05/01/2013 21:36 (GMT+7)
Số lượt xem: 142883
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngày lễ tết, mẹ sắm hương hoa nhưng không bao giờ thắp hương trên bàn thờ bà, chỉ để bố và hai chị em tôi làm...

Tôi chưa từng một lần bênh mẹ mình, bởi khi bà nội còn khỏe mạnh, bà cưng chiều tôi nên tôi thương bà lắm. Tôi thường trách mẹ mình là “dâu xấu” vì trong những năm tháng bà đổ bệnh, mẹ đối xử với bà lạnh lùng, cáu gắt, thậm chí có phần tệ bạc. Thế mà chẳng hiểu sao, những lúc không vừa lòng, bố chỉ chép miệng thở dài “luật nhân-quả”!
 

LTS: Loạt bài "Phụng dưỡng", kể những câu chuyện về cách chăm sóc, ứng xử của con cái với cha mẹ khi tuổi già ốm đau, bệnh tật.

Có câu chuyện rơi nước mắt; có câu chuyện chua chát, xót xa.

Bà nội mất khi tôi học lớp 12, cách đây cũng hơn chục năm rồi. Tôi còn nhớ như in, trong đám tang của bà, mẹ tôi cũng chít vành khăn trắng nhưng không khóc một tiếng. Tôi ôm nỗi giận hờn với mẹ từ ấy, mỗi khi nghĩ về bà, tôi đều cho rằng bà phải chết sớm vì mẹ.

Tôi đi học xa, đi làm rồi lấy chồng. Đêm trước đám cưới tôi, khi cả nhà ngồi xum họp, mẹ nói vài điều khuyên tôi khi về nhà chồng. Chẳng hiểu sao, nỗi giận hờn cho bà nội đã nguôi ngoai bao năm trong tôi lại trỗi dậy, tôi thẳng tưng: “Tất nhiên con sẽ không như mẹ” khiến mẹ tôi sững người.

Nửa đêm ấy, bố gõ cửa phòng tôi. Bố đưa chiếc nhẫn và sợi dây chuyền của bà nội ngày xưa, bảo cho tôi làm của hồi môn. Chợt bố ngồi xuống cạnh tôi, trầm ngâm: “Bố chẳng bao giờ muốn nói xấu bà nội với con, càng không muốn nói khi bà đã mất. Nhưng có những điều con nên biết để thông cảm, trân trọng mẹ hơn”.

Tôi đã ôm mối giận hờn với mẹ bao nhiêu năm vì mẹ lạnh lùng với bà nội
Tôi đã ôm mối giận hờn với mẹ bao nhiêu năm vì mẹ lạnh lùng với bà nội
Thế rồi suốt đêm hôm ấy, hai bố con tôi cùng ôn lại những ký ức bố đã từng định đào sâu chôn chặt. Hóa ra, khi còn trẻ, khỏe, bà tôi cũng nổi tiếng là một bà mẹ chồng tai quái, đáo để. Bà có bốn người con trai thì yêu bố nhất. Bà muốn bố lấy một chị cùng xóm mà bà đã để ý: ngoan ngoãn, hiền lành, lại còn có tướng “ích tử vượng phu”, ấy thế mà bố lại đưa về nhà một cô gái Hà Nội “đỏng đà đỏng đanh, thứ phù thủy tóc ngắn móng dài” mà theo bà là sẽ ám nhà chồng không khá nổi.

Ác cảm, phản đối từ đầu nên khi mẹ chính thức thành dâu, bà không quên "củ hành củ tỏi" để cho mẹ tôi phải biết thân biết phận. Đầu tiên, bà hạn chế tối đa việc mẹ về thăm nhà ngoại, lên Hà Nội thăm chồng.

Ngày nào bà cũng gọi mẹ dậy từ 3-4  giờ sáng để tưới rau, dọn nhà, nấu cơm phục vụ cả đại gia đình rồi mới được đi làm. Mờ tối về bà lại bắt mẹ ra đồng nhổ cỏ, cắt lúa. Bố bảo, trời tối, mẹ thì không quen việc nên bàn tay mẹ không biết bao nhiêu là sẹo do cắt liềm vào tay, có khi sẹo này chưa lành lại đến sẹo khác.

Rồi mẹ có thai chị tôi. Bà càng ra sức hành hạ. mẹ nghén sợ mùi đồ nóng, xin phép ăn sau. Thế là cứ bữa cơm ăn xong, còn bao nhiêu đồ ăn, bà đem cho mấy con chó hết. Mẹ nghén 3 tháng dài là 3 tháng ăn cơm nguội với muối, chan bằng nước mắt. Thế nhưng, dù nhà tôi còn có 3 bác dâu khác, việc nhà, việc đồng, bà tuyệt đối không bớt cho mẹ một phần, bà bảo “con gái thành phố, nhàn hạ lắm thành quen, làm đi cho dễ đẻ. Bố đi làm xa, tuần về một lần, mẹ im re không kêu một tiếng nên chẳng biết gì, vì những ngày bố ở nhà, bà chiều mẹ như chiều vong.

