĩ lành mới có thể xây dựng một đời sống đạo đức, hạnh phúc
lành mạnh. Nếp sống đạo đức của người Phật tử bắt đầu từ việc bỏ ác làm
lành.
Có mười hành vi thường được nói đến trong giáo lý đạo Phật liên quan đến ba nghiệp thân, khẩu, ý gồm:
– Sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, thuộc thân nghiệp.
– Nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm; thuộc khẩu nghiệp.
– Tham dục, sân hận, tà kiến; thuộc ý nghiệp.
Mười hành vi này, nếu làm thì gọi là ác hay bất thiện, không làm hay
từ bỏ thì gọi là thiện, và phương pháp tịnh hóa ba nghiệp như được nói
trong bài kinh Giáo Giới Rahula chính là nếp sống tử bỏ mười điều ác và
làm mười điều thiện này. Dĩ nhiên, người Phật tử sẽ không bao giờ nhầm
lẫn giữa hai nếp sống thiện và bất thiện bởi giáo lý của đức Phật luôn
luôn phân định rõ ràng biên giới giữa thiện và bất thiện. Một vài định
nghĩa sau đây sẽ giúp soi sáng thái độ chọn lựa của người Phật tử.
"Chư Hiền, thế nào là bất thiện? Chư Hiền, sát sanh là bất thiện, lấy
của không cho là bất thiện, tà hạnh trong các dục là bất thiện, nói
láo là bất thiện, nói hai lưới là bất thiện, nói lời độc ác là bất
thiện, nói lời phù phiếm là bất thiện; tham dục là bất thiện, sân hận
là bất thiện, tà kiến là bất thiện.
Chư Hiền, thế nào là thiện? Chư Hiền, từ bỏ sát sanh là thiện, từ bỏ
lấy của không cho là thiện, từ bỏ tà hạnh trong các dục là thiện, từ bỏ
nói láo là thiện, từ bỏ nói hai lưỡi là thiện, từ bỏ nói lời độc ác là
thiện, từ bỏ nói lời phù phiếm là thiện; từ bỏ tham dục là thiện, từ
bỏ sân hận là thiện, từ bỏ tà kiến là thiện" (Trung Bộ I, Kinh Chánh
Tri Kiến, số 9).
GIẢI PHÁP HAY NẾP SỐNG ĐẠO ĐỨC ĐƯỢC ĐỀ BẠT TRONG BÀI KINH
I. Nếp sống từ bỏ mọi điều ác bằng cách xem xét và phản tỉnh về ba nghiệp thân, khẩu ý.
"Này, Rahula, khi ông muốn làm một thân, khẩu, ý nghiệp gì, hãy phản
tỉnh như sau: "Thân, khẩu, ý nghiệp này ta muốn làm; thân, khẩu, ý
nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai, thời
thân, khẩu ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến khổ đau, đem lại quả báo
khổ đau". Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh ông biết rằng thân, khẩu, ý
nghiệp ông muốn làm ấy có thể đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai,
thời thân, khẩu, ý nghiệp ấy là bất thiện, đưa dến khổ đau, đem lại quả
báo khổ đau, thời này Rahula, một thân, khẩu, ý nghiệp như vậy ông
nhất định chớ có làm.
"Này Rahula, khi ông đang làm một thân, khẩu, ý nghíệp gì, ông cần
phải phản tỉnh như sau: "Thân, khẩu, ý nghiệp này ta đang làm; thân,
khẩu, ý nghiệp này của ta có thểđưa đến tự hại, hại người, hại cả hai,
thời thân, khẩu, ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến khổ đau, đem lại quả
báo khổ đau”. Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh ông biết rằng thân,
khẩu, ý nghiệp ông đang làm ấy có thể đưa đến tự hại, hại người, hại cả
hai, thời thân, khẩu ý nghiệp ấy là bất thiện, đưa đến khổ đau, đem
lại quả báo khổ đau, thời này Rahula, ở đây ông hãy từ bỏ thân, khẩu, ý
nghiệp như vậy.
