“Tiếng
chuông ngân vang như cầu nguyện an lành cho vùng biển ‘đầu sóng ngọn
gió’ và như thêm một lần nữa khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả
xâm phạm đối với vùng biển, đảo thân yêu của Tổ quốc. Đã từ bao đời nay,
ở đâu có người Việt thì ở đó có chùa của người Việt”. Và nhà báo này viết tiếp, “Tiếng tụng kinh vang lên giữa hương trầm như rút ngắn khoảng cách giữa đảo và đất liền”.
Bài báo cũng nói đến tâm nguyện của Thượng tọa Thích Tâm Hiện, vị đã
có vinh dự được thỉnh đến trụ trì ngôi chùa trên đảo Song Tử Tây, rằng
đối với ông, suốt 42 năm tu hành, đến đảo Song Tử Tây lần này là chuyến
đi có ý nghĩa nhất cả một đời hành đạo của mình, rằng ông cùng với Đại
đức Thích Thánh Thành, bên cạnh việc tu hành, sẽ giúp các Phật tử hướng
về đạo và cùng với dân trên đảo cầu nguyện cho những anh hùng chiến sĩ
đã hy sinh để gìn giữ biển đảo mà cha ông đã truyền lại, rằng điều đó
không chỉ là nghĩa vụ của người dân mà còn là trách nhiệm của chư Tăng.
Ông nhắc lại rằng, “Quốc thái thì dân mới an”, là điều mà cha ông ta đã
nhắc nhở, là sợi dây kết nối đạo với đời mà Phật giáo và dân tộc Việt
Nam vẫn gìn giữ.
Trước đó, trên trang mạng của VNExpress, nhà báo Mỹ Giang đã
nhắc đến câu nói của Đại đức Thích Giác Nghĩa, người được biết sẽ có
mặt tại ngôi chùa trên đảo Trường Sa lớn, rằng “Chúng tôi nguyện là người kế tiếp bảo vệ Tổ quốc và tri ân những người đã ngã xuống dưới lòng biển khơi”.
Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa,
là vấn đề đã làm nóng khu vực suốt nhiều năm qua. Quần đảo Trường Sa
trên biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên đây cũng là nơi
mà một số quốc gia khác như Philippines, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ
quyền một phần, hoặc lớn tiếng hơn như Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền
toàn bộ! Việc tiếng chuông chùa ngân nga giữa biển giữa trời của người
dân đất Việt nhắc chúng ta nhớ đến câu chuyện về những ngôi chùa Việt
Nam trong thời Bắc thuộc; khi tiếng trống đồng đã không còn vang lên thì
thay vào đó là tiếng chuông chùa, vì Phật giáo lúc ấy là quốc giáo. Từ
thời Hai Bà Trưng, qua Mâu Bác đến Lý Trần, nền văn hóa Việt-Phật đã
luôn không chỉ đồng hành mà còn dẫn đạo toàn dân kháng chiến, viết nên
những trang sử chói lọi cả về quân sự lẫn văn hóa.
Chúng ta cũng nhớ chuyện Pháp sư Phụng Đình sang giảng kinh cho vua
Đường, khi về nước được nhà thơ Dương Cự Nguyên đưa tiễn bằng một bài
thơ trong đó có hai câu kết, Trường An lòng vương vấn – Giao Châu chuông đêm tà (Tâm
đáo Trường An mạch – Giao Châu hậu dạ chung). Tiếng chuông Giao Châu
trong bài thơ ấy đã gửi gắm một thông điệp rõ ràng: Giao Châu là xứ có
văn hóa học thuật và mức độ tâm linh cao siêu. Xứ này dứt khoát phải
được độc lập, tự do. Chúng ta còn nhớ năm 986 sau chiến thắng Bạch Đằng,
Đại sư Khuông Việt cùng Thiền sư Đỗ Pháp Thuận đã đạt một thắng lợi
ngoại giao cực kỳ quan trọng khi đón sứ Tàu là Lý Giác. Lần đầu tiên, sứ
giả “thiên triều” phải công nhận Việt Nam như một vòm trời văn hóa
chính trị riêng biệt. Với câu thơ “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu”
(Ngoài trời lại có trời soi sáng), Lý Giác đã bày tỏ lòng khâm phục
không chỉ các bậc thiền sư nước ta mà cả một chính thể, một nền văn hóa
đáng tôn trọng.
