Khi đời sống tinh thần trở nên
yếu kém thì chắc chắn ta sẽ gây ra ít nhiều
những vụng về trong cách hành xử với những người
chung quanh, hay lỡ chân trượt vào cạm bẫy.
Lúc
đầu ta hay có thói quen đổ thừa cho hoàn cảnh,
trách đời trách người, nhưng khi tâm tư lắng
đọng ta mới thấy rõ chính nhận thức sai lầm và
nội lực yếu đuối của ta mới là nguyên nhân gốc
rễ gây ra tất cả những vụng về, lầm lỡ đó .
Vừa
mặc cảm ăn năn, vừa hốt hoảng lo sợ, tâm tư vốn
sa sút giờ lại càng sa sút hơn. Nếu không có
cánh tay hết lòng nâng đỡ của người thương yêu
đưa tới, mà còn phải chịu thêm áp lực của những
người chưa hiểu chưa cảm thông, thì có thể ta sẽ
lún sâu thêm vào vũng lầy lầm lỗi hay sẽ chọn
tới giải pháp tồi tệ nhất để mọng tìm một lối
thoát thân .
Tôi
được nghe kể về một em sinh viên vì không được
thỏa mãn điểm thi, cho rằng các thầy cô đã cố
tình chèn ép mình, nên đã cầm dao chém rất hung
bạo vào Ban Giám hiệu nhà trường. Sự cố đáng
tiếc này đã gây xáo trộn rất lớn trong dư luận,
thầy cô và bạn bè đã hoàn toàn thất vọng nên gần
như tẩy chay em, gia đình đã trách giận và không
muốn nhìn mặt em, những người chung quanh đã
không tiếc lời cay đắng buộc tội và háo hức muốn
trừng phạt em với một bản án tù xứng đáng. Kết
quả là vài tưần sau đó em đã lâm vào tình trạng
khủng hoảng trầm trọng và trở thành bệnh nhân
tâm thần cho đến nay.
Đúng
là em đã mắc phạm sai lầm, lỗi của em có thể bị
xem nặng hơn vì em đã từng là người của công
chúng, được mệnh danh là học sinh gương mẫu cấp
thành phố, đại diện thế hệ trẻ năng động và sáng
tạo qua cuộc thi tài năng… Nhưng nếu nhìn cho
thấu suốt ta sẽ thấy hành động sai lầm của em
hôm nay không chỉ của riêng bản thân em thôi, nó
còn liên hệ sâu xa đến nhiều đối tượng đã và
đang ảnh hưởng đến đời sống của em. Ta không thể
nào nói em là một cá thể tồn tại biệt lập, không
có liên can gì tới ta. Không đâu, tất cả chúng
ta đều có một phần trách nhiệm trong đó, hoặc
trực tiếp hoặc gián tiếp.
Nếu
gia đình chăm sóc đời sống tinh thần của em kỹ
lưỡng hơn, bạn bè và môi trường chung quanh tiết
chế được những năng lượng tiêu cực hơn, tôn giáo
kịp thời đem tới cho em những phép thực tập có
khả năng chế ngự những cảm xúc trong lòng hơn,
học đường trao truyền cho em đầy đủ vốn liếng
đạo đức và có tình thầy trò hơn, an ninh xã hội
quản lý chặt chẽ hơn các nguồn phim ảnh hay trò
chơi điện tử có tính chất bạo động, kinh tế phát
triển cân đối hơn để con người bớt bận rộn, có
nhiều cơ hội tìm hiểu và thương nhau nhiều hơn...
thì chắc là em sẽ không dễ lạc vào nẻo đường tăm
tối như vậy.
Ta nỡ
đổ hết trách nhiệm này lên vai em thì làm sao em
gánh nổi. Em sẽ gục ngã và mất hết tương lai, và
ta cũng sẽ mất dần những người em tiếp nối ta đi
về tương lai. Những người em đó là tương lai của
chúng ta. Em đã mắc phạm sai lầm và em cần được
cứu giúp, đó là con đường thoát cho em và cho cả
nhân loại. Ta đừng để sự giận hờn và thất vọng
quá mức khiến ta trở thành kẻ thờ ơ vô trách
nhiệm, để rồi ngoảnh mặt quay đi hay thẳng tay
trừng trị hết những người em nhất thời non dại.
