Bạo hành gia đình & giải pháp


Tiến sĩ NS. TN. Huệ Liên
07/04/2012 16:24 (GMT+7)
Số lượt xem: 241520
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Theo thế thường lập gia đình là một việc phải làm và rất cần thiết vì đó là trách nhiệm của mọi người đối với bản thân cũng như xã hội để làm cho thế giới tồn tại và phát triển. Niềm hạnh phúc trong hôn nhân có thể nói là nguyên nhân chính của cuộc sống thăng hoa và nhiều phấn khởi.


Sau hôn nhân, sự bận rộn trong công ăn việc làm với niềm hy vọng duy trì mái ấm gia đình lại có thể chính là nguyên nhân làm phai mờ tình cảm, mất dần hạnh phúc, và cuối cùng đưa đến những cảnh bạo hành trong gia đình ảnh hưởng đến đời sống văn hóa đạo đức của xã hội.

I. NGUYÊN NHÂN

1.Tình trạng bạo hành gia đình có thể bắt đầu từ sự thiếu thời gian bên nhau, sự ít gắn bó và sự nghèo cảm thông. Từ sáng sớm vợ chồng mạnh ai nấy đi làm có khi đến nửa đêm mới về đến nhà. Bảy ngày của một tuần chỉ có một buổi cơm gia đình vào chiều Chủ nhật. Thậm chí những nhân viên làm việc trong các cơ quan chính quyền nhà nước, không có cả Thứ bảy hay Chủ nhật vì đó là ngày hoạt động phong trào.

-Phụ nữ dồn hết thời gian vào việc chăm sóc sắc đẹp cho riêng mình.

-Một số người trải hết thời gian vào các trò chơi thể thao, những thú vui giải trí, cờ bạc vừa mất thời gian vừa phung phí tiền bạc.

2. Uống rượu cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành gia đình. Con người có thể trở nên hung dữ sau khi uống rượu. Một số nam giới sau giờ làm việc lân la nơi quán xá đến say mèm mới về nhà.

3. Quen biết với một phụ nữ khác cũng là lý do khiến người chồng trở thành vũ phu.  

4. Sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới khởi sinh từ tư tưởng trọng nam, khinh nữ cũng là một nguyên nhân. Những người phụ nữ bị hành hạ chủ yếu là sống phụ thuộc vào người chồng. Cũng có trường hợp phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn vẫn bị chồng đánh. Nguyên nhân tình trạng này được cho rằng vì người nam ỷ vào thể lực mạnh hơn.

5. Chứng kiến hoặc là nạn nhân của bạo lực khiến các trẻ em có thể đi đến niềm tin rằng, bạo lực là phương thức hữu lý để giải quyết xung đột giữa con người với nhau. Các cậu bé trai học hỏi rằng, phụ nữ không có giá trị đáng tôn trọng, và chúng thấy bạo lực hướng trực tiếp vào phụ nữ thì càng dễ lạm dụng phụ nữ khi lớn lên. Các bé gái diện kiến bạo lực gia đình ở trong chính nhà mình thì về sau dễ trở thành nạn nhân của chồng.

6. Hôn nhân cưỡng ép từ việc cha mẹ gả bán con gái còn nhỏ của họ cũng là nguyên nhân đưa đến bạo hành gia đình. Những gia đình nghèo xem con gái như một gánh nặng kinh tế, và cho rằng gả bán con gái là phương sách sinh tồn cho gia đình.

II. HẬU QUẢ CỦA BẠO LỰC

Bạo lực gia đình đã gây ra biết bao hậu quả bất hạnh cho người phụ nữ về thể lực như bị thương, tàn tật vĩnh viễn, nặng nhất là tử vong, đồng thời làm ảnh hưởng xấu đến tinh thần và sức khỏe của con cái. Câu chuyện sau đây là một điển hình thật thương tâm.

