10/02/2013 16:20 (GMT+7)
Số lượt xem: 159693
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nhân dịp xuân Quý Tỵ 2013, chúng tôi đã sưu tầm và tóm tắt một số mẩu chuyện có liên quan đến rắn, xin gửi đến quý vị như một món quà Phật pháp đầu năm.

Truyện tiền thân Đức Phật hay còn gọi Bổn sanh truyện là tuyển tập bao gồm 547 câu chuyện nhỏ được sắp xếp thành từng chương theo thứ tự một bài kệ, riêng phần cuối được kết thúc bởi câu chuyện Vessantara nổi tiếng.

Truyện tiền thân nhằm mục đích tạo niềm tin vào đạo pháp trong mọi tầng lớp xã hội từ vua chúa, Bà la môn cho đến các giới bình dân cùng khổ, nó giống như những truyện cổ tích dành cho trẻ em nhưng lại mang tính giáo dục cao về luật nhân quả nghiệp báo.

Nhân dịp xuân Quý Tỵ 2013, chúng tôi đã sưu tầm và tóm tắt một số mẩu chuyện có liên quan đến rắn, xin gửi đến quý vị như một món quà Phật Pháp đầu năm. Kính chúc tất cả quý vị một năm mới nhiều an lạc, tràn đầy phước báu và tiến tu trong Phật Pháp.
 

1. Chuyện Con Rắn Tre - Veḷuka Jātaka (Jā.43).


Bồ Tát được sanh làm vị ẩn sĩ đứng đầu một hội chúng ẩn sĩ gồm 500 vị. Một trong số 500 vị ẩn sĩ này có nuôi con rắn trong ống tre và thương yêu như con nên ông được gọi là Veḷukapitā  (Cha của Veḷuka). Bồ Tát cảnh báo sự nguy hiểm, nhưng vị ẩn sĩ không nghe. Lần nọ, ông đi cùng các ẩn sĩ vô rừng hái trái và ở lại trong rừng hai - ba ngày nên con rắn bị bỏ đói trong thất. Lúc trở về, ông đến vuốt ve rắn và bị rắn cắn, rồi ngã ra chết. Chuyện kể về một tỳ-kheo khó dạy. Veḷukapitā là tiền thân của vị tỳ-kheo này.

2. Chuyện Con Rắn Phun Nọc Độc - Visavanta Jātaka (Jā. 69).

Một người nông dân bị một con rắn độc cắn và người đó được đưa đến cho y sĩ (Bồ-tát), là một thầy trị nọc rắn nổi tiếng. Vị thầy cho người bắt con rắn kia về và buộc nó phải hút nọc của mình ra khỏi vết thương trên người của người nông dân. Rắn từ chối dù bị doạ bị giết chết bởi thầy rắn. Câu chuyện kể về Tôn giả  Sāriputta nguyện không ăn bánh bột nữa vì đã lỡ ăn phần bánh bột dân làng cúng dường cho tỳ-kheo vắng mặt. Rắn là tiền thân của Tôn giả Sāriputta.

3. Chuyện Đúng Vậy Chăng? - Saccaṅkira Jātaka  (Jā. 73).

Vua trị vì xứ Benares  có một Hoàng tử tên Duṭṭhakumāra mà ai cũng không thích. Một hôm, ông ra sông tắm. Có cơn giông nổi lên.  Ông bảo nô tỳ đưa ông ra giữa sông để tắm. Họ thả hoàng tử xuống nước và trình báo nhà vua họ không thấy chàng đâu hết. Chàng bám được khúc cây trôi, trên đó có con rắn, chuột và két. Cả bốn được vị ẩn sĩ (Bồ Tát) cứu và dưỡng nuôi. Lúc ra đi, rắn nói mình có 400 triệu chôn ở một chỗ nọ mà ẩn sĩ có thể đến đó gọi “Rắn ơi!” là có ngay; chuột có 300 triệu dành cho ẩn sĩ; két hứa với ẩn sĩ gạo đầy nhiều xe; và Hoàng tử sẽ cúng dường tứ sự đầy đủ cho vị ẩn sĩ, mặc dù trong lòng chàng đang nung nấu căm thù muốn giết ngài.

