Lê Thừa Dương Hùng thường đi làm từ thiện với các nghệ
sĩ. Anh xuất hiện trong bộ quần áo xám màu của nhà Phật, nở nụ cười
hiền với tất cả mọi người và hướng ánh mắt ấm áp vào những cảnh đời bất
hạnh. Thế nên chẳng ai ngờ người đàn ông này từng là giang hồ khét
tiếng, gây ra những tội ác rợn người. Cuộc đời giang hồ và những cố gắng
hoàn lương đã khiến anh trở thành hình mẫu cho nhân vật chính trong bộ
phim của đạo diễn Việt Trinh - “Đường về”.
Sinh ra ở
Hải Lăng (Quảng Trị), ngay từ nhỏ Lê Thừa Dương Hùng đã sớm chịu cảnh
chia ly, ba mẹ mỗi người một hướng. Mẹ đi lấy chồng khác, Lê Thừa Dương
Hùng về sống với mẹ và dượng. Mới 7 tuổi, anh đã phải chịu những trận
đòn roi, những lời xúc phạm, miệt thị của cha dượng. Bị hắt hủi trong
chính gia đình mình, cậu bé Dương Hùng đã bỏ nhà đi lang thang, sống
không mục đích.
|
Lê
Thừa Dương Hùng trong chuyến đi làm từ thiện cùng đoàn nghệ sĩ do diễn
viên Việt Trinh tổ chức tại trại cai nghiện Bình Đức, tỉnh Bình Phước.
Ảnh: Người Lao động. |
Ngày
đó, từ quê nhà Quảng Trị, cậu bé 7 tuổi nhảy tàu vào Huế kiếm kế sinh
nhai. Trên đường, Hùng bị đá văng qua cửa tàu, ngã xuống đường ray. May
thay, cậu vẫn lành lặn và tiếp tục con đường vào Huế. Dừng chân ở chợ
Đông Ba, ngày ngày Hùng đi giúp việc, bốc vác thuê trong chợ. Ban đêm,
anh ngủ tại những sạp hàng bốc mùi, ứa nước mắt vì nhớ mẹ. Anh đã nhiều
lần trở về nhà, mong tìm lại được hạnh phúc. Nhưng mẹ còn có chồng và
những người con khác. Bà không có thời gian chăm chút cho đứa con riêng.
Lê
Thừa Dương Hùng thất học vì thế. Anh quay lại với cuộc sống lang thang,
bắt đầu học những trò ma mãnh từ đám trẻ quanh mình. Hơn 10 tuổi, anh
đã cùng đám bạn ban ngày đi bốc vác ở bến xe, đi móc túi người qua
đường. Đêm đến, cả lũ tụ tập dưới cầu Tràng Tiền ngủ. Cuộc sống đường
phố đã dạy cho anh những bài học cay đắng, trong đó anh nhớ nhất là bài
học về sự khinh thị của người đời và nguyên tắc kẻ mạnh - kẻ yếu. Anh đã
áp dụng triệt để bài học thứ hai, luôn trở thành kẻ mạnh nhất để không
bao giờ bị bắt nạt.
Chính trong những tháng ngày
chênh vênh giữa lằn ranh thiện ác, anh gặp Lê Lam, đại ca giang hồ khét
tiếng đất Quảng Trị, từng phiêu bạt trong thế giới ngầm ở Hong Kong, Đài
Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Được Lê Lam thu nạp, Lê Thừa Dương Hùng đã
sớm trở thành cánh tay đắc lực của Lê Lam và ngày càng trở thành tên
giang hồ nhí hung bạo, sẵn sàng đâm chém nếu thích. 15 tuổi, Lê Thừa
Dương Hùng lần đầu tiên dính líu vào pháp luật vì tội cố ý gây thương
tích. Ra trại, Lê Thừa Dương Hùng tiếp tục lún sâu vào con đường sai lầm
của mình.
Anh kể, có lần bị một nhóm giang hồ tấn
công, một mình anh đã lao vào giữa đám người đó và đánh trả đến cùng.
Dùng con dao thái thịt, Hùng chém đứt cánh tay đối thủ.Chưa hả, Lê Thừa
Dương Hùng còn cắt một tai của kẻ đó, lấy làm chiến lợi phẩm mang về
khoe với đại ca.
Sa vào vòng lao lý lần hai, Lê
Thừa Dương Hùng trốn trại, lang bạt khắp nơi rồi cuối cùng dừng chân ở
đất Sài Gòn, gia nhập băng nhóm đòi nợ thuê ở khu vực An Sương. Với bản
chất liều lĩnh, hung bạo nên vài năm sau đó, khi đại ca của băng nhóm
đòi nợ thuê này gặp nạn, Lê Thừa Dương Hùng đã được đám đàn em tôn lên
cầm đầu băng.
