Thế nhưng làm gì để có một tình yêu trong sáng và tươi đẹp, làm gì để
giữ gìn hạnh phúc thì không phải bạn trẻ nào cũng biết. Thực tế cho
thấy, đã không ít bạn vì mù quáng trong chuyện yêu đương mà chuốc lấy
khổ đau, thậm chí chôn vùi tương lai của mình…
Ý thức được
vấn đề trên, nên đông đảo bạn trẻ đã nô nức vân tập về chùa Bằng A
(phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), tham dự khóa tu “Khoảng
lặng cuộc sống”; bao gồm những nội dung liên quan đến các vấn đề tình
yêu, gia đình, sự nghiệp. Khóa tu này nhằm định hướng cho các sinh viên
có thái độ sống đúng đắn, ý nghĩa, có trách nhiệm hơn với bản thân,
với gia đình và với cộng đồng.
Ngay từ chiều 21–9–2012, hàng nghìn nam nữ sinh viên đã
tề tựu tại chùa Bằng A đăng ký khóa tu. Sân chùa vốn rộng lớn bỗng trở
nên bé nhỏ bởi số lượng người đăng ký tham dự rất đông, lên đến cả
nghìn người. “Nghe tin về khóa tu này từ nhiều hôm trước, chúng em
“căn” mãi mới biết lịch khai giảng. Chỉ chậm một chút thôi là… hết vé
tham dự” – bạn Thành Nam, sinh viên ĐH KHXH&NV cho biết.
Khóa tu lần thứ 2 dành cho các sinh viên có sự tham dự của1200 bạn trẻ
đến từ các trường ĐH tại Hà Nội và những vùng lân cận. Khóa tu hoàn
toàn miễn phí, khóa sinh không phải đóng góp bất cứ khoản kinh phí nào.
Nếu như chủ đề của khóa tu lần thứ nhất là “Tìm lại chính mình”, với
450 khóa sinh tham gia, thì chủ đề chính của khóa tu lần này là “Tình
yêu – hôn nhân – gia đình”, số người tham dự nhiều hơn gần gấp ba. Khóa
tu diễn ra trong 3 ngày từ 21 đến 23 – 9, các bạn trẻ được tiếp xúc
“kinh kệ”, học cách yêu thương, sống thủy chung, giữ gìn hạnh phúc gia
đình; và cả cách vượt qua đau khổ của sự chia tay. “Em mới có bạn trai,
chúng em dự định ra trường sẽ tiến tới hôn nhân. Khóa tu lần này sẽ
giúp em biết trân trọng và vun đắp cho tình yêu của mình bền vững; đồng
thời trang bị cho em những kiến thức để làm vợ, làm mẹ và gìn giữ hạnh
phúc gia đình sau này” – bạn Thu Lương, sinh viên năm thứ 4 cho biết.
Cả nghìn sinh viên đã tập trung tại chùa Bằng A tham dự khóa để hoàn thiện bản thân mình hơn!
Khóa tu không chỉ giúp các bạn trẻ biết cách vun đắp cho tình yêu và
hạnh phúc gia đình mà xuất phát từ những khó khăn của nhiều sinh viên
vấp phải trong cuộc sống, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm trụ trì chùa Bằng
A cùng các bậc tu hành nơi đây, đã xây dựng khóa tu “Khoảng lặng cuộc
sống” với tâm nguyện giúp các bạn sinh viên vững trước sóng gió, vượt
qua khó khăn, có thái độ sống đúng đắn và ý nghĩa.
Cuộc sống
hiện đại đang lôi cuốn con người vào guồng quay hối hả. Tâm trí con
người luôn luôn hoạt động, suy nghĩ, tìm cách “bon chen”, nên không có
thời gian nhìn lại bản thân mình. Bất kỳ ai cũng phải phấn đấu cho tình
yêu, cho gia đình và cho sự nghiệp của bản thân. Có người thành đạt
nhưng cũng có người bất hạnh, vì nguyện vọng không đạt mà chuốc lấy khổ
đau, sầu não. Khóa tu này nhằm hướng các bạn trẻ đến những điều tích
cực, biết cách tĩnh tâm để nhìn rõ mọi vấn đề trong cuộc sống.
Một trong những điều đau khổ của con người là việc tình yêu tan vỡ.
Không ít bạn trẻ sớm vướng vào vòng yêu đương (thậm chí sống thử), sao
nhãng chuyện học hành. Tình cảm nhiều thì sẽ che lấp lý trí, dẫn đến
học hành sa sút hoặc không sáng suốt trong các quyết định của mình. Đến
với khóa tu này, các bạn trẻ học được cách cân bằng giữa tình cảm và
lý trí, giữa chuyện yêu và chuyện học hành. Theo đại đức Thích Quảng
Tín, không riêng gì các bạn trẻ, khoảng cách giữa tình cảm và lý trí
chính là “khoảng lặng cuộc sống” mà bất kỳ ai cũng cần có, để nhìn lại
chính mình.