Sau khi Hoàng tử lên ngôi, vị ẩn sĩ đến thử lòng của ông như thế nào, cũng như ba bạn cũ. Ông đến rắn, gọi tên và được rắn dâng kho tàng liền. Chuột và két cũng giữ lời hứa. Còn Vua  Duṭṭha cho đánh và đem ông ra lệnh xử trảm. Trên đường ra pháp trường, ông nói kệ rằng “Những người hiểu đời nói thật: Vớt khúc gỗ trôi tốt hơn cứu một sống người!” Được hỏi sao ông nói vậy, ông kể lại câu chuyện. Dân chúng phẫn nộ giết vua và đặt vị ẩn sĩ lên ngôi. Tân vương đem chuột, rắn và két vô cung nuôi.

Chuyện kể về Devadatta âm mưu hại Phật. Duṭṭha là tiền thân của Devadatta; rắn là Tôn giả Sāriputta; chuột là Tôn giả Moggallāna; và két là Tôn giả Ānanda.

4. Chuyện Lửa Cháy - Ghatāsana Jātaka (Jā. 133).

Một thời, Bồ Tát được sinh làm con chim chúa sống với đàn chim trên cây; trên cây này có một nhánh de ra trên hồ nước. Chim đậu trên cành để phân rơi xuống hồ, trú xứ của Rắn chúa Caṇḍa. Rắn chúa muốn đuổi chim đi nên làm nước hồ phun lên đốt cháy cây. Chim chúa thấy nguy cơ đến bèn gọi đàn chim bay đi lánh nạn. Nhiều chim không nghe nên bị cháy tiêu.

Chuyện kể về một tỳ-kheo có lều bị cháy rụi. Dân làng cất cho ông một lều khác nhưng phải ba tháng mới xong. Trong ba tháng này ông không thể thiền định.

5. Chuyện Con Rắn  - Uraga Jātaka (Jā.).

Một thời, Vua Brahmadatta  trị vì Benares tổ chức lễ hội để thần dân nhiều cõi đến vui chơi. Trong đám đông có Rắn Nāga đứng gần Kim-xí-điểu Garuḍa. Vô tình Nāga đặt tay lên Garuḍa. Xoay qua thấy Garuḍa, Nāga sợ quá bèn chạy trốn. Garuḍa rượt theo và quyết bắt Nāga. Đến sông, thấy một vị ẩn sĩ đang tắm và để áo vỏ cây trên bờ Nāga liền hoá ra hòn ngọc chui vô y. Garuḍa biết nhưng không bắt Nāga vì kính nể vị ẩn sư. Ẩn sư đưa cả hai về am thất và biến cả hai thành bè bạn qua lời giảng về lòng từ.

Chuyện được kể liên quan đến hai võ quan luôn luôn tranh cãi mỗi khi gặp nhau. Không ai can ngăn được, kể cả nhà vua. Nhìn thấy hai ông đủ duyên đắc Sơ quả, đức Phật bèn đến nhà họ khất thực và vì họ nói kinh Sự Thật. Về sau hai ông trở thành bạn thân khiến ai ai cũng đều tán thán lời nhiếp phục của đức Phật.

6. Chuyện Con Chuột Rừng - Nakula Jātaka (Jā. 165).

Đức Bồ Tát sanh làm đạo sĩ khổ hạnh trên Hy Mã Lạp Sơn. Trên đường du hành của Ngài có con chuột rừng và con rắn luôn luôn tranh cãi nhau. Ngài thuyết cho hai con vật nghe về lợi lạc của lòng từ và khuyên chúng không nên đố kỵ nhau.

Chuyên được kể về hai sĩ quan của Vua Pasenadi  hay cãi nhau. Có thể xem lại chuyện tiền thân số 154 - Uraga Jātaka. Hai con vật chỉ hai vị quan.

7. Chuyện Tu Tập Từ Tâm - Khandhavatta Jātaka (Jā. 203).

Một thời, đức Bồ Tát sinh làm vị tu khổ hạnh ở -Kāsi. Được biết có nhiều tỳ kheo bị rắn cắn chết, Ngài tập họp các tỳ-kheo trong vùng lại và dạy các ông tu tập từ tâm đối với bốn gia đình rắn (Virūpakkha, Erāpatta, Chabbyāputta, và Kaṇhagotama) để tránh bị rắn cắn.

Chuyện được kể về một tỳ-kheo chết vì bị rắn cắn. Câu chuyện như là nhân duyên của kinh an lành Khandha Paritta.

