Các lời thề nguyện trong buổi lễ thành hôn không phải chỉ
mang tính nghi thức bên ngoài. Mà quan trọng hơn, chúng biểu thị một cam
kết bên trong, về mặt tinh thần giữa hai người. Để biết cách duy trì
đúng theo các cam kết đó trong suốt cuộc đời, các bạn cần phải hiểu tầm
vóc lớn lao hơn của các lời thề nguyện này.
Trong số rất nhiều các loại chúng sanh trong pháp giới, con người
chúng ta có được một vị thế rất hiếm hoi và may mắn, một nền tảng độc
đáo thích hợp cho sự phát triển tâm linh. Tuy nhiên, nếu không nhận ra
được sự quý báu của đời sống làm người, có thể chúng ta sẽ lãng phí nó.
Cũng giống như người tìm thấy một nén vàng, nhưng lại không nhận ra giá
trị thật của nó nên đã bỏ phí, dùng nó như một thanh chốt cửa. Hiện giờ
chúng ta cũng giống như quặng vàng chưa qua tinh luyện, chưa nhận ra
rằng bản chất thật sự của mình là vàng. Thông qua việc sử dụng tốt cơ
hội làm người này, chúng ta có thể tinh luyện quặng để làm hiển lộ sự
tinh khiết trong bản chất vốn có, giống như vàng của mình.
Trong cuộc hôn nhân này, hai bạn có thể hỗ trợ cho nhau trên con
đường tâm linh và giúp đỡ nhau để đảm bảo rằng tiềm năng trong kiếp
người này sẽ không bị bỏ phí. Điều này là rất quan trọng, bởi vì cơ hội
làm người của các bạn rất ngắn ngủi. Cũng là điều tự nhiên khi các bạn
mong muốn được gắn bó với nhau lâu dài, nhưng các bạn không thể biết
trước được cuộc đời mình hay mối quan hệ của hai người sẽ kéo dài được
bao lâu. Tất cả mọi thứ mà chúng ta trải nghiệm đều vô thường. Thế giới
mà chúng ta đang sống đã từng có lúc chưa hề hiện hữu, và một ngày nào
đó nó sẽ hoại diệt hoàn toàn thành hư không. Thân thể ta cũng đã từng có
lúc chưa hề có mặt ở đây, và một ngày nào đó nó sẽ lại mất đi.
Trong số rất nhiều người đã sống trên quả đất này một trăm năm trước,
có bao nhiêu người còn sống đến bây giờ? Và trong số những người đó, có
bao nhiêu người sẽ sống được một trăm năm nữa? Nếu bạn thấu hiểu lẽ vô
thường, bạn sẽ biết được tầm quan trọng của việc sử dụng sao cho tốt
thời gian sống cùng nhau.
Ngay từ lúc bắt đầu cuộc hôn nhân của mình, các bạn cần phải suy nghĩ
rõ ràng về định hướng mà bạn muốn theo đuổi. Điều quan trọng nhất không
phải là các bạn có được nhiều thời gian bên nhau, mà là các bạn sẽ cùng
nhau sử dụng thời gian như thế nào. Đời sống hôn nhân có nghĩa là cam
kết từ nay về sau, trong suốt phần đời còn lại của các bạn, sống hoà
thuận với nhau, trong niềm vui vẻ, tình yêu thương và lòng thân ái, với
mong muốn đem đến cho nhau lợi lạc càng nhiều càng tốt. Điều này có
nghĩa là ngày ngày bạn sẽ nguyện đặt hạnh phúc của người kia lên trước
hạnh phúc của mình. Cả về phương diện thế tục lẫn tâm linh, hãy cố gắng
sao cho đáp ứng được các nhu cầu của nhau và đóng góp cho nhau trong sự
phát triển tâm linh. Tình yêu vị tha và đích thực mà các bạn dành cho
nhau sẽ tạo nên phẩm hạnh tốt đẹp, đem đến cho các bạn hạnh phúc trong
đời này và gieo trồng những hạt giống hạnh phúc cho đời sau.