Xin cho một con đường
Ta
cũng đừng cho mình cái quyền lên án buộc tội kẻ
khác. Nếu chúng ta vẫn còn có những vụng về, mắc
phải những lầm lỡ, dù người đời chưa hay biết
hoặc chưa phanh phui, thì chúng ta không thể nào
tự cho mình là trong sạch mà tùy tiện dán nhãn
hiệu xấu xa lên đầu kẻ vừa phạm lỗi. Hãy cho
người kia một cơ hội để chuyển hóa, vì như vậy
cũng chính là ta đã tự cho mình một con đường
thoát trong tương lai.
Vậy
nên tha thứ là chất liệu quan trọng của bản chất
thương yêu. Khi thiết lập bất cứ một liên hệ
tình cảm nào nếu ta ngây ngô nghĩ rằng người kia
chắc chưa từng lầm lỗi hay sẽ không bao giờ gây
ra lầm lỗi thì ta sẽ khổ và sẽ làm người thương
của ta khổ. Đời sống còn chìm trong vô minh thì
không thể tránh khỏi hành vi không tự chủ. Vấn
đề là ta có khả năng chấp nhận và tha thứ rồi
tìm cách giúp họ vượt thoát tình trạng hay không,
chứ không phải mong muốn người kia toàn hảo thì
ta mới có thể yêu thương.
Tất
nhiên là tùy vào mức độ phạm sai lầm của người
kia mà ta nên thể hiện cách tha thứ nào hiệu quả
nhất, tại vì điều đó cũng có tính chất quyết
định cho sự chuyển hóa hay sự khinh lờn của đối
phương. Cho dù cách thức nào đi chăng nữa, thậm
chí cả sự lựa chọn không tha thứ ngay thì ta
cũng đừng quên tự hỏi mình một câu hỏi quan
trọng: Ta làm như vậy là vì người kia hay vì
chính ta? Coi chừng ta đang bị thúc đẩy bởi sự
tự ái hay tổn thương của bản ngã ích kỷ mà cứ
ngỡ là vì người kia.
Nếu
thật sự vì tương lai của người kia thì ta phải
đủ sáng suốt và can đảm để thu gọn cảm xúc buồn
giận trách móc của mình, tìm cách ứng xử với
người kia như thế nào để họ sớm hồi phục. Chỉ
cần kiểm tra lại tâm ý, lời nói và hành động của
mình có xuất phát từ tình thương hay không, là
ta đủ yên tâm để làm quyết định.
Cho
dù người kia có đứng ra bày tỏ sự ăn năn hối cải
một cách thành khẩn hay không thì ta cũng nên
nhớ rằng đó chỉ là hình thức để ta thấy rõ thái
độ muốn sửa chữa những sai lầm, và cũng có thể
xem đó là một biên bản ngầm ký kết cho sự hơp
tác giúp đỡ nhau. Ta đừng để kẹt vào những hình
thức hay ở đó mà không thấy được trái tim của
người kia. Ta đã từng chứng kiến có rất nhiều
người sẵn sàng buông xuôi tất cả nếu kẻ phạm lỗi
chịu quỳ xuống cầu khẩn thiết tha, nhưng họ lại
sẵn sàng đóng chặt trái tim khi người kia không
biết đem sự hối cải trong tâm ra trình diễn cho
đẹp lòng họ.
Thử một lần trượng phu
Một
giai thoại kể rằng, chú tiểu nọ có tật xấu hay
ăn cắp vặt và lúc nào cũng cãi chối. Nhiều lần
các huynh đệ trình báo cho sư phụ biết, nhưng
không thấy sư phụ nói năng gì cả. Một hôm bắt
gặp quả tang, các huynh đệ liền áp giải chú tới
trước sư phụ và cùng quỳ xuống kiến nghị: “Nếu
sư phụ không đuổi sư em này đi thì tất cả chúng
con sẽ bỏ đi hết”. Nhìn qua một lượt thấy
nét mặt người nào cũng rất căng thẳng vì ấm ức,
còn riêng sư em thì rơm rớm nước mắt vì lo sợ,
vị sư phụ liền ôn tồn nói: “Ta thấy các con
đã đủ khôn lớn để chọn lựa việc phải trái nên
các con muốn đi đâu thì đi, ta không ngăn cản vì
không phải bận tâm nữa. Riêng sư em này còn nhỏ
dại quá, chưa biết tội phước là gì nên phải cần
ở lại với ta”. Khi ấy chú tiểu bật khóc nức
nở và các huynh đệ kia ai nấy cũng đồng cảm kích
trước tấm lòng vị tha cao cả của sư phụ. Các
huynh đệ đó đã hiểu ra rằng nếu có người phạm
lỗi là đón nhận bản án bị đuổi đi ngay lập tức
thì chắc chắn trong tương lai sẽ khó có ai được
ở lại tu tập bền lâu với sư phụ cả, vì ai mà
không có những giây phút lỗi lầm. Về sau, chú
tiểu kia trở thành một trong những thiền sư lỗi
lạc và danh tiếng nhất thời bấy giờ.
