LUẬN VĂN TÂM LÝ HỌC VỀ LUẬN VÃNG SANH Carl Gustav Jung
A. Dẫn nhập
Trước khi trình bày bài luận văn này, tôi muốn viết đôi lời khái quát về
Luận vãng sanh. Luận vãng sanh - Bardo Thődol - là một tập sách nhằm
khai thị cho người vừa từ giã cõi đời. Luận này nhằm hướng dẫn người
chết qua giai đoạn mang thân trung ấm, một giai đoạn kéo dài khoảng 49
ngày, giai đoạn giữa cái chết và sự tái sanh, tương tự như cuốn “Sách
dành cho người chết” của Ai Cập.
Luận này chia làm ba phần. Phần đầu, được gọi là Tschikhai-Bardo, mô tả
những biến hiện tâm linh trong thời điểm chết. Phần hai, được gọi là
Tschőnyi-Bardo, giai đoạn như trong cơn mộng, xảy ra sau khi chết hẳn,
được cho là ảo giác do nghiệp lực mang lại. Phần ba, Sipa-Bardo, nói về
sự khao khát tái sanh và những biến cố xảy ra trước khi tái sanh.
Điều đặc trưng quan trọng nhất là, sự hiểu hiết và chứng ngộ cao quí
nhất và cũng nhờ đó mà đạt được khả năng giải thoát, lại xảy ra trực
tiếp trong tiến trình của cái chết. Không bao lâu sau đó, các ảo giác
hiện ra, dẫn dắt vào sự tái sanh, đồng thời các ánh sáng giác ngộ lu mờ
dần, phân hóa dần, và các hình ảnh đáng sợ xuất hiện ngày càng rõ nét.
Sự sa đọa này nói lên ý thức đang rời xa chân như mầu nhiệm và trở lại
với đời sống vật chất.
Những lời khai thị trong luận này có mục đích nhắc nhở người chết trong
mỗi giai đoạn vô minh về khả năng giác ngộ của từng giai đoạn đó, và
giảng giải về thực chất của những cảnh trạng được nhìn thấy. Luận vãng
sanh này được các vị Lạt-ma đọc bên cạnh người chết.
Tôi hết sức biết ơn hai người đầu tiên đã dịch luận này sang tiếng Anh,
đó là ngài Lạt-ma Kazi Dawa Samdup và tiến sĩ Evans Wentz.[46]
Tôi cho rằng, không có gì đền ơn xứng đáng hơn là cố gắng viết một bài
luận văn tâm lý học cho bản dịch Đức ngữ, để đưa những thế giới quan và
cách đặt vấn đề kỳ diệu của tác phẩm này đến với độc giả phương Tây. Tôi
chắc chắn rằng, những ai đọc sách này với một nhãn quan rộng mở, không
thành kiến, chịu để cho sách tác động, sẽ đạt được nhiều lợi ích.