Việc các vị Tăng ngày nay đến quần đảo Trường Sa phải chăng có thể
được coi là sự tiếp nối tinh thần dấn thân của các vị thiền sư đời
trước?
Tinh thần dấn thân hôm nay còn không?
Trên bình diện thế giới, người ta cũng vẫn than phiền rằng sự dấn
thân của con người đang sút giảm. Người ta sợ trách nhiệm, thiếu tuân
thủ những cam kết ban đầu của mình. Brian Klemmer, một diễn giả nổi
tiếng, từng tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoa Kỳ, đã thuyết giảng và viết
sách để đề cao khái niệm “chiến binh nhân từ” trong tác phẩm The Compassionate Samurai của ông.
Chiến binh nhân từ (compassionate samurai) là ai?
Trong ngôn ngữ Nhật Bản thì samurai là một từ để chỉ những người
thuộc thành phần cao cấp của giới chiến binh, gọi là võ sĩ, phải tuân
thủ những quy tắc nghiêm ngặt của võ sĩ đạo; nhưng theo các nhà ngữ học
thì nghĩa này đến cuối thế kỷ thứ 12 mới có. Còn ban đầu thì samurai
được dùng để nói về lớp người có trách nhiệm tổ chức việc phục vụ giới
quý tộc, phục vụ triều đình, đòi hỏi phải là người có tinh thần phụng
sự. Từ đó, Brian Klemmer phát triển khái niệm compassionate samurai, tạm
dịch là chiến binh nhân từ (CBNT), tuy dùng từ chiến binh, nhưng không
nhằm chỉ những người thuộc lực lượng quân sự, mà để nói về những người
có tinh thần phục vụ, hội đủ các giá trị đạo đức cá nhân và có khả năng
biến những ý tưởng của mình thành hiện thực, trong khi vẫn dành trọn
cuộc đời để phụng sự xã hội.
Tác phẩm Compassionate Samurai đưa ra mười quy tắc mà người CBNT luôn tuân thủ là: cam
kết, trách nhiệm cá nhân, cống hiến, tập trung, trung thực, danh dự,
lòng tin, sự quảng đại, dũng cảm, và luôn trau giồi kiến thức. Theo
tác giả, hơn lúc nào hết trong thế giới ngày càng phẳng này, CBNT chính
là hình mẫu mà mọi người cần rèn luyện… để không chỉ đi tìm sự giàu có
cho riêng mình mà để trở thành một người sống với trái tim khoan dung
nhân hậu, một người đáng tin cậy, một thành viên tích cực của cộng đồng,
một người con yêu nước và một công dân có trách nhiệm. Tác giả kêu gọi
xã hội cần phải có những CBNT, cụ thể qua hình ảnh Nelson Mandela, một
người kiên cường trải qua 27 năm biệt giam ở nhà tù Nam Phi để thực hiện
ước mơ giải phóng đất nước; hay Warren Buff et, một nhà đầu tư vĩ đại,
làm giàu nhưng cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ với cộng đồng và những giá
trị sống của bản thân trong việc hiến tặng gần như toàn bộ gia sản của
mình cho nhân loại. Đó là phẩm chất đầu tiên: sự cam kết. Tác giả diễn
giải, “Trên thế giới này, những ai dám đi đến tận cùng để thực hiện cam kết của bản thân sẽ là người chiến thắng”.
