3. Lục đạo
a. Địa ngục (Naraka)
Đây là cảnh giới mà mức độ chấp hữu lớn nhất. Nghiệp lực dồn thần thức
tới mức độ bị nghiệp lực sai khiến hoàn toàn. Từ trong cảm giác không
của chân tâm bất hoại, thần thức khởi lên ý niệm căm ghét. Sự căm ghét
làm thần thức muốn gây khổ cho ai đó, nhưng không có ai là đối tượng,
nên thần thức quay lại làm khổ chính mình. Vừa khởi tâm muốn đánh đập ai
đó thì hành động đánh đập đã quay lại hành hạ chính thân mình. Đó là cơ
sở của địa ngục.
Trong tác phẩm “Niềm vui giải thoát”, Gampopa đã mô tả một cách sinh
động cõi địa ngục và nỗi đau khổ, mà thật sự là đang diễn ra trong tâm ý
chúng ta. Thật sự thì không có ai đứng ra trừng phạt ta trong cõi địa
ngục cả, chính cái năng lực căm thù hiện ra thành một thế giới đầy lửa,
ta thường hay gọi là hoả ngục.
Còn một dạng khác của cảnh giới địa ngục hoàn toàn ngược lại. Khắp nơi
ngự trị một thế giới băng giá lạnh lùng. Đó cũng là một dạng của sự căm
ghét, làm ta không muốn liên hệ với bất cứ ai. Sự căm ghét này phần lớn
xuất phát từ sự kiêu ngạo, ngã mạn, làm hiện ra một thế giới lạnh lẽo
chung quanh, trong đó thần thức tự cho rằng chỉ có mình là nắm được lẽ
phải.
b. Ngạ quỷ (Preta)
Cảnh giới thứ hai của lục đạo là ngạ quỷ hay quỷ đói. Từ trong chân tâm
thanh tịnh, thần thức không khởi lên sự căm thù như trong cảnh giới địa
ngục, mà khởi lên sự thèm khát và ganh tị. Điều đáng nói là thần thức
vừa có cảm giác đầy đủ sung mãn, không thiếu thứ gì, lại vừa thấy vô
cùng thiếu thốn, luôn thèm khát muốn được nhiều hơn nữa.
Trong cảnh giới này, sự thỏa mãn của thần thức không phải là cái có
được, mà chính là sự săn đuổi. Có thể so sánh với những người đi câu cá
không phải để ăn con cá, mà để tìm cái khoái cảm lúc bắt được con cá.
Hãy tưởng tượng có người đã quá no nê không thể ăn được gì thêm, nhưng
vẫn thèm ăn vì cái khoái cảm khi được ăn. Người ấy nảy sanh sự thèm khát
và ganh tị với những ai thực sự đói và có thể ăn được.
Biểu tượng của loài quỷ đói (ngạ quỷ) là một người có cái bụng to như
cái trống, nhưng cổ họng chỉ như cái ống nhỏ xíu. Tùy theo nghiệp lực,
quỷ đói cảm nhận khác nhau về các loại thức ăn.[37]
Có loài vừa cầm thức ăn trên tay, thức ăn đã biến mất hay không ăn được.
Có loài đưa vào miệng nhưng không nuốt được. Có khi thức ăn biến thành
lửa, không tiêu hóa được. Thật ra, trong đời sống thông thường, chúng ta
vẫn thường xuyên chứng kiến những trạng thái tương tự như thế.
c. Súc sanh (Pasu)
Đặc điểm của cảnh giới súc sanh là sự thiếu vắng của cảm giác hỷ lạc,
tâm thức hài hước. Biểu tượng của cõi này là thế giới thú vật. Chúng có
cảm giác hạnh phúc hay đau khổ, nhưng không hề biết cười.
