Ngày Phật đản năm nay,
PL.2557, kỷ niệm sự kiện Đại hy hữu cách đây 2.637 năm, đấng Đại hùng
Đại lực Đại từ bi Thích Ca Mâu Ni xuất hiện ở thế gian, đem ánh đạo vàng
tỏa rạng khắp nơi, cứu độ chúng sanh tìm về giải thoát.
Chúng ta lắng lòng hướng về Thánh địa
Lâm-tỳ-ni, nước Ca-tỳ-la-vệ của Ấn Độ cổ để tưởng như được tắm gội ánh
hào quang tỏa từ kim thân của Đức Phật. Trong ý nghĩa ngày Vesak quốc
tế, chúng ta không quên hướng về các Thánh địa Bồ-đề Đạo tràng, nơi Đức
Phật thành Đạo, vườn Lộc Dã, nơi đấng Từ phụ chuyển Pháp luân lần đầu
tiên, và rừng Câu-thi-na, nơi đấng Thế Tôn nhập Đại Niết-bàn. Trụ đá của
vua A-dục được dựng hơn ba trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt vẫn sừng
sững tại Lâm-tỳ-ni, tại Vườn Nai… nhắc nhở chúng ta rằng Phật pháp vẫn
còn đó, con đường giải thoát vẫn tỏ rạng cùng với lời nhắn nhủ của Đức
Từ phụ: “Có Niết-bàn, có con đường đưa đến Niết-bàn và ta là người chỉ
đường” (Trung bộ, Kinh Ganaka Moggallana, số 107).
Từ đầu năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiến hành nhiều
Phật sự
quan trọng kể từ sau Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII
vừa qua. Từ Trung ương đến địa phương, các cấp Giáo hội đều nỗ lực củng
cố và phát triển nhân sự, thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm 2013.
Đặc biệt, việc cấu trúc nhân sự của các ban ngành viện Trung
ương cũng như việc điều chỉnh một số nội quy cho phù hợp với chương
trình hoạt động của nhiệm kỳ và tinh thần của Nghị quyết đã thông qua
trước Đại hội đòi hỏi không ít công sức và trí tuệ. Việc chuẩn bị của
Trung ương Giáo hội cho Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo
hội vào tháng Sáu năm nay cũng không kém phần quan trọng trong việc
duyệt xét nhân sự, các nội quy được điều chỉnh và chương trình hoạt động
trong 6 tháng cuối năm của các ban ngành viện Trung ương.
Điều đáng mừng là từ Trung ương Giáo
hội đến các địa phương, Đại lễ Phật đản năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm
công cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam chống chế độ độc tài kỳ thị
Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm và kỷ niệm 50 năm ngày Bồ-tát
Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, được chuẩn bị rất tốt với những hoạt
động như hội thảo, triển lãm, văn nghệ, chuyên đề trên các tạp chí Phật
giáo, đặc san, nội san... Được biết, các Ban Trị sự, các tự viện ở các
tỉnh thành, ở các vùng sâu vùng xa đều có kế hoạch chào mừng Đại lễ Phật
đản rất chu đáo, tô đậm nét văn hóa truyền thống và tinh thần vô úy của
Phật giáo Việt Nam.
Truyền thống góp phần xây dựng và bảo
vệ đất nước, bảo vệ và phát triển đạo Phật của Phật giáo Việt Nam đã
được thể hiện từ hai ngàn năm qua. Những thành tựu khả quan đều do bởi
Tăng Ni và Phật tử lấy vô ngã vị tha, lấy lý Trung đạo, tức là lý Không,
Duyên khởi mà phát huy sức vô úy, tạo sự đoàn kết nhất trí trong tất cả
các Phật sự. Vô úy là không sợ hãi, đối mặt và quyết chiến thắng mọi
trở ngại như giải đãi, vị kỷ, phân biệt ta và người, mất đoàn kết v.v…,
nói chung là các phiền não, ác hạnh. Những trở ngại này là biểu hiện của
tam độc tham, sân si.
Trong Tăng chi bộ, chương Ba pháp, Các
nguyên nhân, Đức Phật dạy: “Phàm những nghiệp gì được làm vì không
tham, vì không sân, vì không si, này các Tỳ-kheo, sanh ra từ không tham,
sanh ra từ không sân, sanh ra từ không si; vì rằng tham, vì rằng sân,
vì rằng si được từ bỏ như vậy, nghiệp ấy được đoạn tận, được cắt đứt gốc
rễ, như cây ta-la bị chặt đứt gốc rễ, nghiệp ấy không thể hiện hữu,
không thể sanh khởi trong tương lai”.
