Nước Mỹ đang hồi hộp chờ đợi thời khắc kỷ niệm Quốc
Khánh lần thứ 236. Mặc dù nước Mỹ đã hơn 200 năm tuổi, nhưng ít ai biết
được, phụ nữ Mỳ chỉ mới giành được quyền bầu cử từ năm 1920. Ngay từ
thuở sơ khai, người Mỹ và nước Mỹ luôn tiên phong trong phong trào nữ
quyền, qua đó giành nhiều công bằng hơn cho nữ giới. Phụ nữ Mỹ theo đó,
dần có nhiều đóng góp hơn cho kinh tế và xã hội Mỹ.
Năm 2007, Bộ Ngoại Giao Mỹ từng nhận định, "Những đóng góp, ý tưởng
và trí tuệ của cộng đồng nữ giới đối với những thay đổi xã hội tích cực
chính là tin tức tốt lành nhất trong chính sách đối nội hôm nay. Nữ giới
có nhiều quyền hơn trong đóng góp vào các quyết định các vấn đề liên
quan như môi trường, y tế, tài chính và giáo dục."
Lịch sử Mỹ ghi dấu bởi nhiều nữ cá nhân kiệt xuất trên nhiều lĩnh
vực. Có thể kể đến những cái tên quen thuộc như Eleanor Rossevelt
(1884-1962), phu nhân Tổng thống Franklin D. Roosevelt, nữ chính khách
từng được tổng thống Harry S. Truman tôn vinh là "Đệ nhất phu nhân thế
giới" vì những đóng góp của bà cho quyền công dân, đặc biệt là người
nghèo, người da đen, người vô gia cư và thất nghiệp. Bà cũng là người
tiên phong trong phong trào nữ quyền.
Hay như mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã ghi dấu chặng
đường hoạt động chính trị không mệt mỏi của bà bằng chuyến công du đến
quốc gia thứ 100 trong suốt quá trình đương nhiệm Ngoại trưởng. Bà
Hillary Clinton được Forbes chọn vào danh sách những nhân vật thế lực
nhất thế giới, và là một trong số 100 nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất
thế giới theo bình chọn của Time.
|
Đại sứ Swanee Hunt chủ trì hội thảo trong Chương trình Phụ nữ và An ninh
tại trường Harvard Kennedy,ĐH Harvard (2008)
|
Tuy nhiên, có một thực tế là một nước Mỹ thịnh vượng còn được gây
dựng bởi những phụ nữ kiên cường, mạnh mẽ với với trí tuệ xuất chúng và
những đóng góp âm thầm, không ngừng nghỉ của mình, đã không chỉ mang lại
hạnh phúc cho nhiều người dân Mỹ, mà còn góp phần gây dựng tương lai
tốt đẹp hơn cho nhiều triệu người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em tại
nhiều quốc gia trên thế giới.
Đại sứ Swanee Hunt là một trong những người phụ nữ như vậy. Việt Nam
biết đến Đại sứ Swanee Hunt không phải qua báo chí, truyền thông chính
trị theo cách những người dân bình thường tiếp cận thông tin về các nữ
chính trị gia như Eleanor Roosevelt, Hillary Clinton, mà bởi sự có mặt
của bà ngay tại Việt Nam, khi cùng nhạc trưởng Charles Ansbacher đến Hà
Nội trong Hoà nhạc Hoà giải và Yêu thương tháng 4/2010.
Nhà lãnh đạo xuất chúng và nhiệt huyết
Sinh năm 1950, cô gái trẻ Swanee Hunt bắt đầu sự nghiệp chính trị năm
29 tuổi. Trải qua nhiều cương vị khác nhau trong chính phủ, ở cương vị
nào Swanee Hunt cũng thể hiện được trí tuệ xuất chúng, ý tưởng bùng nổ, ý
chí kiên cường, mạnh mẽ, luôn vì lý tưởng và trách nhiệm xã hội, đặc
biệt vì nữ quyền của nhân loại.
|
Đại sứ Swanee Hunt và chồng là nhạc trưởng
Charles Ansbacher trong một cuộc gặp
Tổng thống Bill Clinton tại nhà riêng của
Đại sứ tại Cambridge, Boston
|
Với khả năng và sức sáng tạo không ngừng nghỉ, Swanee Hunt đã sáng
lập nhiều chương trình đào tạo đặc biệt tại trường Harvard Kennedy,
thuộc ĐH Harvard.