Mỗi bạn đều đã chọn được người mình yêu thương từ tất cả các đóa hoa
tươi thắm trong khu vườn trần gian này. Vì vậy, điều quan trọng là các
bạn tiến đến hôn nhân với tâm nguyện vị tha, đem lại lợi lạc cho nhau
càng nhiều càng tốt, trong cả những lúc buồn vui, sướng khổ. Nếu người
đàn ông bước vào quan hệ hôn nhân với suy nghĩ rằng, "bây giờ người phụ
nữ này là vợ tôi, trách nhiệm của cô ta là đáp ứng những nh cầu của
tôi, để làm cho tôi hạnh phúc", hoặc nếu người phụ nữ nghĩ rằng, "bây
giờ người đàn ông này là chồng tôi, anh ta có trách nhiệm phải đem đến
cho tôi hạnh phúc, phải làm cho tôi mãn nguyện," những mong đợi như vậy
sẽ chỉ tạo ra bất ổn mà thôi. Thay vì đòi hỏi như thế từ người kia và
mong đợi điều gì đó cho mình, tốt hơn là các bạn hãy cam kết với nhau,
nhận lãnh trách nhiệm đảm bảo hạnh phúc cho nhau. Hãy luôn nhớ rằng
những gì bạn nói hay làm ảnh hưởng đến người bạn đời của mình như thế
nào. Hãy tìm hiểu xem những gì có lợi cho hạnh phúc và sự an lạc của
nhau.
Nếu cả hai bạn đều quan tâm đến hạnh phúc của nhau, các bạn sẽ có thể
không bao giờ phải chia lìa. Mối quan hệ của các bạn sẽ không thể nào
tan vỡ.
Ngược lại, nếu các bạn bắt người bạn đời phải chịu trách nhiệm về
hạnh phúc của mình, nếu bạn cảm thấy người ấy nợ bạn một điều gì đó, bạn
sẽ chỉ nhìn thấy toàn những khiếm khuyết của người ấy. Nếu động cơ chủ
yếu của bạn là niềm hy vọng rằng người bạn đời sẽ làm cho bạn hạnh phúc,
cuộc hôn nhân của bạn sẽ không dễ dàng, và hạnh phúc của bạn sẽ không
dài lâu. Việc tiến đến hôn nhân với quan điểm ích kỷ sẽ tự động tạo ra
các tình huống cản trở những điều tốt đẹp vốn có thể đạt được. Nhưng nếu
động cơ của bạn là mang lại hạnh phúc cho người bạn đời, bạn sẽ được
hạnh phúc cả trong hiện tại cũng như về lâu dài, và bạn sẽ mang lại hạnh
phúc cho những người xung quanh bạn. Đây chính là ý nghĩa của sự thành
công trên cả phương diện tâm linh lẫn thế tục. Niềm hạnh phúc mà chúng
ta trải nghiệm trong cuộc sống phụ thuộc rất nhiều vào động cơ của mình.
Và động cơ của chúng ta trong hôn nhân cũng quan trọng như trong bất kỳ
sự việc nào khác của đời người. Mặc dù động cơ vị tha không giống với
tâm Bồ-đề, vốn là một tâm nguyện rộng lớn hơn rất nhiều – vì sự lợi lạc
nhất thời và rốt ráo của tất cả chúng sinh, – nhưng vị tha là một cách
thực hành vô ngã rất trực tiếp, với người ở ngay bên cạnh bạn. Và bạn có
thể sử dụng mối quan hệ vợ chồng như là một khuôn mẫu cho những mối
quan hệ với tất cả mọi người.
Để duy trì được cam kết của mình, các bạn phải chuẩn bị tinh thần để
đương đầu với những khó khăn trở ngại với ý chí chịu đựng vững vàng. Mặc
dù chúng ta đã phát nguyện trước chư Phật và Bồ Tát, các mâu thuẫn và
va chạm vẫn có thể xảy ra. Không ai trong chúng ta là hoàn hảo cả. Trong
các mối quan hệ, ta thường trải qua các cảm xúc tiêu cực, nhỏ nhen,
những suy nghĩ ích kỷ, và đủ loại trạng thái thể chất lẫn tinh thần, dễ
chịu cũng như khó chịu. Những điều này sẽ thử thách cam kết của các bạn,
– nó phải có khả năng trụ vững cho dù bất cứ điều gì xảy ra. Điều quan
trọng không phải là đã nảy sinh điều gì, mà là các bạn đối phó với điều
đó như thế nào, nỗ lực như thế nào để bảo đảm rằng cuộc hôn nhân của các
bạn sẽ kéo dài suốt đời.
