12/02/2013 16:04 (GMT+7)
Số lượt xem: 55139
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GNO - Đó là một nét đẹp truyền thống, “biến” Tết thành dịp để nhắc nhớ những người đã từng ngồi ở ghế nhà trường hướng về thầy cô theo cách của mình. Có thể là đi thăm thầy, chúc Tết thầy hoặc cũng có thể là gọi điện, nhắn tin (nếu ở xa)…



Nói là nét đẹp vì nó thể hiện tinh thần tri ơn của con người đối với người đã dạy dỗ mình nên người - bắt đầu từ con chữ a, bờ cho đến những phân số, phương trình, từng chữ tiếng Anh lạ lẫm. Từ ý nghĩa đó, người thầy Việt Nam một năm đã có hai dịp được chúc tụng, vinh danh và đều gọi là “Tết thầy”. Tất nhiên, đó là ngày 20-11, ngày Nhà giáo Việt Nam và mùng 3 Tết.

Tet thay.jpg

Ảnh minh họa

Người thầy được ví như người lái đò, đưa hết thế hệ này đến thế hệ khác đi qua dòng sông tri thức. Trong những học trò được sang sông ấy có người thành đạt, người không, nhưng quan trọng là họ nhận được ở thầy không chỉ kiến thức mà còn là cách sống ở đời. Và niềm an ủi của người thầy không phải là việc học trò mình thành đạt đến đâu mà là các em sẽ sống như thế nào trong ý nghĩa làm người giữa cuộc đời, trong việc đối nhân xử thế.

Thầy tôi thường tâm sự rằng, bây giờ học trò không còn ngoan hiền như trước, do nhiều yếu tố, trong đó có sự “bất lực” của người thầy về phương diện giáo dục. Do vậy, khi nhà trường “trả” học trò về gia đình là một điều đau xót, một sự yếu kém nên thầy luôn cố gắng mài giũa những viên ngọc dẫu chúng có bám đầy tạp chất, có nhiều tỳ vết.

Thầy “chịu” cái nhìn của nhà Phật, dẫu thầy chưa phải là Phật tử, đó là cái nhìn thấy trong tâm tánh con người có chất Phật (Phật tánh) là từ bi, trí tuệ. Cũng như thầy nhìn thấy trong học trò mình dù chưa giỏi, chưa ngoan nhưng đều có viên ngọc, phần thiên lương, cao quý của con người… mà nếu chịu khó tìm kiếm, phát quang thì những giá trị ấy sẽ tỏa sáng.

Chính cái nhìn nhân văn đó mà thầy không bỏ mặc học trò, không xem những học trò chưa giỏi và chưa ngoan là “cá biệt”, và cũng không kết luận là họ “dốt” hoặc “hư”. Năm tháng qua đi, với sự bền bỉ của một người thầy tuy có những trường hợp chưa thể giỏi lên, chưa thể ngoan hơn nhưng qua chuyến đò thầy đưa, nhiều người đã biết cố gắng để sống tốt nhất có thể. Có nghĩa là tốt nhất trong khả năng (duyên nghiệp) của mình, không tiếp tục lao dốc xuống vực thẳm của sự sa đọa, đánh mất giá trị cao thượng, tối thiểu để làm người.

Có lẽ vì vậy mà đã bao năm-tháng trôi qua, tóc thầy đã bạc nhiều, tôi cũng là một trong số thế hệ học trò trẻ của thầy vẫn nhớ như in cái tâm, cái tình của thầy mà gọi điện hoặc tới thăm thầy vào ngày mùng 3 Tết hay 20-11…

Nhớ thầy, nghĩ tới “Tết thầy” thiêng liêng đó và nhận ra rằng, có những người thầy đã đi vào lòng học trò, sống mãi với thời gian là bởi cái chân giá trị mà thầy hướng tới: rèn người không phân biệt, thấy cái lõi trong con người của học trò mà đào sâu, mà khai sáng…

Phong Châu

http://giacngo.vn/phatgiaotuoitre/doisongquanhta/2013/02/12/16C441/


Âm lịch

Ảnh đẹp