Chị Nga kể: Chồng chị là người học thức, có địa vị trong xã hội. Song đám cưới ngọt ngào ngày nào nhanh chóng phai mờ khi chị Nga phải sống trong sự tủi nhục. Chồng chị bắt nghỉ làm lo chuyện gia đình, không được đi đâu ngoài việc đi chợ mua thức ăn. Chị Nga cố gắng nín nhịn trước những trận đòn vô cớ của chồng để mong có một cuộc sống gia đình bình yên và không muốn chồng phải mang tiếng bạo ngược mà ảnh hưởng địa vị. Chị xa lạ với mọi sự kiện diễn ra ngoài cuộc sống vì không được đọc báo, không được tiếp xúc với nhiều người. Chị cam chịu cuộc sống như vậy suốt 19 năm. Trong một lần có chuyện bất bình ở cơ quan, chồng chị về nhà chửi mắng vợ, chị cãi lại. Anh chồng nổi khùng đã khóa cổng và lôi chị vào trong nhà đánh đập. Chị Nga bị chồng đánh dã man đến mức đầu bị vỡ chảy bê bết máu, đuôi mắt bị rách và gãy cột sống. Không chịu nổi chị đã cố lê lết trốn về nhà ngoại và sống ly thân với chồng hai năm nay. Cùng với sự thoát ly này, chị Nga phải hứng chịu cuộc sống mất khả năng lao động từ những trận đòn vô cớ của chồng. Sau hai năm sống cách biệt, chị Nga quyết định ly hôn. Dù đơn chị đã nộp từ đầu năm song đến nay vẫn chưa được giải quyết mà không biết lý do tại sao.

Trên thực tế, không chỉ chị Nga mà rất nhiều phụ nữ hằng ngày phải chịu những trận đòn vô cớ của người thân.

Ngày 24-6-2007, thấy trời nắng, anh Đạt bảo vợ ở nhà cơm nước, trông nom con cái. Nhà nghèo, tham công tiếc việc nên buổi sáng cùng ngày chị Hồng đã không nghe mà vẫn đi cấy thuê. Trưa anh Đạt đi làm về, nhà cửa bề bộn, con quấy khóc, nên buông lời chửi mắng vợ. Biết tính chồng, lại sợ bị đánh, nên chị Hồng lên giường đi ngủ. Đến đầu giờ chiều, chị Hồng định đi làm tiếp thì bị anh Đạt ngăn lại, nên hai người to tiếng và chị Hồng lên giường nằm. Anh Đạt xách chai ra quán gần đấy mua bia và hai que kem về cho hai đứa con (3 tuổi và 7 tuổi) ăn. Thấy con ăn kem rơi vãi lên quần áo, mà chị Hồng vẫn nằm trên giường không thèm để ý đến con, anh Đạt tức chửi mắng rồi cầm gậy vụt liên tiếp vào đầu, vào người chị Hồng rồi ra hông nhà ngồi uống bia. Khoảng 10 phút sau, thấy vợ nằm im, anh Đạt tưởng vợ ngủ nên lại gần định nạt thêm vài câu thì thấy đầu vợ chảy nhiều máu, lay mãi không thấy vợ tỉnh. Anh Đạt hoảng sợ lôi vợ dậy rồi kéo ra gốc cây mít treo cổ vợ lên nhằm đánh lạc hướng cơ quan công an. Sau đó Đạt lau sạch máu trên giường rồi sang nhà hàng xóm chơi để tạo tình tiết ngoại phạm...

Đề cập đến vụ bạo hành gần đây ở Song Khê, Bắc Giang: Chồng là Đào Văn Nam ép vợ là Lý Thị Hoa cởi quần áo, nhốt vào chuồng chó và gọi mẹ vợ sang chứng kiến. Đây là biểu hiện của sự suy đồi đạo đức. Cách đối xử đó như đối với súc vật.

Tại một nhà trọ gần trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ cũng có chuyện tiêu cực về anh chồng thích bạo lực. Cứ có rượu vào là anh ta lải nhải chửi vợ. Anh ta chửi mà vợ im lặng thì cho là vợ “xem thường” nên lao vào đánh đập túi bụi, còn vợ trả lời thì cho là “hỗn” nên phải "dạy" cho biết thế nào là "hiền nội". Nhiều khi không thể chịu được đòn đau, chị khóc lóc đập cửa các phòng kế bên xin tạm tá túc. Mấy cô gái trẻ cảm thông nhưng chẳng ai dám chứa, e ngại ông chồng mà nổi điên lên thì khó biết chuyện gì có thể xảy ra (1).

