gồm
31 âm tiết. Kawabata muốn
giới thiệu những bài thơ này để nêu bật tinh thần Nhật Bản về thơ ca
trong bài diễn văn của mình. Người dịch những bài thơ này đã mạo muội phóng tác
thành những câu thơ mang hơi thở Việt Nam. Rõ ràng đó là việc làm dễ mắc
phải sai lầm, một phần, vì qua ngôn ngữ thơ ca, dịch phẩm phải giống như việc
tái tạo một sản phẩm mà điều may mắn hy vọng đạt được là tinh thần cốt tủy của
sản phẩm cũ không sai lệch là bao, phần khác, người dịch đã chuyển từ bản dịch
Anh ngữ chứ không phải từ nguyên ngữ Nhật Bản. Đó là lý do người dịch viết
những lời này, với niềm mong mỏi bạn đọc bỏ qua cho những sai lầm lệch lạc, và
đón nhận bài viết này nhẹ nhàng như cơn gió nhẹ thoảng qua, không ảnh hưởng gì
đến ai cả.
Mỗi lần có ai đó nhờ tôi viết vài câu thư pháp, tôi
thường viết hai bài thơ sau đây, bài thứ nhất của tu sĩ Dogen (1200-1253), mà
ông ta gọi là Bản lai diện mục (Innate Spirit), và bài thứ hai, của tu sĩ Myoe
(1173-1232).
“In the spring, cherry blossoms, in the summer the
cuckoo.
In autumn the moon, and in winter the snow, clear, cold”.(2)
Mùa xuân đỏ thắm anh đào
Tiếng cu bàng bạc điệu chào, hạ ơi!
Trăng thu trong sáng gọi mời
Tuyết đông lành lạnh tinh khôi bốn bề.
“The winter moon comes from the clouds to keep me
company.
The wind is piercing, the snow is cold”(3).
Trăng ngời ngọc sau làn mây hiển hiện
Để cùng tôi qua mộng thực đôi bờ
Ngọn gió buốt như hòa trong thớ thịt
Trắng mênh mang màu tuyết lạnh hoang sơ.
Trước bài thứ hai, Myoe ghi thêm những dòng sau,
như một lời giải thích cho ý nghĩa chủ đạo của bài: “Vào đêm 12 tháng 12 năm
1224, mặt trăng đang ẩn khuất sau làn mây. Tôi bước vào điện Kakyu để ngồi
thiền. Lúc nửa đêm, tôi ngừng thiền định, bước ra ngoài sảnh điện để đi xuống
tầng dưới, tôi bắt gặp ánh trăng hiện ra sau màn mây và lan tỏa bàng bạc trên
tuyết trắng. Và ánh trăng kia đối với tôi như một bạn đồng hành, đến nỗi, tiếng
chó sói tru lên dưới thung lũng cũng chẳng hề làm tôi khiếp sợ. Rồi lúc sau,
tôi rời hạ điện bước ra ngoài, ánh trăng lại khuất vào trong mây. Khi tiếng
chuông ngân báo hiệu giờ cầu kinh lúc tàn đêm, tôi lại đi lên sảnh điện, ánh
trăng đã dõi theo tôi trên con đường tôi bước. Tôi lại ngồi thiền, mặt trăng
như đuổi theo mây để sau cùng
chìm khuất trong ánh mặt trời đang hồng lên cho ngày mới, mặc dầu vậy, dường
như với tôi, ánh trăng kia vẫn còn theo tôi trong tâm tưởng như một bạn đồng
hành bí mật”.
Sau bài thơ đã dẫn ở trên, là bài thơ sau, mà có
thể đoạn cuối những lời dẫn của Myoe đã cho thấy rằng ẩn ngữ một vầng trăng đã
khuất dần sau núi kia vẫn còn ngân vang trong lòng tác giả:
“I shall go behind the mountain. Go there too, O
moon.