Tuy nhiên dù là người tận tâm và kiên định với cam kết của mình, nhưng
nếu xuất phát từ những động cơ đê hèn, như bọn khủng bố chẳng hạn, thì
cũng không thể coi là những CBNT được; vì động cơ của người CBNT phải là
hướng đến cái thiện, đến phúc lợi cho mọi người. Phẩm chất thứ hai mà
tác giả ca ngợi là tinh thần trách nhiệm cá nhân. Một thái độ đáng buồn
của giới trẻ và của kể cả một số người trưởng thành ngày nay là họ không
đủ can đảm lựa chọn quan điểm cho riêng mình và không có ý thức phục vụ
người khác. Họ sống thụ động a dua, buông xuôi, chạy theo bầy đàn một
cách thiếu trách nhiệm; bởi lẽ chịu trách nhiệm cá nhân có nghĩa là đồng
ý với quan điểm chính ta là tác nhân tạo ra những trải nghiệm bản thân
thông qua những lựa chọn mà ta quyết định thực hiện. Thiếu trách nhiệm
dẫn đến thiếu lương tâm hoặc không thể hay không muốn nghe theo lương
tâm; trong khi chính lương tâm cho phép con người có khả năng phân biệt
giữa đúng và sai. Chừng nào lối sống thiếu trách nhiệm còn tồn tại phổ
biến thì tiếng nói lương tâm bị lấn át. Nhiều người đã làm những chuyện
không thể tin được nhưng chẳng mảy may cảm thấy hối hận hay tội lỗi.
Người ta bắn giết lẫn nhau vì những nguyên cớ không đâu. Chồng giết vợ,
vợ đốt chồng, con giết cha, anh giết em, bạn bè giết nhau, loạn luân…
xảy ra như chuyện bình thường. Lương tâm đã hấp hối hay đã chết ở nhiều
xã hội trên thế giới chỉ vì thói vô trách nhiệm. Người CBNT luôn tự hỏi:
“Tôi có thể làm gì để phục vụ con người, tổ chức này hay đất nước
này?”. Đó là ý nghĩa của phẩm chất “cống hiến”. Hãy nghe một nhà lãnh
đạo khẳng định “Chúng ta sống bằng những gì chúng ta nhận được nhưng chúng ta tạo ra cuộc sống bằng những gì chúng ta cho đi” (W. Churchill).
Ngay trong kinh doanh, người CBNT cũng hướng về phục vụ. Những công
ty hàng đầu thế giới như Microsoft hay Wal Mart luôn đặt ý hướng làm hài
lòng khách hàng làm trọng tâm hay mục tiêu phát triển. Người ta không
thể quên tấm lòng cao cả và số tiền khổng lồ mà vị chủ tịch Bill Gates
hay Warren Buff et của những công ty ấy dành cho những bệnh nhân AIDS ở
châu Phi. Chỉ ba phẩm chất đầu tiên của CBNT ấy đã khiến chúng ta phải
suy nghĩ nhiều đến con người VN hôm nay. Những CBNT hôm nay đang ở đâu
trên đất nước Việt Nam này, trong cuộc sống này, đang ngồi vào cương vị
lãnh đạo hay đang làm việc miệt mài trên nông trường nắng gió, trên
những giàn khoan ngoài khơi hay trong trong những nhà thương chật ních
bệnh nhân…? Hơn bao giờ hết chúng ta đang cần lắm những CBNT trong hàng
ngũ những người quản lý, lãnh đạo vì họ chính là những tấm gương cho
quần chúng, cho nhân dân. Hãy cùng nhìn lại lịch sử để nhớ lại bài học
về những người lãnh đạo thiếu phẩm chất cống hiến, trung thực, thiếu
trách nhiệm cá nhân đã đưa đến sự tàn lụi của đất nước, suy vi của triều
đại.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Lý Cao Tông chơi bời vô
độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi như ong, đói kém
liền nhiều năm nên cơ nghiệp nhà Lý từ đấy mà suy. Năm 1179, Cao Tông
xuống chiếu cấm không được đem mắm muối và đồ sắt lên đổi bán ở đầu
nguồn, điều này chẳng khác gì bế quan tỏa cảng, làm cho kinh tế không
phát triển.
Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi nhận “Trần Dụ Tông họp
các nhà giàu như làng Đình Bảng ở Bắc Giang, làng Nga Đình ở Quốc Oai
vào cung đình đánh bạc làm vui, một tiếng bạc đặt gần 300 quan tiền, ba
tiếng thì đã đặt gần 1.000 quan…”. Về chuyện vua đánh bạc, sách Việt sử tiêu án đã phê phán: “Làm vua một nước mà mở sòng đánh bạc để lấy hồ… thật đáng bỉ”; còn nhà sử học Phan Phu Tiên nhận xét: “Dụ
Tông công nhiên làm bậy, gọi những nhà giàu vào cung đánh bạc rồi sau
người trong nước bắt chước cái dở ấy, không thể ngăn cấm được nữa. Cuối
cùng, vì tệ đánh bạc mà mất nước”. Còn bao nhiêu tấm gương nữa như
vua “quỷ” Lê Uy Mục (trị vì từ 1505-1509), vua “lợn” Lê Tương Dực (trị
vì từ 1509-1516)… Những hành vi đó đều khiến đất nước lâm nguy, dân tộc
khốn cùng, và đưa đến sự sụp đổ của triều đại; may mà giai đoạn đó lân
quốc phương Bắc cũng đang gặp khó khăn, nếu không, chưa biết tình trạng
đất nước ta bấy giờ ra sao.
