4. Phần lưu ý đối với người sống
Chủ lễ cần đọc luận này ít nhất ba lần hoặc bảy lần. Dù cho ác nghiệp
nặng nề đến đâu, thần thức cũng có cơ may được giải thoát khi lắng nghe
luận này, nhờ nhận biết được tâm thức mình. Nếu thần thức nào không nhận
ra sẽ phải tiếp tục bước sang giai đoạn thứ ba, tức là giai đoạn tái
sanh trong cõi luân hồi. Ngay cả trong những trường hợp này, vị chủ lễ
vẫn cần phải tiếp tục khai thị cho thần thức theo như sẽ trình bày ở
phần tiếp theo của luận này.
Đa số con người, khi còn sống dù đã có được khả năng tập trung tư tưởng
nhiều hay ít, thì trước khi chết cũng rất thường hay bị tán loạn, nên
giai đoạn thứ hai vừa nói trên đây là rất quan trọng. Chỉ có những người
nhất tâm tu tập thiền định thì mới thể nhập được pháp thân thường trụ
ngay sau khi thần thức rời bỏ thân thể.[21] Đó là
những người nhận ra ngay tâm thức của mình khi hào quang vừa chiếu rọi,
nhờ đã từng thiền định quán tưởng. Điều này cho thấy việc thiền định
quán tưởng trong cuộc sống là rất quan trọng.
Để giải thoát cho người chết, hãy đọc to và rõ ràng luận này, mỗi ngày
ba lần, kèm theo giảng rõ ý nghĩa cho thần thức nghe, với một tâm kiên
định vững chắc. Hãy tưởng tượng, dù cho có trăm tên cướp hung bạo xuất
hiện, vị chủ lễ cũng vẫn phải vững vàng chú ý đến với lời văn và ý nghĩa
của luận.
Đây là một pháp môn giải thoát dành cho bất cứ ai, chỉ cần nghe và hiểu,
kể cả những kẻ đã tạo nhiều ác nghiệp cũng có thể được giải thoát. Vì
thế nên luận này cũng có thể được đọc lớn cho cả đám đông cùng nghe.
Có những người chỉ cần được nghe luận này, dù là không hiểu, không tin,
nhưng khi chết đi, tâm thức sáng suốt gấp chín lần thông thường, nên sẽ
nhớ lại không quên chữ nào và có thể hiểu được, tin được. Vì vậy, rất
nên đọc luận này cho người sống nghe, nhất là những người đau ốm trên
giường bệnh, người già yếu, suy nhược.
Gặp được pháp môn này là một sự may mắn lớn lao. Nếu không tạo nhiều
thiện nghiệp, nhiều công đức trong quá khứ, không dễ gì gặp được luận
này. Chỉ cần lắng nghe sẽ được giải thoát, miễn là đừng sanh tâm nghi
ngờ. Vì vậy, luận này rất đáng được tôn trọng.
Tới đây chấm dứt phần khai thị trong giai đoạn chuyển tiếp của pháp
thân. Pháp môn này được gọi là “lắng nghe và giải thoát”, bởi vì nó giúp
cho thần thức được giải thoát chỉ qua việc lắng nghe và tin nhận.