Nghĩa là từ chữ Phạn chữ Pali, chữ
Hán, cho đến chữ Anh, chữ Pháp, chữ Việt. Nào là Bụt bắt nguồn từ
Bột-đà, Buddha, Boudha, có từ thế kỷ nào, từ đâu mà có… Xem ra rất nhiều
công phu và mất nhiều thời gian với một bài nghiên cứu khá dài. Cuối
cùng, tác giả nói, nếu không đổi hẳn chữ Phật thành chữ Bụt thì cũng nên
dùng cả hai chữ song hành. Thế có nghĩa là không phải vì chữ Phật có gì
sai trái mà phải thay thế. Cũng không hiểu vì lý do gì mà ông ta lại
muốn thuyết phục mọi người dùng chữ Bụt thay chữ Phật cho thêm rắc rối.
Để trả lời cho bài viết trên, có một vị khác viết một bài rất ngắn
gọn. Ông cho biết chữ Phật là do Ngài Huyền Trang thời nhà Đường, sau
khi vượt cả ngàn dặm qua Ấn Độ đem kinh sách Phật giáo về Trung Quốc
thì đã bỏ công dịch từ chữ Phạn ra chữ Pali và chữ Hán để hoằng pháp.
Hai ngôn ngữ khác nhau hoàn toàn, và Phật giáo cũng là một tôn giáo, một
nguồn tư tưởng khá mới mẻ đối với Trung Hoa, nên trong quá trình dịch
thuật, ngài Huyền Trang đã phải “phát minh” ra một số từ, khoảng hai
mươi bốn ngàn chữ. Chữ Phật trong chữ Phật-đà, lấy âm từ chữ Bột-đà mà
ra là một trong mấy chục ngàn chữ đó. Chữ PHẬT gồm chữ NHÂN đứng trước
chữ PHẤT. Chữ Phất có nghĩa là KHÔNG, theo thuật ngữ nhà Phật nghĩa là
tánh KHÔNG. Một người có tánh không nghĩa là người giác ngộ, thì chỉ có
mình Đức Phật. Như vậy, chữ Phật hay đẹp, đầy đủ ý nghĩa như thế, lại
được dùng từ hàng mười mấy thế kỷ nay, tại sao lại phải thay bằng một
chữ khác để gây ra lắm chuyện tranh cãi?
Ấy là phân tích chiết tự cho người biết chút chữ Hán, còn đối với hầu
hết những người theo đạo Phật, người ta dùng chữ Phật như một thói
quen, chẳng ai nghĩ đến chuyện thay đổi làm gì.
Trên đây là câu chuyện đối thoại chữ nghĩa giữa hai nhà nghiên cứu
ngôn ngữ, chẳng dám lạm bàn. Có điều thiển nghĩ, chữ Phật đã được dùng
từ hàng thế kỷ nay, người ta đã quen như thế, thay đổi cũng sẽ chỉ đem
đến nhiều vấn đề tranh cãi mà thôi. Trong hàng ngàn hàng vạn người đang
dùng chữ Phật thì có lẽ chẳng có bao lăm người cất công đi nghiên cứu
nguồn gốc chữ Bụt và chữ Phật, và nếu không vì một lý do đặc biệt nào đó
thì cũng không phải chỉ có mục đích thuyết phục người ta thay thế chữ
Phật bằng chữ Bụt làm gì.
Thực ra, Phật đã là không, mà Bụt cũng là không. Ngôn ngữ chỉ là một
hình thức diễn đạt. Dùng chữ Bụt cũng được, chữ Bụt cũng thế, miễn không
gây ra chuyện tranh cãi lôi thôi. Bụt hay Phật cũng tù Bột-đà ra mà
thôi.
Mọi chuyện rắc rối cũng vì con người không thích sự đơn giản. Trong
cuộc đời lắm chuyện này, đôi khi phải tìm cách “đơn giản hóa” mọi vấn đề
chút ít thì có thể được thoải mái hơn.
Như nói đến tiền bạc vật chất kẻ có người không, kẻ giàu người nghèo,
nhưng nói đến hạnh phúc thì ai cũng có thể có được hạnh phúc như nhau,
dù người nghèo bị giới hạn phương tiện để hưởng hạnh phúc hơn đối với kẻ
giàu có.
Người đời thường hạnh phúc vật chất trần tục. Kẻ tu hành có hạnh phúc
tâm linh. Hạnh phúc như khí trời, ai cũng có thể thở được. Vua chúa,
người giàu, kẻ nghèo cũng có chừng đó hạnh phúc, nhưng đôi khi người
nghèo biết an phận mà lại dễ có hạnh phúc hơn người giàu có, quyền thế,
vì người giàu có, quyền thế thường không đơn giản như những người nghèo.