Hãy nguyện rằng sẽ giúp đỡ lẫn nhau, là bạn của nhau trong mọi trường
hợp. Khi những khó khăn, rắc rối xảy ra, bất kể là lớn hay nhỏ, đừng
làm to chuyện. Hãy tự nhủ rằng người hôn phối của bạn cũng chỉ là một
con người, không phải thần thánh. Hãy lưu tâm đến những phẩm chất tốt
đẹp của người đó và đừng ôm giữ mãi những khó khăn đã qua.
Khi có một bất ổn nảy sinh, hãy tự nhủ rằng tất cả chúng ta đều chỉ
là con người và hãy buông bỏ nó. Trong những thời điểm khó khăn, hãy nhớ
rằng sự kết hợp của hai bạn là trọn đời, và các bạn phải nỗ lực hết
sức mình vì điều đó. Đừng phí thời gian để tranh cãi. Hơn nữa, việc nghĩ
rằng mình đúng và người kia sai là một trong những ý tưởng sai lầm nuôi
dưỡng sự khổ đau.
Thay vào đó, hãy nhẫn nhục và luôn nhớ rằng điều duy nhất lợi ích vào
thời điểm bạn chết sẽ là những công đức mà bạn đã tích tập được trong
cuộc đời này. Nếu bạn duy trì quan điểm này hằng ngày, các bất đồng sẽ
được giải quyết và bạn sẽ phát triển được đức tính nhẫn nhục, yêu
thương, từ bi và chấp nhận. Các phẩm chất đó sẽ giúp bạn củng cố mối
quan hệ [hôn nhân] của mình.
Động cơ vị tha của các bạn trong hôn nhân là biểu hiện cụ thể của
pháp tu đầu tiên trong Lục độ – sự mở lòng rộng lượng [cho tặng vô điều
kiện] (bố thí ba-la-mật). Sự thực hành này là một trong những cách tốt
nhất để tích lũy công đức và gia tăng các phẩm chất đạo đức. Thông qua
tình yêu và cam kết mà các bạn dành cho nhau trong lễ thành hôn này và
trong tương lai, khi hai bạn nâng niu tình yêu dành cho nhau trong trái
tim mình, khi hai bạn trao những lời yêu thương cho nhau, khi hai bạn
trao nhẫn cưới cho nhau như là biểu hiện cụ thể của sự kết hợp, các bạn
đang bày tỏ phẩm chất của sự rộng lượng cho tặng (hay bố thí). Cam kết
của các bạn từ nay về sau, sẽ sử dụng thân thể, lời nói và suy nghĩ để
đem đến hạnh phúc cho nhau là một biểu hiện sâu xa hơn nữa của sự rộng
lượng [cho tặng vô điều kiện] đó.
Các bạn cũng [có thể] vận dụng vào cuộc sống hôn nhân pháp tu thứ hai
trong Lục độ, sự nghiêm giữ giới hạnh. Điều này có nghĩa là các bạn sẽ
sống với nhau theo các nguyên tắc đạo đức cao hơn, từ bỏ những thói quen
không tốt cho quan hệ hôn nhân, những hành vi ứng xử nhỏ mọn, ích kỷ,
không hoà hợp, và tập trung nhấn mạnh vào những phẩm chất tích cực, vị
tha như là lòng từ ái, vốn luôn mang lại lợi lạc lớn lao hơn. Con đường
tu tập của các bạn là con đường của đức hạnh, mang lại niềm vui và hạnh
phúc cho mọi người và kiềm chế các hành vi bất cẩn có thể gây tổn hại
hay khổ đau cho người khác. Là người tu tập, các bạn nên sử dụng thân
thể, lời nói và suy nghĩ để bảo vệ bản thân và cuộc hôn nhân của mình
khỏi bất cứ trở ngại và tiêu cực tiềm tàng nào và cố gắng để đem đến lợi
lạc cho nhau một cách khéo léo. Nếu biết lưu tâm đến các nhu cầu của
người hôn phối, các bạn đã sẵn có một phương tiện rất mạnh mẽ để ngăn
ngừa các bất ổn.
