5. Giai đoạn chuẩn bị tái sanh
Mặc dù được khai thị nhiều lần qua nhiều giai đoạn, nhưng với những thần
thức có quá nhiều ác nghiệp sẽ không được giải thoát trong giai đoạn đã
qua. Những thần thức này có nhiều khả năng sẽ bị nghiệp lực dẫn dắt đi
tái sanh. Để giúp thần thức không chọn con đường tái sanh mà được giải
thoát về các cảnh giới Tịnh độ của chư Phật, kể từ sau ngày thứ mười bốn
trở đi, chủ lễ cần tiếp tục khai thị như sau:
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe và thấu
hiểu. Chúng sanh trong cõi địa ngục, cõi trời và cõi chuyển tiếp này đều
tự nhiên hóa sanh. Khi các vị thiện thần, ác thần xuất hiện, ngươi đã
không nhận ra. Ngươi đã mê man nhiều ngày, đến lúc tỉnh dậy, tâm thức
ngươi sáng suốt và có một thân giống như thân ngày trước[22]
của ngươi đứng dậy. Luận này dạy rằng:
“Thân thể quá khứ và vị lai,
Trong giai đoạn tái sanh,
Có đầy đủ các căn,
Đi lại không ngăn ngại,
Với nghiệp lực thần thông diệu dụng,
Nhìn bằng đôi mắt của bậc thánh.[23]
“Vì ngươi nhớ lại thân quá khứ nên ngươi có một thân có vẻ như bằng
xương thịt,[24] nhưng cũng phát ra ánh sáng. Thân
xác này của ngươi thật ra là đã được tạo bằng tư tưởng. Nếu ngươi sẽ tái
sanh ở cõi trời, chính lúc này ngươi sẽ nhận thấy dấu hiệu của cõi trời.
Nếu là các cõi khác, như cõi a-tu-la, cõi người, cõi súc sanh, cõi ngạ
quỷ hay cõi địa ngục, cũng đều như vậy, ngươi sẽ thấy dấu hiệu của những
cõi đó.
“Nói quá khứ hay vị lai, nghĩa là thân ấy xuất hiện theo với những mong
ước hoài niệm về quá khứ, trong đời sống trước, nhưng đồng thời cũng có
cả những dấu hiệu của đời sống tương lai mà ngươi sắp tái sanh.
“Dù có bất cứ cảnh tượng gì hiện ra, cũng đừng theo đuổi nó. Đừng để bị
thu hút, đừng tưởng nhớ tới nó. Nếu bị lôi kéo, ngươi sẽ sa vào cõi luân
hồi và phải chịu khổ đau.
“Cho tới ngày hôm qua, ngươi đã thấy xuất hiện những cảnh tượng do tâm
thức ngươi biến hiện, nhưng ngươi đã không nhận ra, vì vậy ngươi vẫn còn
lưu lạc nơi đây. Bây giờ, hãy kiên trì thiền định trong tâm thức sáng
suốt, rỗng không, trong tánh không mà những bậc đạo sư của ngươi đã chỉ
rõ, hãy an trú trong tâm xả bỏ và không mong cầu. Được vậy, ngươi sẽ
giải thoát khỏi luân hồi, không phải nhập vào mẫu thai.
“Nếu ngươi vẫn không nhận ra được, hãy cố hình dung các bậc Bồ Tát hay
đạo sư đang hiện ra trên cao và xin quy y với các vị đó. Đây là lúc hết
sức quan trọng, đừng để bị lung lạc.”
Khi chủ lễ đọc như thế, nếu nhận hiểu, thần thức sẽ được giải thoát,
không sa vào cõi luân hồi. Nếu như ác nghiệp quá nặng nề vẫn làm cho
thần thức không nhận hiểu, chủ lễ tiếp tục khai thị như sau:
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Trong luận
nói: đầy đủ các căn, nghĩa là trong giai đoạn chuyển tiếp này ngươi có
đầy đủ mọi giác quan. Dù lúc còn sống có bị mù hoặc điếc, hay tê bại,
thì giờ đây mắt vẫn thấy sắc, tai vẫn nghe tiếng, mọi giác quan đều hoàn
hảo. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ngươi đã chết và đang mang
thân trung ấm. Hãy nhớ tới những lời khai thị.
Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Trong luận
nói: không ngăn ngại, là vì giờ đây ngươi chỉ có tâm thức, đã lìa bỏ xác
thân. Không còn sắc thân nên có thể đi lại khắp nơi, ngay cả xuyên qua
núi Tu-di, chỉ không qua được mẫu thai người mẹ và Kim cương tòa.[25]
Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ngươi đã chết và đang mang thân
trung ấm, vì vậy hãy nhớ tới lời dạy của các bậc đạo sư và khấn nguyện
đức Bồ Tát Quán Thế Âm.