8. Chuyện Con Nhái Xanh - Haritamāta Jātaka (Jā. 239).

Bồ Tát sanh làm con nhái xanh.  Có con rắn đi bắt cá chun vô rọ bị cá cắn chảy máu phải bò ra núp bên bờ nước. Thấy con nhái xanh ở miệng rọ, rắn hỏi nhái chớ cá có quyền cắn rắn không. “Sao không,” - nhái đáp, “bạn ăn cá khi cá đến chỗ của bạn, cá cắn bạn lúc bạn đến chỗ của cá.” Cá nghe vậy bu tới cắn rắn chết.

Chuyện kể về chiến trận giữa Vua Pasenadi và cháu ông là Ajātasattu, nói rằng lúc người này thắng lúc người kia thắng. Rắn chỉ Ajātasattu.

9. Chuyện  Cái Giếng Cũ - Jarudapāna Jātaka (Jā. 256).

Một thời Bồ Tát sanh làm vị thương nhân. Lần nọ ông đi buôn với đoàn xe thương buôn, đoàn dừng lại ở một giếng nước và định lấy nước uống. Giếng cạn nên phải đào xuống. Đoàn thương gia bắt gặp nhiều châu báu dưới đáy giếng. Chưa thoả mãn, họ tiếp tục đào sâu hơn nữa dầu Bồ Tát đã cản ngăn với lời khuyên tham là nguồn gốc của tai hoạ. Cung điện Nāga dưới đáy giếng bị phá vỡ. Các thần rắn dùng hơi độc phà ra giết chết tất cả trừ Bồ Tát. Bồ Tát lại còn được các thần rắn đặt lên xe ngọc ngà châu báu và đưa về đến nhà.

Chuyện kể về một số lái buôn ở Sāvatthi thấy giếng này và đào được châu báu. Các ông thỉnh Phật để bố thí và cúng dường rồi bạch trình câu chuyện họ vừa lòng với những gì có được.

10.Chuyện Rắn Thần Daddara - Daddara Jātaka (Jā. 304).

Một thời, Bồ Tát sanh làm Nāga Mahādaddara sống tại Daddarapabbata. Nāga có cha là Sūradadddara  và em là Culladaddara. Culladaddara sân si, hung dữ, thường la mắng đánh đập các Nāga nữ. Vua Nāga phán đuổi Culladaddara ra khỏi xứ nhưng được anh tâu xin tha thứ. Đến lần thứ ba, nhà vua truyền lệnh cho cả hai anh em xuống sống ba năm ở Benares. Bị trẻ con địa phương trêu chọc, Culladaddara định phun nọc giết, nhưng Mahādaddara khuyên em nên kiên nhẫn. Chuyện kể về một tỳ-kheo thường hay sân si.

11. Chuyện Con Rắn - Uraga Jātaka (Jā. 354).

Một thời Bồ Tát sanh làm một Bàlamôn sống trong thành Benares với vợ, con trai, con gái, con dâu và nữ tỳ. Họ sống hạnh phúc bên nhau và luôn được dạy sống với ý nghĩ về cái chết. Một hôm người con trai đốt cỏ rác khiến con rắn sống gần đó bị xốn mắt phóng tới cắn chết. Cha chàng đặt thây chàng dưới gốc cây, nhắn người về nhà khi đem cơm trưa ra đem theo bông hoa và hương liệu, rồi tiếp tục đi cày tiếp. Sau bữa cơm, gia đình làm giàn hoả thiêu xác chàng. Không một tiếng khóc than. Hiệu lực đức hạnh của họ làm cho ngai của Thiên chủ Sakka nóng lên. Thiên chủ xuất hiện và hỏi từng người phải chăng không ai than khóc vì chẳng ai thương mến chàng. Biết rằng họ không khóc than vì họ sống với ý nghĩ về cái chết, Thiên chủ xưng danh và lấy thất bảo đổ đầy nhà họ.

Chuyện được kể liên quan đến một địa chủ ở Sāvatthi sầu khổ vì con trai chết. Đức Phật ngự đến và thuyết pháp cho ông nghe.

12. Chuyện Vị Y Sĩ Già - Sāliya Jātaka (Jā. 367).

Một ông thầy lang muốn có tiền công chữa bệnh, gạt một em bé (Bồ Tát) leo lên cây bắt con nhím mà ông biết rõ là con rắn. Bé nắm cổ con vật mới biết là con rắn nên quăng ra trúng ông thầy lang đứng dưới đất. Rắn quấn cổ ông và cắn ông chết.

Chuyện kể về Devadatta âm mưu hại đức Phật.

