GIAI THOẠI THIỀN: .XIN CON MẮT.


Tác giả: HT Tinh Vân Người dịch: Thích Tuệ Thông
08/05/2013 20:52 (GMT+7)
Số lượt xem: 104504
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thiền sư Vân Nham đang bện giày cỏ, Thiền sư Động Sơn từ chỗ khác đi ngang qua, vừa thấy liền hỏi:
- Kính bạch thầy! Thầy có thể ban cho con 1 món đồ được không?





Thiền sư Vân Nham đáp:
- Ông nói ra thử xem!

Thiền sư Động Sơn liền nói:
- Con định xin con mắt của thầy.

Thiền sư Vân Nham rất bình tĩnh đáp:
- Ông xin con mắt, thế con mắt của ông ở đâu?

Động Sơn nói:
- Con không có con mắt!

Thiền sư Vân Nham mỉm cười, nói:
-Nếu ông xin được con mắt, thì đặt nó ở đâu?

Thiền sư Động Sơn không có lời đáp lại. Thiền sư Vân Nham lúc ấy rất nghiêm túc, nói:
-- Sự thật thì con không phải xin con mắt.

Thiền sư Vân Nham cuối cùng không chấp nhận cách nói pháp trước sau mâu thuẫn này, liền đối mặt với Thiền sư Động Sơn hét lớn tiếng:
- Ông hãy đi ra ngoài giùm ta!

Thiền sư Động Sơn không hề biến sắc, vẫn rất thành khẩn trình bạch:
- Con có thể đi ra, nhưng không có con mắt thì làm sao thấy rõ đường đi?

Thiền sư Vân Nham chỉ tay vào ngực, nói:
- Đây chẳng phải đã sớm cho ông rồi sao? Ông lại nói là nhìn không thấy!

Thiền sư Động Sơn cuối cùng ngay lời nói ấy được tỉnh ngộ.

LỜI BÌNH:

Thiền sư Động Sơn đến người khác xin con mắt, đây là việc làm rất quái lạ, dù tài cao trí sáng như thiền sư Vân Nham, lúc đầu cũng chỉ có thể nói con mắt của ông mãi ở trên trán của chính mình. Vì sao đến người khác xin? Cuối cùng biết Đông Sơn xin chẳng phải là "Con mắt thịt". Thiền sư Vân Nham chỉ ra diệu đạo tối thượng là "CON MẮT ĐẠO". Động Sơn liền có chỗ khế ngộ.

Con mắt thịt là để nhìn vạn vật dài ngắn, vuông tròn, xanh vàng, trắng đỏ trên thế gian. Cái thấy này chỉ là bên ngoài, hiện tượng, sanh diệt; mà con mắt tâm mới hay nhìn thấu bản thể vạn vật trong vũ trụ. Cái thấy này là trùm khắp, trong ngoài nhất như. Chẳng lấy làm lạ, Đông Sơn tuy có con mắt thịt, mà vẫn không nhìn thấy rõ đường đi. Đường đi này là mặt thật xưa nay của chính mình, là nhận địa để thành Phật, làm Tổ, nên Vân Nham chỉ ra diệu dụng của mắt tâm, Động Sơn liền tỉnh ngộ.



GIAI THOẠI THIỀN:
.TÂM VÀ TÁNH.

Tác giả: HT Tinh Vân
Người dịch: Thích Tuệ Thông

Có 1 học Tăng đến chỗ Quốc sư Tuệ Trung tham học, cầu xin Ngài chỉ dạy và nói:

- Thiền chính là tên khác của tâm, mà tâm là chơn như thật tánh. Ở nơi Phật chẳng tăng, ở nơi phàm chẳng giảm, những Tổ sư Thiền tông đem "TÂM" nay đổi thành "TÁNH". Xin hỏi Thiền sư, sự sai khác giữa tâm và tánh như thế nào?

Quốc sư đáp lại chẳng có gì che dấu:
- Khi mê thì có sai khác, lúc ngộ thì không có sai khác.

Học Tăng lại hỏi thêm rằng:
- Trong kinh nói: Phật tánh là thường, tâm là vô thường, vì sao Ngài lại nói cả hai không sai khác?