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Trong luận
nói: với nghiệp lực thần thông diệu dụng, nghĩa là hiện ngươi đang có
những thần thông kỳ diệu, loại thần thông không phải do thiền định hay
do trì giới mà đạt được. Đó là loại thần thông do nghiệp lực sanh ra.
Ngươi có thể trong nháy mắt đi xuyên qua bốn châu và núi Tu-di, có thể
phân thân một lúc có mặt khắp nơi, chỉ cần ngươi khởi ý muốn làm những
điều đó trong một thời gian như người ta co duỗi cánh tay. Nhưng những
thần thông này vô ích, đừng quan tâm đến chúng. Bây giờ ngươi làm gì
cũng được, nhưng điều quan trọng nhất là hãy quán tưởng về bậc đạo sư.
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Trong luận
nói: nhìn bằng đôi mắt của bậc thánh, nghĩa là ngươi có khả năng nhìn
thấy rõ tất cả những chúng sanh cùng nghiệp lực như mình, chẳng hạn như
những người cùng sanh về cõi trời đều sẽ nhìn thấy được nhau. Nhưng đừng
tha thiết quan tâm đến những người ấy, ngươi hãy nhất tâm niệm tưởng Bồ
Tát Quán Thế Âm.
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Với tâm
thức này, ngươi sẽ nhìn thấy nhà cửa, gia đình, quyến thuộc... như cảnh
trong giấc mộng. Ngươi lên tiếng hỏi nhưng không được ai trả lời. Ngươi
nhìn thấy người thân khóc lóc và ngươi tự hỏi: Ta đã chết, biết làm sao
bây giờ? Và ngươi cảm thấy đau khổ vô hạn, như nỗi đau khổ của một con
cá đang giãy dụa trên cát nóng. Nhưng đau khổ không giúp được gì cho
ngươi! Ngươi hãy quán tưởng tới các bậc đạo sư, chư vị Bồ Tát, đức Quán
Thế Âm. Dù ngươi có bám níu trông cậy vào bất cứ người thân yêu nào,
cũng không có ai giúp được ngươi. Đừng bám níu trông cậy vào ai hết. Hãy
niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm, ngươi sẽ hết đau khổ và hết sợ hãi.
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), do nghiệp lực xoay chuyển,
tâm thức ngươi sẽ bị cuốn hút, đẩy đưa như một sợi lông tơ trong gió.
Ngươi sẽ nói với những người thân đang than khóc: ‘Ta đây, đừng khóc
nữa.’ Nhưng không có ai nghe hiểu được ngươi, rồi ngươi sẽ nghĩ: ‘Ta đã
chết.’ Rồi ngươi đau khổ vô hạn. Đối với ngươi, cõi trung ấm lúc nào
cũng mờ mờ với ánh sáng xám nhạt như một ngày mùa thu, không phân biệt
ngày đêm. Giai đoạn mang thân trung ấm này kéo dài một, hai, cho đến sáu
hay bảy tuần, thậm chí có thể kéo dài đến bốn mươi chín tuần. Điều đó
tùy theo nơi nghiệp lực quyết định.
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), nghiệp lực giờ đây bùng
lên theo đuổi ngươi thật dữ dội, ác liệt, đáng sợ. Nhưng đừng sợ hãi, đó
chỉ là biến hiện tâm thức vô minh của chính ngươi. Ngươi bị lạc vào bóng
tối dày đặc, có những tiếng la lét như ‘đánh nó, giết nó...’ Đừng sợ
hãi. Những kẻ tạo ác nghiệp sẽ thấy ma quỷ hiện ra với giáo mác, la hét
bảo ‘giết đi, đánh đi...’ Ngươi sẽ có cảm giác như muôn nghìn thú dữ
đang rượt bắt ngươi, hoặc bị một đội quân lùng kiếm trong tuyết giá, bão
táp và tối tăm. Ngươi sẽ nghe thấy tiếng ồn ào như núi lở, như lũ lụt...
khắp nơi lửa cháy, đầy bão táp. Trong lúc sợ hãi, ngươi sẽ thấy hiện ra
ba hố sâu: màu trắng, màu đỏ và màu đen. Chúng sâu thẳm kinh khiếp và có
vẻ như ngươi sẽ rơi vào trong đó.
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), thật ra ba hố sâu đó chính
là sân hận, ái dục và vô minh. Hãy nhận ra ngươi đang ở giai đoạn mang
thân trung ấm và khấn nguyện: ‘Kính lạy đức Bồ Tát Quán Thế Âm, kính lạy
ngôi Tam bảo, xin cứu giúp đừng để con rơi vào hố sâu.’ Hãy thành tâm
cầu nguyện như thế.