13. Chuyện Dây Trói Buộc - Tacasāra Jātaka (Jā. 368).

Có một thầy lang thấy một đám thiếu niên chơi gần cổ thụ có ổ rắn. Hy vọng kiếm được chút tiền, ông dụ các thiếu niên thò tay vô bộng cây nói là để bắt nhím. Một thiếu niên (Bồ Tát) thò tay vô bộng gặp rắn liền nắm cổ rắn liệng ra ngoài trúng ông; rắn đeo vào người ông và cắn chết ông. Đám trẻ bị bắt đưa lên vua. Thiếu niên bắt rắn bảo bạn bình tĩnh để chàng đối phó. Vua nghe qua câu chuyện, và thả tất cả về.

Chuyện kể về trí tuệ toàn hảo (paññāpāramitā) của Bồ Tát. Nhà vua chính là tiền thân Tôn giả Ānanda.

14. Chuyện Con Lừa - Kharaputta Jātaka (Jā. 386).

Thuở xưa, Vua Senaka trị vì Benares, có cứu mạng một Xà vương khỏi tay bọn thanh niên đang vây đập rắn. Để tạ ơn cứu tử, Xà vương dâng lên vua nhiều châu báu và một cung nữ Nāga. Xà vương còn dâng vua câu thần chú để ông gọi cung nữ khi không thấy nàng bên cạnh.

Một hôm Vua Senaka cùng cung nữ Nāga du ngoạn trong ngự uyển. Vốn tham đắm dục lạc vô độ, cung nữ thấy con rằn nước dưới hồ sen, bèn hoá thành rắn bò xuống làm tình cùng chú rắn nước này. Vua quất nàng một roi tre trị tội tà hạnh. Nàng tức giận bỏ về thế giới Nāga và phao vu nhà vua ngược đãi mình. Xà vương ra lệnh cho bốn thanh niên Nāga vào vương thất giết vua bằng cách dùng hơi độc thoát ra từ mũi. Bấy giờ, vua đang kể cho hoàng hậu sự việc xảy ra ngoài ngự uyển.

Nghe được câu chuyện, bốn thanh niên Nāga trở về trình lại Xà vương. Để chuộc lỗi, Xà vương hiến Vua Senaka thần chú giúp ông nghe được mọi thứ tiếng trên thế gian, chỉ với một điều kiện duy nhất là nếu ông truyền thần chú này cho ai, ông sẽ phải nhảy vào lửa chết.

Nhờ có thần chú, Vua Senaka nghe nhiều chuyện buồn cười của loài ong, kiến, vân vân. Vua cười khiến hoàng hậu hiếu kỳ theo hỏi. Sau cùng, nhà vua kể cho bà nghe và bà đòi được truyền cho thần chú.  Bị mãnh lực nữ nhân thôi thúc, vua đành chấp nhận và ngự lên vương xa, đi vào ngự viên để nhảy vào lửa sau khi trao truyền thần chú cho hoàng hậu.

Ngay lúc ấy, ngôi của Sakka nóng lên, Ngài nhìn xuống cõi đất thấy việc này, liền cùng phu nhân hoá làm hai con dê đón đầu vương xa của Vua Senaka. Hai con dê làm tình trước mặt các con lừa Sindh đang kéo vương xa. Lừa mắng dê ngu xuẩn và vô liêm sỉ. Dê bảo lừa còn ngu xuẩn hơn vì đang kéo xe cho một vị vua ngu ngốc.

Vua nghe được câu chuyện giữa dê và lừa, liền đọc kệ hỏi kế. Dê đề nghị vua bảo với hoàng hậu rằng Ngài sẽ truyền chú cho với điều kiện bà phải chịu trăm roi lên lưng không được kêu la. Vì quá ham mê thần chú, hoàng hậu ưng chịu, nhưng vừa bị hai roi bà kêu la và không còn muốn được truyền thần chú nữa.

Chuyện được kể về một tỳ-kheo bị vợ cũ cám dỗ. Senaka là vị tỳkheo, Lừa Singh là Sāriputta, Sakka là Bồ Tát.