Năm 1997, bà đã sáng lập và quản lý Chương trình Phụ nữ và chính sách
công, nghiên cứu chính sách đối nội và đối ngoại tại Trường Harvard
Kennedy. Tại đây, bà trở thành nhân vật chủ chốt của Trung tâm Lãnh đạo
công và là cố vấn cao cấp tại Trung tâm Carr về nhân quyền. Hiện bà tham
gia nghiên cứu, giảng dạy tại nhiều trường thuộc ĐH Harvard như Harvard
Kennedy, Harvard College, Trường Luật Harvard, Trường Sư phạm Harvard,
Trường Kinh doanh Harvard.
Là chuyên gia về quan hệ quốc tế và chính sách đối nội, với tiềm lực
của gia đình và bản thân, bà Swanee Hunt đã sáng lập quỹ và làm Chủ tịch
Quỹ Hunt Alternatives Fund. Thông qua Hunt Alternatives Fund, bà đã
đóng hơn 130 triệu USD cho các dự án nguồn lực và trợ cấp, thúc đẩy
những thay đổi xã hội ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế. Hunt
Alternatives Fund có trụ sở ở Cambridge, Massachusetts (Mỹ) nhưng hoạt
động rộng rãi trên khắp nước Mỹ và thế giới, tập trung vào tăng cường
hoạt động của các tổ chức nghệ thuật cho thanh thiếu niên, hỗ trợ các
nhà lãnh đạo trong các cuộc cách mạng xã hội, nâng cao vai trò lãnh đạo
của phụ nữ tại các vùng có xung đột, đóng góp cho các tiến trình hòa
bình, chiến đấu chống lại các hoạt động mua bán tình dục, vận động vì
các quyền lợi của phụ nữ và tăng cường hoạt động từ thiện.
Bên cạnh đó, Swanee Hunt còn giữ Chủ tịch của Institute for Inclusive
Security. Tại đây, bà đã dùng ảnh hưởng của mình vận động sự tham gia
của xã hội, đặc biệt là phụ nữ trong các tiến trình hòa bình thế giới.
Bà cũng đã có nhiều nghiên cứu, các chương trình đào tạo và tư vấn cho
nữ lãnh đạo tại hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới.
Trong một cuộc phỏng vấn với VietNamNet tháng 4/2010, bà Swanee Hunt
chia sẻ, "Có rất nhiều cách để tiến hành gàn gắn và hoà giải những người
đã từng ở các bên chiến tuyến khác nhau. Và một cách để làm điều đó là
đưa nhiều phụ nữ vào vị trí lãnh đạo hơn. Nếu có 1/3, hay 40% lãnh đạo
là nữ, họ sẽ đưa ra một chính sách hoàn toàn khác hẳn. Ngân sách sẽ đượt
rút bớt từ chiến tranh, vũ khí, chuyển sang cho mục tiêu giáo dục, y tế
và môi trường."
Có lẽ đó cũng là lý do và lý tưởng lớn khiến bà dành phần lớn thời
gian và tâm huyết đấu tranh vì vai trò của phụ nữ trong các vấn đề toàn
cầu. Một trong những thành quả đáng tự hào của Swanee Hunt phải kể đến
sự ra đời của Vital Voices.
Trong khoảng thời gian 5 năm (1993 - 1998), bà Swanee Hunt giữ vai
trò Đại sứ Mỹ tại Áo. Tại Vienne, bà đã tổ chức các cuộc đàm phán và hội
nghị chuyên đề quốc tế tập trung vào vấn đề ổn định và bình thường hóa
với quốc gia láng giềng trong vùng Ban-căng. Sau đó, bà trở thành chuyên
gia về vai trò của nữ giới tại châu Âu.