Night after night we shall keep each other
company.”(4)
Ta sẽ về bên kia núi, Trăng ơi!
Em cũng về theo, mộng song hành
Đêm lại rồi đêm ta sánh bước,
Em là ta hay ta lại là em?
Một lần khác, có thể là sau những thời khắc thiền
định, hoặc khi bước đi lúc trời rạng sáng trên đường về chánh điện, Myoe đã
viết thế này: “Vừa mở đôi mắt ra sau thời gian thiền định, tôi đã bắt gặp vầng
trăng lúc trời tảng sáng, ánh trăng dìu dịu qua cửa sổ. Tôi cảm thấy ánh sáng
dường như đang ngập tràn đến cả những góc phần tăm tối nhất của tâm hồn mình,
và dường như ánh sáng đó đến từ ánh trăng
muôn thuở”. Theo đó, Myoe đã viết bài thơ:
“My heart shines, a pure expanse of light;
And no doubt the moon will think the light its
own.”(5)
Sáng cả lòng ta dòng tinh khiết
Hay chính là trăng nhập cõi hồn?
Myoe thường được mệnh danh là thi sĩ của ánh trăng,
bởi những dòng thơ trăng thanh thoát, bởi những dòng thơ như sự thảng thốt diệu
kì, như tiếng kêu ngây thơ tự nhiên bật ra tâm hồn, như sự hứng khởi tuôn trào
không mục đích:
“Bright, bright, and bright, bright, bright, and
bright, bright.
Bright and bright, bright, and bright, bright
moon.”(6)
Trong ba bài thơ về ánh trăng, từ nửa khuya đến lúc
trời rạng sáng, Myoe đã tuân thủ khuynh hướng thi pháp mà Saigyo đã sử dụng.
Saigyo cũng là một thiền sư - thi sĩ, người đã tại thế vào khoảng 1118 đến
1190, ông đã nói: “Dù tôi có làm thơ
chăng nữa, tôi vẫn không nghĩ về chúng như là những bài thơ tôi đã soạn”.(7) Trong ba
mươi mốt âm tiết, ông đã tạo nên một bài thơ, trung thực, trực chỉ vào thực tại
sinh động, dường như thể ông với trăng là một, chứ không đơn thuần là “đồng
hành với trăng”. Nhìn trăng, ông trở nên
trăng, và trăng cũng chính là ông khi nó là đối tượng được ngắm nhìn. Ông chìm
vào thiên nhiên, và ông trở thành một cùng nhiên giới. Ánh sáng từ trái tim
trong sáng (clear heart) của vị thiền sư đang thiền định từ nửa đêm đến gần
rạng sáng đã trở thành ánh trăng, và bởi vậy, trăng vẫn sáng dù ngày lên hửng
đỏ một góc trời. Như ta đã thấy trong
lời dẫn của Myoe trước bài thơ nói trên, ở đó, ánh trăng mùa đông đã trở thành
bạn đồng hành, nó chính là tâm của vị thiền sư, một ánh trăng đã từ sau làn mây
tỏa sáng rồi chìm vào bầu trời tôn giáo và triết học, vĩnh viễn, ánh trăng và
thiền sư đã lan tỏa vào nhau trong một hòa điệu tuyệt vời, mà bài thơ bất quá
chỉ như một bật thốt tình cờ để diễn tả nên điều rất khó diễn bày.