“Những thần thức nào tạo nhiều thiện nghiệp, trì giới và tu học chính
pháp, sẽ được thiện tri thức tiếp đón và được hưởng mọi sự hỷ lạc, an
lành. Những thần thức nào không tạo thiện nghiệp hay ác nghiệp, thì
không bị đau khổ cũng không có hỷ lạc, chỉ có vô minh xuất hiện.
“Nhưng này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), dù có được hỉ lạc
hay bất cứ điều gì quí báu, ngươi cũng đừng quan tâm đến, đừng để bị thu
hút. Chỉ một lòng quán tưởng các bậc đạo sư và ngôi Tam bảo. Đừng để sự
ràng buộc và thèm khát xâm chiếm trong ngươi.
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), lúc này ngươi sẽ nhìn thấy
những cầu cống, nhà cửa, chùa chiền... mà ngươi có thể đến ẩn náu, nhưng
sẽ không ở được lâu. Vì tâm thức đã từ bỏ xác thân, ngươi sẽ không ở yên
được nơi đâu cả. Ngươi cảm thấy thật lạnh lẽo. Tâm thức ngươi như một
sợi dây mong manh, bất định. Rồi ngươi lại thấy đau khổ vô vàn, và thấy
trống rỗng, lạnh lẽo. Vì cứ mãi lang thang lưu lạc, ngươi sẽ nghĩ ngợi
đủ mọi việc. Hãy tránh điều đó, hãy giữ cho tâm thức định tĩnh trong một
trạng thái vững chắc.
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), ngươi không có thức ăn nào
khác ngoài thức ăn do người sống hiến cúng cho ngươi. Ngươi không biết
được mình có bạn hữu hay không. Đó là dấu hiệu chắc chắn đang mang thân
trung ấm, vì vui buồn đều do nghiệp lực quyết định. Ngươi nhìn thấy nhà
cửa, người thân và xác chết của chính mình, ngươi lại đau khổ: ‘Ta đã
chết rồi! Làm sao bây giờ?’
“Tâm thức ngươi đau khổ và bỗng khởi lên ý nghĩ: ‘Tại sao ta không đi
tìm một thân xác mới?’ Và ngươi chạy khắp nơi để tìm một thân xác. Nhưng
dù ngươi có chui chín lần vào lại trong thân xác cũ, thì nó cũng đã hoại
rửa đi vì thời gian, hoặc đã bị người thân đem đi thiêu đốt, chôn cất...
Thân trung ấm của ngươi đã kéo dài khá lâu, không thể nào ngươi chui vào
thân xác cũ được nữa. Ngươi tuyệt vọng và có cảm giác như bị ép giữa đá
tảng. Nỗi đau khổ tột cùng là khi thân trung ấm đi tìm một thân xác.
Không có gì khác hơn ngoài sự đau khổ. Vì vậy, đừng đi tìm một thân xác
mới. Hãy kiên trì giữ tâm buông xả không mong cầu.”
Được khai thị như trên, rất nhiều thần thức sẽ nhận hiểu và đạt được
giải thoát. Nếu không, chủ lễ tiếp tục gọi tên người chết và khai thị
như sau:
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Chính
nghiệp lực ngươi đang làm cho ngươi đau khổ, đừng trách móc ai. Hãy quán
tưởng về ngôi Tam bảo, Phật pháp sẽ bảo hộ cho ngươi. Nếu không, ngươi
sẽ nhớ lại những gì tốt xấu đã làm, rõ ràng như những viên sỏi trắng và
đen. Ngươi sẽ sợ sệt trước những nghiệp xấu ác, rồi ngươi run rẩy, rồi
dối trá: ‘Không, tôi không phạm tội.’ Khi đó, ngươi sẽ thấy thần chết
xuất hiện và nói: ‘Ta sẽ xem tấm gương nghiệp báo của ngươi. Và qua đó,
tất cả tội lỗi của ngươi sẽ hiện ra, không thể não chối cãi.’ Rồi thần
chết sẽ cột cổ ngươi, xé xác ngươi, ăn thịt ngươi... Nhưng ngươi không
thể chết, dù thân xác ngươi bị xé ra làm trăm ngàn mảnh...
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), đừng dối trá và cũng đừng
sợ hãi. Ngươi không thể chết được nữa, vì bây giờ ngươi chỉ là tâm thức.
Thật ra ngươi đang là biến hiện tự nhiên của cái không, vì vậy đừng sợ
sệt. Thần chết cũng là một biến hiện của cái không, của tâm thức ngươi
đang bị vô minh xâm chiếm. Cái ‘không’ không thể đàn áp cái ‘không’, cái
‘phi tính chất’ không thể làm thương tổn cái ‘phi tính chất’. Thần chết,
thiện thần, ma quỷ... đều không có thực chất, chúng chỉ là biến hiện từ
tâm thức vô minh của ngươi. Hãy nhận ra chúng. Hãy nhận ra ngươi đang
mang thân trung ấm!
