2. Giai đoạn chuyển tiếp ngay trước khi chết
Cảm giác cơ bản đầu tiên của người sắp chết là không biết chắc mình sẽ
chết hay tiếp tục sống. Cần hiểu chết ở đây nghĩa là chấm dứt mối liên
hệ với thế giới vật chất. Không những thế, người chết sẽ có cảm giác
mình đang từ bỏ một thế giới có thực để đi vào một thế giới không ổn
định.
Thế giới có thực có những đặc trưng gì? Đó là một thế giới có niềm vui,
nỗi buồn, có thiện, có ác. Tóm lại đó là một thế giới luôn luôn có hai
cực, thế giới nhị nguyên. Nếu có ai đứng ngoài được sự tranh chấp giữa
hai cực đó, người ấy sẽ hiểu thấu được tri kiến nhất nguyên. Với tri
kiến này, người ta sẽ không còn mâu thuẫn, vì nhìn thấy được vạn hữu
trong một thể trọn vẹn thống nhất. Những mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra là
vì chúng ta không thấy được bản chất thật sự của nhị nguyên. Chính vì
tri kiến sai lầm về thế giới nhị nguyên hiện tại nên người chết có cảm
giác sợ hãi, vì thấy mình đang phải từ bỏ cái có thực để đi vào một nơi
hoang địa, của tối tăm, của sương mù.
Luận vãng sanh này mô tả những giai đoạn của sự chết khi các yếu tố tứ
đại[36] dần dần tiêu tan và đoạn diệt. Khi yếu tố
đất đoạn diệt trong yếu tố nước, người chết có cảm giác hết sức nạng nề
trì trệ. Lúc yếu tố nước tiêu tan trong yếu tố lửa, người chết thấy rõ
bộ tuần hoàn ngưng hoạt động. Khi yếu tố lửa tan trong yếu tố gió, người
chết mất cảm giác về nhiệt độ, về sự tăng trưởng. Và khi yếu tố gió tan
vào trạng thái không, chính lúc đó người chết thấy mất hẳn mối liên hệ
với thế giới vật chất. Cuối cùng, khi không hoặc thức tan biến trong
thức vô ngã, thần thức người chết bỗng nhiên cảm nhận một thứ ánh sáng
rực rỡ, chói lòa, một thứ ánh sáng tự thân. Đây là trạng thái có khi
được gọi là chân tâm hay pháp thân thường trú. Tiếc thay, thần thức
người chết sẽ không lưu lại nơi đây, mà thông thường sẽ bị nghiệp lực
lôi kéo dẫn dắt đi về những cảnh giới khác.
Về mặt tâm thức, khi trải qua những giai đoạn vừa kể, người chết có
những cảm giác khác nhau, nhưng nói chung là hoang mang không rõ mình
đạt được chánh kiến hay sa vào điên loạn. Khi mất yếu tố đất, thần thức
có cảm giác mình mất luôn cách suy nghĩ duy lý thông thường, lúc đó chỉ
còn dựa vào yếu tố nước, và cho rằng tuy thế mình vẫn còn biết suy luận.
Tới lúc yếu tố nước đoạn diệt, thần thức rời bỏ suy luận. Lúc đó cảm
tính nổi lên rất mạnh. Thần thức tha thiết nhớ tới những người mình yêu
thương hoặc hằn học với những gì mình ghét bỏ. Yếu tố lửa làm các cảm
giác yêu ghét đó lên đến cao độ. Nhưng khi lửa tan đi trong gió thì
những cảm giác ấy cũng nhạt dần, thần thức có cảm giác trống rỗng hoặc
thanh thản, đồng thời mất khả năng tập trung, tất cả bị cái không xâm
chiếm.
Sau đó là pháp thân thường trú hiện ra, thật ra là lúc đạt đến chân tâm.
Trong trạng thái này, thần thức sẽ thấy được tính chất nhất thể, sẽ có
cảm giác niềm vui và đau khổ chỉ là một, xuất hiện cùng lúc. Cái tự ngã
vốn hay tranh chấp mâu thuẫn trong cõi nhị nguyên, một khi nhận ra được
cái nhất nguyên sẽ tự tan biến và chân tâm xuất hiện.
Chính từ chân tâm không sanh không diệt này, nghiệp lực sẽ bắt đầu xuất
hiện dẫn dắt thần thức đi vào đời sống mới. Nếu thần thức lưu trú trong
chánh niệm, nhất tâm trong thiền định, pháp thân sẽ xuất hiện. Còn nếu
thần thức bị năng lực của nghiệp báo dẫn dắt. Thần thức sẽ xa dần pháp
thân thường trú. Lúc đó một tâm niệm chấp hữu khởi lên, và tùy theo mức
độ chấp hữu. Thức sẽ đi vào những cảnh giới khác nhau trong sáu cõi luân
hồi, hay lục đạo. Chính năng lực chấp hữu là động cơ thôi thúc thức đi
vào lục đạo, hay sáu nẻo đường. Vậy lục đạo là gì? Đó là những cảnh giới
sẽ lần lượt được trình bày sau đây.