Đó cũng là lý do mà tôi nghĩ đến bài này đầu tiên
khi có ai nhờ viết cho một bức thư pháp, với tôi, cảm xúc của bài thơ thật nhẹ
nhàng phiêu hốt, một niềm đam mê thật bay bổng khinh an. Ánh trăng kia giữa bầu
trời đông tuyết, nấp sau mây rồi hé lộ dần, rồi lại núp sau mây và lại hiển
bày, tỏa sáng trên mỗi bước chân ta, khiến ta không còn sợ sói dữ. Phải chăng,
hỡi trăng ơi, gió chìm vào trong em, gió lạnh mơn man em và tuyết trắng không
làm em buốt giá? Tôi chọn bài thơ này, quả thực, tôi đã chọn một bài thơ ấm
nồng, sâu lắng, bài thơ của niềm đam mê thanh thoát, trong tĩnh lặng khôn dò,
trong thảng thốt suy tư ăm ắp cả một tinh thần Nhật Bản. Tiến sĩ Yashiro Yukio,
một nhà nghiên cứu nổi tiếng về nhà danh họa Botticelli(8), một học giả uyên thâm về nghệ thuật từ cổ chí kim
và từ Đông sang Tây, đã đúc kết tinh thần nghệ thuật Nhật Bản đặc trưng qua chỉ
một câu thơ: “Ta nghĩ đến bạn bè ta mỗi khi nhìn hoa, ngắm tuyết, ngó trăng
thanh”.
Mỗi khi nhìn vẻ đẹp tuyệt vời của tuyết, mỗi lần
thưởng ngoạn ánh trăng tròn vời vợi, hay say đắm trước vẻ xinh tươi của những
khóm anh đào, mỗi khi để lòng chìm
trong các bức họa hay bị đánh thức bởi vẻ mỹ miều của bốn mùa thay sắc, ta
thường nghĩ đến những người gần ta nhất, những kẻ thương yêu, và trong ta khao
khát niềm ước mong chia sẻ cảm giác hoan lạc này. Chính kích thích của mỹ cảm
đã đánh thức các cảm xúc trong ta, đánh thức niềm khát khao đồng hành, khát
khao những mối chân tình huynh đệ, và khi đó, từ “bằng hữu” (comrade) trở thành
đặc trưng đầy ý nghĩa của hai tiếng “con người” (human being). Tuyết, trăng,
những khóm hoa, những từ ngữ diễn tả bốn mùa, trong truyền thống Nhật Bản, đó
là những từ ngữ hòa quyện vào nhau để nêu bật lên vẻ đẹp muôn thuở của núi,
sông, cây cỏ, để diễn đạt thiên nhiên sâu lắng và muôn hồng nghìn tía, cũng như
diễn đạt cảm xúc của con người khi chiêm nghiệm.
Cái tinh thần đó, cái tinh thần khát khao tình
huynh đệ khi đi trong tuyết, khi đứng dưới trăng, khi ngắm nhìn hoa ngàn cỏ
nội, cũng chính là tinh thần căn bản trong nghi thức uống trà. Trong cảnh quan
tươi đẹp thích hợp nào đó, bằng hữu gặp nhau, ngồi bên tách trà, hòa điệu một
niềm giao cảm trước đất trời vạn đại, và động thái
thưởng trà kia được nâng lên thành nghi thức, mà như người ta nói, ấy là Trà
đạo. Tiện đây, tôi muốn đề cập đến tiểu thuyết Ngàn Cánh Hạc (Thousand
Cranes) của mình, một cuốn tiểu thuyết thường được bạn đọc hiểu sai là tôi muốn
ngợi ca vẻ đẹp hình thức và tinh thần của nghi thức uống trà đó.
Nhưng ngược lại, tôi muốn diễn đạt mối hoài nghi
cũng như cảnh báo mọi người về tính thông tục hợm người mà các nghi thức uống
trà hiện nay đang sa ngã.
“In the spring, cherry blossoms, in the summer the
cuckoo.
In autumn the full moon, in winter the snow, clear,
cold”.
Mùa Xuân đỏ thắm anh đào
Tiếng cu bàng bạc điệu chào, hạ ơi!