15. Chuyện Con Cua Vàng - Suvaṇṇakakkaṭa Jātaka  (Jā. 389).

Bồ Tát làm một Bàlamôn nông dân ở Sālindiya. Trên đường ra đồng, ông đi ngang qua cái ao có con cua vàng mà ông làm thân. Có con quạ mái muốn ăn mắt người nông dân nên dụ chồng xúi con rắn cắn ông. Ông bị rắn cắn và nằm mê bên bờ ao. Nghe tiếng động, cua bò lên và thấy quạ mái sắp mổ mắt ông. Cua kẹp quạ. Rắn đến cứu quạ bị cua kẹp luôn. Cua bắt rắn hút nọc độc ra để người nông dân tỉnh lại. Bấy giờ, cua siết càng giết chết quạ và rắn.

Chuyện kể về việc Tôn giả Ānanda  muốn cứu Phật khỏi bị voi Dhanapāla dày.

Rắn là tiền thân của Māra; quạ trống là Devadatta; cua là Tôn giả Ānanda; quạ mái là Nữ du sĩ khổ hạnh Ciñcāmaṇavikā.

16. Chuyện Túi Da Đựng Bánh - Sattubhasta Jātaka  (Jā. 402).

Một thời, Bồ Tát sanh làm Tế sư Senaka  của Vua  Janaka  trị vì Benares. Tế sư thuyết giới luật mỗi hai tuần, vào ngày trai giới, cho đại chúng có cả nhà vua tham dự.

Một Bàlamôn già đi khất thực được cúng dường một ngàn đồng. Lão đưa cho một Bàlamôn giữ dùm. Ông này xài hết. Lúc bị đòi tiền, thay vì trả tiền ông gả con gái cho lão. Cô con gái có người yêu, và để được gặp người yêu, cô bảo lão đi mượn một nô tỳ để giúp cô việc nhà. Ông ra đi với chiếc túi cơm của cô soạn.

Trên đường về ông ghé bờ suối mở túi ra ăn cơm. Cơm xong, ông xuống suối uống nước. Có con rắn bò chui vô túi. Để cảnh báo vị Bàlamôn già, thần cây nói rằng: “Nếu ông nghỉ lại dọc đường ông sẽ chết; nếu ông về nhà vợ ông sẽ chết.” Lo âu, ông vừa đi vừa khóc. Tới Benares ông theo bà con đến nghe Tế sư  Senaka  thuyết pháp.

Nghe câu chuyện của lão Bàlamôn, Tế sư nghĩ đó là sự thật nên mở túi xách của lão ra xem. Rắn bò ra trước mắt thiên hạ. Để đáp ơn, lão Bàlamôn dưng Tế sư 700 đồng ông khất thực được trong chuyến đi vừa qua. Tế sư không lấy mà còn cho lão ba trăm để đủ một ngàn, và khuyên lão không nên đem số tiền này về nhà. Lão chôn tiền dưới gốc cây nhưng không dấu được cô vợ trẻ. Thế là tiền ông bị người yêu cô đào lấy mất. Lão Bàlamôn đến yết kiến Tế sư và được chỉ cho cách tìm kẻ trộm. Chàng bị lộ tông tích và thú nhận tội với Tế sư  Senaka.

Chuyện kể như một ví dụ về trí tuệ viên mãn của đức Phật. Lão Bàlamôn chỉ Tôn giả Ānanda; thần cây chỉ Tôn giả Sāriputta.

17. Chuyện Năm Vị Hành Trì Trai Giới - Pañcuposatha Jātaka (Jā. 490).

Có bốn con vật: chim bồ câu, rắn, chó rừng, và gấu sống hài hoà và vị ẩn sĩ (Bồ Tát) trong một khu rừng; vị ẩn sĩ được tôn làm Đạo sư. Tất cả năm vị đều quyết tâm giữ hạnh trai giới sau khi đã không chế ngự được tinh tấn chánh cần. Mạng chung, vị Đạo sĩ sanh về cõi Phạm thiên, còn bốn con vật kia nghe lời thuyết giáo của ông nên được lên cộng trú với Thiên chúng.

Nhận diện tiền thân: bồ câu chỉ Anuruddha, gấu chỉ Kassapa, chó rừng chỉ Moggallāna, rắn chỉ Sāriputta.

18. Chuyện Của Vị Đại Thương Nhân - Mahāvāṇija Jātaka (Jā. 493).

Một nhóm thương nhân đi lạc vô rừng đến chỗ của cây đa. Họ chặt một nhánh, nước trào ra, họ hết khát. Họ chặt nhánh thứ hai được đầy đủ thức ăn, nhánh thứ ba được nàng kiều nữ, nhánh thứ tư được tơ lụa bạc vàng. Tham lam, họ định đốn luôn cây để được nhiều hơn. Vị trưởng đoàn (Bồ Tát) cản ngăn nhưng không chịu nghe nên bị Xà vương sống trên cây huy động đoàn rắn giết chết hết trừ vị trưởng đoàn. Xong, Xà vương đưa ông về nhà với đoàn xe đầy của quý.