Quốc sư kiên nhẫn nêu ra ví dụ nói rõ:
- Ông chỉ biết nương vào lời nói để hiểu mà lại không biết nương vào nghĩa lý, thí như thời tiết lạnh nước đông đặc đóng lại thành băng, khi trời nóng băng tan ra thành nước. Khi mê tánh kết lại thành tâm, lúc ngộ tâm chan hoà thành tánh. Tâm và tánh vốn đồng một thể, do mê ngộ mà có sai khác.

Học Tăng cuối cùng nơi tâm được thông suốt.

LỜI BÌNH:

Ở trong Phật giáo, có rất nhiều tên gọi khác nhau để chỉ cho tâm và tánh, như Bản Lai Diện Mục, Như Lai Tàng, Pháp Thân, Thật Tướng, Tự Tánh, Chơn Như, Bản Thể, Chơn Tâm, Bát Nhã, Thiền v.v... Đây đều là diệu dụng các thứ phương tiện để nhận biết tự kỷ của chúng ta. Mê ngộ tuy có khác, bản tánh vốn đồng. Thí như vàng ròng chỉ là một, nhưng có thể chế thành bông tai, cà rá, vòng tay v.v... Các loại đồ kim khí chẳng giống nhau, tuy kim khí có khác mà đồng một chất liệu vàng ròng vậy. Rõ ràng ở đây, TÂM và TÁNH tuy khác mà thật thể thì đều là bản thể của chúng ta vậy.


GIAI THOẠI THIỀN:
.TỰ CHE TỰ ĐỘ.
Tác giả: HT Tinh Vân
Người dịch: Thích Tuệ Thông


Có 1 cư sĩ đang tránh mưa dưới mái hiên, nhìn thấy 1 Thiền sư đang cầm dù chạy qua. Ngay khi ấy ông liền gọi rằng:

- Thiền sư! Độ khắp chúng sanh thử xem nào! Con xin đi nhờ 1 quãng đường được không?

Thiền sư nói:
- Ta đang ở trong mưa, còn ông ở dưới mái hiên, mà dưới mái hiên thì không có mưa, vậy ông chẳng cần ta độ.

Vị cư sĩ lập tức chạy ra khỏi mái hiên, đứng ở trong mưa, nói rằng:
- Hiện tại con cũng ở trong mưa, con đáng được độ rồi nhé!
- Ta ở trong mưa, ông cũng ở trong mưa, ta chẳng bị mưa ướt, do vì có dù; ông bị mưa ướt, nhân vì không dù. Do đó chẳng phải là ta có khả năng độ ai, mà là do dù độ ta. Nếu ông muốn được độ, chẳng cần nhờ đến ta, xin mời hãy tự tìm dù tự che lấy.

Nói xong liền chạy mất!

LỜI BÌNH:

Chính mình có dù, liền có thể chẳng bị mưa ướt. Nếu biết chính mình có chơn như Phật tánh, nên chẳng bị ma mê hoặc. Trời mưa chẳng mang dù lại tưởng người khác có thể giúp mình. Bình thường chẳng tìm về chơn như tự tánh, tưởng người khác có thể độ mình. Kho báu nhà mình chẳng đem ra dùng, mãi mong cầu người khác giúp, đâu thể được thoả lòng mãn ý ư? Cây dù của mình tự che cho chính mình, tự tánh tự độ, tất cả việc phải cầu nơi chính mình. Thiền sư chẳng chấp nhận cho mượn dù, đây rõ ràng chính là lòng từ bi rộng lớn của Thiền sư vậy.

GIAI THOẠI THIỀN:
.TỰ CHE TỰ ĐỘ.
Tác giả: HT Tinh Vân
Người dịch: Thích Tuệ Thông


Có 1 cư sĩ đang tránh mưa dưới mái hiên, nhìn thấy 1 Thiền sư đang cầm dù chạy qua. Ngay khi ấy ông liền gọi rằng:

- Thiền sư! Độ khắp chúng sanh thử xem nào! Con xin đi nhờ 1 quãng đường được không?