"Này Rahula, sau khi làm xong một thân, khẩu, ý nghiệp gì, ông cần
phải phản tỉnh như sau: "Thân, khẩu, ý nghiệp này ta đã làm; thân, khẩu,
ý nghiệp này của ta có thểđưa đến tự hại, hại người, hại cả hai, thời
thân, khẩu, ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến khổ đau, đem lại quả báo
khổ đau”. Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh ông biết rằng thân,
khẩu, ý nghiệp ông đã làm ấy có thể đưa đến tự hại, hại người, hại cả
hai, thời thân, khẩu ý nghiệp ấy là bất thiện, đưa đến khổ đau, đem lại
quả báo khổ đau, thời này "Rahula, một thân, khẩu, ý nghiệp như vậy
ông cần phải lo âu, tàm quý, nhàm chán, ông cần phải thưa lên, cần phải
tỏ lộ, cần phải trình bày trước vị Đạo sư hay trước các vị đồng Phạm
hạnh có trí. Sau khi lo âu, tàm quý, nhàm chán, thưa lên, tỏ lộ trình
bày, ông cần phải phòng hộ trong tương lai" (Trung Bô Kinh I, số 61,
kinh giáo giới La-hầu-La ở rừngAmbala).
II. Nếp sống làm các điều lành qua việc xem xét và phản tỉnh về ba nghiệp.
"Này Rahula, khi ông muốn làm một thân, khẩu, ý nghiệp gì, hãy phản
tỉnh như sau: "Thân, khẩu, ý nghiệp này ta muốn làm; thân, khẩu, ý
nghiệp này của ta không có thểđưa đến tự hại, hại người, hại cả hai,
thời thân, khẩu ý nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo
an lạc”. Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh ông biết rằng thân, khẩu, ý
nghiệp ông muốn làm ấy không có thể đưa đến tự hại, hại người, hại cả
hai; thân, khẩu, ý nghiệp ấy là thiện, đưa đến an lạc, đem lại quả báo
an lạc, thời này Rahula, một thân, khẩu, ý nghiệp như vậy ông nên làm.
"Này Rahula, khi ông đang làm một thân, khẩu, ý nghiệp gì, ông cần
phải phản tỉnh như sau: "Thân, khẩu, ý nghiệp này ta đang làm; thân,
khẩu, ý nghiệp này của ta không có thể đưa đến tự hại, hại người, hại cả
hai, thời thân, khẩu? Ý nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem lại
quả báo an lạc”. Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh ông biết rằng thân,
khẩu, ý nghiệp ông đang làm ấy không có thể đưa đến tự hại, hại người,
hại cả hai; thân, khẩu, ý nghiệp ấy là thiện, đưa đến an lạc, đem lại
quả báo an lạc, thời này Rahula, một thân khẩu, ý nghiệp như vậy ông
cần phải tiếp tục làm.
"Này Rahula, sau khi làm xong một thân, khẩu, ý nghiệp gì, ông cần
phải phản tỉnh như sau: "Thân, khẩu, ý nghiệp này ta đã làm; thân, khẩu,
ý nghiệp này của ta không có thể đưa đến tự hại, hại người, hại cả
hai, thời thân, khẩu, ý nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem lại
quả báo an lạc”. Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh ông biết rằng
thân, khẩu, ý nghiệp ông đã làm ấy không có thể đưa đến tự hại, hại
người, hại cả hai; thân, khẩu, ý nghiệp ấy là thiện, đưa đến an lạc,
đem lại quả báo an lạc, thời này Rahula, ông cần phải an trú trong niềm
hoan hỷ, tự mình tiếp tục tu học ngày đêm trong các thiện pháp" (Trung
Bô Kinh I, số 61, kinh giáo giới La-hầu-La ở rừngAmbala).
Giải pháp hay nếp sống đạo đức như được gợi ý ở các đoạn kinh trên là
hết sức căn bản và rõ ràng. Đạo đức ở đây là đồng nghĩa với việc bỏ ác
làm lành, là một nếp sống thiết thực có cân nhắc chọn lựa vừa thiện và
bất thiện, chớ không có mơ hồ, tưởng tượng. Bởi các nghiệp sẽ đưa đến
ác báo, khổ đau và thiện nghiệp đưa đến thiện báo, an lạc; do đó, sống
đạo đức, bỏ ác làm lành, cũng có nghĩa là sống hạnh phúc. Có rất nhiều ý
kiến khác nhau xoay quanh khái niệm hạnh phúc, nhưng đạo Phật nhấn
mạnh hạnh phúc của nếp sống bỏ ác làm lành. Quả vậy, với tiêu chuẩn
thiện ác rõ ràng, không lẫn lộn, người Phật tử có thể quyết định số
phận khổ đau hay hạnh phúc của chính mình qua nếp sống thiện hay bất
thiện, như đức Phật đã chỉ rõ:
"Nếu với ý ô nhiểm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo". (Pháp Cú 1)
Hay là :
"Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình". (Pháp Cú, 2)
Một vài nhận xét về bài kinh:
Tiếp theo, chúng tôi xin trình bày với quý vị một vài nhận xét về bài kinh vừa nêu.