Không đơn giản có nghĩa là phức tạp, nhưng không phải phức tạp theo cái
nghĩa thông thường, mà là một sự phức tạp tế nhị hơn. Ví dụ người bình
dân chỉ cần một cái bát đôi đũa để ăn cơm, một bộ quần áo đơn giản để
mặc. Người giàu có thì cũng một cái bát, một đôi đũa, nhưng là chén
kiểu, đũa ngà. Nhà cửa sang trọng nhưng chén bát chưa vừa ý, đôi khi
cũng ngại mời khách đến dùng cơm nữa là đàng khác. Cũng là một bộ quần
áo để mặc, nhưng là đồ hàng hiệu đắc tiền. Ngoài ra phải có cả hàng chục
bộ khác nhau để thay đổi tùy theo hoàn cảnh, bộ này đi với giày nọ, bộ
nọ phải hợp với xắc tay màu kia. Hàng hiệu mới về phải mua để hợp thời
trang. Đi ra ngoài, áo quần dù nhiều vẫn sợ đụng hàng, thế đã là rắc rối
rồi. Kẻ tu hành chỉ có một màu áo, không phải mất công chọn lựa. Phức
tạp là như thế chứ không phải người giàu phải ăn cơm trong một lúc hai
ba cái bát, mặc một lúc hai ba bộ quần áo.
Người bình dân dựng vợ gã chồng mọi chuyện đều đơn giản. Lễ lược sơ
sài, đãi tiệc cũng tương đối. Người giàu có lấy nhau phải môn đăng hộ
đối, nghe ý kiến của bà con quen biết nói vào nói ra cũng đã thấy rắc
rối. Lễ lạc rình rang tiệc cưới cũng phải tổ chức nơi sang trọng. Phụ
dâu phụ rễ năm bảy cặp, cô dâu thay đổi năm ba lần áo lễ. Nhà trai phát
biểu, nhà gái phát biểu. Đám cưới nhà càng giàu có, khách mời càng đông
cho được danh giá, lại càng dễ có chuyện để trách móc. Nhưng hạnh phúc
giữa hai vợ chồng thì lại không do những điều đó mà có. Gặp nhau nên vợ
nên chồng phải nói là duyên nghiệp. Đâu phải ai ai lấy nhau cũng hạnh
phúc như nhau. Bản thân hai người không bà con thân thích nhưng đụng với
nhau suốt đời làm sao không có những chuyện không hợp nhau. Ngoài ra
còn cả hai gia đình, làm dâu làm rể biết bao nhiêu chuyện phiền toái.
Hạnh phúc thì không sao, không hạnh phúc thì phải ly thân, ly dị. Ra tòa
lần thứ nhất, lần thứ hai, phân chia của cải, phân chia con cái. Toàn
những chuyện không vui. Giải quyết chuyện của mình còn chưa xong lại còn
phải nghe không biết bao nhiêu là ý kiến linh tinh.
Tất cả đều là duyên nghiệp. Đến với nhau là duyên kết, hết với nhau
là duyên tận.Bạn bè cũng thế, gặp một người bạn là duyên cho gặp nhau.
Một hôm đẹp trời bỗng nhiên bạn mình hờ hững qua loa ra chiều phai lạt.
Chắc hẳn phải có một nguyên nhân nào đó. Cũng vì duyên tận mới sinh sự
cố gây nên hiểu lầm. Bên nào cũng có lý do thỏa đáng. Tìm hiểu, phân
trần, trách móc… đôi khi chỉ gây thêm phiền muộn. Lỡ bạn có rêu rao nói
xấu mình đi nữa thì cũng vì cái cung bạn bè của mình xấu, cái nghiệp của
mình phải gánh chịu. Nghĩ được như thế sẽ thấy nhẹ nhàng thoải mái hơn.
Người nghèo bình dân qua đời ma chay cũng đơn giản. Người giàu có,
nhiều chức vụ, lắm chuyện lôi thôi hơn. Cáo phó như thế nào cho đúng, để
tang phải hợp nghi thức Thọ Mai, mặc dù Thọ Mai có từ thời xa xưa,
nhiều chi tiết hay đã lỗi thời. Đám phải tổ chức đúng nghi lễ, dù tang
gia có bối rối cũng phải sắp xếp tiếp đãi khách quan chu đáo. Chức vụ
càng lớn thì điếu văn càng dài, đôi khi còn phải cường điệu thêm chút
ít. Rồi thì phát biểu của khách đến viếng, dông dài, kể lễ đủ thứ chuyện
mà nhà đám có thể không muốn nghe, còn người chết đã nằm sâu trong vách
gỗ, chẳng biết chút gì. Bởi vậy, đám tang là tổ chức cho người còn sống
chứ không phải cho người chết. Người chết chẳng ai muốn chết rình rang
đình đám, nên đơn giản được chừng nào tốt chừng đó.
