Bình thường tâm
- Bạch thầy, sống theo Đạo một cách siêng năng là thế nào?
- Khi đói hãy ăn, khi mệt hãy ngủ.
- Đó là những điều mà mọi người thường làm mà?
-Không, không ! Hầu hết mọi người đều không làm như vậy. Khi ăn, mọi
người đầy những suy tư, ao ước và khi ngủ lại đầy những lo toan.
Lời bình:
Có bao nhiêu người mà mỗi sáng thức dậy mà đầu óc không bận bịu những
chuyện quá khứ? Con người phải vứt bỏ những điều nguy đã gây ra bão tố
nội tâm và sống theo bản chất nguyên thuỷ của họ vì Đạo nằm ngay trong
đời sống hằng ngày.
Thiền trong chén trà
Vị giáo sư đại học đến gặp thiền sư Nan In để tìm hiểu Thiền. Nan In
mời ông uống trà. Nan In rót đầy chén trà rồi mà cứ thế rót thêm. Giáo
sư nhắc:
- Kìa thầy, chung trà đầy tràn rồi, xin đừng rót nữa.
Nan In cười đáp:
- Như chung trà này, ông cũng đầy ắp những quan niệm của ông. Nếu
trước tiên, ông không cạn chén thì sao tôi có thể bày tỏ Thiền cho ông
được.
Lời bình: Ai chứa
đầy kiến thức thì điếc trước lời phải trái. Khi hai người tranh luận,
một người thường đưa cái biết của mình vào. Cho nên rút lại chỉ nghe
thấy tiếng của mình mà không học thêm được gì cả.
Con quỷ bên trong
Nhà sư nọ mỗi khi bắt đầu nhập định đều thấy một con nhện khổng lồ làm ông bối rối. Nhà sư liền vấn ý sư Tổ:
- Mỗi khi con bắt đầu nhập định thì luôn có một con nhện khổng lồ xuất hiện, dẫu có đuổi thế nào nó cũng không đi.
- Lần tới, nếu thấy con nhện xuất hiện, con hãy vẽ một vòng tròn to làm dấu xem nó từ đâu đến.
Nhà sư làm đúng như vậy. Khi ông vẽ vòng tròn to vào bụng con nhện,
con nhện chạy đi, ông lại có thể tiếp tục thiền định. Sau buổi thiền
định, nhà sư rất bối rối khi thấy vòng tròn nằm ngay trên bụng mình.
Lời bình: Trong
cuộc sống, con người gặp phải nhiều xáo trộn và âu lo, phiền nhiễu.
Nhưng âu lo tệ nhất thường là từ chính bản thân mình mà ra.
Đích tới có một đường đi không cùng
Một tăng đồ hỏi Thiền sư Baling Haojian:
- Nghĩa lý của sư tổ và ý nghĩa của giáo lý có gì giống và có gì khác nhau?
- Khi vịt lạnh, chúng lội xuống nước. Khi gà lạnh chúng đậu trên cây.
Lời bình: Lạnh
vẫn lạnh nhưng phương thức tránh lạnh lại khác nhau. Cùng một mục tiêu
nhưng mỗi loài lại có cách riêng của chúng. Để đạt mục tiêu không chỉ
có một con đường, không phải ai cũng đi theo một con đường. Hãy khéo
chọn...
Sau khi chết người ta đi về đâu
Hoàng đế Goyozer đang học thiền với thiền sư Gudo Toshoku.
- Bạch thầy, sau khi chết, người ta đi đâu?
- Tôi không biết.
- Tại sao thầy không biết?
- Vì tôi chưa chết.
- ???
Lời bình: Khi
sống, con người nên thưởng thức những vẻ đẹp và bí ẩn của cuộc sống theo
cái nhiều người sống. Không cần quan tâm đến thế giới sau khi chết.
Hãy sống trọn hôm nay, đừng lo ngày mai vì chuyện ngày mai thì mai mới
xảy ra.
Một bức tranh đẹp
Một vị vua treo giải thưởng cho họa sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp
nhất về sự bình yên. Nhiều họa sĩ đã cố công. Nhà vua ngắm tất cả các
bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một .
Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có
những ngọn núi cao chót vót bao quanh . Bên trên là bầu trời xanh với
những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều
cho rằng đây là một bức tranh bình yên thật hoàn hảo.
Bức
tranh kia cũng có những ngọn núi, nhưng ngọn núi này trần trụi và lởm
chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm
chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xóa.
Bức tranh này trông thật chẳng bình yên chút nào. Nhưng khi nhà vua
ngắm nhìn, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ
khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang xây tổ. Ở
đó, giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ an nhiên đậu
trên tổ của mình ...
- " Bình yên thật sự." Ta chấm bức tranh này ! Nhà vua công bố.
Lời bình:
Sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó
khăn, không cực nhọc. Bình yên có nghĩa ngay chính khi ta đang trong
phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới
chính là ý nghĩa thật sự của sự bình yên .
Điều hoàn mỹ nhất:
Ngày xưa, có một vị đại sư muốn chọn một đệ tử làm người nối dõi.
Một hôm, ông bảo hai đệ tử rằng: “Các con hãy ra ngoài và chọn về đây cho ta một chiếc lá đẹp nhất, hoàn mỹ nhất.”
Hai đệ tử vâng lời thầy đi tìm lá.
Thoáng chốc, người anh quay về và trình cho đại sư một chiếc lá không
được đẹp lắm: “Thưa thầy, tuy chiếc lá này không phải là hoàn mỹ nhất
nhưng nó là chiếc lá hoàn mỹ nhất mà con thấy”.
Người em đi cả ngày trời và quay về với hai bàn tay trắng, người em
nói với vị đại sư: “Thưa thầy, con đã tìm và thấy rất nhiều lá đẹp,
nhưng con không thể nào chọn được chiếc lá hoàn mỹ nhất.”
Cuối cùng, vị đại sư đã chọn người anh.
Lời bình: “Tìm một chiếc lá
hoàn mỹ nhất”, chúng ta vẫn cứ luôn nghĩ đến việc “hoàn mỹ nhất” nhưng
nếu bạn cứ một mực đi tìm mà không nhìn vào thực tế, không so sánh với
thực tế thì bạn cứ phải vất vả để rồi… trắng tay. Cho đến một ngày nào
đó, bạn mới phát hiện rằng: Chỉ vì mãi đi tìm một chiếc lá hoàn mỹ nhất
mà bạn đã bỏ qua biết bao cơ hội lớn một cách đáng tiếc!
Hơn nữa, thứ hoàn mỹ nhất của con người cuối cùng có được bao nhiêu?
Trên đời này đã xảy ra không ít chuyện
đáng tiếc, đó cũng do một số người xa rời thực tế đi tìm “chiếc lá hoàn
mỹ nhất”, coi thường cuộc sống đạm bạc. Nhưng chính trong cuộc sống
đạm bạc, vô vị đó mới chất chứa những điều kỳ diệu và to lớn.
Điều quan trọng là thái độ của bạn như
thế nào khi đối diện với nó. Trong cuộc sống chúng ta, không nhất thiết
cứ phải theo đuổi những thứ hoàn mỹ mà chỉ cần bình tâm lại, từng bước
từng bước tìm thấy chiếc lá mà bạn cho rằng là hoàn mỹ nhất...
Chùa Phúc Lâm online sưu tầm