101 ĐÓA SEN. - SỰ BÌNH AN -


-PHÁP CHƠN TỬ- Thiền Sinh Trúc Lâm
06/05/2013 19:04 (GMT+7)
Số lượt xem: 55716
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

- 73 -


Vạn sự đều lặng yên không bằng tấm lòng yên tịnh, vì trạng thái yên tịnh của sự vật là tương đối. Nếu trong lòng rối bời thì bạn sẽ không nhận được sự yên tịnh đó. Bạn phải tập như thế nào để chuyển hoá những phiền phức thành đơn giản. Chỉ có chính bạn mới thực hiện được. Bạn đừng vội tin vào những gì mà người khác nói và đừng bao giờ coi thường mơ ước của những người khác bạn nhé!





- 74 -

Nếu xét kỹ về nhân duyên, chúng ta sẽ thấy, trong 1 hạt cơm ta ăn hay những vật dụng ta dùng ngày nay, đều do vô số người đã đóng góp sức lực vào trong đó. Nhiều khi cũng có những người mà ta đã từng thù ghét hoặc có những người mà ta chưa từng quen biết và gặp mặt bao giờ. Do đó, ta phải thầm cảm ơn tất cả những người trên thế gian này. Nếu mỗi người chúng ta chịu khó thực tập và đi vào đời sống bằng tình thương và lòng biết ơn thì cuộc sống sẽ không còn đao binh ly loạn nữa.

- 75 -

"Nhẫn nhẫn nhất thời chi khí, miễn miễn bá nhật chi ưu". Nhẫn nhịn được 1 giờ thì khỏi phải trăm nghìn ngày đau khổ. Nếu thầy trò không nhẫn nhin nhau thì không còn đạo nghĩa. Vợ chồng không nhẫn nhịn nhau thì mỗi người không chung bước. Bạn bè không nhẫn nhịn nhau thì không thành tri kỷ. Xóm làng không nhẫn nhịn nhau thì sẽ gây thù.

Nếu nhẫn được những việc mà người khác không nhẫn được, đó mới thật là "NHẪN". Và nhẫn nhịn được những thứ mà người khác đem đến nhục mạ mình, ấy mới gọi là NHẪN NHỤC.

Do đó bạn phải học quy tắc "Dĩ nhu khắc cương" thì mới tạo cho cuộc sống này thêm nhiều niềm vui và ý nghĩa. Khi ta chết đi sẽ không có nhiều điều phải ăn năn và hối hận!

- 76 -

Trong đời này, không những hoàn cảnh mà còn mỗi người chung quanh, nhiều khi làm cho chúng ta đau khổ và thù hận. Thật sự trên thế gian này đâu có ai muốn người khác thù hận hay ghen ghét mình. Nhưng nhìn sâu thẳm trong tâm hồn thì người kia đã có những tập khí hoặc hoàn cảnh thiếu thốn tạo nên, hay được trao truyền từ cha mẹ. Những nỗi khổ tâm này vì họ không đủ nhân duyên lành để chuyển hoá và chia sẻ cùng với ta.

Thật sự, người dù xấu tới đâu cũng có những cái tốt. Người dù tốt cách mấy cũng có những cái xấu, không ai mà hoàn toàn không có khuyết điểm cả. Họ cũng không muốn làm tổn thương đến ta đâu; chỉ vì họ không đủ sức để chuyển hoá những phiền não trong tâm, cho nên mới xuất phát ra những lời nói và hành động như vậy. Họ có nỗi khổ của họ các bạn ạ!

Vì vậy chúng ta hãy mở rộng tình thương, chan rải tâm hồn và tha thứ, thông cảm những điều sai sót của họ.

Mặt trời mọc lên thì ánh sáng sẽ bừng dậy trong bầu trời tâm thức vô biên. Tình thương này chính là nước từ bi mát dịu, sẽ làm lành những vết thương mà người kia đã từng làm cho ta đau khổ!

        Cuộc đời quá đau khổ,
           Xin đừng làm khổ thêm,
Cho đi và tha thứ,
       Sẽ được giấc êm đềm!