Những cảnh bạo hành trên đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người, đến nhân phẩm và tính mạng của nạn nhân, đồng thời ảnh hưởng xấu đến những thế hệ tương lai. Cháu con sẽ lặp lại hành vi bạo hành gia đình mà khi còn nhỏ, chúng được chứng kiến. Bạo hành gia đình đang là nguy cơ làm yếu đi sự tiến bộ và bền vững của xã hội.

III. LÝ DO BẠO HÀNH GIA ĐÌNH CÒN TỒN ĐỌNG

1. Hầu hết phụ nữ đều nhẫn nhục chịu đựng vì thể diện. Nếu đi báo công an, mọi người sẽ biết và cười chê, bất hạnh hơn nữa, nếu chồng biết chồng sẽ đánh nhiều hơn. Thêm vào đó, họ cho rằng xung đột gia đình nên tự giải quyết, nhẫn nhịn để trong ấm ngoài êm. Khi có hậu quả nghiêm trọng thì mọi sự việc mới được biết đến.

2. Sự thờ ơ của các cơ quan chức năng, và các hình thức xử lý quá nhẹ ở mức cảnh cáo, khuyên răn, giáo dục, nên hiệu quả giải trừ bạo lực gia đình còn quá kém. Khi nào nạn nhân được chứng minh là có thương tích nặng mới được truy cứu. Song không phải lúc nào nạn nhân cũng được đi giám định.

IV. GIẢI PHÁP 

Sự gia tăng vấn đề bạo lực gia đình ở mọi vùng miền và ở các nhóm đối tượng đã trở thành vấn nạn của toàn cầu, không chỉ riêng ở một quốc gia nào. Ðó là điều không bình thường trong xã hội đương đại vốn có truyền thống bảo vệ nhân quyền và đề cao bình đẳng giới.

 Để giải quyết bạo hành gia đình, vấn đề đạo đức cần được đặt ra như một trọng trách đối với các thành viên của mỗi gia đình. Đầu tiên là cha mẹ, những người phải có trách nhiệm đạo đức và dạy dỗ con cái sống theo trách nhiệm này. Đạo đức và hạnh phúc luôn luôn song hành. Ai cũng mong muốn hạnh phúc thì vấn đề nuôi dưỡng đạo đức vô cùng quan trọng.  

Phương pháp giải quyết cần phải thực thi những bước như sau: 

1. Khuyến khích sự lên tiếng của nạn nhân. Có những việc không giải quyết được trong nội bộ gia đình, nạn nhân cần phải công bố cho cộng đồng chính quyền, đoàn thể biết để bảo vệ giúp đỡ.

2. Thiết lập nhiều trung tâm tư vấn để các chị em phụ nữ bị ngược đãi có thể đến tìm lời khuyên giải, an ủi góp ý giải quyết.

3. Thiết chế luật phòng chống bạo lực gia đình. Vận động nhân dân thực hiện nội dung của phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Nêu cao vai trò gương mẫu, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng những điển hình tiêu biểu trong phong trào với nội dung và hình thức phù hợp.   

4.  Triển khai giáo lý Phật giáo:

Theo Phật giáo, phương cách giải quyết những bất ổn trong gia đình là con người cải tiến nhận thức để tự chuyển hóa thành những thành viên tốt thông qua sự thực hành những quy luật đạo đức nhất định.

a. Ý thức được gia đình là tổ ấm của chính mình. Dành trọn thời gian cho sự họp mặt gia đình ít nhất một lần trong ngày.

b. Học hỏi cách thức tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng trong cư xử, xóa chủ nghĩa nam trọng nữ khinh. Trong xã hội, sự hiện diện của người nam và người nữ như một người có hai vai, vai trái và vai phải, đều có vị trí ngang tầm, trách nhiệm tương thích. 

Kinh Thiện Sanh dạy cách cư xử giữa người chồng đối với người vợ là phải hòa nhã thương yêu, đi về đúng giờ đừng để đợi chờ. Một lòng chung thủy, không tạo nghi ngờ, giao phó việc nhà cho người vợ tùy sức sắm sửa áo quần, đồ đạc trong nhà (2).