Tham, sân, si là bất thiện. Tiêu chuẩn
đạo đức của người con Phật là thiện, là “Chúng thiện phụng hành”. Người
thực hành phạm hạnh là người lấy chữ thiện làm đầu, là người đang thực
hành Bát Chánh đạo, đang phát triển tâm linh, tự mình được lợi lạc và có
ảnh hưởng lớn đến sự tu tập, phạm hạnh, sự tiến bộ của những người
chung quanh, bè bạn, đồng sự… Đức Phật dạy: “Này Ananda, toàn phần đời
sống phạm hạnh này thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du. Một
Tỳ-kheo làm bạn với thiện, này Ananda, chúng ta hy vọng rằng vị ấy sẽ tu
trì Bát Chánh đạo, làm cho sung mãn Bát Chánh đạo của các vị thiện hữu,
thiện bạn lữ, thiện giao du”(Tương ưng bộ, chương 3, phẩm Không phóng
dật).
Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam
nối tiếp truyền thống vô úy của Phật giáo Việt Nam từ hai ngàn năm qua,
được sự đồng tình ủng hộ của Nhà nước và quần chúng nhân dân, đã đạt
được những thành tựu khả quan về các mặt hoạt động, tạo sức phát triển
mạnh mẽ với hơn 45 triệu Phật tử (chưa kể số lượng đông đảo những người
có xu hướng theo Phật giáo), 45 ngàn Tăng Ni và gần 16 ngàn tự viện trên
khắp cả nước. Suốt 32 năm Giáo hội được thành lập, số Tăng Ni Phật tử,
số tự viện và nhất là số lượng các Phật sự không ngừng gia tăng. Đấy là
phát triển về số lượng, về hình thức, có tác dụng tích cực là tạo điều
kiện thuận tiện cho quần chúng Phật tử tin Phật, đến chùa lễ Phật, nghe
pháp rồi tu tập, hành thiện.
Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta
cần kiến tạo và ổn định chất lượng, nội dung chủ yếu của phát triển.
Chất lượng ấy phát xuất từ mỗi Tăng Ni, Phật tử trong Giáo hội, từ tinh
thần vô úy coi thường mọi trở ngại, từ phạm hạnh và quyết tâm hành
thiện.
Chúng ta lấy Phật tâm để làm Phật sự.
Phật tâm ở đây được hiểu đơn giản theo kinh Quán Vô lượng thọ và luận
Đốn ngộ nhập đạo yếu môn: đầy đủ từ bi, không chấp trước và thanh tịnh.
Trong lúc một bộ phận đáng kể của xã hội ta đang bị ảnh hưởng trầm trọng
của văn minh vật chất, suy thoái đạo đức, một bộ phận khác thì còn bị
đe dọa bởi đói nghèo, bệnh tật, những nỗ lực của Giáo hội ta cần tập
trung tham gia giải quyết hai khổ nạn này.
Lấy Phật tâm để làm Phật sự, lấy thiện
tâm để làm thiện sự; nói như thế là tạm phân biệt tâm đạo, tâm đời,
việc đạo, việc đời, chứ thật ra thiện tâm là Phật tâm, thiện sự là Phật
sự; hai tâm này là một, hai sự này cũng không phải hai; thực hiện như
thế là chúng ta góp phần làm sáng ngời giáo lý của đấng Thích Tôn, góp
phần xoa dịu những khổ đau của xã hội, nhân quần. Tôi tin tưởng ở trí
tuệ, khả năng và phẩm chất tốt đẹp của tập thể các thành viên của Giáo
hội; từ đó, tôi tin tưởng ở những thành quả đóng góp của Giáo hội trong
việc xây dựng xã hội an lành, hiền thiện.
Nhân ngày Đản sinh của Đức Từ phụ
Thích Ca Mâu Ni, chúng ta hãy thệ nguyện lấy Phật tâm để làm Phật sự,
lấy thiện tâm để làm thiện sự. Ngưỡng cầu Tam bảo phù hộ cho đất nước
được khang thịnh, thế giới thanh bình và tất cả chúng sanh đều được an
lạc.