Trong đời sống thông thường, ta sẽ đi vào cõi này một khi chỉ nhắm mắt
đi theo một quan điểm cực đoan nào đó, hoặc một khuôn khổ lý thuyết nhất
định, rồi tuyệt đối tin tưởng vào đó, một cách cố chấp, không suy xét,
không thay đổi. Một con người như thế có thể rất siêng năng cần mẫn và
vui lòng với cuộc sống. Như một bác nông phu với cái cày và cách thức
canh tác của mình; như một thương gia, một người cha trong gia đình, chỉ
mong muốn không có gì bất ngờ xảy ra, tránh mọi bất trắc. Tất cả đều
theo những tiêu chuẩn, lề luật đã định sẵn, tất cả đều phải được tính
toán từ trước.
Trong cảnh giới súc sanh, mỗi một điều lạ, mỗi một bất ngờ là một thứ
tai họa và sẽ là nguyên nhân gây sợ hãi, hỗn loạn dữ dội. Đó cũng chính
là nét tiêu biểu của thế giới thú vật mà chúng ta đều biết.
d. Người (Nara)
Nếu cảnh giới súc sanh chỉ cần được sống sót và an lành thì cảnh giới
người khác hơn một bước. Đặc trưng của thế giới loài người là sự khao
khát tìm tòi, khám phá và thụ hưởng. Đây là thế giới của những nhà
nghiên cứu, tìm tòi, luôn muốn làm giàu thêm tri thức và kinh nghiệm.
Cõi người có một vài dấu vết của loài quỷ đói là luôn muốn có được nhiều
hơn; đồng thời cũng có yếu tố của súc sanh, cố gắng giữ cho mọi thứ được
ổn định. Nhưng cõi người có một đặc trưng mà hai cõi kia không có, đó là
sự khôn ngoan, thường xuyên suy xét và tìm tòi không ngưng nghỉ. Vì vậy
tâm thức loài người đã đạt đến những thành quả lớn lao, rồi trên những
thành quả đó nảy sanh thêm những thành quả khác, kể cả những âm mưu quỷ
quyệt, những khao khát vô cùng.
e. A-tu-la (Asura)
Cảnh giới a-tu-la có thể xem là cao hơn loài người một bậc. Đặc trưng
của cõi này là mối liên hệ với nhau rất cao, đặt trên một trình độ tri
thức phát triển. Vừa rời chân tâm trống rỗng vắng lặng đi vào cõi
a-tu-la, thần thức có cảm giác rơi vào một nơi hoang địa và khôn ngoan
quan sát rình rập mọi thứ. Trong thần thức nảy sanh một mối nghi ngờ với
tất cả và luôn tìm cách thắng cuộc.
Khác với các cảnh giới người và súc sanh, a-tu-la là cảnh giới của những
âm mưu quỷ quyệt, của những sự khôn ngoan gian hùng, những toan tính lớn
lao liên quan đến toàn xã hội.
f. Trời
Từ trong chân tâm thanh tịnh, thần thức bỗng khởi lên niềm hỷ lạc và
muốn lưu giữ niềm vui đó. Thay vì lưu trú trong thức vô ngã, thần thức
cảm giác về một tự ngã và muốn giữ gìn tự ngã đó trong một trạng thái
đại định. Đó là ý muốn duy trì đời sống trong trạng thái thiền định sâu
lắng, an lạc. Thần thức ngần ngại không muốn lưu trú trong cảnh giới vô
ngã, chỉ muốn an trú vào một nơi nào đó, muốn là một cái gì đó.
Sáu cảnh giới vừa nói trên là đối tượng của toàn thể cuộc sống trong cõi
luân hồi, đồng thời cũng là sáu cửa ngõ để trở về với chân tâm không
sanh không diệt. Sự hiểu biết về sáu cảnh giới này sẽ giúp ta hiểu được
những cảnh tượng mà thân trung ấm nhìn thấy. Sáu cõi này cũng chính là
sự thay đổi tâm lý của con người trong những tình huống khác nhau. Nếu
hiểu cái tôi là thể chất bằng xương bằng thịt, thì sáu cõi đó có tính
khách quan, còn nếu hiểu được cái tôi bao gồm cả tâm thức phân biệt, thì
sáu cõi đó không gì khác hơn chính là các cảnh giới được dẫn dắt đến bởi
nghiệp lực của mỗi người.