Người vợ đối với người chồng phải hòa nhã kính nhường, dậy trước ngủ sau, công dung ngôn hạnh, giỏi việc nhà, bếp núc vá may khéo léo, giữ gìn tài sản, không ăn xài xa xỉ phung phí, dạy dỗ cháu con biết kính trên nhường dưới, hiếu thảo mẹ cha, tạo dựng một mái nhà hạnh phúc, ấm êm (3).

c. Thương yêu nhau cũng là nền tảng để thành lập hạnh phúc gia đình. Yêu thương được biểu lộ qua những cử chỉ hành động lời nói, cách cư xử và lòng hy sinh, chấp nhận thiệt thòi. Những bất hòa trong gia đình là vì thiếu sự yêu thương nhau. Nếu không có yêu thương thì không có thể hy sinh cho nhau, không thể chịu đựng những tánh xấu lẫn nhau. Thiếu yêu thương dù cho có giàu sang, học thức, chức phận, sức khỏe, vợ chồng vẫn bực bội nhau, con cái bất hòa, đổ nát cho gia đình. Trái lại, gia đình đơn sơ nghèo thiếu, nhưng biết yêu thương, hy sinh, chia sẻ thì vẫn có hạnh phúc. Câu chuyện sau đây là một điển hình. Có một gia đình nọ rất nghèo, gồm hai vợ chồng và một đứa con trai. Một hôm người vợ được cô hàng xóm biếu cho trái lê, bà nghĩ ngay đến đứa con vốn rất ưa thích lê nhưng đã lâu chưa được ăn, bà liền đem cho nó. Nhận được trái lê đứa bé mừng lắm. Đang định ăn thì nó chợt nhớ đến ba nó đang dầm mưa dãi nắng ngoài đồng ruộng. Nó chạy nhanh ra đồng và tặng trái lê cho ba nó. Ba nó cũng muốn ăn cho đã khát, nhưng lại nhớ đến người vợ của mình suốt ngày tất bật ở nhà, ông nghĩ tới niềm vui hớn hở của bà mỗi lần ông tặng cho bà món quà nhỏ. Thế là trái lê xuất phát từ tay người vợ lại trở về tay người vợ (4). 

d. Năm quy tắc đạo đức của người Phật tử để tự hoàn thiện chính mình cũng là nền tảng cho nguồn hạnh phúc gia đình và bình an xã hội (5).  Sau đây là năm quy tắc đạo đức mà mọi người nên gìn giữ:

Không sát sinh là nếp sống tôn trọng sự sống, yêu quý và bảo vệ sự sống của mọi người và mọi sinh vật (6), trong đó có chính mình, thành viên trong và ngoài gia đình, tránh mọi sự bất ổn và tổn hại. Phát triển ‎ý thức tôn trọng sự sống, ta không nỡ hành hạ và bạo hành đối với người khác. Khi chất liệu tình thương được gieo trồng, một hành động bạo ngược trên thân thể của người khác đồng nghĩa mang lại nỗi đau vật lý và tâm lý‎‎‎ của bản thân. Dù người khác có làm tổn hại bản thân cũng không nên phản đối lại với ác ý (7).

Không trộm cắp hay không lấy của không cho (8) là quy tắc đạo đức thứ hai. Trộm cắp là hành động phi pháp đưa đến bất hạnh cho tự thân, cho gia đình và làm rối loạn xã hội. Phát triển ý thức bảo vệ sở hữu tài sản của người khác, ta thiết lập sự cảm thông với người thân thương. Chia sẻ tài sản qua hình thức quà tặng trong những dịp sinh nhật, lễ tiết và lễ hội văn hóa, làm tăng cường và hâm nóng chất liệu thương yêu.