 

- 77 -

Nếu bạn có việc làm ân nghĩa cho ai thì đừng mong nhất định phải có đền đáp; nếu cho rồi thì đừng có hối tiếc. Thành thật thì người thương, khoan hồng thì không bị oán, hoà nhã thì không bị ai thù, nhường nhịn thì thường an, giữ luật thì thường ổn, cẩn thận thì ở nơi đâu cũng được. Không suy nghĩ vẩn vơ thì tâm thường tĩnh lặng, dè dặt lời nói thì sẽ không tai hoạ. Ai ai cũng sửa tâm như vậy thì thiên hạ sẽ thái bình.


 

- 78 -

 

Chúng ta ngày nay do hoàn cảnh kinh tế phát triển, nên việc ăn ở hằng ngày nhiều khi quá dư thừa, nhưng nếu không khéo, từ việc dư thừa và đầy đủ này sẽ làm cho đạo tâm ta thoái thất. Do đó chúng ta phải nên cẩn thận.

Còn đối với ngài Tồn Cảnh Sơ thời xưa thì: "Trà lạnh, cơm lạc, miễn no lòng thì thôi. Quần áo rách vá miễn ấm thì thôi. Thà nhà nghèo mà không rắc rồi, còn hơn nhà giầu mà gặp rắc rối. Thà không bệnh mà ăn rau lạt, còn hơn bệnh mà uống thuốc hay. Vợ chồng không cần kiêu sa, chỉ cần hiền đức là tốt. Lòng yên ổn thì ở nhà tranh vách lá cũng thấy hạnh phúc. Tánh an định thì ăn rau ăn cỏ cũng thơm ngon".

Bởi vậy, cuộc đời muôn việc, muốn thấu suốt thì tâm phải "bình", khí phải "hoà" vậy!


 

 

- 79 -

 

Cuộc đời vốn dĩ là tương đối, không ai hoàn hảo vẹn 10 phần hết cả, tuy vậy chúng ta vẫn phải vun bồi đạo hạnh, tiến bước để đạt đến CHÂN THIỆN MỸ.

Trên đường đời không phải lúc nào cũng có người hướng dẫn đi kèm theo chúng ta. Trong nhiều tình huống bạn phải tự nhận ra, nên đi theo hướng nào. Bạn phải là người hướng dẫn cho chính bạn.

Bạn đừng nghĩ rằng, chỉ có những vị thiên tài hoặc nhiều văn bằng chức vị, đó mới là sự thành công của cuộc sống. Song song đó vẫn còn rất nhiều người xung quanh ta, họ làm những điều họ thích để lợi ích cho chúng sinh, xã hội. Họ lấy đó làm niềm an lạc vui vẻ trong cuộc sống. Đây cũng là 1 kiểu thành công đáng kính trọng.


- 80 -

Trong cuộc sống, nếu bạn có đủ tinh tế sẽ không khó phát hiện ra nhiều niềm vui và hạnh phúc. Nó tồn tại xung quanh và ẩn tàng đầy dẫy trong cuộc sống, nhưng có nhiều người vẫn đau khổ triền miên là chỉ vì không phát hiện được mà thôi. Đôi khi bạn đi tìm hạnh phúc ở xa xôi mà lãng quên hạnh phúc ngay tại trong ngôi nhà và những người bạn thân của chính mình. Nếu được chia sẻ và thông cảm lẫn nhau thì cuộc sống bạn chắc chắn sẽ có nhiều ý nghĩa hơn.

- 81 -

"Không ai có quyền tước đoạt mạng sống của người khác và ngay cả chính mình". Tước đoạt mạng sống của người khác là "bất nhân". Tước đoạt mạng sống của mình là "bất hiếu". Người bất nhân và bất hiếu thì tiếng xấu sẽ để lại muôn đời vậy.



- 82 -


Trong gia đình, chồng lấn lướt hay xem thường vợ, hoặc vợ lấn lướt hay xem thường chồng; cả thảy đều là không có đạo nghĩa, mà còn ảnh hưởng xấu đến con cháu sau này. Cho nên, cha mẹ, con cái, dâu rể, tương kính, tương trợ lẫn nhau, nếu không thì gia đình của bạn sẽ trở thành địa ngục tại trần gian mà thiên hạ thường nói vậy.



- 83 -


Trong thời kỳ phát triển kinh tế hôm nay, chúng ta có rất nhiều áp lực từ cuộc sống đem lại. Nào là bài vở, công việc, gia đình, gia thất, già cả bệnh hoạn và sự chết chóc đau thương. Nếu không có 1 tâm trí định tĩnh sáng suốt, thì những đau khổ sẽ đè nặng lên đôi vai của chính mình. Do vậy, các bạn phải nhớ thực hành những điều sau đây để giúp bạn được an vui hơn, đó là:

- Đừng quá chấp nhất vào những việc nhỏ rồi phóng đại nó lên, mà hãy nên, chuyện lớn hoá nhỏ, chuyện nhỏ hoá thành không.

