6. Bảy ngày sau khi chết
a. Ngày thứ nhất
Luận vãng sanh chỉ rõ, bốn ngày sau khi chết thì bắt đầu ngày thứ nhất
của thân trung ấm. Thần thức đột nhiên tỉnh giấc, lưu trú trong chân tâm
sáng suốt, hiểu được rằng mình đang ở trong giai đoạn thân trung ấm và
sắp lưu chuyển trở lại trong cõi Ta-bà. Cảm nhận trong giai đoạn này đều
là ánh sáng và hình ảnh, chưa thấy vật chất và sắc thể.
Ngũ uẩn của thần thức một khi bắt đầu hoạt động trở lại, thức uẩn liền
lập tức biến thành không gian, là yếu tố chứa đựng tứ đại.
Trong trạng thái lúc này, thần thức sẽ cảm nhận một không gian có sắc
xanh, và đó là cảnh giới của Phật Đại Nhật.[38]
Phật Đại Nhật được mô tả là đức Phật có hào quang sắc trắng. Ngài có bốn
mặt, cùng một lúc nhìn ra bốn hướng. Ngài cầm trên tay bánh xe có tám
nhánh, tượng trưng cho không gian và thời gian. Biểu tượng của Phật Đại
Nhật là tính chất mênh mông linh hoạt của thức, tượng trưng cho thức
uẩn.
Cảnh giới này cũng chứa đựng những yếu tố của cõi trời, thuộc về lục
đạo. Không gian có hào quang xanh biếc, không biên giới, không cùng tận.
Trong không gian đó, cõi trời của lục đạo tỏa một sắc trắng nhạt như một
luồng sáng nhỏ trong đêm. Thần thức thường có khuynh hướng đi về ánh
sáng trắng đó, ánh sáng của cõi trời. Cõi trời là một dạng của cõi Ta-bà
được nhìn thấy lúc này.
Cảnh tượng này cũng có thể xảy ra trong đời sống hằng ngày. Mỗi một khi
ta có niềm hoan hỷ sâu lắng của thiên giới, lúc đó ta cũng có thể cảm
thấy dấu vết của cõi Phật Đại Nhật. Thông thường, cảm nhận được cõi Phật
Đại Nhật là tiếp cận cái vô cùng, cái không biên giới, cái vô ngã, và vì
thế không phải đơn giản và dễ chịu đối với những người thường.
Đi vào cõi trời chính là rời bỏ cõi Phật Đại Nhật, rời bỏ chân như tịch
tịnh vắng lặng để đi vào lục đạo. Dù rằng cõi trời, theo như thông
thường mà nói, là cõi an lạc nhất của thế giới Ta-bà, nhưng nơi đây vẫn
còn chịu mọi trầm luân sanh tử vô thường. Chính do nơi ác nghiệp mà thần
thức đột nhiên sợ hãi hào quang rực rỡ chói lòa của cõi Phật Đại Nhật,
và muốn trốn chạy ra khỏi cõi Phật này.
b. Ngày thứ hai
Trong ngày thứ hai, thần thức sẽ cảm nhận một hào quang sắc trắng, khi
yếu tố nước hiện ra dưới dạng của pháp thân. Kinh chỉ rõ cõi này nằm về
phía đông, là cõi của Phật Bất Động. Đức Phật Bất Động ngồi trên voi
trắng, tay cầm chày kim cương (Vajra) biểu tượng cho vật thể bất
hoại.
Nếu cảnh giới Phật Đại Nhật là do thức uẩn biến hiện, thì cảnh giới Phật
Bất Động là do sắc uẩn biến hiện trong thể tánh chân như. Cảnh giới này
tràn ngập hào quang màu trắng, và biểu hiện của sắc uẩn trong cõi Ta-bà
là địa ngục, phát ra một ánh sáng xám đục. Bị ác nghiệp chiêu cảm, thần
thức có thể sanh tâm sợ hãi với hào quang sắc trắng chói lòa, và do đó
hướng về ánh sáng xám đục của địa ngục. Cảnh giới Phật Bất Động là cảnh
giới của tri kiến vững chắc bất hoại, nên nếu thần thức kiên tâm giữ
vững chính kiến thì có khả năng an trú được trong cảnh giới này.
c. Ngày thứ ba
Trong ngày thứ ba, thần thức sẽ cảm thấy một hào quang sắc vàng, biểu
hiện yếu tố đất trong thể tánh chân như. Cõi này nằm ở phía nam, là cảnh
giới của Phật Bảo Sanh.[39] Phật Bảo Sanh tay cầm
báu vật, tượng trưng cho sự sung mãn, tăng trưởng. Cảnh giới này do thọ
uẩn biến hiện.
