19/07/2012 14:48 (GMT+7)
Số lượt xem: 114025
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngày nắng cũng như mưa, nhà báo - cư sĩ Tống Hồ Cầm vẫn lặng thầm đến tòa soạn tuần báo Giác Ngộ làm việc. Chỉ vài năm nữa thôi, ông chạm tuổi 100.
Chứng nhân lịch sử Tuổi 95 vẫn không làm ông mất đi sự nhạy bén, am hiểu về nghề của một người đã có hơn 70 năm theo nghiệp báo chí.


Từ năm 1940, ông là phóng viên cho tờ An Nam Phật Học có trụ sở đặt tại Huế, do cư sĩ Lê Đình Thám chủ biên. Đây là tờ báo có nhiều bài viết liên quan đến Phật giáo và khơi gợi lòng yêu nước của nhân dân nên bị Pháp tìm mọi cách đình bản. Với bút danh Tống Anh Nghị, ông cũng viết bài cho nhiều báo và tạp chí khác như: Viên Âm, Phật giáo vân tập, Phương tiện

Đặc biệt, năm 1951, ông đảm nhiệm chức vụ Tổng thư ký tòa soạn tờ Từ Quang của Tổng hội Phật học Nam Việt từ thập niên 1950-1960 đến ngày hòa bình tháng 4-1975.

Nhà báo lão thành Tống Hồ Cầm  
Nhà báo lão thành Tống Hồ Cầm - ẢNH: Đ.T

Nhà báo Tống Hồ Cầm sinh tại làng Hương Cần, huyện Hương Trà, Thừa Thiên-Huế. “Cha tôi lúc đó làm trong Sở Kiểm soát Tài chính Đông Dương của Pháp nên mới có tiền cho tôi ra Hà Nội học hành. Năm 1937, tôi theo học trường Thăng Long, thầy dạy môn sử chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Đặng Thai Mai dạy môn văn”, ông Hồ Cầm vẫn còn nhớ kỷ niệm về thời thanh niên.

Cuối thập niên 1940, ông quy y, lấy pháp danh Tâm Bửu. Tại Đại hội đại biểu Hội VN Phật học Thừa Thiên-Huế, ông giữ trách nhiệm Chánh thư ký. Sau đó, năm 1951, ông là Phó tổng thư ký Tổng hội Phật giáo VN.

Những năm 1940-1950, nhà báo - cư sĩ Tống Hồ Cầm từng nhiều lần vào tù ra khám do tham gia hoạt động cách mạng. Chính quyền Pháp liên tục theo dõi và bắt bớ ông. Năm 1953, ông đưa gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Trước đó, vào năm 1950, ông tham dự sự kiện thành lập Hội Phật học Nam Việt tại Sài Gòn, sau này hội đã xây chùa Xá Lợi vào năm 1956 làm trụ sở chính.

Ngày 1-1-1976, khi tuần báo Giác Ngộ ra số đầu tiên, nhà báo Tống Hồ Cầm làm tổng trị sự, rồi phó tổng biên tập đến hôm nay. Gặp ông tại văn phòng làm việc, tôi quá bất ngờ và ngạc nhiên khi trò chuyện với nhà báo lão thành của làng báo VN bởi ông vẫn còn nhớ như in từng giai đoạn lịch sử của đất nước, đặc biệt những năm tháng nhân dân Sài Gòn, đặc biệt là Tăng Ni, Phật tử sục sôi đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm. Sau sự kiện nhiều Tăng Ni, Phật tử bị cảnh sát lùng bắt đêm 20-8-1963, ông bị chính quyền Sài Gòn đẩy vào ngục.

Lương tâm thanh thản

Hơn 60 năm làm việc và sinh sống cùng gia đình tại Sài Gòn, ông nói bằng giọng rặt Nam bộ rằng mình đã là dân phương nam từ lâu. “Tôi yêu mảnh đất đầy khí phách này. Con người nơi đây khẳng khái, bộc trực nhưng không thiếu lòng nhân ái. Chỉ cần chén trà, chung rượu có thể trở thành bạn tâm giao...”.

 
Nhà báo Tống Hồ Cầm (giữa) và bạn bè tại chùa Từ Đàm - Huế
thập niên 1950 - Ảnh: NV cung cấp

20 năm làm Hội thẩm nhân dân tại Tòa án nhân dân TP.HCM kể từ 1975, ông đã cứu rất nhiều trường hợp mà theo ông có lẽ nhờ thế mình mới sống lâu, sống khỏe và lương tâm thanh thản đến hôm nay. “Tôi còn nhớ có trường hợp một nhân viên giữ kho lấy cắp 2 hộp sữa bị bắt và đưa ra tòa. Tìm hiểu hoàn cảnh được biết anh này vì quá nghèo, vợ mất sữa trong khi con đói đành làm liều. Tôi đưa ý kiến tòa nên xét xử phải có tình có lý. Cuối cùng người giữ kho được giảm nhẹ hình phạt rất nhiều”.

Nhà báo Tống Hồ Cầm từng đảm nhiệm nhiều trọng trách khác như Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN và TP.HCM, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM trong thời gian dài. Thành ủy TP.HCM đã xếp ông là nhân sĩ yêu nước và đã nhận rất nhiều huân, huy chương do nhà nước trao tặng.

Mấy mươi năm dài phụng sự đất nước, ông nói đó là bổn phận và trách nhiệm của một công dân. Lập gia đình từ 70 năm trước, có 11 người con, nhà báo lão thành cho rằng cuộc đời mình quá đủ đầy.

Vợ ông, bà Nguyễn Thị Thanh Hương qua đời gần 10 năm là mất mát lớn về tinh thần. “Năm nay tôi vừa lo tang ma cho con trai lớn 70 tuổi - Việt kiều Mỹ. Thật đau lòng nhưng được niềm an ủi là nó nằm xuống nơi đất Mẹ. Giờ các con vẫn thay phiên nhau chăm lo cho tôi. Như thế mãn nguyện lắm rồi. Tuổi này tôi còn làm việc, còn cống hiến cho xã hội là niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được. Tôi muốn nhắn nhủ đến các nhà báo trẻ - đồng nghiệp của tôi rằng khi đã chọn nghề này thì phải có cái tâm thật sáng. Trung thực, chính xác là kỹ năng hàng đầu mà một nhà báo cần có”.

Mỗi tuần, ông vẫn đều đặn đi bơi, không rượu chè, thuốc lá, thỉnh thoảng làm thơ. Ông nói mình phải sống qua tuổi bách niên để còn cơ hội nhìn thấy đất Sài Gòn ngày một thay da đổi thịt.

Đỗ Tuấn (Thanh Niên)


Âm lịch

Ảnh đẹp