Tuy nhiên đó là những hình thức quy ước trong xã hội, con người phải
lệ thuộc, không tránh được. Người nghèo không ai muốn nghèo, phải luôn
luôn cố gắng làm việc, đấu tranh để đời sống khá hơn. Người bình dân
tiếp cận với xã hội văn minh cũng phải thay đổi lối sống quá đơn giản để
thích ứng với môi trường chung quanh. Nghĩa là con người thường xuyên
phải đi từ chỗ đơn giản lên dần chỗ không đơn giản. Lúc chưa có điện thì
đâu có tủ lạnh, truyền hình. Có điện vào nhà thì có đủ thứ nhu cầu càng
ngày càng tăng, nhà cửa phải rộng rãi hơn, càng phải làm việc nhiều hơn
để đạt đời sống cao hơn. Chưa kể đến chuyện trang trí nhà cửa sắp đặt
đồ đạc trong nhà cũng đã là một vấn đề. Càng cao danh vọng càng dày gian
nan. Càng đi vào đời sống cao hơn thì sẽ gặp vô số chuyện không đơn
giản như ngày trước. Một khi đã đi vào cuộc sống không đơn giản, con
người dù muốn dù không cũng phải dính vào những chuyện rắc rối của cuộc
đời. Có khi không phải nghĩ thế nào, muốn thế nào thì có thể làm như thế
đó, mà luôn luôn chúng ta phải lệ thuộc phần nào những quy ước trong xã
hội.
Trong cuộc sống xô bồ hiện nay, con người khó sống được trong chánh
niệm. Thực tại quá nhiều chuyện để chi phối mình. Có những người làm
việc bận rộn đến không có bữa ăn cùng gia đình, hoặc đang ngồi với người
thân mà tâm trí để đâu đâu. Mỗi ngày đôi khi phải qua vài ba cuộc họp.
Ăn cơm với khách chỉ nói chuyện đầu tư buôn bán, đôi khi chẳng biết mình
đang thưởng thức món gì, ngon dở thế nào. Giờ nào cũng phải nghe điện
thoại để giải quyết công việc. Đó cũng là cái nghiệp. Nghề nghiệp.
Nghiệp của nghề. Tìm được an lạc thân tâm không phải là việc dễ dàng.
Mọi chuyện cũng do cái nghiệp của mình tạo ra. Người tu hành chỉ có
một màu áo, không cần phải mất thời gian chọn lựa, nhưng khi có chức
sắc, phải đứng ra làm chủ lễ thì cũng phải y phục cân đai đúng cách,
không thể đơn giản như chiếc áo nâu hàng ngày được. Áo lễ xấu đẹp cũng
có người khen chê, huống chi là đời thường, biết bao nhiêu là hình thức
bên ngoài phải lệ thuộc. Nhưng đó là những hình thức phải có trong cuộc
sống đời thường, không thể nào chối bỏ được. Chúng ta chỉ có thể đơn
giản bớt những cái rắc rối do chính bản thân mình gây nên thì may ra sẽ
sống được với thực tại nhiều hơn. Ví như có thể bớt được những lạm bàn
chẳng hạn. Hoặc giả có nhiều chuyện xảy ra hậu quả rồi nay lại bắt đầu
lại bằng những “Giá như!” chỉ gây thêm bối rối cho người khác. Con người
vốn rất phức tạp. Người ta mời mình đến dự tiệc, đôi khi cũng không
muốn đi vì nhiều lý do, nhưng khi không được mời thì lại băng khoăn,
trách móc. Tặng ai một món quà, thực lòng thì không cần người ta cám ơn,
nhưng nếu không nhận được lời cảm ơn thì cũng lại có chút trách móc,
băn khoăn. Chính đấy là những cái gọi là rắc rối chuyện đời. Ngoài ra
còn có cả trăm thứ rắc rối khác thường làm cho con người không lúc nào
được hạnh phúc thoải mái.
Trong kinh Phật có chuyện một người bị thương vì một mũi tên cắm sâu
vào thân thể. Gần chết nhưng không chịu cho rút mũi tên ra để chạy chữa
nếu chưa biết được kẻ đã bắn mình là ai. Rắc rối chuyện đời là thế.
Trong đời sống hiện tại, lắm kẻ chẳng khác gì nhân vật trong kinh vừa kể trên.
Nhà hiền triết NikosKazantzaky (trong tác phẩm Alexis Zorba) luôn
luôn bị giằn vặt giữa Tâm và Trí. Tâm muốn làm một việc theo đòi hỏi của
dục vọng, nhưng Trí thì thường cản trở hoặc ngần ngại vì những tư duy
do hình thức xã hội tạo nên. Những lúc bị bế tắc như thế, ông lại ngồi
đối thoại với Đức Phật để tìm một lối thoát. Cho đến một hôm đứng trên
bờ biển, nhìn thấy những con chim hải âu có thể đậu trên ngọn sóng mà
không bị xô ngã, ông mới nghĩ ra một điều:
Phải tìm thấy một nhịp điệu thích ứng với đời sống hiện tại và buông thả theo: đó chính là lối sống đúng đắn. ■