Hiện nay, trong hàng ngũ công bộc dân của đất nước ta dường như thiếu
vắng những CBNT; nhiều công chức bị tha hóa trước tệ nạn xã hội; tình
trạng tham nhũng trong cơ quan công quyền đang có nguy cơ phát triển mà
nếu không có những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sẽ là căn bệnh trầm
kha, gây bức xúc trong nhân dân, trở thành “quốc nạn”! Chính người lãnh
đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã phải thừa
nhận: “Đứng trên tổng thể mà xét, hiện nay cái làm cho quần chúng
oán thán nhất, gây mất lòng tin nhất, làm xói mòn bản chất Đảng, đó
chính là sự suy thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của
một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; cái này thật là nghiêm trọng”.
Cái chính là thiếu quy định trách nhiệm cá nhân như vừa được đề cập ở
phần trên. Một phần do cơ chế chồng chéo: ai giám sát ai? Khi ông
trưởng ban chống tham những là quan đầu tỉnh và nếu chuyện tham nhũng
rơi vào gia đình ông thì vấn đề sẽ được xử lý thế nào? Trách nhiệm tập
thể hay nói cách khác là không ai chịu trách nhiệm sau cùng! Những tiếng
nói phản biện thường thì yếu ớt không đủ mạnh hoặc bị “chụp mũ” phá
hoại, không xây dựng, nói xấu… Nếu không có trách nhiệm cá nhân hay sự
tôn trọng chính mình, thì những phẩm chất còn lại như lòng can đảm hay
niềm tin cũng không có đất để tồn tại, nói gì sinh sôi.
Nhà văn Nguyên Ngọc trong một bài viết đã thẳng thắn đề cập tới “một trạng thái chán chường sâu sắc và mênh mông về đạo đức xâm chiếm mọi con người”. Theo
ông, tâm trạng chán chường trước sự sa sút về đạo đức ấy phát sinh từ
một “căn bệnh” cứ “vây kín quanh mình, “va vào đâu cũng gặp” dưới “mọi
kiểu trắng trợn hay tinh vi”, đó là sự giả dối.
“Tôi cho rằng căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của
xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối. Chính cái giả dối tràn lan khiến
người ta không còn thật sự tin vào bất cứ điều gì nữa. Câu hỏi thường
trực bây giờ: Tốt để làm gì? Sạch để làm gì? Quên mình để làm gì? Xả
thân chống lại cái xấu, cái giả để làm gì? Liệu rồi có ai, có cơ chế nào
bảo vệ những nỗ lực đạo đức đó không? Hay thậm chí bị cả cơ chế quật
đánh lại như vẫn thấy không hề ít?”.
(Nguyên Ngọc – Cần một cuộc tự vấn)
Hiện nay, chỉ cần mở một trang báo bất kỳ, ngày nào người ta cũng cảm
thấy chạnh lòng, xốn xang cho tình trạng xuống cấp của đạo đức: chuyện
giết người, có lý do và không lý do, ngoài đường hay trong gia đình, với
những kẻ sát nhân tuổi còn măng sữa… khiến nhiều bậc thức giả e ngại
chúng ta đang “mất gốc” văn hóa, đạo đức ngàn xưa. Điều đáng buồn hơn là
sự vô cảm đang thâm nhập, xâm chiếm dần trong giới trẻ, những người
được dạy dỗ phải yêu cái đẹp, cái thiện thì lại dửng dưng, không cảm xúc
trước mọi biến cố của đời sống. Có chăng họ chỉ xúc động hay phấn khích
khi chạy theo thời trang, theo thần tượng âm nhạc hay điện ảnh một cách
cuồng nhiệt và cuồng loạn. Có người đã cảm thán, “Đúng là người ta
giờ bị mắc bệnh vô cảm. Mà còn hơn vô cảm nữa khi xảy ra vụ có người
đang trả tiền và họ bị cướp tiền làm tung tóe ra đường phố thì đám đông
nhảy vào cướp tiền đó. Đấy là tình trạng còn hơn vô cảm nữa, tức là sự
ăn cướp đã trở thành hiện tượng đương nhiên trong xã hội…”. Đạo
đức xuống cấp khiến con người không còn hướng thiện. Đó là điều nguy
hiểm vô cùng cho dân tộc Việt Nam hôm nay và gay go hơn là cả mai sau
khi giới trẻ không còn người hùng hay thần tượng đúng nghĩa để vươn tới
và thắp sáng ước mơ.