Không tà hạnh là nếp sống đem lại hạnh phúc cho gia đình. Một vợ một chồng sẽ tránh được nguy cơ đổ vỡ, đồng thời góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội và các loại bệnh truyền nhiễm dẫn đến sự suy vong bản thân (9) và gia đình, như HIV và AIDS. Khế ước hôn nhân luôn đòi hỏi sự độc quyền về tình cảm và quan hệ. Hình ảnh của một người thứ ba xuất hiện trong mối quan hệ hai người, dù chỉ là trong tâm tưởng, cũng đủ tăng cường sức ép cho tình trạng quan hệ hôn nhân càng thêm căng thẳng. Các quan niệm “Chỉ là bạn bè” không có hại đã trở nên thảm họa thật sự cho nhiều gia đình, khi nhận ra được thì cái gọi là “Giới hạn bạn bè” đã trở thành “người thứ ba” kéo theo sự sụp đổ hạnh phúc của nhiều gia đình. Nếu bạo hành được hiểu là sự thương tổn về mặt thể chất và cảm xúc của một người áp chế lên người khác, thì mối quan hệ 1/1 trong đời sống hôn nhân sẽ góp phần làm giảm thiểu tối đa nạn bạo hành gia đình. Do vậy, khi hạnh phúc lứa đôi được đảm bảo hay chăm sóc thì nạn bạo hành sẽ được đẩy lùi.

Không nói lời gian dối, hung dữ là để giúp tạo sự hiểu biết, cảm thông, và tin tưởng giữa con người với con người. Mỗi lời nói nặng nhẹ với người thân là làm tan nát thế giới hạnh phúc của cả hai (10). Phát ngôn từ ái không chỉ thiết lập tình thân thương trong giao tế, còn tạo cho nhau những cảm giác ngọt ngào, trìu mến. Khi thực tập lời nói ái ngữ, ta cảm thấy người thân người thương của mình là trọng điểm của sự phát triển đạo đức và tâm linh. Từ đó, ta không nói dối với người thương, dù là lời vô hại; ta không cường điều hóa, tô hồng hay bôi đen vấn đề, vì ta hiểu rõ mọi thứ đều tương đối; ta không đứng hai phía, châm chọc lẫn nhau, vì ta biết bên nào cũng có nỗi đau niềm uất; ta không nói những điều vô nghĩa vì ta biết rằng những lời như thế làm cho người thân thương của ta trở nên bi quan và mất phương hướng.

Không uống rượu giúp con người luôn sáng suốt, tự chủ trong hành động, công việc của mình. Rượu đã khiến cho bao gia đình bị đổ vỡ, phẩm giá con người bị giảm đi và tệ nạn xã hội tăng thêm (11). Nếu ở phương Đông, sự thực tập này chủ yếu dành cho giới mày râu, thì trong xã hội phương Tây, và trong tương lai tất cả xã hội trong cơ chế toàn cầu hóa, sự chuyển hóa thói quen uống rượu áp dụng cho cả hai giới tính. Khi một người bị rượu khống chế, sự lệ thuộc về tâm lý vật lý, cũng như sự mất tự chủ bản thân sẽ làm cho người nghiện rượu không còn thấy biết sự vật xung quanh, lấy đâu chăm sóc người thân thương trong gia đình. Sự làm chủ thói quen này do vậy có nghĩa là làm chủ được cảm xúc và những nhu cầu giao tế xã hội.

Năm quy tắc trên có thể được xem là năm trách nhiệm đạo đức giúp mọi người xây dựng một nếp sống hạnh phúc và an lạc cho tự thân, gia đình và xã hội.

Nhằm phát triển và nâng cao đời sống đạo đức, hạnh phúc của bản thân, mọi người được khuyến khích thực hành thêm, càng nhiều càng tốt, những lời dạy của đức Phật như thực tập Bát quan trai giới (12), tu Mười thiện nghiệp (13) , hoặc hành trì giới, định, tuệ, (14) v.v...

KẾT LUẬN

Những điều đạo đức nêu trên được thực hành đầy đủ trong mỗi gia đình thì chắc chắn rằng tất cả thành viên trong gia đình sẽ đồng lòng yêu thương nhau, biết nghĩ đến nhu cầu của nhau, biết hy sinh cho nhau. Đây cũng chính là hình ảnh của hạnh phúc. Vậy, muốn gia đình được hạnh phúc lâu bền, không gì hơn là xây dựng lại tình yêu thương, củng cố lại lòng đạo đức của mỗi thành viên trong gia đình.