- Tập kiểm soát từng suy nghĩ cuả mình và hãy làm thử 1 việc thiện nào đó cho người khác được vui ngay ngày hôm nay.



- Phải hiểu rằng, mọi vật, mọi việc và mọi người, tất cả đều là vô thường, không có gì là trường tồn mãi mãi theo năm tháng được, và còn nhiều người khác khổ nhọc, đau khổ hơn ta gấp trăm ngàn lần nữa kìa.

- Bạn thử ngồi hoặc nằm yên 1 mình, buông xả mọi việc và thả lỏng toàn thân, không suy nghĩ quá khứ vị lai gì cả mà hít sâu theo dõi và đếm hơi thở từ 1 đến 10. Vài phút sau bạn thấy điều kỳ diệu sẽ xẩy ra. Chỉ khi bạn đã thực hành rồi mới hiểu được giá trị cuả nó mà thôi.



- 84 -


"Vạn biến như lôi, nhất tâm an tịnh" nghĩa là cho dù ngoại cảnh có ồn ào đến đâu tâm ta vẫn tĩnh lặng. Trong cuộc sống này, an nhàn và an tĩnh đều nằm trong tầm với của chúng ta, chỉ vì ta chưa chịu "buông xả" mà thôi. An nhàn và an tịnh không giống nhau, rất nhiều người nhàn chưa chắc đã được niềm vui trong tịnh nhưng người có cảm thụ được niềm vui trong tịnh cũng không nhất định là được nhàn hạ. Trong muôn vàn công việc, trong thành phố đầy bụi bặm huyên náo, người xe cám dỗ dẫy đầy  mà tất cả bạn vẫn không dính mắc, an nhàn tự tại đó mới chính là an tịnh trong bận rộn.



- 85 -


Có khi nào bạn ngồi yên kiểm lại trong cuộc đời đã qua, bạn gặp phải đau khổ và niềm vui, cái nào nhiều hơn không? Đa số người nói với tôi rằng: "Đau khổ thì nhiều mà niềm vui thì ít".

Bạn muốn tạo niềm vui không? Người xưa có câu: "Cho người tức là cho mình". Thật vậy, bí quyết để có niềm vui và cuộc sống có ý nghĩa hơn đó là:

- Khi có nhiều hoặc ít tiền của, bạn cũng nên chia sẻ cho người khốn khổ hơn bạn, bạn nên nhớ: "Của cho không bằng cách cho" nhé!

- Tập chuyển đổi quan điểm và cách nhìn lạc quan hơn. "Việc gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác".

Đi xe nhường chỗ tốt,
Chờ đợi, nhường người qua.
Việc đến tuỳ duyên đến,
An vui khắp ta bà.
Làm việc đừng chấp trước,
Giúp đỡ kẻ gần xa.
Khoan dung và độ lượng,
Biết đủ người đời ca.

- Muốn làm việc gì, trước tiên phải nghĩ đến hậu quả của nó!



- 86 -


Người có tấm lòng rộng mở sẽ bình thản đối với những sự việc mang tính hẹp hòi nhỏ nhen. Người hẹp hòi ích kỷ thì kể cả con vật cũng chẳng muốn gần. Người khoan dung tha thứ thì nhiều bạn gần xa. Khoan dung không phải là khiếp nhược mà là từ bi. Khi bạn khoan dung với người khác thì vướng mắc thù hận trong lòng sẽ tiêu tan, hoá giải được hận thù dù đó là mâu thuẫn nhiều năm.



- 87 -


Người quân tử thường kính trọng bậc đại nhân và thánh nhân; còn kẻ tiểu nhân thì ngược lại. Người quân tử làm tốt cho người, không làm xấu cho người, kẻ tiểu nhân thì trái lại. Người quân tử không oán trời, không trách người, chỉ trách chính mình, còn tiểu nhân thì không như vậy. Người quân tử lấy nhân nghĩa làm đầu, kẻ tiểu nhân thì tự kiêu và dua nịnh.


Âm lịch

Ảnh đẹp