Tháng 7/1997, Đại sứ Swanee Hunt đã tổ chức hội thảo "Vital Voices:
Women in Democracy" (tạm dịch: Tiếng nói quan trọng: Phụ nữ trong Dân
chủ). Hội thảo đã thu hút sự tham gia của 320 nữ lãnh đạo trong các lĩnh
vực kinh doanh, luật, chính trị từ 39 quốc gia trên thế giới. Ngay sau
đó, một tổ chức phi chính phủ có tên Vital Voices ra đời, trong đó, Đại
sứ Swanee Hunt đóng vai trò chính trị đặc biệt quan trọng trong việc đề
ra ý tưởng từ cái tên cho đến chương trình hành động. Với sự ủng hộ của
các Ngoại trưởng Mỹ như Hillary Clinton và Madeleine Albright, Vital
Voices gần như trở thành cuộc cách mạng của nữ lãnh đạo toàn cầu.
|
Ở Đại sứ Swanee Hunt, người ta không chỉ thấy trí tuệ xuất chúng, phong thái thanh cao,
mà ở bà còn toát lên bầu nhiệt huyết sôi nổi sẵn sàng truyền cho bất cứ ai xung quanh.
|
Từ khi thành lập đến nay, Vital Voices Global Partnership luôn là tổ
chức phi chính phủ ưu tú góp phần tìm kiếm, đào tạo và tăng cường năng
lực cho nhiều nhà nữ lãnh đạo mới và các doanh nhân xã hội mới nổi trên
khắp thế giới, giúp họ có khả năng tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn cho tất
cả mọi người. Sứ mệnh của Vital Voices là tìm kiếm, đầu tư và tăng
cường năng lực cho những phụ nữ phi thường trên khắp thế giới bằng cách
khơi gợi năng lực lãnh đạo ở họ đưa vào cuộc sống, đóng góp cho hòa bình
và thịnh vượng tại cộng đồng.
Vital Voices hiện có hơn 1.000 thành viên, là các chuyên gia và lãnh
đạo là các lãnh đạo nhà nước cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ
chức phi chính phủ từ khắp các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Từ năm 1997, Vital Voices đã đào tạo hơn 12.000 nữ lãnh đạo mới nổi
từ 144 quốc gia, từ Châu Phi, Châu Á, Châu Âu, Mỹ Latin cho đến các quốc
gia Caribe và Trung Đông. Những phụ nữ này đã quay trở về quê nhà, đào
tạo và hướng dẫn hơn 500.000 phụ nữ khác ở cộng đồng của mình. Và lực
lượng đông đảo này chính là những "Vital Voices" - "Những tiếng nói quan
trọng" của thời đại.
Trong cuốn sách mới đây của mình, tác giả Alyse Nelson, cũng chính là
CEO của Vital Voices đã trực tiếp bày tỏ lòng biết ơn của mình nói
riêng và Vital Voices nói chung đối với công lao của Đại sứ Swanee Hunt
đối với sự phát triển của Vital Voices và phụ nữ thế giới.
"Tôi vô cùng biết ơn những gì Đại sứ Swanee Hunt đã làm để thúc đẩy
quyền lợi và cơ hội cho phụ nữ trên khắp hành tinh.", CEO Alyse Nelson
viết.
Nói về những đóng góp không ngừng nghỉ của Đại sứ Swanee, Gloria
Steinem, nữ nhà báo, nhà hoạt động xã hội và chính trị người Mỹ nổi
tiếng với những đóng góp cho phong trào nữ quyền ở Mỹ trong thập niên
60-70, từng viết, "Cuộc đời Swanee Hunt giống như một cuốn tiểu thuyết.
Sinh ra trong một gia đình Mỹ mạnh mẽ, bảo thủ và gia trưởng, cô gái nhỏ
Swanee khi trưởng thành đã dùng quyền lực của mình để giúp đỡ những
người thấp cổ bé họng, và khuyến khích hòa bình và vai trò lãnh đạo của
phụ nữ trên khắp thế giới."
Nữ chính trị gia của tình yêu thương và lòng nhân ái
Những người biết đến Swanee Hunt trong công việc ngoại giao của chính
phủ thường hay gọi bà là "bà Đại sứ", "Đại sứ Swanee Hunt". Còn đối với
những ai biết đến cả cuộc sống gia đình và những hoạt động ngoài chính
trị của bà, người ta còn gọi bà là "Phu nhân nhạc trưởng Charles" như
một cách tỏ lòng kính trọng với hai con người đã gắn bó với nhau trong
lý tưởng chính trị, tình yêu và lòng nhân ái: Đại sứ Swanee Hunt và Nhạc
trưởng Charles Ansbacher.