“Hãy quán tưởng đại định. Nếu ngươi không biết cách thiền định, hãy suy
xét về thực chất những loại quỷ thần đang làm ngươi lo sợ, và ngươi sẽ
thấy tánh không của họ: không có tính chất, vô ngã. Điều đó được gọi là
‘tánh không Bát-nhã’, nhưng tánh không này không có nghĩa là hoàn toàn
phủ định, cái dụng của nó đáng sợ, nhưng cái thể của nó chính là tâm
thức vắng lặng. Sắc và không không phải xa rời nhau, tánh của không là
sắc, tánh của sắc là không. Bây giờ, thể của sắc và không đang hiện tiền
là tâm thức trong trạng thái không cấu nhiễm. Năng lực của thể sắc và
không này tràn đầy khắp nơi: đó là thể tánh từ bi của sắc thân chư Phật.
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy nhìn xem! Nếu ngươi
thấy hiểu ra điều đó, ngươi đạt được giác ngộ và giải thoát. Đừng bị
lung lạc. Đây là chỗ cách ly giữa vô minh và giác ngộ, giữa chư Phật và
chúng sanh. Hãy nghe bài kệ này:
“Chỉ trong một niệm, đã bị cách ly.
Chỉ trong một niệm, đã thành giác ngộ.
“Đến ngày hôm qua, ngươi vẫn còn bị lung lạc, dù rất nhiều cảnh trong
thân trung ấm đã xuất hiện, nhưng ngươi vẫn còn sợ hãi. Nếu ngươi còn
tiếp tục chìm trong vô minh, sợi dây từ bi sẽ bị cắt đứt, ngươi sẽ không
được giải thoát. Hãy chú ý!”
Khi được khai thị như thế, nhiều thần thức sẽ nhận hiểu ra và đạt được
giác ngộ, giải thoát. Nếu người chết là người trước đây chưa hề biết
cách thiền định, chủ lễ khai thị như sau:
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), vì ngươi không biết cách
thiền định, hãy quán tưởng đức Quán Thế Âm và cầu nguyện với ngài. Hãy
quán tưởng rằng tất cả những hình ảnh đáng sợ kia chính là đức Quán Thế
Âm, hoặc chính là chư Phật, Bồ Tát mà ngươi đã quy y. Hãy nhớ tới lời
dạy của bậc đạo sư, hoặc nhớ tới bất cứ danh hiệu Phật, Bồ Tát nào mà
ngươi đã từng nghe trước đây, và hãy niệm danh hiệu đó trước thần chết.
Đừng sợ hãi, bởi cho dù ngươi có rơi vào hố sâu, ngươi cũng không thể
chết!”
Được khai thị như thế, nhiều thần thức sẽ nhận hiểu ra và đạt được giác
ngộ, giải thoát. Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp thần thức không nhận
hiểu được, chủ lễ cần kiên trì tiếp tục gọi tên người chết và khai thị
như sau:
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), những cảnh tượng sắp hiện
ra sẽ làm cho ngươi hạnh phúc hay đau khổ, điều đó thay đổi rất nhanh
chóng. Trong mọi trường hợp, đừng sanh tâm thèm khát hay sân hận.
“Nếu ngươi sẽ thác sanh trong cõi an lạc, lúc này là lúc tâm tưởng an
lạc hiện ra. Nhưng cũng lúc này, có thể bà con quyến thuộc của ngươi
đang giết trâu, bò, súc vật... để cúng tế ngươi. Điều đó có thể làm cho
ngươi sanh tâm tức giận, phẫn nộ. Chính tâm sân hận đó sẽ khiến ngươi
phải thác sanh vào cõi địa ngục. Vì vậy cố gắng đừng để tâm sân hận phát
khởi, cho dù ngươi có nhìn thấy bất cứ điều gì không hài lòng xảy ra
trong lúc cúng tế. Chỉ nên quán tưởng tới tâm hỉ lạc.
“Nếu ngươi có tâm chấp thủ, tham tiếc, bây giờ ngươi sẽ thấy người khác
làm chủ của cải của ngươi và y đang vui mừng. Điều đó có thể làm ngươi
nổi tâm sân hận. Tâm sân hận này sẽ khiến ngươi phải sanh vào địa ngục
hay làm ngạ quỷ, cho dù lẽ ra ngươi đã được thác sanh trong một cõi tốt
đẹp hơn. Hãy nhớ rằng, dù cho ngươi thèm khát của cải, bây giờ ngươi
cũng không thể làm chủ nó được nữa. Vì vậy, hãy xả bỏ tâm chấp thủ, tâm
thèm khát sở hữu. Hãy quyết tâm như thế. Dù ai chiếm hữu tài sản của
ngươi, cũng đừng ganh tị, hãy buông xả, xem như biếu tặng cho họ. Hãy
quán tưởng đến bậc đạo sư và ngôi Tam bảo, giữ tâm ý trong trạng thái
không tham tiếc.