Làm sao phục hoạt tinh thần dấn thân?
Trong tình hình phức tạp như hiện nay, có lẽ những ai có tâm huyết,
các bậc thức giả và cả giới chức hữu trách nếu thực lòng với quê hương –
khó mà tìm ngay ra giải pháp hữu hiệu tức thời cho câu hỏi này. Một nhà
giáo ở miền Bắc tin rằng:
“Tôi nghĩ thay đổi được những hiện trạng xấu như thế này cần tới nỗ
lực rất toàn diện. Đó là nỗ lực chung của xã hội, của tôn giáo, của đạo
đức, của sư phạm, của giáo dục, của các mối quan hệ trong xã hội, của
các giá trị truyền thống và các giá trị hiện tại. Nói chung phải có sự
tôn trọng và hài hoà trong xã hội” (Nguyễn Thượng Long).
Còn về Brian Klemmer thì sao? Ông là người thực tế. Ông chỉ yêu cầu
bạn hãy ngồi xuống ngay bây giờ, lấy ra một tờ giấy và ghi lại:
1. Ba cam kết lẽ ra bạn phải làm nhưng đã bị hoãn lại.
2. Ba cam kết sau cùng đưa ra nhưng không thực hiện được. Vì sao? Cái giá phải trả để lấy lại uy tín cá nhân bạn là gì ?
Về trách nhiệm cá nhân cũng vậy, bạn hãy ghi lại những kinh nghiệm sau:
1. Bạn đã từng làm sai và đổ lỗi cho ai chưa?
2. Bạn có thể thực hiện lựa chọn nào khác nhằm thay đổi cuộc đời mình theo hướng tích cực không?
CBNT chỉ trao tặng và không nghĩ đến lợi ích cá nhân, khác với người
bình thường trao tặng và mong nhận lại. Hãy nhớ gieo nhân nào gặt quả
ấy. Warren Buff er và Bill Gates đang cho đi rất nhiều nhưng công ty của
hai ông vẫn đang thu hoạch nhiều như thế từ lợi nhuận đến uy tín. Tác
giả nhấn mạnh: “Đó là quy luật. Khi bạn trao tặng từ trái tim và không
kỳ vọng nhận lại bất kỳ điều gì, bạn đang thực hiện việc trao tặng ở cấp
độ cao nhất… Bạn trao tặng không phải để nhận lại mà vì bạn đã quyết
tâm trở thành người trao tặng đúng nghĩa: (Brian Klemmer – Compassionate Samurai). Đó cũng chính là một biểu hiện của tinh thần hay một sự thực hành hạnh bố thí ba-la-mật.
Trở lại với tâm nguyện của những vị sư đã dấn thân đến trụ trì những
ngôi chùa trong quần đảo Trường Sa, có thể thấy hành động của chư vị đã
khẳng định tinh thần CBNT của Phật giáo Việt Nam vẫn tồn tại, cách này
hay cách khác.
Ngày Phật đản, chúng ta hãy hướng tâm mình về những điều Phật dạy và
tự hỏi chúng ta đã làm gì, đang làm gì để thực hiện dù chỉ một phần
những điều Phật dạy, ứng dụng vào cuộc sống hôm nay. Làm được dù ít hay
nhiều, bạn sẽ thấy mình vươn lên mạnh mẽ như một chiến binh đầy lòng
nhân ái… „
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 152 | NGUYÊN CẨN