Sống
mà chỉ biết dựa vào những nguyên tắc cứng nhắc
thì làm sao điều phục được con người, vì nguyên
tắc vốn cố định còn bản tính con người thì muôn
hình vạn trạng và hên tục đổi thay.
Phải
có một nhận thức thấu đáo và nội lực vững vàng
thì ta mới làm được cái quyết định sấm sét như
vị sư phụ đó. Ông đã không ngại người ngoài hiểu
lầm chê trách, cũng không lo sợ các môn đồ bất
mãn bỏ đi ông thà chịu mất lòng người khác chứ
không thể làm trái ngược với đạo lý từ bi mà ông
đang sống và giảng dạy cho môn đồ.
Mà
cũng không phải vì đạo lý hay nguyên tắc nữa, đó
chính là tình thương vô điều kiện của một người
đã vượt thoát ra ngoài sự khống chế và trói buộc
của phiền não.
Ta có
làm được như vị sư phụ đó không? Chỉ cần một
nhận thức đúng đắn về nguyên nhân sâu xa của kẻ
gây ra lầm lỗi, có một trái tim đủ lớn để sẵn
sàng chứa đựng thì tha thứ sẽ không còn là sự
thực tập khó khăn nữa, vì bản chất của nó vốn
tùy thuộc rất ít vào đối tượng. Biết đâu nhờ vào
lòng vị tha của ta mà kẻ kia tỉnh ngộ và thay
đổi cuộc đời, đó chẳng phải là việc làm cao cả
của một bậc trượng phu sao?
Khó vượt qua chính mình
Ta có
nên đặt cho mình câu hỏi tại sao ta khó có thể
tha thứ cho người kia? Ta thường chỉ nghĩ một
chiều là do mức vi phạm của họ quá lớn, nhưng
tại sao cũng trường hợp như vậy mà có người lại
hành xử khác ta?
Có
khi ta chịu nhiều áp lực từ những khó khăn trong
cuộc sống, hoặc đang bế tắc khổ đau vì những
phiền não trong lòng, nên ta không còn đủ năng
lượng để ngồi xuống lắng nghe hay không còn đủ
thiện chí để tìm hiểu về lỗi lầm của người kia,
nên ta đã có những phán xét rất vội vàng. Trường
hợp này do ta sa sút về nội lực.
Có
khi người kia đã cố gắng hết sức nhưng vì còn
thiếu kinh nghiệm và chưa đủ cứng rắn nên để
cho điều đáng tiếc phải xảy ra, trong khi đó ta
lại tưởng là người kia đã không nhiệt tình: hoặc
do họ vụng về nhất thời mà buông ra những hành
vi thất lễ, nhưng ta lại cho rằng người kia đang
rất khinh thường và có ý muốn loại trừ ta.
Trường hợp này ta bị vướng vào trí tưởng tượng
sai lầm.
Có
khi người kia vì u mê dại dột hay vì yếu đuối
nên không thoát khỏi vũng lầy đam mê, để cho lỗi
lầm cứ lặp lại nhiều lần như một điệp khúc; hoặc
ta chưa bao giờ chứng kiến một người có thể gây
ra lầm lỗi tày trời như vậy; hoặc ta chưa có
thói quen tha thứ cho kẻ có quá nhiều ân tình
với ta mà lại đang tâm phản bội. Trường hợp này
khả năng chứa đựng trái tim của ta còn khá nhỏ,
chưa có cơ hội mở rộng ra.