“Khi người sống lễ cúng ngươi, nhờ vào thần thông đang có ngươi có thể
sẽ nhận thấy người ta đang hành lễ một cách cẩu thả, nhơ nhớp, không
đúng phép tắc... Hoặc ngươi thấy rõ người cúng thiếu lòng tin, thiếu
hiểu biết... Ngươi có thể khởi niệm rằng: ‘Đau đớn thay, họ đang lừa dối
ta, họ lừa dối ta thật sự!’ Ý nghĩ này sẽ làm ngươi đau buồn và thất
vọng, thậm chí cũng có thể mất đi niềm tin nơi chánh pháp. Tâm niệm này
sẽ dẫn dắt ngươi thác sanh trong các cõi thấp kém. Vì thế, cho dù người
ta lễ cúng như thế nào, ngươi cũng hãy cố giữ tâm trong sạch và tự nhủ:
‘Tâm con có thể bị nhiễm ô chứ pháp Phật không thể nhiễm ô, con xin quy
y Tam bảo.’ Hãy nhớ luôn giữ tâm thanh tịnh, cho dù thấy biết bất cứ
chuyện gì xảy ra.
“Nếu ngươi phải thác sanh vào ba cõi thấp kém,[26]
thì đây là lúc những dấu hiệu của các cõi đó hiện ra. Cũng có thể đây là
lúc mà người sống sẽ lễ cúng ngươi một cách thanh tịnh, đạo sư hay chủ
lễ sẽ giảng giải Phật pháp, giảng về nghiệp do thân khẩu ý gây ra. Nhờ
vậy ngươi sanh tâm hoan hỉ, và tâm hoan hỉ đó sẽ đưa ngươi thác sanh vào
một cõi tốt đẹp hơn. Cho dù cho ngươi có phải đọa vào ba đường ác,[27]
thì sự lễ cúng như trên cũng rất quí báu cho ngươi. Quan trọng nhất là
phải giữ tâm thanh tịnh, thành kính, không nghi ngờ. Hãy chú ý như thế!
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy đúc kết lại: Trong
thân trung ấm, tâm thức ngươi không có chỗ nương tựa cũng như ràng buộc,
nên nhẹ nhàng linh hoạt, và mỗi niệm khởi lên dù tốt hay xấu đều có sức
mạnh rất lớn lao, mãnh liệt. Cố gắng đừng khởi lên những tâm niệm xấu
ác. Cố gắng duy trì, giữ lấy thiện tâm. Nếu chưa từng tu tập hành trì,
hãy thành kính và giữ tâm thanh tịnh khấn nguyện cùng chư Phật, Bồ Tát
và đức Quán Thế Âm. Hãy cùng ta đọc bài kệ này:
“Xa bạn bè thân yêu,
Con đang du hành đơn độc.
Tâm thức con biến hiện,
Thành những hình ảnh trống rỗng.
Cầu mong chư Phật đại bi,
Giúp con dứt hết mọi nỗi sợ hãi.
Phải chăng con khổ đau vì ác nghiệp?
Cầu mong chư Phật và Bồ Tát,
Giúp con xóa sạch khổ đau.
Pháp âm rền vang như sấm dậy.
Cầu mong sẽ biến thành sáu âm huyền diệu.
Nếu bị nghiệp lực lôi kéo,
Biết đâu là nơi an trú?
Cầu mong chư Phật đại bi
Giúp con an trú.
Nếu bị nghiệp lực lôi kéo,
Biết bao điều khổ đau!
Cầu mong con đạt được,
Đại định trong hỷ lạc và chánh kiến .
“Thành kính đọc bài kệ này, ngươi sẽ được tiếp dẫn trong chánh đạo. Đừng
nghi ngờ, hãy tin tưởng. Điều này rất quan trọng!”
Được khai thị như thế, thần thức sẽ nhận hiểu ra và đạt được giác ngộ,
giải thoát. Tuy thế, cũng có những thần thức quá nhiều ác nghiệp, vẫn
chưa thể nhận hiểu được, chủ lễ cần kiên trì khai thị nhiều lần nữa. Chủ
lễ tiếp tục gọi tên người chết và khai thị như sau:
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), ngươi vẫn chưa hiểu được
những gì đã và đang xảy ra. Từ bây giờ, cảm giác về thân thể của đời
sống trước đang phai nhạt dần, và xác thân của đời sống tiếp sau bắt đầu
rõ rệt. Ngươi sẽ tự nhủ: ‘Vì ta đau khổ, thèm khát một xác thân, nên giờ
đây xác thân đang xuất hiện.’
“Những gì đang xuất hiện làm ngươi hồi hộp, lo lắng. Sáu ánh sáng của
sáu nẻo lục đạo bắt đầu xuất hiện, và nếu ngươi thác sanh cõi nào thì
ánh sáng của cõi đó sẽ chiếu sáng nhất.