Thiền sư nói:
- Ta đang ở trong mưa, còn ông ở dưới mái hiên, mà dưới mái hiên thì không có mưa, vậy ông chẳng cần ta độ.

Vị cư sĩ lập tức chạy ra khỏi mái hiên, đứng ở trong mưa, nói rằng:
- Hiện tại con cũng ở trong mưa, con đáng được độ rồi nhé!
- Ta ở trong mưa, ông cũng ở trong mưa, ta chẳng bị mưa ướt, do vì có dù; ông bị mưa ướt, nhân vì không dù. Do đó chẳng phải là ta có khả năng độ ai, mà là do dù độ ta. Nếu ông muốn được độ, chẳng cần nhờ đến ta, xin mời hãy tự tìm dù tự che lấy.

Nói xong liền chạy mất!

LỜI BÌNH:

Chính mình có dù, liền có thể chẳng bị mưa ướt. Nếu biết chính mình có chơn như Phật tánh, nên chẳng bị ma mê hoặc. Trời mưa chẳng mang dù lại tưởng người khác có thể giúp mình. Bình thường chẳng tìm về chơn như tự tánh, tưởng người khác có thể độ mình. Kho báu nhà mình chẳng đem ra dùng, mãi mong cầu người khác giúp, đâu thể được thoả lòng mãn ý ư? Cây dù của mình tự che cho chính mình, tự tánh tự độ, tất cả việc phải cầu nơi chính mình. Thiền sư chẳng chấp nhận cho mượn dù, đây rõ ràng chính là lòng từ bi rộng lớn của Thiền sư vậy.

GIAI THOẠI THIỀN:
.ĐI CHƠI ĐÊM.


Tác giả: HT Tinh Vân
Người dịch: Thích Tuệ Thông

Tại Thiền viện của Thiền sư Tiên Nhai ở, có 1 vị học Tăng đã thường lợi dụng thời gian trời về đêm, lén lút trèo qua tường rào của viện đi ra bên ngoài vui chơi. Thiền Sư Tiên Nhai khi đi tuần liêu (kiểm tra Tăng chúng sống có đúng thời khoá trong Thanh Quy không) ban đêm. Ngài không làm kinh động người nào, liền thuận tay nắm cái ghế dời qua chỗ khác, rồi tự mình đứng tại chỗ cái ghế, chờ đợi học Tăng trở về.

Đợi đến lúc đêm khuya, học Tăng đi chơi xong trở về, chẳng biết cái ghế không cánh mà bay đi đâu mất. Vừa mở mắt nhìn thấy rõ ràng đúng là Thiền sư, học Tăng hoảng sợ chẳng biết làm như thế nào cho phải!

Nhưng Thiền sư Tiên Nhai không lưu tâm vấn đề này, liền an ủi rằng: "Đêm khuya sương nhiều, con cẩn thận giữ gìn sức khoẻ, không khéo sẽ bị nhiễm lạnh, khẩn trương đi về mặc nhiều lớp áo vào".

Đại chúng toàn chùa không có người nào biết rõ sự kiện này. Thiền sư Tiên Nhai từ đó về sau cũng không nói ra. Nhưng từ đấy cả chùa hơn 100 vị học Tăng, cũng không có ai lại dám đi ra ngoài chơi đêm nữa.

LỜI BÌNH:

Giáo dục tốt nhất là giáo dục bằng sự yêu thương, dùng khích lệ thay thế cho trách mắng, lấy chăm sóc thay cho xử phạt, lại dễ dàng thu được hiệu quả cao của giáo dục.

Như Thiền sư Tiên Nhai đây, nắm được đặc sắc giáo dục của Thiền môn, phát huy đạt đến cực điểm. Giáo dục của Thiền môn, nhằm dùng phương tiện từ bi làm nguyên tắc, dù cho dùng gậy đánh và miệng hét để mài luyện, cũng cần xem xét trước căn cơ của người được giáo dục, mới dùng đại từ đại bi phương tiện đối đãi nhau. Các bậc lão sư như cha mẹ trong thiên hạ, nên xem xét kỷ học sinh con cái mình thuộc căn tánh gì, mới thực thi phương pháp phù hợp giáo dục, như cảm hoá, từ ái, thân giáo, chính là giáo dục của Thiền rất tốt vậy.