Từng đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, lần đầu tiên Swanee Hunt đến
Việt Nam là vào tháng 4/2010, không phải với vai trò (cựu) Đại sứ hay
bất cứ vai trò nào của Vital Voices, hay Hunt Alternatives Fund, mà với
vai trò "Phu nhân nhạc trưởng Charles". Chồng bà, cố nhạc trưởng Charles
Ansbacher - người sáng lập Boston Landmarks Orchestra đã đến Hà Nội chỉ
huy Hòa nhạc Hòa giải và Yêu thương lần thứ nhất hồi tháng 4/2010, và
trở thành nhạc trưởng người Mỹ đầu tiên chỉ huy dàn nhạc giao hưởng quốc
gia Việt Nam.
Ngay từ lần gặp đầu tiên và hoàn toàn chưa biết gì về Swanee Hunt,
bất cứ ai cũng có thể thấy ở bà toát ra tinh thần thanh cao, phong thái
quyền quý đặc biệt của một người có trí tuệ xuất chúng, với nụ cười ấm
áp đôn hậu và nhiệt huyết đặc biệt.
Trong một cuộc phỏng vấn trước buổi Hòa nhạc, Swanee Hunt gây ấn
tượng đặc biệt bởi câu chuyện về tình yêu sâu sắc trong chuỗi sự nghiệp
rạng danh của mình. Trong buổi phỏng vấn, khi phóng viên hỏi về thần
tượng và người có ảnh hưởng lớn và làm thay đổi cuộc đời, Swanee Hunt
thật thà thú nhận từng thậm chí đã không hề biết về Eleanor Roosevelt,
người tiên phong cho phong trào nữ quyền, đệ nhất phu nhân nước Mỹ. Cho
đến khi 20 tuổi, Swanee không có nữ thần tượng nào cả.
"Người thay đổi cuộc đời tôi là người đàn ông trong cuộc đời của tôi.
Đó là một ví dụ rất điển hình. Một người phụ nữ hoạt động chính trị
thành công, đều nói rằng đó là nhờ vào người đàn ông trong cuộc đời của
họ. Đó có thể là người cha, người chồng, hay một người bạn lớn. Sự
khuyến khích từ những người đàn ông đó có sức mạnh ảnh hưởng cực kì lớn
đến phụ nữ. Và tôi may mắn có được một người chồng như thế. Ông ấy là
một nhạc trưởng - một người đàn ông có quyền năng đặc biệt với "cây đũa
thần" của mình.", Swanee chia sẻ.
Và có lẽ chính nhờ sự kết hợp tuyệt vời giữa hai con người xuất chúng ấy, Swanee Hunt đã hoàn toàn tỏa sáng.
Bà nói, "Khi tôi bắt đầu công việc của mình, chú ý tới các bệnh nhân,
người nghèo khổ, tôi khám phá ra rằng, khi tôi thực sự quan tâm đến
những người này, thì tôi càng say mê với sự nghiệp của mình mà không
biết. Tôi đã nghĩ rằng mình chỉ cần làm việc gì đó giúp đỡ những người
vô gia cư, nhưng như thế không đủ. Bởi vì quyền lực nằm trong nay các
nhà chính trị."
Yếu tố Chính trị và Nhân văn là làm nên cuộc đời và sự nghiệp Swanee
Hunt. Chính trị vì những lý tưởng nhân văn, và dùng lý tưởng nhân văn để
làm chính trị - đó là lý do một chính trị gia bận rộn với các vấn đề
chính trị, nhân quyền, hòa bình... như bà Swanee Hunt lại dành rất nhiều
công sức tham gia các hoạt động phi-chính-trị.
Công việc cho Swanee Hunt cơ hội gặp gỡ và trải nghiệm mặt trái của
cuộc sống. Khi trở thành đại sứ ở Áo năm 1993, với làng giềng là Cộng
hoà Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư, Đại sứ Swanee Hunt đã chứng kiến
cuộc chiến tàn khốc ở Nam Tư, nơi đàn ông bị giết thẳng tay, phụ nữ bị
hãm hiếp, trẻ em bị ăn thịt..., bà luôn bị thôi thúc làm mọi điều có thể
để thay đổi tình hình.