Đời sống hôn nhân chắc chắn là một sự thử thách. Bạn đừng ôm giữ định
kiến về việc quan hệ hôn nhân sẽ tiến triển như thế nào, mà hãy học
cách để không gây phiền muộn cho nhau, hãy học cách để đạt được niềm vui
và sự hòa hợp ngày càng lớn hơn. Khi xảy ra những sự việc bất như ý,
hãy đối phó với sự không hài lòng trong tự tâm mình theo đúng như sự tu
tập giáo pháp thay vì cố làm cho người kia thay đổi. Điều này cũng rất
quan trọng nếu các bạn quyết định có con. Khi các bạn đối xử với nhau
bằng sự tôn trọng và tình yêu thương, và cố gắng giải quyết một cách ôn
hòa bất cứ vấn đề gì phát sinh, các con của bạn sẽ có một khuôn mẫu để
phát triển những mối quan hệ tích cực và thành công của riêng chúng.
Pháp tu thứ ba trong Lục độ, nhẫn nhục ba-la-mật, là một trong những
phẩm chất quan trọng nhất mà các bạn có thể vận dụng vào cuộc sống hôn
nhân. Hãy thệ nguyện luôn duy trì sự hòa hợp và luôn nhớ rằng, cho dù
người hôn phối của bạn đang trải qua bất kỳ sự thay đổi nào bên ngoài
hay về mặt cảm xúc, thì người ấy vẫn không phải là một vị Phật. Người ấy
chỉ là một con người bình thường đang phải đương đầu với các vấn đề của
riêng mình. Hãy cố gắng nghĩ về điều đó với lòng từ bi và sự nhẫn nhục,
lưu tâm đến sự gắn bó kết hợp giữa hai bạn hơn là các vấn đề rắc rối.
Cố gắng đừng để tâm mình buồn bực rối rắm bởi những khó khăn, rắc rối
tất yếu nảy sinh khi con người sống chung với nhau. Ít nhất thì cũng
đừng ôm giữ chúng, thay vào đó hãy cố gắng giải quyết chúng ngay lập
tức.
Sự thực hành nhẫn nhục sẽ mang lại những lợi ích lớn lao ngay trước
mắt, trong phạm vi đời sống hôn nhân, và cả những lợi ích lâu dài. Khi
các bạn thực hành các phẩm hạnh, đặc biệt là phẩm hạnh có công năng mạnh
mẽ như đức nhẫn nhục, chắc chắn điều đó sẽ mang lại hạnh phúc lớn lao
trong tương lai, có thể được xem như niềm hạnh phúc ở các cõi trời hay
miền tịnh độ. Thông qua sự giận dữ, làm tổn thương cảm xúc của người bạn
đời, thông qua các ham muốn ích kỷ, không nghĩ đến những gì có thể làm
cho người bạn đời của mình hạnh phúc mà chỉ nghĩ đến những mong muốn ích
kỷ cho bản thân, và thông qua sự mê muội, không phân biệt được đâu là
những hành vi thực sự có hại và có lợi, bạn sẽ gây ra đau khổ ngay trước
mắt cũng như về lâu dài. Bởi vì thiên đường và địa ngục không tồn tại
bên ngoài tâm thức của bạn, mà chúng chỉ là những sự phản ảnh từ chính
tâm thức tích cực và tiêu cực của bạn.