Trước hết, Giáo Giới Rahula là bài kinh căn bản giúp xây dựng nếp
sống thiện, nếp sống đạo đức, hạnh phúc cho người Phật tử. Nếp sống đạo
đức của người Phật tử là nếp sống bỏ ác làm lành. Bài kinh cần được các
Phật tử lưu tâm học thuộc lòng nhiều đoạn, nhất là các đoạn nói về
cách từ bỏ ba nghiệp ác, thực hành ba nghiệp thiện qua việc xem xét và
phản tỉnh nhiều lần, trước khi làm, trong khi làm và sau khi làm ba
nghiệp.
Bài kinh chỉ nêu lên cách thức quán sát và phản tỉnh về ba nghiệp
thân, khẩu, ý, mà không đề cập cụ thể các hành vi thường đi liền với ba
nghiệp. Do đó, một sự liên kết mười thiện nghiệp hay mười ác nghiệp gắn
liền với thân, khẩu, ý là hết sức cần thiết trong khi thực hành phương
pháp thanh tịnh hóa ba nghiệp này.
– Sự xem xét và phản tỉnh về ba nghiệp là rất quan trọng trong pháp
môn thanh tịnh hóa ba nghiệp, bởi vì, có xem xét và phản tỉnh nhiều lần
thì mới đoan chắc điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Có thể nói,
cốt lõi của bài kinh là nằm ở chỗ này, tức là sự xem xét và phản tỉnh
về những gì muốn làm, đang làm hay đã làm bởi thân, khẩu, ý; vì nếu
không có sự xem xét hay phản tỉnh về ba nghiệp thì không thể có sự
phòng hộ hay tu tập ba nghiệp. Tương tự, thái độ xem xét thành thật về
ba nghiệp, thiện hay ác, là hết sức cần thiết nhằm chặn đứng điều ác,
nếu có, và nhằm khích lệ các điều thiện đã làm.
– Thiện hay ác không dễ dàng đến với mình nếu không do sự tích lũy
dần dần trong cuộc sống. Một cuộc đời chứa đầy ác, ấy là do thái độ xem
thường của con người đối với các điều ác nhỏ nhặt được tích lũy lâu
ngày trong cuộc sống. Tương tự, người Phật tử chứa đầy thiện, ấy là do
thái độ biết trân trọng các điều thiện, dù rất nhỏ, được nuôi dưỡng lâu
năm dần trong nếp sống làm lành:
"Chớ chê khinh điều ác,
Cho rằng chưa đến mình,
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn.
Người ngu chứa đầy ác,
Do chất chứa dần dần". (Pháp Cú, 121)
và:
"Chớ chê khinh điều thiện,
Cho rằng chưa đến mình,
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn,
Người trí chứa đầy thiện,
Do chất chứa dần dần". (Pháp Cú, 122)
– Tính cách thực tiễn của bài kinh khiến chúng ta tin tưởng rằng lời
dạy của đức Phật không phải để dành riêng cho ai, mà dành cho tất cả
mọi người, cho những ai biết trân trọng và tìm thấy lợi ích, hạnh phúc
trong nếp sống thiện, nếp sống có đạo đức. Giải pháp đạo đức được đề
bạt trong bài kinh là thiết thực và dễ dàng, liên quan đến đời sống
hàng ngày của con người (lời nói, suy tư và hành động), do đó mọi người
đều có thể ứng dụng. – Sau cùng và cũng là điều quan trọng hơn cả là
việc ứng dụng bài kinh vào cuộc sống hàng ngày của người Phật tử. Bài
kinh nói về nếp sống thiện, nếp sống đạo đức; nhưng đạo đức không có ở
trong bài kinh, đạo đức chỉ có nơi những người chuyên tâm thực hành
những lời kinh dạy. Do đó, giảng nói về đạo đức là cần thiết, nhưng
quan trọng hơn vẫn là sống một nếp sống đạo đức thực sự với sự xem xét
và phản tỉnh thường xuyên về ba nghiệp, thân, khẩu, ý của mình.