Sau khi mẹ sinh chị tôi, sinh tôi, bà càng ghét tội đẻ “rặt một lũ vịt giời”. Có điều, bà ghét mẹ tôi bao nhiêu thì yêu tôi bấy nhiêu vì tôi giống hệt bố. Mẹ có thai lần 3 khi tôi 5 tuổi. Vẫn chỉ cơm nguội với muối, vẫn hùng hục làm việc nhà như hai lần mang thai trước; chưa hết, bà còn thường xỉa xói mẹ “đẻ làm gì, lại ra con vịt chứ thứ cô sao đẻ được con trai”.

Rồi chẳng hiểu nghĩ thế nào, bà đi làng trên xóm dưới rêu rao mẹ lăng nhăng với một thầy cùng trường khi bố vắng nhà. Bà nói cả với bố, nhất định bảo đứa bé trong bụng mẹ không phải con của bố. Bố thì bán tín bán nghi. Dù tin mẹ nhưng bố có ở nhà với mẹ nhiều bằng bà đâu mà biết... Mẹ chỉ biết khóc.
 
Chuyện bà và mẹ khiến tôi tự nhủ lòng, giả dụ bà có bạc ác với tôi, thì khi bà ốm đau già cả, tôi cũng không chọn cách làm như mẹ, để tự làm đau mình
Chuyện bà và mẹ khiến tôi tự nhủ lòng, giả dụ mẹ chồng có bạc ác với tôi, thì khi bà ốm đau già cả, tôi cũng không chọn cách làm như mẹ, để tự làm đau mình (Ảnh minh họa).

Những “trò” oái oăm bà dành cho mẹ còn nhiều lắm, bố chắc thế. Bố chỉ biết tường tận nhất chuyện mẹ mang thai, vì sau khi bố lên thành phố, mẹ đã uống thuốc sâu tự tử. Mẹ không chết, nhưng em tôi thì chết. Sau lần ấy, bác dâu tôi mới kể với bố cách đối xử của bà với mẹ. Nghe xong chuyện, bố tôi đưa cả nhà lên thành phố.

Mẹ tôi không còn bị hành hạ nhưng nỗi đau thì vẫn chất chứa trong lòng. Khi tôi học lớp 9 thì bà nội tai biến. Bố đưa bà lên nhà tôi ở cùng. Mẹ cơm bưng nước rót nhưng không bao giờ mở lời với bà, mặt mẹ lạnh băng. Có lần, đứng ở cửa, tôi thấy bà run run, cố nắm bàn tay mẹ, đôi mắt rỉ ra một giọt nước nhưng mẹ đã kiên quyết gỡ bàn tay bà khỏi tay mình, rồi đứng dậy, quay đi. Hồi ấy tôi đã trách mẹ: lòng mẹ làm bằng băng hay sao mà có thể...

Không chỉ lạnh lùng với bà. Những năm bà ốm ở nhà tôi, mẹ thường xuyên cáu gắt với bố. Đỉnh điểm là khi bố xin mẹ “ân cần với bà hơn một chút”, mẹ đã ôm chăn gối ra ngủ riêng. Mẹ không ngủ với bà một đêm nào, nếu bố đi công tác thì mẹ bắt chị hoặc tôi qua ngủ cùng. Cũng hơn một lần, mẹ đi ăn cỗ, rồi đi cà phê cùng các cô ở trường, quên về nhà buổi trưa, quên dặn bố về cho bà ăn cơm, thế là bà bị đói. Những lần ấy, tối về, bố mắng, chị em tôi trách, mẹ cũng chẳng nói gì, mẹ bỏ luôn cả bữa tối không nấu cho cả nhà.

Bà mất, bố mẹ tôi lại dọn về ở chung một phòng. Ngày lễ tết, mẹ sắm hương hoa nhưng không bao giờ thắp hương trên bàn thờ bà, chỉ để bố và hai chị em tôi làm. Bố bảo tôi “Cha mẹ tanh lòng, sao đòi con thắm dạ” nhưng mẹ tôi cũng chẳng sung sướng gì. Ba năm bà ốm, bố đã thấy bao nhiêu lần mẹ một mình ôm gối khóc trong phòng. Đến tận bây giờ, lòng mẹ cũng chẳng thanh thản hơn chút nào khi để bà nội ra đi trong ám ảnh đau khổ vì sự lạnh lùng của mẹ.

Tôi không trách gì bà nội, dù qua câu chuyện của bố, tôi biết bà đã “tanh lòng” với mẹ tôi đến thế nào, vì dẫu sao bà cũng đã thành người thiên cổ. Nhưng tôi thương mẹ, mẹ đeo mối đau trong lòng để “trả đũa” bà những ngày bà ốm, rồi chính mẹ tự đeo gông cuồng day dứt cho mình. Giờ, đã làm dâu, làm mẹ rồi, tôi cũng hiểu tình yêu là thứ có cho có nhận. Tôi may mắn có một người mẹ chồng tốt, và bà còn đang khỏe mạnh. Nhưng chuyện bà và mẹ khiến tôi tự nhủ lòng, giả dụ mẹ chồng có bạc ác với tôi, thì khi bà ốm đau già cả, tôi cũng không chọn cách làm như mẹ, để tự làm đau mình.

Vũ Hoàng Mai (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội)

http://kienthuc.net.vn/mo-cua/201211/Phung-duong-Cha-me-tanh-long-sao-doi-con-tham-da-1864237/


Âm lịch

Ảnh đẹp