31/08/2011 20:23 (GMT+7)
Số lượt xem: 58195
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

en.wikimedia.org
Máu là một mô lỏng, lưu hành khắp cơ thể trong các động mạch, tĩnh mạch và là một phương tiện chuyên chở nhiều chất khác nhau giữa mô và các cơ quan.




Máu gồm nhiều loại tế bào máu trong một môi trường lỏng gọi là huyết tương. Mỗi người nam trưởng thành có khoảng 6 lít máu, người nữ ít hơn: 4- 5 lít.

Máu có nhiều nhiệm vụ quan trọng: máu mang oxy vào cơ thể và loại khí CO2 ra ngoài; máu là một dung dịch cần thiết cho sự tăng trưởng của cơ thể, vì máu chuyên chở các chất dinh dưỡng từ sự tiêu hóa và các hormon do các tuyến nội tiết sản xuất; máu là dung dịch của sức khỏe, chuyên chở các chất phòng chống bệnh tới các tế bào và chất phế thải tới thận để loại ra ngoài cơ thể; máu cũng giúp điều hòa thân nhiệt, chứa những chất ngăn sự xuất huyết từ các vết thương, cân bằng dung dịch chất lỏng trong các tế bào.

Máu có những tế báo sống như hồng huyết cầu, bạch huyết cầu và tiểu cầu. Hồng cầu và bạch cầu có nhiệm vụ nuôi dưỡng và làm sạch cơ thể. Tiểu cầu giúp máu ở trạng thái đặc. Thiếu tiểu cầu, con người sẽ mất máu và chết.

Vì là tế bào sống, các tế bào máu cũng cần được nuôi dưỡng với sinh tố, khoáng chất và các chất dinh dưỡng chính. Máu có 55% huyết tương, một chất lỏng trong mầu vàng rơm.

Loại máu

Nhìn với mắt thường, máu mọi người nom mầu sắc giống nhau. Nhưng dưới kính hiển vi, tế bào máu có nhiều nét khác nhau, đặc biệt là ở hồng cầu.

Khoa học gia người Mỹ gốc Áo Karl Landsteiner (1868-1943) đã tìm ra hai loại chất đạm riêng rẽ trên mặt hồng cầu. Đó là các kháng nguyên A và B. Nhờ sự khám phá này, ông được giải Nobel y học vào năm 1930.

Nếu hồng cầu chỉ có kháng nguyên A, máu đó thuộc loại A. Nếu chỉ có kháng nguyên B thì là máu loại B. Có cả A và B thì thuộc loại AB. Không có A hoặc B thì là máu loại O. Máu của một loại này chứa các kháng thể trong huyết thanh chống lại các hồng huyết cầu của loại khác. Khi hai loại máu trộn lẫn với nhau, các hồng cầu có thể kết chùm lại và gây ra hậu quả chết người được.

Do đó:

Người có máu loại A có thể truyền máu cho người có loại A hoặc AB.
Người có loại B có thể sang máu cho người loại B hoặc AB
Người có loại AB chỉ truyền máu cho người cùng loại AB mà thôi
Người có máu loại O có thể cho máu cho bất cứ ai.

Cũng vậy:

Người có loại A có thể nhận máu loại A và O
Người có loại B có thể nhận máu từ loại B và O
Người có loại AB có thể nhận máu của bất cứ ai 
Người có loại O chỉ nhận được máu từ người có loại O.

Loại máu do di truyền quyết định và tỷ lệ loại máu trong dân chúng thay đổi tùy theo chủng tộc. Chẳng hạn 45% người da trắng tại Hoa Kỳ có loại máu 0.
Đúng ra là có tới hơn 30 hệ thống phân loại nhóm máu, nhưng hệ thống ABO quan trọng hơn cả.

Đến năm 1940 các nhà khoa học Kart Landsteiner và Alexander Wiener lại tìm ra một chất đạm khác trên mặt của hồng cầu gọi là yếu tố Rhesus (Rh). Rhesus là một loại khỉ nhỏ có nhiều ở miền Bắc Ân Độ, được dùng thường xuyên trong các cuộc thí nghiệm sinh học. Cũng từ loại khỉ Rhesus này mà kháng nguyên Rh được khám phá lần đầu.

Người có yếu tố này được gọi là Rh +, nếu không có sẽ là Rh-. Đa số dân chúng (85%) có Rh+.

Yếu tố Rh liên hệ với loại máu. Vì thế nếu người loại A có Rh sẽ được ghi là A+; nếu không có Rh sẽ được ghi là A-.

Người có Rh- tiếp nhận máu Rh+ sẽ tạo ra kháng thể chống lại hồng cầu Rh+. Trong các lần nhận máu sau đó, kháng thể này sẽ hủy hoại các hồng cầu nào có Rh+. Đó là sự không- tương- hợp Rh (Rh Incompatibility).