 GIAI THOẠI THIỀN:
.TRỪ BỎ LỬA TRONG TÂM.


Tác giả: HT Tinh Vân
Người dịch: Thích Tuệ Thông

 
Có 1 vị tướng quân lâu ngày chiến đấu nơi sa trường, đã chán ngấy việc chiến tranh, chí thành đến chỗ Thiền sư Tông Cảo Đại Huệ cầu xin được xuất gia, ông hướng về Tông Cảo bạch:

- Thưa Thiền sư! Hiện tại con đã hiểu rõ cuộc đời là huyễn mộng, xin Thiền sư từ bi thâu nhận và giúp đỡ con được xuất gia, cho phép con được làm đệ tử của Ngài!

Tông Cảo:
- Ông có gia đình, còn tập khí thế gian quá nặng, ông nên trở về chẳng thể xuất gia, từ từ sẽ giải quyết sau!

Tướng quân:
- Thưa Thiền sư! Con hiện tại cái gì cũng buông bỏ được, vợ, con trai, con gái, gia đình đều chẳng thành vấn đề, xin Ngài ngay đây vì con mà làm lễ cạo tóc!

Tông Cảo:
- Hãy thong thả, chuyện này sẽ giải quyết sau!

Tướng quân không còn cách nào khác nên đành trở về nhà. Hôm khác, một mình thức dậy rất sớm, đến chùa lễ Phật, Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo vừa thấy ông đến liền nói:
- Tướng quân vì sao mà đến lễ Phật sớm thế?

Tướng quân bắt chước dùng thi kệ thiền ngữ trả lời:
Vì trừ lửa trong tâm,
Dậy sớm lễ Thế Tôn.

Thiền sư cũng dùng lời kệ lập lại:
Thức dậy sao sớm thế,
Chẳng sợ người trộm vợ?

Tướng quân vừa nghe xong, cực kỳ nổi giận, mắng rằng:
- Ngài là lão già quái vật, nói lời quá tổn thương người!

Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo cười ha hả nói:
Cây quạt mới phảy nhẹ,
Tánh lửa lại cháy bùng.
Tập khí thô tháo thế,
Sao nói buông bỏ hết?

LỜI BÌNH:

Buông xuống! Buông xuống! Chẳng phải là miệng nói buông xuống liền có thể buông xuống được. "Khi nói tợ ngộ, đối cảnh sanh mê" tập khí cũng chẳng phải nói sửa đổi liền có thể sửa đổi ngay được. "Sông núi dễ đổi, tập khí khó trừ". Kính khuyên hy vọng người xuất gia học đạo, chớ vì hứng khởi 1 lúc mà lưu lại sự chê cười của người khác.


GIAI THOẠI THIỀN:
.NẶNG BAO NHIÊU?.


Tác giả: HT Tinh Vân
Người dịch: Thích Tuệ Thông

Hàn lâm học sĩ Tô Đông Pha, nhân cùng với Thiền sư Chiếu Giác luận đạo, bàn đến lời sau cùng "Tình với vô tình, đồng thành Phật đạo", bỗng nhiên có tỉnh ngộ. Nhân đó ông sáng tác ba bài kệ để biểu lộ tâm đắc của mình. Cảnh giới lúc trước khi chưa tham thiền là:

Nhìn ngang thành một dãy,
Nhìn nghiêng thành một ngọn,
Cao thấp xa gần đều chẳng đồng.

(Hai câu này ý nói khi đang mê thì tình thức phân biệt các pháp có nhiều hình dạng không giống nhau).

Chẳng biết Lô Sơn chân diện mục,
Chỉ vì thân đang ở trong núi.

(Hai câu cuối ý nói ngọn núi Lô Sơn cao to bày hiện sờ sờ mà nhiều người không thấy chỉ vì người đó đang đứng trong núi. Cũng vậy, Bản Lai Diện Mục của chúng ta đang hiện ở trước mặt mà chúng ta lại mờ mịt).

Khi việc tham thiền đã có phần tiến bộ, tâm đắc của ông là:

Mù toả Lô Sơn sóng Triết Giang,
Khi chưa đến đó hận muôn ngàn;
Đến rồi về lại không gì lạ,
Mù toả Lô Sơn sóng Triết Giang.