Yếu tố của thế giới Ta-bà trong cảnh giới này là cõi người. Trong hào
quang sắc vàng của cảnh giới Phật Bảo Sanh, cõi người xuất hiện dưới
dạng của một thứ ánh sáng màu xanh nhạt. Thần thức tái sanh làm người
thường sợ hãi hào quang sắc vàng của cõi Phật Bảo Sanh và thấy ánh sáng
xanh nhạt của loài người là êm dịu thích hợp với mình.
d. Ngày thứ tư
Qua ngày thứ tư, yếu tố lửa xuất hiện thành một cảnh giới ở phương tây,
là cảnh giới của Phật A-di-đà.[40] Phật A-di-đà
tay cầm một đóa hoa sen tượng trưng cho lòng từ bi. Dù trong mọi cảnh
bùn lầy nhơ nhớp, hoa sen vẫn mọc lên thơm tho trong sạch.
Cảnh giới Phật A-di-đà do tưởng uẩn biến hiện, có hào quang sắc đỏ,
tượng trưng cho chánh tri kiến trong từ bi. Thế giới Ta-bà hiện ra trong
cảnh giới này bằng cõi ngạ quỷ, phát ra một ánh sáng vàng nhạt trong hào
quang sắc đỏ mênh mông của đức Phật.
e. Ngày thứ năm
Qua ngày thứ năm, yếu tố gió xuất hiện thành một cảnh giới ở phương bắc,
cảnh giới của Phật Bất Không Thành Tựu,[41] tay
cầm chày kim cương, ngồi trên chim thần Ca-lâu-la.[42]
Cảnh giới này do hành uẩn biến hiện, tràn ngập hào quang màu xanh lục.
Thế giới Ta-bà xuất hiện trong cõi này bằng cõi a-tu-la, phát ra một ánh
sáng màu đỏ nhạt. Hãy nhớ rằng giác ngộ là Niết-bàn, mê lầm là thế gian.
Ở đây Niết-bàn là cõi Phật Bất Không Thành Tựu, và thế gian là cõi
a-tu-la.
f. Ngày thứ sáu
Đến ngày thứ sáu một cảnh tượng mới mẻ xuất hiện: bốn mươi hai vị thiện
thần, bốn vị thiên tướng, năm vị Phật và sáu cõi của thế giới Ta-bà cùng
lúc hiện ra. Thần thức choáng váng sợ hãi, toàn thể vũ trụ như choáng
ngợp, đầy hình ảnh.
Các vị thiên tướng lần đầu xuất hiện, bốn vị ở bốn cửa thành, thần thức
có cảm giác như bị vây phủ bốn phía. Nghiệp báo làm thần thức thêm sợ
hãi, đây là lúc thần thức thấy cõi lục đạo có vẻ như an toàn và thu hút
mình. Tất cả cảnh tượng này đều do tâm thức biến hiện, tùy thuộc vào
những xúc cảm, sự thèm khát của chính tâm thức.
g. Ngày thứ bảy
Tất cả cảnh tượng của những ngày qua xuất phát từ trong thần thức, biến
hiện thành thiện thần. Qua ngày thứ bảy những biến hiện bắt đầu có tính
vô ký, nghĩa là không thiện không ác. Đây là cảnh giới của Phật Minh
Trì,[43] chủ về trí huệ, hay chánh kiến. Trong
cảnh giới này, thế giới Ta-bà xuất hiện bằng cõi súc sanh, biểu hiện của
sự vô minh, thiếu ý thức.