Có
khi người kia vi phạm những lỗi lầm không đáng
kể, nhưng vì tính ta vốn quá chỉnh chu, đòi hỏi
hoàn hảo, nên lúc nào cũng canh chừng lỗi lầm
người khác để kết tội; hoặc do ta không hề quan
tâm đến hoàn cảnh hay trình độ nhận thức của
người khác, chỉ biết nhồi sọ và áp đặt theo
cách thức cứng nhắc của riêng mình. Trường hợp
này ta bị kẹt vào sự cố chấp và định kiến, đó là
một loại bản năng tự vệ rất cổ hủ.
Có
khi sự cố xảy ra ta liền bực tức và vội vàng
tuyên bố đoạn tuyệt, sau khi điềm tĩnh nghĩ lại
thấy mình cũng hơi quá đáng, nhưng kẻ phạm lỗi
kia phải biểu lộ sự thành khẩn ăn năn thì ta mới
chịu bỏ qua. Lỡ như người kia thiếu ý tứ hoặc
cứng đầu thì lỗi lầm ấy sẽ biến thành bản án
treo không rõ ngày kết thúc. Trường hợp này ta
là kẻ yếu đuối, hành xử theo cảm tính.
Có
khi người kia phạm những điều với ta là rất quan
trọng, hay có ảnh hưởng đến danh tiếng và uy tín
của ta; hoặc ta đã muốn tha thứ rồi nhưng lại sợ
người khác cười chê ta thiếu kỷ cương nề nếp hay
dung túng cho kẻ làm điều xấu; hoặc ta e ngại
nếu tha thứ quá dễ dàng thì người kia sẽ ỷ lại,
chẳng coi ta ra gì. Trường hợp này ta kẹt vào
danh dự, thực chất cũng là một loại nghiện cảm
xúc, một loại tôn thờ chủ nghĩa cá nhân kín đáo.
Tất
cả những trường hợp không thể tha thứ vừa nêu
đều có chung một nguyên do chính là sự vướng kẹt
vào bản ngã. Vì quá nâng niu bản ngã, nên ta chỉ
nghĩ đến những điều có thể đem lại lợi ích thiết
thực cho chính ta thôi. Đó chính là căn bệnh vị
kỷ truyền kiếp, hành tung của nó hết sức tinh vi
và phức tạp, nếu thiếu quan sát tinh tế thì ta
rất dễ bị nó đánh lừa là ta đang vì kẻ khác.
Càng
vị kỷ thì càng không thể vị tha. Trong khi tình
thương phải bắt nguồn từ trái tim biết buông bỏ
bớt những cái riêng mình để chia sẻ đến tha nhân,
vì tha nhân cũng chính là một phần đời sống của
ta. Không có tha nhân thì không có tình thương,
ta làm sao sống khi đời sống không có tình
thương?
Thà
ta cứ tha lầm thì mức độ hối tiếc sẽ thấp hơn
nhiều so với chấp lỡ. Bởi khi nhận ra chính thái
độ cố chấp của ta ngày ấy đã đẩy người kia rớt
xuống vực thẳm khổ đau thì ta sẽ gánh chịu mặc
cảm ăn năn suốt đời. Còn khi phát hiện ra quyết
định tha thứ của ta đã không mang lại hiệu quả
thì ta vẫn còn nhiều cơ hội để cứu được, vì trái
tim ta đang trong chiều hướng nở ra và mạnh mẽ
chứ không phải co rút lại.
Điều
đáng sợ nhất là trong quá trình thương yêu, ta
đã để cho trái tim mình trở nên bé nhỏ và không
còn là vật rung cảm linh thiêng nữa.
Này
bạn! Tôi không có ý khuyên bạn hãy trở thành bậc
Thánh để sẵn sàng tha thứ hết mọi lầm lỡ của con
người, những nếu trái tim bạn còn sức chứa đựng
thì đừng suy tính gì nữa, hãy tha thứ cho nhau
đi. Tha thứ luôn là linh dược mầu nhiệm có thể
trị liệu mọi nỗi khổ niềm đau cho người được tha
thứ và cho cả người tha thứ.
Nắm
muối không hề mặn
Với
lượng cả dòng sông
Lỗi
lầm kia bé nhỏ
Với
cõi lòng mênh mông.
Bài viết & hình ảnh được gởi đến
trang nhà bởi bạn đọc BÍCH NGA.
Chân thành tri ân!