GIẢNG LUẬN của đức Lạt-ma Chőgyam Trungpa Rinpoche
1. Nội dung sơ lược
Theo cách phân loại trong Phật giáo thì sách này không phải là kinh – vì
không do Phật trực tiếp thuyết dạy, mà thuộc về luận, và được gọi là
Luận vãng sanh. Vấn đề cần đề cập trước hết là không nên vội so sánh
luận này với các huyền thoại về người chết. Bởi vì như thế chúng ta sẽ
dễ quên đi một điều cơ bản, đó là qui luật của sự diệt vong và sự tái
sanh, xảy ra một cách liên tục.
Nói đến chết cũng chính là nói đến sự sống, cho nên cũng có thể gọi luận
này là Luận tái sanh. Luận này nói đến cái chết, nhưng với một quan niệm
hoàn toàn mới. Luận này cũng được gọi là Tâm kinh, vì trong tâm chứa cả
sự sống và cái chết. Tâm đã sản sanh ra đời sống, trong đó chúng ta sinh
hoạt, hít thở và hoạt động. Đó chính là đối tượng của luận.
Ở Tây Tạng, trước khi đạo Phật du nhập có một tôn giáo khác gọi là đạo
Bon. Tôn giáo này đã biết rõ cách ứng xử với người sắp chết, tìm hiểu
dấu hiệu của họ như nhiệt độ thân thể... Tôi cho rằng, nền văn minh đạo
Bon cũng như các huyền thoại Ai Cập hình như cũng chỉ quan tâm đến dấu
tích người chết để lại mà ít lưu ý tới hoạt động của tâm thức người
chết.
Điều tôi muốn trình bày ở đây là: sau khi chết tâm thức sẽ ở trong một
trạng thái chao đảo giữa sáng suốt và sai lầm, giữa giác ngộ và mê vọng.
Tôi cũng muốn trình bày những phương cách dẫn dắt đến chánh kiến, xa rời
vọng niệm.
Trong tiếng Tây Tạng, bardo có nghĩa là chuyển tiếp, hay khoảng hở.
Trong luận này, bardo chính là giai đoạn giữa cái chết và sự tái sanh,
tức là thân trung ấm. Trong đời sống hằng ngày, bardo chính là những
giai đoạn chuyển tiếp từ trạng thái này sang trạng thái khác: cái chết
thật ra vẫn diễn ra thường xuyên trong cuộc sống.[35]
Kinh nghiệm về giai đoạn chuyển tiếp là một trong những cơ sở tâm lý
quan trọng của con người. Trong đời sống thông thường, thật ra chúng ta
liên tục trải qua những giai đoạn chuyển tiếp, giai đoạn được xem là
“chao đảo” trong cuộc đời. Có khi ta không có cảm giác an toàn, có khi
không rõ mình muốn gì, có khi không rõ đời mình sẽ đi về đâu... Vì vậy,
Luận vãng sanh này không phải chỉ nhắn gửi với người sắp chết hoặc người
đã chết, mà cho cả những ai vừa mới sanh ra. Mỗi người chúng ta trải qua
cái chết và cái sống liên tục ngay trong đời sống này, ngay trong khoảnh
khắc này.
Trong một ý nghĩa sâu kín hơn, ta có thể hiểu bardo – giai đoạn chuyển
tiếp – là giai đoạn tiến về sáu trạng thái của tâm lý, “sáu nẻo đường”
hay “lục đạo”. Trên sáu nẻo đường đó, các vị “thiẹn thần” hay “ác thần”
sẽ hiện ra, như trong luận này mô tả. Trong tuần đầu tiên, các vị thiện
thần sẽ xuất hiện, tuần cuối là các vị ác thần: có khi thấy chư Phật và
các vị thiên tướng, có khi xuất hiện dưới dạng dữ tợn làm thần thức hết
sức sợ hãi. Những chi tiết được mô tả trong luận này là những trạng thái
rất thực trong đời sống hằng ngày, không phải chỉ là những hình ảnh hoặc
cảm giác mà thần thức cảm nhận sau khi chết.
Nói một cách khác, những cảnh tượng thần thức trải qua sau khi chết
chính là bộ mặt thực của chính tâm lý chúng ta, được nhận ra trong dạng
thức hết sức sâu lắng. Không ai có thể cứu rỗi chúng ta, tất cả tùy
thuộc vào chính những gì chúng ta tha thiết theo đuổi. Một vị minh sư
hay người bạn tốt may ra có thể hướng dẫn được một vài điều, nhưng thật
ra họ không đóng vai trò quyết định.
Làm sao có thể biết được những gì sau khi chết? Có ai đội mồ sống dậy kể
chuyện cho ta nghe đâu? Thật ra thì những điều xảy ra trong giai đoạn
trước khi tái sanh gây ấn tượng vô cùng mãnh liệt, trẻ sơ sanh còn có
thể “nhớ”. Nhưng khi lớn lên, ấn tượng của cha mẹ và môi trường chung
quanh ngày càng đậm nét. Bị quy định trong một khung cảnh mới, ấn tượng
xưa ngày càng mờ nhạt, chỉ thỉnh thoảng lóe lên. Những lúc đó chúng ta
lại thấy xa lạ, nghi ngờ những ấn tượng đó, có lúc sợ hãi, nên sớm quên
đi. Vì vậy nói về những ấn tượng sau khi chết là nói về một chủ đề không
mấy ai tin.