Mỗi khi nguyện cầu không đạt, con người thường
buồn khổ, sầu não. Đặc biệt, có bạn sinh viên vì chuyện tình cảm không
như mong muốn, đã lựa chọn những cách hành xử tiêu cực, thậm chí tìm
cách quyên sinh. Sở dĩ xuất hiện những trạng thái cảm xúc như vậy là do
tâm hồn xao động, dẫn đến lý trí bị lu mờ. Các bậc tu hành cho biết,
Phật giáo không đồng tình với những trạng thái cảm xúc tiêu cực đó. Con
người được sinh ra không phải ngẫu nhiên mà được làm người đã rất khó,
được làm người lành lặn, các căn đầy đủ, được học hành lại càng khó
hơn.
Các bậc tu hành chùa Bằng A giảng đạo cho các khóa sinh tham dự khóa tu.
Theo kinh Phật, con người được sống và được học phải mang ơn rất
nhiều, trong đó có 4 ân (ơn): ơn trời đất; ơn xã hội; ơn sư trưởng
(thầy dạy dỗ); ơn sinh thành. Nếu không lo báo đáp mà hủy hoại thân thể
thì tội nghiệt rất nặng, đó là người không biết tri ân, không biết báo
ân, không biết làm lợi cho xã hội. Khóa tu lần này tại chùa Bằng A
nhằm mục đích giúp các bạn trẻ “giác ngộ” những điều trên, để sống có
ích hơn, có trách nhiệm hơn với bản thân với gia đình và cộng đồng xã
hội.
Trong tình yêu, chủ đề “sống thử” hiện nay cũng được
nhiều sinh viên đặt ra tại khóa tu này. Theo sự kiến giải của các bậc
tu hành, “sống thử” là lối sống du nhập từ phương Tây, không phù hợp
với bản sắc văn hóa người Việt. “Sống thử” thực ra là lối sống của
những người không muốn ràng buộc với nhau, không có trách nhiệm với
nhau; hoặc vì ham muốn và bản năng lôi kéo không cưỡng lại được. Thực
tế, đây là lối sống buông thả, không phù hợp với bản chất trọng tình
trọng nghĩa của người Việt.
Còn về vấn đề vượt qua đau khổ
lúc chia tay, đại đức Thích Quảng Tín cho rằng, cuộc sống con người ai
cũng có thể gặp khó khăn trong công việc cũng như tình cảm. Đặc biệt
chuyện tình cảm không như mong ước, khiến nhiều bạn trẻ bi quan, tuyệt
vọng. Theo kiến giải nhà Phật, “chuyện tình cảm không như mong ước” nếu
tĩnh lặng để sáng suốt sẽ nhận ra, “tình cảm” đó không có thật, mà thực
tế nó chỉ đang tồn tại trong “khoảnh khắc” lý trí bị lu mờ - sẽ nhanh
chóng trôi qua, vì thế không nên khổ đau, sầu não.
Người sáng
suốt, thay vì nghĩ tiêu cực, buồn khổ vì những điều ngắn ngủi và
“không có thật”, sẽ tìm cách vượt qua khó khăn để hướng tới những điều
tốt đẹp khác đang chờ đón. Ý kiến của đại đức được không ít các bạn
sinh viên “giác ngộ” và tán thành. “Tham dự khóa tu này em đã học được
bao điều bổ ích. Em vừa chia tay bạn trai, đau khổ nên em khóc rất
nhiều, tưởng như đất trời sụp đổ. Tham dự khóa tu này em nhận thấy mình
không nên bi quan như vậy; em thấy mình vững vàng hơn, thanh thản và
nhẹ lòng hơn rất nhiều” – Thu Trang, sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân cho
biết.
“Nếu nội tâm tĩnh lặng, mọi quyết định của con người sẽ
sáng suốt hơn. Tâm tĩnh lặng ví như hồ nước lặng sóng, sẽ nhìn thấy mặt
trăng dưới đáy hồ. Hồ nước ví như sự xao động suy nghĩ, mặt trăng ví
với chân tâm. Cần phải tĩnh lặng thì mọi việc mới rõ ràng, sáng suốt.
Khóa tu này giúp các bạn trẻ tìm lại chính mình, và tĩnh tâm sáng suốt,
khắc phục khó khăn để hoàn thiện mình hơn, biết cách yêu thương và giữ
gìn hạnh phúc gia đình” – đại đức Thích Quảng Tín cho biết.
Trước khi vào khóa tu các sinh viên phải đọc to những quy định trong thời gian ở lại chùa thực hiện khóa tu.
Thành tâm ước nguyện
Buổi giảng về “Tình yêu, hôn nhân và gia đình” sáng nay của Thượng tọa Thích Nhật Từ khiến sinh viên phấn khởi, thoải mái.
Chăm chú lắng nghe giảng.
Những sinh viên năm thứ nhất, thứ hai các trường đại học rất tâm
nguyện với khóa tu, nhiều em cho biết đến với kỳ học này sẽ có tâm hồn
thoải mái, bớt lo đi những vụn vặt trong cuộc sống, tìm lại chính mình.
Khóa tu cũng là nơi để “kết nối bạn bè, chia sẻ yêu thương”.
Thượng tọa Thích Nhật Từ trong giờ giảng bài về “Tình yêu, hôn nhân và gia đình” sáng nay.
Các sinh viên bày tỏ lòng thành tâm, cung kính trước những lời giảng dạy của Thượng tọa Thích Nhật Từ.
Theo Xuân Trung - GDVN
Theo Sĩ Hào - PL&XH