Tóm lại, xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh, văn hóa, no ấm, bình đẳng, và tiến bộ, chính là xây dựng cho bản thân mỗi người một tổ ấm, làm mạnh lành một tế bào cho xã hội, tạo ra môi trường quan trọng nuôi dưỡng nhân cách con người, thiết lập nguồn nhân lực bảo vệ cho mỗi quốc gia và đem lại yên bình cho thế giới.

* * *

KINH ĐIỂN THAM KHẢO

Kinh Pháp Cú, Bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu.

Tăng Chi Bộ Kinh. 4 quyển. Đại Tạng Kinh Việt Nam Ap4, Hòa thượng Thích Minh Châu.

Châu dịch. Thành phố Hồ Chí Minh: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, 1996-1997.

Kinh Tập, Bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu.

Tương Ưng Bộ Kinh, 5 quyển. Đại Tạng Kinh Việt Nam Ap3, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch. Hồ Chí Minh City: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, 1993.

Trường Bộ Kinh, 2 quyển. Đại Tạng Kinh Việt Nam Ap1. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch. Hồ Chí Minh City: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 1991.

Trung Bộ Kinh, 3 quyển, Đại Tạng Kinh Việt Nam Ap2. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch. Hồ Chí Minh City: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 1992.

 

CHÚ THÍCH:

(1) Những sự kiện trên được ghi lại từ vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2005/11/ 3B9E4789.

 (2) Trường Bộ Kinh II, 543.

 (3) Trường Bộ Kinh II, 543.

 (4) Xem vnexpress,net.

 (5) Trường Bộ Kinh II, 601.

 (6) Kinh Pháp Cú, kệ 130: “Mọi người sợ hình phạt / Mọi người thương sống còn/ Lấy mình làm thí dụ / Không giết không bảo giết.”

 (7) Trung Bộ Kinh I, trang 292: Đức Phật dạy: “Như những kẻ đạo tặc hạ liệt, dùng cưa hai lưỡi mà cưa tay, cưa chân; dầu vậy, nếu một ai ở đây khởi ý nhiễm loạn, người ấy do vậy không phải là người thực hành giáo pháp của Ta.” Đức Phật dạy thêm nếu bị người cưa tay chân, mà trong tâm khởi lên sân hận cũng là người không thực hành đúng giáo pháp của Phật (xem Trung Bộ Kinh I, trang 412, 418).

(8) Trường Bộ Kinh I, 16.

(9) Kinh Pháp Cú, kệ 309 và 310.

(10) Kinh Pháp Cú, kệ 133: Đức Phật dạy: “Chớ nói lời ác độc, / Nói ác, bị nói lại, / Khổ thay lời phẫn nộ, / Đao trượng phản chạm người.”

(11) Kinh Tập, kệ 399: Chỉ kẻ ngu say rượu, / Mới làm các điều ác, / Và khiến các người khác, / Sống buông lung phóng dật, / Hãy từ bỏ tránh xa, / Xứ phi công đức này, / Khiến điên cuồng si mê, / Làm kẻ ngu thoả thích.”

(12) Tăng Chi Bộ Kinh III, 626-628: Tám giới hạnh của người Phật tử tại gia, gồm: 1/ Không sát sanh, 2/ không trộm cắp, 3/ không dâm dục, 4/ không láo xược, 5/ không uống rượu, 6/ không ướp hoa, thoa phân, xức dầu thơm, đeo dây chuyền chuổi ngọc, 7/ không nằm giường cao và xem hát xướng, và 8/ không ăn sái giờ.

(13) Trường Bộ Kinh II, 648 đề cập Mười thiện nghiệp là không : sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, tham, sân và tà kiến.

(14) Trường Bộ Kinh II, 582. Xem chi tiết quá trình thực tập Giới Định Huệ trong kinh Sợ Hãi và Khiếp Đảm thứ tư (Trung Bộ Kinh I, 41-58) và Kinh Tiểu Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi thứ 27 (Trung Bộ Kinh I,  391-408).

 

Tiến sĩ NS. TN. Huệ Liên

http://khaidoan.com.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=Hon-Nhan/Bao-hanh-gia-dinh-giai-phap-1980

Âm lịch

Ảnh đẹp