Trăng thu trong sáng gọi mời
Tuyết đông lành lạnh tinh khôi bốn bề
Một ai đó sẽ nghĩ rằng trong bài thơ đó của Dogen,
đơn giản chỉ là sự miêu tả thiên nhiên một cách thông thường, xoàng xĩnh, một
sự kể lể tầm thường bốn mùa thay nhau nối tiếp. Ai đó cũng có thể nghĩ rằng thơ
gì như vậy mà cũng là thơ, chẳng có thơ có mộng gì với những từ bình thường
ghép nhau như thế. Tuy nhiên, ta hãy nghe một bài tương tự viết lúc lâm chung
của Thiền sư Ryokan (1758-1831):
“What shall be my legacy?
The blossoms of spring,
The cuckoo in the hills, the leaves of autumn”.(9)
Em thừa kế giùm tôi ngàn hoa thắm
Tiếng chim kêu đồi mộng thuở ban sơ
Tôi để lại cho trần gian muôn thuở
Lá vàng thu, những khoảnh khắc không ngờ!
Ở bài thơ này, cũng tương tự bài của Dogen, những
ảnh hình và từ ngữ bình thường nhất đã hòa quyện trong nhau một cách trôi chảy,
mà đặc biệt, nó đã truyền cho ta tinh thần cốt tủy của Nhật Bản. Bài thơ vừa
trích dẫn trên là bài thơ cuối cùng trong cuộc đời của Thiền sư - Thi sĩ Ryokan.
“A long, misty day in spring:
I saw it to a close, playing ball with the
children.
The breeze is fresh, the moon is clear.
Together let us dance the night away, in what is
left of old age.
It is not that I wish to have none of the world,
It is that I am better at the pleasure enjoyed
alone”.(10)
Tôi đang đùa với trẻ con
Trời sương trùm phủ lối mòn cỏ xuân
Trăng thanh, gió nhẹ thật gần
Một trời thân thiết, vang ngân giọng đàn
Nhảy đi em, điệu muôn vàn
Tiếng lòng kim cổ, nhạc vàng xưa sau
Rồi nghe đất chuyển muôn màu
Này hương vũ trụ bên cầu cô đơn
Vòng tay ôm trọn xuyên sơn
Một mình chiêm bái nguồn cơn vĩnh hằng!
(1) Literature
1968-1980, Editor-in-Charge Tore
Frängsmyr, Editor Sture
Allén, World Scientific Publishing Co., Singapore,
1993.
(2) Vào mùa xuân, những khóm anh đào, tiếng cu gù mùa hạ. Mùa
thu, ánh trăng trong, và mùa đông, tuyết lạnh.
(3) “Trăng mùa đông đến từ sau những đám mây để đồng hành cùng
tôi/ Gió thổi buốt, và tuyết lạnh”.
(4) “Tôi sẽ về sau núi, em cũng thế trăng ơi./ Rồi từng đêm,
ta sẽ giữ bước song hành”.
(5) “Tâm hồn tôi tỏa sáng, thứ ánh sáng lan rộng thuần khiết;
Và không còn hồ nghi gì nữa, trăng cũng nghĩ rằng đó chính là ánh sáng của
chính mình”.
(6) “Sáng, sáng, ôi sáng, sáng, sáng, và sáng, sáng/
Sáng, cứ sáng hoài, sáng, sáng và sáng mãi, ánh trăng!”.
(7) “Though I compose poetry, I do not think of it as composed
poetry”.
(8) Botticelli (1445 - 1507), họa sĩ nổi tiếng người Ý.
(9) “Di sản của tôi ư? Những khóm hoa mùa Xuân/Chim gù
trên đồi vắng, những chiếc lá thu bay”.
(10) “Một ngày dài mùa xuân đầy sương:
Tôi thấy bầu trời thật gần gũi khi đang chơi cầu cùng con trẻ.
Cơn gió nhẹ trong lành, ánh trăng sáng tỏ.
Ta hãy cùng nhau khiêu vũ suốt đêm thâu, trong điệu múa lời ca từ xa xưa
đọng lại.
Chẳng phải tôi ao ước cô độc giữa thế giới này, mà chính bởi khi chỉ còn
lại một mình, tôi vui thú biết bao trong niềm cô đơn bất tuyệt”.