Việc duy trì thệ nguyện sống chung như vợ chồng còn phải cần đến pháp
tu thứ tư trong Lục độ, tinh tấn ba-la-mật. Các bạn cần phải có một nỗ
lực không mệt mỏi để duy trì sự chân thành trong quan hệ, để giúp đỡ
nhau đạt được các mục tiêu và mang lại lợi lạc cho bản thân cũng như cho
mọi người, cả về phương diện thế tục lẫn thực hành tâm linh. Mọi quan
hệ thân hữu trên đường tu tập đều là thiết yếu đối với sự tu tiến của
chúng ta, những người thực hành tu tập tâm linh, và những phẩm chất của
bạn bè có thể ảnh hưởng rất nhiều đến chúng ta. Chính vì thế nên điều
cực kỳ quan trọng là phải biết vận dụng đời sống hôn nhân như một cơ hội
để hỗ trợ nhau tu tập, và không bao giờ để cho hành động, lời nói hay
thái độ của người kia trở thành chướng ngại cho con đường tâm linh của
bạn. Điều này đòi hỏi sự thực hành pháp tu tinh tấn, phải nỗ lực cố gắng
không chỉ một hai lần, mà là trong suốt cuộc đời để cùng nhau thành tựu
các mục tiêu tâm linh.
Liên quan đến pháp tu thứ năm trong Lục độ, duy trì chánh định, hay
thiền định ba-la-mật, là việc luôn nhớ nghĩ đến mối quan hệ kết hợp gắn
bó của các bạn, nâng niu nó trong trái tim bạn và không bao giờ buông
bỏ. Điều này có nghĩa là chỉ tập trung chuyên chú vào những gì sẽ mang
lại hạnh phúc lâu dài cho chính mình và người khác. Trong ngày hôm nay,
sự trẻ trung hay hấp dẫn của các bạn thực sự không hề quan trọng, khi
các bạn cùng nhau thề nguyện gắn bó. Vì vẻ đẹp bề ngoài sẽ không tồn tại
mãi mãi. Đừng lưu tâm đến nó. Hãy nhớ rằng tất cả mọi thứ trên thế gian
này đều sẽ biến hoại. Tất cả những gì do duyên hợp mà thành thì cuối
cùng đều sẽ tan rã. Nhưng trong quãng thời gian các bạn sống cùng nhau,
các bạn có thể mang đến niềm vui cho nhau, các bạn có thể hình thành
những phẩm hạnh tốt đẹp và các bạn có thể hỗ trợ cho sự thực hành tâm
linh của chính mình cũng như người bạn đời của mình. Mặc dù cuộc đời này
có thể rất ngắn ngủi, mối lương duyên mà hai bạn thiết lập thông qua sự
tham gia tích cực và đạo đức vào đời sống của nhau và thông qua sự thực
hành tâm linh của các bạn, sẽ tiếp tục trong các kiếp sau để đem lại
lợi lạc cho cả hai bạn.
Điều cuối cùng, các bạn [có thể] vận dụng vào đời sống hôn nhân là
pháp tu thứ sáu trong Lục độ, sự hiểu biết thấu triệt hay trí tuệ
ba-la-mật.
Bất kể niềm vui hay nỗi buồn nào mà các bạn cùng nhau trải qua hay
đơn độc gánh chịu, hãy nhớ rằng những sự kiện thoáng qua này đều giống
như những tiếng vọng, những ảo ảnh đến rồi đi, rằng mọi thứ mà bạn trải
nghiệm đều không hề có tự thể tồn tại. Toàn bộ kinh nghiệm của chúng ta
trong đời sống chỉ giống như một giấc mơ trong đêm với đầy những niềm
vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau. Và cũng giống như khi ta bừng
tỉnh vào buổi sáng để thấy rằng thực sự chẳng có gì xảy ra, ta cũng có
thể nhìn lại tất cả những kinh nghiệm trong cuộc sống và thấy rằng tất
cả đều là huyễn ảo. Biết bao thời khắc hạnh phúc hay khổ đau giờ đây đều
đã không còn nữa.