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Ngươi muốn
hiểu về các loại ánh sáng đó chăng? Cõi trời có ánh sáng màu trắng, cõi
a-tu-la có ánh sáng màu đỏ, cõi người có ánh sáng màu xanh, cõi súc sanh
có ánh sáng màu xanh lục, cõi ngạ quỷ có ánh sáng màu vàng, cõi địa ngục
có ánh sáng màu khói xám. Đó là sáu loại ánh sáng. Trong lúc này, thân
ngươi sẽ tự nhiên có màu ánh sáng của cõi mà ngươi sắp thác sanh.
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy nhớ kỹ rằng lúc này
chỉ có một điều quan trọng: dù cho ánh sáng gì chiếu rọi, hãy quán tưởng
ánh sáng đó là đức Quán Thế Âm. Hãy quán tưởng đức Quán Thế Âm! Quán
tưởng như thế hết sức quan trọng, vì có thể giúp ngươi không phải tái
sanh.
“Hãy quán tưởng về vị Phật hoặc Bồ Tát mà ngươi đã từng quy y, hãy quán
tưởng về một hình ảnh vô ngã. Sau một lúc quán tưởng, ngươi hãy cố duy
trì tâm vô niệm. Sau đó lại quán tưởng Phật, Bồ Tát. Cứ quán tưởng thay
đổi như thế, và giữ tâm thức hòa nhập với không gian, hòa nhập với pháp
thân vốn giản đơn và vô ngã.”
Được khai thị như thế, thần thức sẽ không tái sanh và giác ngộ, được
giải thoát. Tuy thế, vẫn có nhiều khi vì nghiệp lực và vô minh che lấp
nên thần thức không nhận hiểu được, sẽ tìm đường nhập mẫu thai. Chủ lễ
cần khai thị để thần thức tránh nhập vào mẫu thai, bằng cách gọi tên
người chết và nói như sau:
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), ngươi vẫn chưa hiểu được
điều gì đang xảy ra. Đây là lúc ngươi sẽ có cảm giác nghiệp lực đang tác
dụng. Bây giờ cần quán tưởng đến đức Quán Thế Âm, hãy nhớ kỹ!
“Rồi ngươi sẽ có cảm giác như bão tố, mưa tuyết, tối tăm và bị rượt bắt.
Nếu ngươi không có nghiệp lành, ngươi sẽ có cảm giác lạc vào một nơi khổ
đau. Ngược lại, ngươi sẽ đạt tới một cảnh giới an lành.
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), đây là lúc mà cảnh giới
nơi ngươi sẽ đầu thai đến hiện ra rõ ràng. Hãy nghe đây, những lời khai
thị quan trọng! Mặc dù trước đây ngươi chưa hiểu, nhưng có thể bây giờ
ngươi sẽ hiểu.
“Ngươi cần đạt một trong hai cách tránh nhập mẫu thai: Một là tự giữ
thân lại, hai là khép kín cửa tái sanh.
“Thế nào là tự giữ thân lại?
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), ngươi hãy quán tưởng Phật
hay Bồ Tát, rõ ràng như ánh trăng hiện trong nước. Thông thường ngươi có
thể quán tưởng đức Quán Thế Âm, hình dung ngài hiện ra sống động trước
mắt ngươi. Sau một lúc quán tưởng, ngươi hãy cố giữ tâm vô niệm, không
để bất cứ ý niệm nào khởi lên. Đó là cách bí truyền giúp ngươi không
phải nhập vào mẫu thai.
“Nếu ngươi không quán tưởng được như thế, ngươi sắp sửa phải nhập vào
mẫu thai. Đây là lời khai thị giúp ngươi khép kín cửa tái sanh. Hãy cùng
ta đọc bài kệ này:
Ta đang sắp sửa tái sanh.
Hãy tập trung tâm thức.
Hãy kéo dài thiện ngiệp sẵn có.
Hãy khép kín cửa tái sanh!
Hãy từ chối nó!
Đây là lúc kiên trì và chánh niệm.
Từ bỏ ái dục, quán tưởng đấng đạo sư.
“Hãy đọc nhiều lần bài kệ này và suy xét về ý nghĩa, rồi thực hiện theo
ý nghĩa đó.