Lê Thừa Dương Hùng kể, thời đó anh
kiếm được nhiều tiền nhất, nhiều đến mức chẳng biết làm gì để rồi sa đà
vào hút chích, nghiện ngập. Cuộc sống của một kẻ đòi nợ thuê cũng khiến
anh gây ra những tội lỗi mà cả cuộc đời anh chẳng bao giờ dám quên. Có
lần khi đi đòi nợ một phụ nữ, thấy chị ta mang thai, không có tiền trả
nợ, anh đã lệnh cho đàn em lấy đi chiếc xe máy, tài sản duy nhất của
chị.
Bất chấp người đàn bà đó quỳ lạy, xin lại
phương tiện kiếm sống duy nhất của cả gia đình, Lê Thừa Dương Hùng chẳng
hề động lòng, mà còn đạp vào bụng chị ta. Sau lần đó, chị ta sảy thai.
Lúc đó, anh, kẻ giang hồ máu lạnh chẳng biết ân hận là gì. Nhưng sau
này, khi giác ngộ, anh đã không nguôi ân hận về tội lỗi của mình, khi nỡ
lòng giết chết một sinh linh nhỏ bé chưa kịp chào đời.
Lê
Thừa Dương Hùng có lẽ còn tiếp tục chuỗi ngày gây tội ác nếu không có
một ngày anh nghe tin đại ca Lê Lam, người lúc nào anh cũng tôn thờ
trong giới giang hồ, đã quy y cửa Phật. Không thể tin, Lê Thừa Dương
Hùng đã bỏ công đi tìm đàn anh. Chỉ đến lúc gặp, nhìn thấy Lê Lam với
pháp danh Tịnh Long, anh mới tin đó là sự thật.
|
Lê Thừa Dương Hùng với bức tượng gỗ cao 5 m, nặng 6 tấn. Ảnh: Người Lao động. |
Ngày
hôm đó, Lê Thừa Dương Hùng được Lê Lam kể cho về những day dứt, những
sám hối mà Lê Lam đang trải qua cho những tội lỗi của mình và về mơ ước
xóa bỏ những nghiệp chướng mình đã gây ra trong kiếp người. Lê Lam đã
nói với Lê Thừa Dương Hùng một câu mà đến giờ anh vẫn nhớ: “Em hãy theo
con đường của anh, học lại bài học vỡ lòng này: lấy thiện, trừ ác”.
Chính
trong lúc hoang mang tột độ trước những gì đã mắt thấy, tai nghe, anh
vô tình bước vào một ngôi chùa ở Hóc Môn, TP HCM. Lúc vào sảnh chính,
nhìn thấy tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và nghe văng vẳng bên tai tiếng
niệm “Nam mô a di đà Phật”, lần đầu tiên sau nhiều năm bôn ba giang hồ,
anh thấy lòng mình bình yên lạ kỳ. Sau lần đầu tiên đó, anh đến chùa
nhiều hơn, lần nào cũng lẫn lộn, vừa thèm khát cảm giác bình yên chốn
linh thiêng, vừa hoang mang sợ hãi Đức Phật sẽ không chấp nhận kẻ nghiện
ngập, tội lỗi. Và anh đã được giác ngộ từ lúc nào không hay.
Lê
Thừa Dương Hùng bảo, anh thích nhìn gương mặt hiền từ của Đức Quán Thế
Âm Bồ Tát, bởi khi nhìn vào gương mặt đó, anh thấy bình yên, gần gũi,
yêu thương như thấy gương mặt mẹ mình. Anh đã bắt đầu khao khát hoàn
lương. Có lần đứng trước tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, anh đã nguyện: “Đôi
tay con từng vấy máu, gây bao tội lỗi. Giờ con nguyện cũng đôi tay này
sẽ làm những điều tốt đẹp hơn cho đời”.
Ngay sau đó
anh thuê căn phòng trọ, mua một thùng mì tôm, một thùng nước, tự khóa
trái cửa rồi ở tự mình cai nghiện trong hơn nửa tháng. Những ngày đó,
mỗi khi bị cơn nghiện hành hạ, anh lại niệm “Nam mô a di đà Phật”. Khi
thực sự dứt bỏ ma túy, anh quyết tâm làm lại cuộc đời.
Anh
thích nhìn tượng Đức Quán Thế Âm và khao khát được tạc tượng ngài. Anh
đi đến các cơ sở, xưởng gỗ, học cách tạc tượng rồi trở về mày mò tự tạc
lên bức tượng Quán Thế Âm của riêng mình ở huyện Hóc Môn. Khi tay nghề
đã vững chãi, với số tiền dành dụm của mình, anh mở xưởng gỗ và thu nạp
những đứa trẻ lang thang về để dạy nghề cho chúng.
Giờ
đây, anh đã quy y và vẫn tiếp tục thực hiện lời nguyện của mình. Anh
tìm những đứa trẻ lang thang, không nơi nương tựa như anh năm nào, về
dạy cho chúng một nghề kiếm sống, quyết không để chúng rơi vào con đường
như anh từng đi qua.
Theo Cảnh sát toàn cầu