Thấu hiểu được bản chất sâu xa này của các kinh nghiệm sống không có
nghĩa là chúng ta chối bỏ mọi kinh nghiệm hạnh phúc của mình. Chúng ta
vẫn vui mừng, nhưng đồng thời vẫn nhận ra rằng những niềm vui đó không
thực có như mình từng nghĩ. Khi đau buồn, chúng ta nhớ rằng nỗi đau buồn
đó cũng vô thường. Cách nhìn này giúp ta giảm bớt được sự bám chấp vào
những sự việc diễn ra theo một cách nào đó, cũng như sự không hài lòng
trước những khó khăn, rắc rối. Chúng ta nhận ra rằng, việc ta có được
hạnh phúc hay phải gánh chịu khổ đau không phải do những điều kiện bên
ngoài, mà là do chính cung cách phản ứng của ta như thế nào đối với
những kinh nghiệm bên ngoài đó. Điều này giúp ta có được sự chấp nhận và
cân bằng trong cuộc sống.
Hãy cố gắng duy trì sự nhận biết thường xuyên về tự tánh chân thật
của chính bạn, vốn vượt ra ngoài mọi phạm trù hạnh phúc và khổ đau, niềm
vui và nỗi buồn, hy vọng và sợ hãi. Cho dù bạn có thể trông giống hệt
như một người bình thường, nhưng nếu có sự kết nối nội tâm với điểm tinh
yếu này của sự tu tập, thì ngay cả trong mọi công việc làm hằng ngày,
bạn sẽ thành tựu được điều gì đó rất mạnh mẽ và rất lợi lạc. Nếu bạn
luôn duy trì được nhận thức chân thật này thì việc bạn sinh sống ở đâu,
ăn mặc như thế nào hay hành động ra sao cũng không còn là điều quan
trọng nữa.
Trí tuệ ba-la-mật, trong ý nghĩa sâu xa nhất của nó, được thể hiện
trong sự hợp nhất của nam tính và nữ tính, là nền tảng cho con đường tâm
linh của Phật pháp. Khía cạnh biểu hiện của tất cả hình tướng trong thế
giới hiện tượng, diệu hữu, tương ứng với nguyên lý nam tính của phương
tiện thiện xảo và bản chất thực sự của những hiện tượng này, chân không,
tương ứng với khía cạnh nữ tính của trí tuệ siêu việt. Nếu chúng ta xem
xét bất kỳ yếu tố nào trong kinh nghiệm của mình, chúng ta đều sẽ thấy
chúng không hề có tự tánh, thế nhưng mọi thứ vẫn hiển hiện. Sắc và
không, không và sắc cùng tồn tại trong sự hợp nhất với nhau. Sự hiểu
biết về tính bất khả phân ly của tính không của hiện tượng và hình tướng
của chúng là phẩm chất của trí tuệ siêu việt, có thể được trau dồi và
nuôi dưỡng trong suốt cuộc sống chung của hai bạn.
Trong xã hội loài người, sự kết hợp giữa phụ nữ và nam giới là biểu
hiện của chân lý sâu sắc đó, hôn nhân là một biểu hiện của sự hòa hợp
đó. Thậm chí điều này còn mang đến một chiều kích sâu sắc hơn nữa cho
cuộc hôn nhân giữa hai người đã bước chân vào con đường thực hành giáo
pháp, bởi vì họ có một phương tiện để vận dụng vào trong cuộc sống của
họ sự hợp nhất của nam tính và nữ tính mà các giáo lý được hình thành từ
đó.
Trong hôn nhân, nếu các bạn vẫn trung thành với quan kiến về trí tuệ
siêu việt, và trong cuộc sống chung các bạn luôn nỗ lực để mang lại lợi
ích lớn lao hơn cho bản thân và người khác, ngay trước mắt cũng như lâu
dài, thì mối quan hệ của các bạn sẽ đong đầy hạnh phúc trong cả đời này
cũng như đời sau và sự hợp nhất của các bạn sẽ thể hiện được tinh túy và
những nguyên lý của giáo pháp thiêng liêng.
MONG RẰNG TẤT CẢ CHÚNG SINH ĐỀU ĐƯỢC LỢI LẠC!
Tập sách này được hình thành từ các bản ghi chép [những lời giảng]
trong năm lễ cưới được tiến hành dưới sự chủ trì của Chagdud Tulku
Rinpoche từ năm 1988 đến năm 1993.