Cho đến khi tham thiền được ngộ đạo trở về sau, cảnh giới tâm của ông là:

Tiếng khe chính là lưỡi rộng dài,
Sắc núi đâu không than tịnh thân.
Đêm về tám vạn bốn ngàn kệ,
Hôm khác làm sao nói với người.

Tô Đông Pha từ sau khi ngộ được thiền này, đối với Phật pháp tự thấy mình cao siêu vượt hơn mọi người. Nghe nói ở Kinh Nam tại chùa Ngọc Tuyền, tông môn của Thiền sư Thừa Hạo cao vút, cơ phong khó chạm đến, trong tâm ông chẳng phục tùng. Do đó ông liền cải trang đến cầu kiến, nghĩ phải thử nghiệm 1 lần chỗ thấy của Thiền sư Thừa Hạo như thế nào. Vừa mới thấy mặt, Tô Đông Pha nói:

- Nghe nói chỗ ngộ về Thiền của Thiền sư rất cao, xin hỏi 1 câu ngộ Thiền là gì?

Thiền sư Thừa Hạo chẳng đáp mà hỏi ngược lại:
- Xin hỏi Tôn Quan họ gì?

Tô Đông Pha nói:
- Họ Xứng (cái cân), chính là cân lường các bậc trưởng lão trong thiên hạ nặng bao nhiêu!

Thiền sư Thừa Hạo hét 1 tiếng rồi nói rằng:
- Xin hỏi ông 1 tiếng hét này nặng bao nhiêu?

Tô Đông Pha không lời để đáp lại, liền lễ bái rồi nhanh chân rút lui.

LỜI BÌNH:

Con đường học Thiền của Tô Đông Pha trải qua ba thứ lớp riêng biệt, giống như việc tham thiền của Thiền sư Hành Tư ở Thanh Nguyên chia ra 3 giai đoạn khác nhau. Ngài nói: "Trước khi tham thiền, thấy núi là núi, thấy nước là nước. Khi đang tham thiền, thấy núi chẳng phải núi, thấy nước chẳng phải nước. Sau khi tham thiền thấy núi vẫn là núi, thấy nước vẫn là nước".

Người tu thiền đã trải  qua 3 cửa này, tuy có thể khai ngộ, nhưng chẳng phải là tu chứng. Ngộ đó là hiểu rõ vấn đề, tu thuộc về chứng nghiệm nên người tu thiền nhờ ngộ mới khởi tu, do tu mới được chứng. Nếu người không trải qua công phu chứng nghiệm mà gặp Thiền sư Thừa Hạo đây và các bậc thầy Long Trượng trong Thiền tông; khi ông thưa hỏi liền bị các Ngài hét to một tiếng, ông lại đớ lưỡi câm miệng trố mắt nhìn, không có lời gì để đối đáp lại.


GIAI THOẠI THIỀN:
.CHƯA TỪNG LẪN LỘN.


Tác giả: HT Tinh Vân
Người dịch: Thích Tuệ Thông


Có 1 vị Tăng hành khước, khi còn đang tham học, trên đường đi qua phía trước 1 cái am thuộc quyền quản lý của bà cụ già, rồi dừng chân nghỉ ngơi, Tăng hỏi bà cụ:

- Thưa bà! Tại cái am này, trừ ngoài bà ra, lại còn có quyến thuộc nào khác chăng?

Bà đáp:
- Có.

Tăng hành khước;
- Sao tôi không thấy?

Bà đáp:
- Này! Núi sông, quả đất, hoặc là cây cỏ đều là quyến thuộc của ta đấy!

Tăng hành khước:
- Vô tình chẳng phải là hữu tình. Những thứ: núi, sông, cây, cỏ đâu từng là quyến thuộc của bà?

Bà đáp:
- Vậy thầy xem ta giống hạng nào?

Tăng hành khước:
- Người thế gian.

Bà đáp:
- Thầy cũng chẳng phải là người xuất gia.

Tăng hành khước:
- Thưa bà! Bà không nên có sự lẫn lộn trong Phật pháp.