“Ý nghĩa của bài kệ này như sau:
“Ta đang sắp sửa tái sanh, nghĩa là ngươi đang mang thân trung ấm. Một
dấu hiệu rõ ràng là, ngươi không có hình bóng. Nếu soi vào mặt nước sẽ
không thấy bóng. Thân ngươi không có bóng. Ngươi không còn thân bằng
xương thịt, ngươi chỉ có thân bằng tâm tưởng đang lưu lạc. Lúc này, tập
trung tâm thức được là điều tối quan trọng. Như người đang cầm cương
ngựa, cũng như thế, ngươi đang lèo lái tâm thức ngươi. Bất cứ ý niệm nào
được khởi lên trong tâm ngươi, sẽ tức khắc trở thành hiện thực. Vì vậy,
đừng nghĩ tới điều xấu ác. Hãy nhớ đến chánh pháp, đến những gì đã từng
tu học, đến kinh vãng sanh mà ngươi đã từng nghe trong đời sống trước,
và cố kéo dài tác động của thiện nghiệp. Chỗ này rất quan trọng, là chỗ
cách ly giữa thăng và trầm. Đây là lúc mà chỉ một chút sơ sẩy có thể đưa
lại vô vàn khổ đau mãi mãi, nhưng đây cũng là lúc chánh tinh tấn có thể
mang lại an lạc lâu dài.
“Hãy khép kín cửa tái sanh! Hãy từ chối nó! Đây là lúc kiên trì và chánh
niệm. Những điều đó có ý nghĩa gì?
“Đã đến lúc cần khép kín cửa tái sanh. Có năm phương pháp, hãy lắng
nghe:
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), trong thời điểm này, ngươi
sẽ thấy hình ảnh nam nữ giao hợp với nhau. Nếu thấy vậy, ngươi đừng xen
vào đó. Hãy quán tưởng tới Phật, Bồ Tát cầu xin tiếp độ. Nếu được như
thế, ngươi sẽ không phải nhập vào mẫu thai.
“Nếu ngươi vẫn bị lôi kéo, hãy quán tưởng tới Phật, Bồ Tát, khấn nguyện
được trở thành thiện tri thức. Nếu được như thế, ngươi sẽ không phải
nhập vào mẫu thai.
“Tiếp nữa, nếu ngươi vẫn bị lôi kéo, ta khai thị cho ngươi lần thứ ba để
tránh ái dục và sân hận. Có bốn cách sanh ra: có loài sanh trứng, có
loài sanh con, có loài sanh từ nơi ẩm thấp và có loài do biến hóa sanh
ra.[28]
Sanh trứng và sanh con khá tương tự với nhau. Như đã nói, ngươi sẽ thấy
biến hiện ra cảnh nam nữ giao hợp. Lúc này, tùy theo nghiệp lực của ái
dục hay sân hận, ngươi sẽ phải nhập vào mẫu thai và sanh thành loài
ngựa, loài chim, loài chó, loài người hay các loài khác. Nếu ngươi sẽ
trở thành nam giới, ngươi sẽ tự thấy có cảm giác ganh tị với người cha
và yêu mến người mẹ, và ngược lại.[29] Ái dục này
dẫn dắt ngươi đến nhập vào mẫu thai, trong đó tinh cha huyết mẹ tạo
thành thân thể mới của ngươi. Ngươi cảm thấy vô cùng mãn nguyện. Trong
giai đoạn sung sướng này, ngươi sẽ quên mất tâm thức mình vốn có. Thai
nhi ban đầu hình tròn, rồi dài dần, lớn dần cho tới lúc thân thể mới
phát triển đầy đủ và chào đời. Ngươi sẽ mở mắt ra và chợt thấy mình đã
thành một con chó con. Mặc dù trước đó ngươi là một con người, nay đã là
loài chó và đau khổ theo kiếp chó; hoặc kiếp heo, hoặc loài ong, kiến,
hoặc côn trùng, hoặc thành bò con, lừa con, hoặc cừu con... hoặc tương
tự. Từ đây không còn có thể trở lui, trong vô minh và câm nín, ngươi
chịu nhiều khổ đau. Trầm luân mãi trong sáu cõi luân hồi, trong cõi địa
ngục, trong cõi ngạ quỷ, ngươi sẽ đau khổ vô hạn. Không có gì mãnh liệt
hơn và đáng sợ hơn điều này. Thật đáng thương cho ngươi. Những người
không tu học dưới sự hướng dẫn của một minh sư sẽ rơi vào hố sâu của
luân hồi và chịu vô vàn khổ đau. Vì vậy hãy nghe và hiểu những lời khai
thị của ta.
“Đây là những lời khai thị tránh nhập mẫu thai bằng cách từ bỏ ái dục và
sân hận, hãy nghe và hiểu thấu:
“Hãy khép kín cửa tái sanh!
Hãy từ chối nó!
Đây là lúc kiên trì và chánh niệm,
Từ bỏ lòng ái dục, quán tưởng đấng đạo sư.
“Như đã nói ở trên, ngươi sẽ có cảm giác ganh tị trong thời điểm này.
Nếu ngươi sanh thành nam giới, ngươi sẽ yêu mẹ ghét cha; nếu ngươi sanh
thành phái nữ, ngươi sẽ yêu cha ghét mẹ.