Sự không tương hợp chỉ xảy ra khi mẹ Rh âm và con Rh dương;  không xảy ra khi mẹ Rh +, con Rh – hoặc khi cả mẹ và con đều âm hoặc dương Rh.

Nhắc lại là trong khi mang thai, các chất dinh dưỡng và kháng thể từ máu của mẹ chuyển sang con qua nhau thai, nhưng hồng cầu không qua được, ngoại trừ khi nhau thai bị rách.

Trong suốt thời gian mang thai lần đầu không có vấn đề gì xảy ra vì máu con không xâm nhập máu mẹ. Nhưng khi sanh, một chút máu Rh+ của con có thể vào cơ thể mẹ. Mẹ sẽ sản xuất ra kháng thể chống lại với kháng nguyên Rh+ này.

Tới các lần có thai kế tiếp, nếu thai nhi Rh+, kháng thể trong máu mẹ sẽ nhận ra và sẽ tiêu hủy các hồng cầu mang Rh+. Hậu quả là thai nhi sẽ bị thiếu máu, vàng da… vì tan huyết. Đó là chứng loạn nguyên- hồng-cầu sơ-sinh (Erythroblastosis fetalis). Phương thức trị liệu hữu hiệu là truyền cho con một số lượng lớn máu Rh+ đồng thời rút máu con ra để loại bỏ hết kháng thể Rh+.

Sự không tương-hợp Rh ở người mẹ có thể tránh được bằng cách chích cho mẹ globulin miễn dịch Rh (Rho-GAM) khi có thai lần đầu và các lần sau đó.

Thuốc được chích làm hai lần. Lần thứ nhất vào tuần lễ thứ 28 của thai kỳ và lần thứ hai chích trong vòng 72 giờ sau khi sanh.

Thuốc tác động như một vaccin, loại bỏ kháng nguyên Rh+ trong máu mẹ và ngăn chận sự tạo ra kháng thể đối nghịch với Rh+ của con.

Sảy thai

Về sảy thai, có nhiều nguyên do khác nhau, như là:

a. Bất bình thường ở các nhiễm thể của thai nhi: Đây là rủi ro sảy thai thường thấy, nhất là trong 13 tuần lễ đầu của thai kỳ.

b. Bệnh của mẹ như tiểu đường không kiểm soát, cao huyết áp, ban đỏ lupus, một vài bệnh truyền nhiễm như ban đào (rubella), nhiễm virus herpes simplex, vi khuẩn Clamydia.

c. Mất thăng bằng hormon trong cơ thể, như thiếu hormon nữ progesteron để sửa soạn niêm mạc thích hợp nuôi dưỡng thai nhi.

d. Bất bình thường trong cấu trúc của dạ con và cổ tử cung như u xơ từ cung, cổ tử cung yếu, có thai ngoài tử cung.

đ. Rối loạn hệ miễn dịch khiến cho cơ thể không bảo vệ nuôi dưỡng được thai nhi.

e. Lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, nghiện rượu- thuốc, thiếu dinh dưỡng, tiếp xúc với hóa chất, phóng xạ.

Ngoài ra, tuổi tác cũng là một yếu tố. Trong đa số các trường hợp, phụ nữ khỏe mạnh có tỷ lệ sảy thai từ 15-20%. Tỷ lệ tăng với tuổi cao: Dưới 35 tuổi, khoảng 35%. Trên 45 tuổi, 50% có nguy cơ sảy thai. 
  
Quý bà mẹ dễ dàng bị sảy thai cần được bác sĩ chuyên về sản phụ khoa khám và thử nghiệm để tìm ra nguyên nhân rồi điều trị.

Ngoại trừ một số rủi ro di truyền, tuổi tác, các rủi ro khác có thể phòng tránh được.

Trước khi sẵn sàng để có thai, nên chăm sóc để có một cơ thể khỏe mạnh với dinh dưỡng đầy đủ, vận động đều đặn, giữ cân nặng trung bình, không hút thuốc lá, uống thêm folic acit và giảm thiểu căng thẳng tinh thần.

Khi đã được xác định là có thai, cần tiếp tục nếp sống lành mạnh cộng thêm không uống rượu, đừng tiếp cận với khói thuốc là, giới hạn hoặc đừng uống nước có nhiều caffeine, tránh va chạm tổn thương tới bụng mang dạ chửa, tránh các sinh hoạt quá mạnh và luôn luôn yêu đời, vui với con trong lòng mẹ.

Chín tháng mười ngày “mang nặng” sẽ qua rất mau, tới ngày “đẻ đau”, khai hoa nở nhụy để làm mẹ, với “hòn máu” thân yêu của mình.

Cả nhà đều hân hoan mừng vui khi thấy ánh mắt sáng ngời của con.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

Âm lịch

Ảnh đẹp