Chúng tôi vừa giới thiệu với quý vị bài kinh Giáo Giới Rahula với
giải pháp đạo đức thực tiễn có thể giúp ứng dụng dễ dàng vào đời sống
hàng ngày của mỗi người Phật tử chúng ta. Chúng tôi cũng đã có vài nhận
xét gợi ý nhằm giúp cho quý vị thấy rõ tầm quan trọng của pháp môn
thanh tịnh hóa ba nghiệp đối với cuộc sống là như thế nào. Vấn đề còn
lại chỉ là mỗi cá nhân chúng ta có cương quyết thực hiện hay không mà
thôi. Tất nhiên, chúng tôi rất tin tưởng mỗi người Phật tử chúng ta đều
đang nỗ lực thực hành lời Phật dạy, nhất là vấn đề tu dướng đạo đức là
hết sức cần thiết cho cuộc sống con người và xã hội ngày nay. Quả
thật, chúng ta cần bình tâm mà nhận ra rằng, dù đã có những bước chuyển
mình khá tốt đẹp, xã hội Việt Nam đang tồn đọng nhiều vấn đề đòi hỏi
mỗi người Việt Nam chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn mới mong giải
quyết được. Nhưng điều chúng ta lo ngại nhất là nếp sống văn hóa và đạo
đức truyền thống đang có nguy cơ bị đẩy lùi khiến ảnh hưởng đến các
thế hệ con em của chúng ta, vì nó làm cho con người Việt Nam vốn mất
dần đi tính chất của con người Việt Nam vốn có cội nguồn văn hoá vàđạo
đức rất đặc biệt. Nguyên nhân của vấn nạn trên là gì nếu không nói là
sự thờ ơ và xem thường của con người Việt Nam trước vấn đề đạo đức của
cá nhân dẫn đến sự thờ ơ đối với đạo đức gia đình và xã hội? Tại sao
trẻ em Việt Nam chưa ngoan? Tại sao trẻ em Việt Nam thiếu hoặc không
tôn trọng bố mẹ, thầy cô giáo? Tại sao trẻ em Việt Nam trở thành kẻ
phạm pháp? Câu trả lời thì đã có nhiều, nhưng chắc chắn con em của
chúng ta sẽ không có những sai phạm nói trên nếu như những người lớn
chúng ta đã không tỏ ra quá buông thả trong đời sống cá nhân khiến ảnh
hường đến tâm lý hay học đòi, bắt chước của chúng? Vấn đề đang đòi hỏi
sự quan tâm nhiều hơn nữa về nếp sống đạo đức và nêu cao đạo đức của
mỗi người Việt Nam chúng ta.
Chúng ta đã từng có, trong lịch sử dân tộc, những mùa Xuân thật sự
hạnh phúc và thái bình mà tấm thảm dệt nên mùa Xuân đó không gì khác là
nếp sống thiện, nếp sốngđạo đức của một dân tộc được phát huy cao độ.
Một thoáng nhìn về quá khứ để thấy rằng dân tộc Việt Nam chúng ta đã
từng tu dưỡng đạo đức qua nếp sống từ bỏ mười điều ác, thực hành
mười điều thiện của thân, miệng, ý và đã từng hưởng trọn những mùa Xuân
an lành, thịnh vượng nhờ nếp sống ấy. Đó là những mùa Xuân thời Lý,
Trần. Chúng ta từng có những ông vua bỏ ngai vàng xuất gia, kiên quyết
sống đời sống đạo đức và khuyên dạy người dân tu dưỡng đạo đức qua nếp
sống làm mười điều thiện khiến ảnh hưởng đến đời sống đạo đức của toàn
dân và thái bình của xứ sở.
Lịch sử đã sang trang. Thời Lý, Trần đã lùi về quá khứ. Nhưng phải
chăng tấm gương của thời Lý, Trần đã cần thiết cho cuộc sống hiện tại
của chúng ta để suy gẫm lại nếp sống của chính mình, giống như "chiếc
gương soi" của đức Phật trong bài kinh Giáo Giới Rahula là hết sức cần
thiết để soi lại ba nghiệp thân, khẩu, ý của mỗi người chúng ta? Chúng
tôi hy vọng mỗi người Phật tử chúng ta sẽ mang sắc bên mình "chiếc gương
soi" mà hơn 25 thế kỷ trước đức Phật đã ưu ái trao cho Tôn giả Rahula.
Và đó là tín hiệu đầu Xuân mà chúng tôi thân ái muốn gởi đến.
(Bài giảng đầu Xuân Giáp Tuất năm 1994 tại Thiền viện Vạn Hạnh)
Trích từ sách "Chánh Pháp và Hạnh Phúc"