Nhiều
người cho rằng, chỉ có các bà, các cô hay những người lớn tuổi mới tiếp
cận và đọc các sách viết về Phật pháp và luật nhân quả. Bởi họ là những
người đã có những trải nghiệm trong cuộc đời, họ đọc sách để răn dạy
con cháu điều hay, lẽ phải. Nhưng hiện nay, nhiều người trẻ đã biết tìm
về với những giá trị "thiền" để hiểu và làm điều thiện…
Đọc sách Phật... quên ăn
Tại
thư viện chùa Quán Sứ, Hà Nội, hàng ngày có rất nhiều người vào để đọc
sách, trong đó có không ít các bạn trẻ. Sách ở thư viện nhà chùa có rất
nhiều, từ những quyển sách răn dạy phật tử làm việc thiện, những điều
răn của Phật đến những cuốn kinh Phật.
Nhiều
bạn chia sẻ, mỗi tuần dành nửa ngày để đọc những cuốn sách liên quan
đến Phật pháp và mỗi lần như thế, họ lại thấy tâm hồn mình thanh thản
hơn, sống thiện hơn.
Nhiều bạn trẻ đọc sách Phật pháp để sống vị tha hơn
Đến
chùa đọc sách, không những các bạn trẻ được vãn cảnh chùa mà họ còn
hiểu hơn cuộc sống của các ni cô, chú tiểu, bởi ngoài thế giới ồn ào
ngoài kia, thì cũng có những con người chọn cho mình cách sống "lặng",
đi theo những đức tin của đạo Phật, để phục vụ cuộc sống theo một cách
rất riêng.
Không
những đến chùa đọc sách, nhiều bạn trẻ còn mua sách về Phật pháp về nhà
đọc. Mỗi ngày đọc một trang, hiểu một trang, thì sẽ thấy cuộc đời đơn
giản hơn là mình nghĩ: Cứ làm nhiều việc thiện, bạn sẽ thấy yêu đời hơn,
sẽ tránh được các xích mích không đáng có, bởi ngay từ khi sinh ra trên
đời này, bạn đã là một món quà của tạo hóa rồi.
Phương
Loan (ngõ 173, Giải Phóng, Hà Nội) cho biết: "Từ ngày đọc các quển sách
về đạo Phật, tôi học được tính kiên trì, biết kiềm chế tính nóng nảy.
Thấy bà nội hay đi chùa và đọc các quyển sách này, ban đầu tôi không để
ý, thậm chí thấy sờ sợ. Nhưng đã đọc và hiểu quyển sách thì thấy ham
lắm, bởi sách chỉ dạy con người làm điều thiện, không sát sinh, không
trộm cắp, nói dối".
Còn
Ngọc Mai, sinh viên trường Đại học Đông Đô kể rằng, ngày trước cô rất
"đanh đá", hay gây gổ với bạn bè. Thậm chí nếu không ưa ai, cô sẵn sàng
đi "nói xấu" sau lưng để kéo đồng minh về phía mình. Tuy nhiên, từ ngày
đến chùa đọc sách Phật, nhất là cuốn sách viết về những việc làm kiếp
này có thể ứng vào kiếp sau, cô đã "nền" tính hơn hẳn. Cô bảo, mỗi người
mỗi tính, điều quan trọng là dung hòa được với nhau.
Có
lần, Ngọc Mai đọc sách, quên cả… ăn cơm. Bạn bè cũng ngạc nhiên vì tính
cô thay đổi khắc hẳn ngày trước. Khi biết nguyên nhân là từ ngày cô
"nghiên cứu" sách về Phật pháp, cô biết sống vì người khác hơn, ai cũng
ngạc nhiên, thích thú. Thậm chí, Ngọc Mai còn chia sẻ với mấy cô bạn
thân của mình cùng đọc sách này để "có cái nhìn thiện hơn về cuộc sống".
"Thiền" để sống có ý nghĩa hơn
Nhiều
bạn trẻ đã ví von rằng, đọc sách về Phật pháp cũng là một cách "thiền"
để sống có ý nghĩa hơn. Với một xã hội xô bồ, với những người trẻ mới
lớn, sự định hướng về cuộc sống, về cách nghĩ là rất quan trọng và việc
tìm đến những cuốn sách răn dạy điều hay, lẽ phải về cuộc sống là một
tín hiệu tốt.
Trong
cuốn sách "Kinh di lạc độ thế", các bạn trẻ học được cách tránh làm
điều xấu, bởi Phật giáo cho rằng, con người có kiếp luân hồi, việc làm
của chúng ta hôm nay sẽ ảnh hưởng đến kiếp sau, kiếp trước hay làm điều
thiện, giúp đỡ người khác thì kiếp sau sẽ được "quả" ngọt. Dù tin hay
không thì triết lý ấy cũng rất có lý. Bởi ngay sau khi làm điều thiện,
chúng ta đã cảm thấy hạnh phúc hơn, thanh thản hơn rất nhiều.
Phạm
Minh Châu (lớp 12, trường PTTH Kim Liên, Hà Nội) cho biết: "Năm nay, em
học lớp 12 nên cũng không có nhiều thời gian để đọc sách về Phật pháp.
Tuy nhiên, những lúc học hành căng thẳng, không hiểu sao mỗi lần đọc
xong cuốn sách về Phật, em thấy mình học dễ vào hơn…".
Chị
Lan Anh, chủ cửa hàng sách trên phố Nguyễn Xí cho biết: "Ngoài các loại
sách về văn học, tham khảo thì nhiều bạn trẻ cũng tìm sách có liên quan
đến Phật, Tôi nghĩ, đọc sách Phật học, cũng là một xu hướng mới trong
giới trẻ. Ngay bản thân gia đình tôi cũng dạy con luôn làm việc thiện và
hướng cháu biết tìm đến cái hay, cái đẹp".
Sư
thầy Thích Thanh Tuấn, chùa Quán Sứ cho biết: “Ngày càng có nhiều bạn
trẻ tìm đến thư viện chùa đọc sách về Phật pháp. Có thể thấy, đây là
những người trẻ nhưng có cách nghĩ và lối sống rất "người lớn", nhà
Phật luôn chào đón những tấm lòng rộng mở đến với cửa "thiền" để cuộc
sống có nhiều ý nghĩa hơn".
Lạc Thành