Bà đáp
- Ta nhất định không có tâm nhầm lẫn nhé!

Tăng hành khước:
- Người thế gian mà ở trong am, cỏ cây đều thành bạn đạo, bà nói như thế mà chẳng phải trong Phật pháp có sự nhầm lẫn, vậy, đó là cái gì?

Bà đáp:
- Pháp sư! Thầy chẳng nên nói thế ấy, phải biết rõ thầy là người nam, con là người nữ, đâu từng lẫn lộn?

LỜI BÌNH:

Vũ trụ vạn hữu vốn là một thể, tâm Phật, chúng sanh thảy không sai khác, chúng ta lại vẫn cứ phải đem 1 thể, không sai khác, phân tích chia chẻ, và dùng tâm phân biệt nhìn theo đối đãi. Cho nên, trên thế gian chẳng phải là thiện ác, hữu tình và vô tình. Cho đến nam nữ khác loại, các pháp thế gian và xuất thế gian, nên đối đãi không dừng, nếu nương theo nhất chân pháp giới mà nói, thì như bà già ở trên đâu từng có lẫn lộn?


GIAI THOẠI THIỀN:

.TỪ TÂM LƯU XUẤT.


Tác giả: HT Tinh Vân
Người dịch: Thích Tuệ Thông

Thiền sư Tuyết Phong và thiền sư Nham Đầu khi đồng đi đến Ngao Sơn tỉnh Hồ Nam, gặp tuyết rơi cản đường không thể đi được. Nham Đầu suốt ngày nhàn nhã chỉ lo nằm ngủ. Tuyết Phong lúc nào cũng ngồi thiền, rồi quở trách Nham Đầu chớ nên chỉ mãi mê ngủ. Ngược lại  Nham Đầu cũng trách Tuyết Phong, chớ nên mỗi ngày chỉ lo ngồi thiền. Tuyết Phong chỉ tay vào trong ngực nói:


- Tôi trong đây chưa được an ổn, đâu dám tự lừa dối mình và người.

Nham Đầu rất kinh ngạc, 2 mắt nhìn chăm chú vào Tuyết Phong. Tuyết Phong nói:
- Nói thật tình, từ lúc tôi tham thiền đến nay, trong lòng chưa được an ổn!

Thiền sư Nham Đầu biết được cơ duyên của Tuyết Phong đã chín mùi, liền từ bi chỉ đường vào:
- Nếu thật như thế, ông hãy đem tất cả chỗ thấy biết của mình nói cho tôi nghe. Nếu khế hợp, tôi sẽ vì ông mà ấn chứng; nếu sai lầm, tôi sẽ vì ông mà phá trừ!

Tuyết Phong liền trình bày quá trình tu hành của mình. Nham Đầu nghe xong liền hét lớn:
- Ông không nghe nói sao? Người từ cửa được vào là chẳng phải của báu trong nhà.

Tuyết Phong liền nói:
- Về sau tôi nên làm thế nào?

Thiền sư Nham Đầu lại dạy thêm:

- Nếu ông muốn tuyên dương đại giáo, thì tất cả lời nói và việc làm, đều phải từ trong hông ngực của mình mà lưu xuất, cần đầu đội trời chân đạp mà đi.

Tuyết Phong nghe xong, ngay đó liền triệt ngộ (Thông suốt tất cả chân lý).

LỜI BÌNH:

Tri thức của thế gian, cho đến khoa học, đều là dựa trên thế giới hiện tượng mà lý giải rõ ràng. Nhưng Phật pháp là từ bản thể trong tâm mà chứng ngộ. Tuyết Phong tham thiền đã lâu mà không chứng ngộ, là do tâm còn chấp trước với cảnh duyên bên ngoài, không có pháp tu để dừng vọng niệm. "Người từ cửa vào, chẳng phải là của báu trong nhà". Phải đạt đến "Từ tâm lưu xuất, mới là bản tánh chân thật". Đây là muốn dạy cho hành giả không cần nghiên cứu trên ngọn ngành, mà phải xây dựng nền móng trên cơ sở tổng thể.




Âm lịch

Ảnh đẹp