Chuyện kể về một đoàn thương nhân đệ tử của đức Phật gặp hoàn cảnh như kể trên. Nhưng họ không đốn cây mà còn cúng dường đến Ngài châu báu lượm được và hồi hướng công đức cho Thần cây. Phật tán thán sự tiết độ của các thương buôn. Xà vương chỉ Tôn giả Sāriputta.

19. Chuyện Hiếu Tử Sāma - Sāma Jātaka  (Jā. 540).

Hai thôn trưởng đều là hai nhà thiện xạ, giao ước sẽ làm sui nếu hai bên có con trai và gái. Họ sanh cậu trai đặt tên  Dukūlaka  (vì được bọc trong tã đẹp) và cô gái đặt tên  Pārikā  (vì ở bên kia sông). Trưởng thành, hai cô cậu thành hôn theo lời giao ước, nhưng không làm vợ chồng vì cả hai đều xuống thế từ cõi  Phạm Thiên. Được sự tán đồng của cha mẹ đôi bên, chàng và nàng đi tu ẩn và sống trong am thất do Thiên chủ Sakka xây trên bờ sông Migasammatā.

Một ngày kia, thấy hiểm hoạ sắp xảy đến cho hai vị ẩn sĩ trẻ, Sakka xuất hiện xuống khuyên hai vị có một đứa con.  Pārikā thọ thai sau khi được Dukūlaka rờ rún đúng thời. Bà sanh một nam tử đặt tên Sāma, nhưng vì có màu da vàng ròng bé được gọi là  Suvaṇṇasāma(Hoàng Kim); bé là Bồ Tát. Một hôm, hai ông bà ẩn sĩ đi hái trái rừng, mắc mưa, đến đụt chổ gò kiến. Nước trên thân ông bà nhểu xuống làm con rắn sống dưới gò kiến tức giận, phà hơi độc làm mù mắt cả hai ông bà. Từ dạo đó Sāma lo nuôi dưỡng cha mẹ mình.

Bấy giờ, Vua Pilliyakkha trị vì Benares  đi săn, thấy  Sāma đang lấy nước tưởng là con nai đang uống nước, nên giương cung bắn.  Sāma té xuống, nhà vua nghĩ chàng đã chết nên ân hận vô vàn. Ông được mẹ bảy kiếp của Sāma là Nữ thần Bahusodarī trú trên núi Gandhamādana (Hương Sơn) bảo đến báo tin cho cha mẹ của  Sāma biết. Ông đến chòi kể lại việc xảy ra và đưa Dukūlaka với Pārikāđến chỗ  Sāma nằm. Pārikā thực hiện lời nguyện Chân Thật (Saccakiriyā); Sāma tỉnh dậy. Bấy giờ, Nữ thần Bahusodarī cũng nguyện lời Chân Thật và hai cha mẹ của  Sāma  đều sáng mắt. Tiếp theo, Sāma thuyết giáo nhà vua rằng : các những hiếu tử sống theo chánh Pháp chăm nuôi cha mẹ lúc gian truân đều được chư Thiên ban phước lành.

Chuyện kể về một thanh niên ở Sāvatthi. Nghe pháp do Phật thuyết, chàng xuất gia. Tu sĩ trẻ này trú trong tịnh xá năm năm và trong rừng 12 năm. Một hôm, nghe nói cha mẹ già bị sạt nghiệp phải đi ăn xin, ông trở về lo phụng dưỡng ông bà bằng khất thực; có lúc ông phải nhịn ăn để nuôi hai ông bà. Chuyện đến tai đức Phật, Ngài vì ông nên thuyết Mātuposaka Sutta.

Nhận diện tiền thân:  Kukūlaka  chỉ Tôn giả  Kassapa,  Pārikāchỉ Trưởng lão ni  Bhaddhā  Kāpilanī,  Paliyakkha  chỉ Tôn giả Ānanda,  Sakka  chỉ Tôn giả  Anuruddha, và  Bahusodarī  chỉ Trưởng lão ni Uppalavaṇṇā.

Theo Phật tử Việt Nam


Âm lịch

Ảnh đẹp