Với sự kết hợp với người chồng là một nhạc trưởng đáng kính ở vùng
tinh hoa văn hóa Boston, Swanee Hunt cũng dùng âm nhạc để làm chính trị
và hoạt động từ thiện. Bên cạnh những hoạt động của Hunt Alternatives
Fund, Swanee Hunt cùng chồng là cố Nhạc trưởng Charles Ansbacher đã
thành lập Free For All Concert Fund (Quỹ Hòa nhạc miễn phí dành cho tất
cả) với hai mục đích: giúp mọi người ở tất cả các tầng lớp xã hội đều có
cơ hội tiếp cận âm nhạc đỉnh cao của nhân loại; và nỗ lực dùng âm nhạc
xoa dịu những bất đồng, xung đột, hàn gắn chiến tranh giữa các dân tộc,
nhờ đó, tiếp cận những tiến trình hòa bình mà các cuộc gặp gỡ ngoại giao
trên bàn đàm phán chỉ có thể biến thành các thỏa thuận và cam kết chính
trị.
Hòa nhạc Hòa giải và Yêu thương là một phần trong những ý tưởng cao đẹp như vậy.
Cũng với tinh thần "Free For All" - "Miễn phí cho tất cả", đích thân
bà Swanee Hunt cùng chồng là cố nhạc trưởng Charles Ansbacher đã đến với
Việt Nam biểu diễn lần đầu tiên trong chuỗi sự kiện thường niên của Hòa
nhạc Hòa giải và Yêu thương tại Nhà Hát Lớn Hà Nội tháng 4/2010. Ngay
sau đó, các chương trình hòa nhạc Hòa giải và Yêu thương lần 2 năm 2011
(8/2011) và lần 3 (11/7/2012) lần lượt được Quỹ của Swanee Hunt tài trợ.
Không chỉ dừng lại ở đó, với tấm lòng nhân ái, yêu thương, cảm thông
với người dân châu Phi, năm nay, Free For All Concert Fund và Hunt
Alternatives Fund đã sáng lập và trao Giải thưởng âm nhạc mang tên
Charles Ansbacher vì tình yêu thương con người (Charles Ansbacher Music
for All) cho nhạc trưởng nghiệp dư người Congo Armand Diangienda, nhà
sáng lập và chỉ huy Dàn nhạc Kimbaguiste (Orchestre Symphonique
Kimbaguiste) của Cộng hòa dân chủ Congo.
"Bất chấp điều kiện khắc nghiệt, dàn nhạc của Nhạc trưởng Armand
Diangienda đã ra đời và phát triển, tạo ra không gian mang lại hy vọng
và niềm cảm hứng cho nhạc công và những khán giả Congo.", thông cáo của
Free For All Concert Fund nêu rõ.
"Bạn sẽ tìm thấy cả diều hâu và bồ câu trong tâm trí mỗi người", đó
là điều mà nữ chính trị gia này từng nói. Đó có lẽ cũng là lý do trọn
cuộc đời mình, Swanee Hunt luôn hành động để tìm thấy "bồ câu" trong mỗi
con người, mỗi dân tộc, khơi gợi nội lực của mỗi cá nhân và xây dựng
tình thương và hòa hợp giữa con người.
Ngay cả khi người bạn đồng hành của cuộc đời mất đi, Giải thưởng âm
nhạc vì Tình yêu thương mang tên Charles Ansbacher cùng dấu ấn của Hunt
Alternatives Fund, Free For All Concert Funds, hay Vital Voices, sẽ là
những di sản còn lại mãi. Di sản của Swanee Hunt.
Đúng như tỷ phú người Mỹ gốc Do Thái Geogre Soros từng viết, "Trong
nhiều năm, Swanee Hunt đã biến những nguồn lực của mình thành năng lực
cho nhiều người khác. Mối quan hệ sáng tạo giữa các giá trị cá nhân,
hiểu biết chính trị và lý tưởng cải cách toàn cầu đã mang đến cho Swanee
Hunt một cuộc sống đầy giá trị và ý nghĩa".
Trước Lễ Độc Lập của Mỹ, nhiều người tự hỏi, "Tại sao một nước Mỹ non
trẻ lại có thể thịnh vượng và trở thành bà đỡ cho nhiều giấc mơ tốt đẹp
đến vậy?". Phải chăng bởi miền đất này đã sản sinh ra những con người
mang lý tưởng tiến bộ, với tinh thần win-win luôn hỗ trợ cho sự phát
triển của hàng triệu người xa lạ khác, như Đại sứ Swanee Hunt?