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), nếu ái dục và sân hận nổi
lên, hãy quán tưởng như sau: Đau khổ thay, ta bị ác nghiệp dẫn dắt, bị
ái dục và sân hận lôi kéo mãi trong cõi Ta-bà. Nếu cứ bị hai thứ này lôi
kéo, ta sẽ mãi mãi lưu lạc nơi đây, trầm luân trong bể khổ. Ta muốn
không còn ái dục và sân hận. Từ nay về sau, nhất định không còn ái dục
và sân hận.
“Với tâm thức tập trung vào ý niệm đó, ngươi sẽ không phải nhập vào mẫu
thai. Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), đừng bị lung lạc, hãy
tập trung tâm thức vào điều đó.
“Tuy thế, nếu ngươi vẫn thấy mẫu thai lôi kéo ngươi, hãy quán tưởng về
tính vô ngã, vô thường của sự vật. Hãy quán tưởng như sau:
“Hãy xem người nam cũng như người nữ, bão tố cũng như sấm động, tất cả
mọi cảnh tượng vốn không có thực thể. Dù xuất hiện thế nào, tất cả đều
là một sự giả hợp. Tất cả sắc thể đều giả hợp. Như một bóng ma, chúng
không thường còn, chúng chịu dưới quy luật vô thường. Thèm khát để làm
gì? Sợ hãi vì lý do gì? Đó chỉ là nhận cái không thật làm cái có thật.
Tất cả chỉ là biến hiện của tâm thức ta, mà chính tâm thức ta cũng vô
ngã và giả hợp, thì chúng có nghĩa gì đâu? Cho tới nay ta vẫn không hiểu
điều đó, lấy cái không thể làm cái có thể; lấy cái mê vọng làm cái chân
thật; lấy cái ảo tưởng làm cái thực thể; vì vậy mà phải trầm luân trong
cõi Ta-bà. Và nếu ta không nhận ra những cái đó chỉ là ảo giác, ta sẽ
tiếp tục lưu trú trong cõi luân hồi, sẽ rơi vào vũng bùn lầy của khổ
đau. Chúng chỉ là giấc mộng, là ảo giác, là tiếng vọng, như hoa giữa hư
không, như bóng trăng trong nước. Chắc chắn chúng không có thực thể, chỉ
là ảo ảnh.
“Hãy tập trung vào lời khai thị này. Niềm tin của ngươi vào sự chắc thật
của chúng sẽ bị phá vỡ, và như thế ngươi sẽ tin nơi khả năng giác ngộ
của ngươi nhiều hơn. Hiểu rõ tính giả hợp của sự vật, ngươi sẽ tránh
khỏi sự tái sanh.
“Tuy nhiên, nếu người không đạt được sự thấu hiểu, và mẫu thai vẫn thu
hút ngươi, còn có một cách quán tưởng thứ năm để giúp ngươi không bị
nhập vào mẫu thai. Đó là hãy quán tưởng về chân tâm: Tất cả sự vật đều
xuất phát từ tâm thức ta. Tâm thức ta vốn là không. Không sanh diệt,
không ngăn ngại. Hãy giữ tâm thức ngươi trong một trạng thái tự nhiên,
không tạp niệm; trong một trạng thái hồn nhiên, như lấy nước đổ vào
trong nước, tự nhiên thoải mái. Trong tâm thức hồn nhiên này, ngươi biết
chắc mình sẽ không tái sanh trong bốn cách sanh.
Với những phương thức khai thị như đã trình bày từ trước đến đây, thần
thức sẽ được giải thoát, cho dù là thuộc hạng thượng căn, trung căn hay
hạ căn. Tại sao vậy? Thứ nhất, vì thần thức trong giai đoạn này có được
thần thông, nghe hiểu được những điều giảng nói. Thứ hai, dù khi làm
người có bị câm điếc, thì giờ đây vẫn có đủ các căn, nghe hiểu được tất
cả. Thứ ba, bị sợ hãi đã nhiều, thần thức chắc chắn sẽ tự hỏi: “Biết làm
gì bây giờ?” Và sẽ lắng nghe những gì được giảng nói. Thứ tư, thần thức
không còn bị xác thân trói buộc, hết sức linh hoạt, hướng tâm tới đâu,
tâm tới đó ngay. Tâm thức bây giờ sáng suốt gấp chín lần thông thường,
nên dù trước đây ngu si tới đâu thần thức cũng có thể nghe và quán tưởng
được những điều căn bản trên đây. Vì vậy, thực hiện nghi thức khai thị
cho người chết theo cách này là hết sức quí báu.
Chủ lễ cần đọc luận này thật nhiều lần. Dù cho hôm nay chưa giác ngộ,
ngày mai thần thức có thể sẽ giác ngộ. Đó là lý do vì sao những lời khai
thị cần phải lặp lại thật nhiều lần.