Ảnh: Đình Dzũ
|
Chào nhạc sĩ Phạm Duy. Dị khúc Bích Khê - tên mà ông đặt cho CD mới nhất của mình có ý nghĩa gì ạ?
- Tôi chọn ra 10 bài thơ của thi sĩ Bích Khê để phổ thành nhạc và đặt
tên là Dị khúc Bích Khê. “Dị” ở đây vừa mang nghĩa bình dị, vừa là quái
dị. Có rất nhiều bài thơ của Bích Khê làm người ta tưởng có gì đó quái
dị, nhưng thật ra nó rất bình dị và ngược lại. Bích Khê làm thơ theo lối
gán ghép, tượng trưng nên phải tinh tế lắm mới hiểu được ý thơ của ông
ấy. Thơ Bích Khê nói nhiều đến tính dục. Hơn bảy chục năm trước mà dám
nói về những điều bị coi là cấm kỵ như thế, Bích Khê không “dị” chứ là
gì nữa?
Sao ông tự tin cho rằng mình hiểu Bích Khê đến vậy?
- Từ trẻ tôi đã mê Bích Khê rồi. Tôi thương những con người sinh ra
trên đời bị thuyết “tài mệnh tương đố” đeo bám như: Nguyễn Du, Hàn Mặc
Tử, Bích Khê... Riêng Bích Khê, tôi thích cách ông nói về chuyện ân ái:
“Vàng sao nằm im trên hoa gầy”. Và tôi nhận thấy, ông xem việc bước vào
cõi chết giống như được lên tới thiên đường vậy.
Mê là một chuyện, hiểu lại là chuyện khác. Hay ông nhận thấy giữa ông và Bích Khê có điểm tương đồng?
- Cũng có thể gọi đó là thần giao cách cảm. Thứ nhất là việc Bích Khê
dám nói về vấn đề xác thịt. Mấy chục năm sau thời Bích Khê, có một Phạm
Duy cũng dám nói về vấn đề ấy. Kế đến, cuộc đời Bích Khê gắn liền với
cái giường bệnh, nhưng ông ấy đã viết ra bài Sầu lãng tử. Điều đó chứng
tỏ Bích Khê luôn khao khát được đi. Còn tôi, tôi đi suốt đời.
Sau Minh họa truyện Kiều, Trường ca Hàn Mặc Tử là Dị khúc Bích
Khê, hình như thời gian gần đây ông chú tâm toàn bộ vào việc phổ nhạc
cho thơ?
- Nếu muốn viết về quê hương đất nước, tôi phải đi đây đó. Nếu muốn
viết về tình yêu, tôi phải có đàn bà. Bây giờ tôi đi không được, mà cũng
chẳng có người đàn bà nào bên cạnh, nên tôi tập trung phổ nhạc cho thơ.
Ông có thể diễn giải rõ điểm khác biệt của Dị khúc Bích Khê so với những tác phẩm trước không ạ?
- Dị khúc Bích Khê là cột mốc tôi vượt được chính mình. Lúc trước tôi
thường làm nhạc theo lối ngũ cung, giản dị lắm. Tới Dị khúc Bích Khê
tôi làm theo lối thất cung, giai điệu của nó có vẻ Âu hóa hơn. Mặc dù
vẫn sử dụng nhạc cụ dân tộc như sáo, đàn tranh… này kia, nhưng những âm
giai Tây phương đa dụng làm nhạc của tôi khác đi, âm vực cũng rộng hơn.
Một điểm khác biệt lớn nữa là trong Dị khúc Bích Khê, phần nhạc lấn át
phần lời.
Những điểm khác biệt đó đang lôi cuốn ông?
- Thật ra trước đây tôi từng làm vài bài nhạc theo lối thất cung, ví
dụ bài Đường chiều lá rụng. Ai cũng hiểu, số ít thì không thể gây được
phong trào. Hoàn thành Dị khúc Bích Khê, tôi có cảm giác nhiều tác phẩm
trước của mình giống như loại tranh mộc bản, tranh tàu hay loại tranh
trắng - đen đơn giản. Những cái mới, nó chính là thứ tranh rực rỡ của
Paul Cézanne, của Pierre Auguste Renoir, của hội họa đương thời.
Nói về mới - cũ, với tôi, Dị khúc Bích Khê là mới. Còn việc người khác có thấy nó mới hay không thì tôi chịu chết!
Phải chăng vì sự mới ấy mà nhiều người nhận định, nhạc của Phạm Duy ngày càng kén người nghe?
- Quy luật đúng thế thôi! Trên hành trình của tôi, tôi luôn tìm kiếm
cái mới. Vả lại, nhạc của tôi kén người hát hay kén người nghe thì tôi
cũng chịu. Tôi có sự tự do của người nghệ sĩ, không gì sai khiến được.
Công việc sáng tác của ông ở tuổi 92 có gì khác so với thời trai trẻ?
- Chẳng khác gì cả. Tôi vẫn là tôi, một kẻ lãng tử. Tôi viết nhạc
không có chương trình, thích thì làm thôi. Bài nào làm xong mà thấy dở
là tôi bỏ ngay.
* Ngoài viết nhạc, ông còn dành thời gian vào công việc nào khác không?
- Tôi đang viết một cuốn sách, được hơn nửa rồi. Cuốn sách là tập hợp
giai thoại về những bài hát của tôi: Làm ở đâu, vì ai mà làm…
* Khi một người bắt đầu viết hồi ký hay sắp xếp gọn ghẽ lại những
thứ đã qua, đó có phải chính là lúc họ chuẩn bị đón nhận cuộc ra đi?
- Chẳng thể có chuyện một người 92 tuổi mà chưa từng nghĩ qua cái
chết. Hôm nay, tôi đang yếu đi rất nhiều. Nhưng nếu còn đủ hơi sức thì
tôi vẫn muốn viết nhạc.
Xin thứ lỗi, vậy nếu phải chết, ông muốn cái chết của mình sẽ ra sao?
- Chết một cách tự nhiên. Tôi nghĩ, tôi chết cũng như sống thôi, vì
gia tài để lại của tôi nhiều lắm. Một trăm năm nữa, nếu người ta vẫn hát
bài Tình ca với câu Tôi yêu tiếng nước tôi, 999 bài còn lại, người ta
quên cũng được.
Và, mồ của tôi sẽ nằm trên môi những người hát nhạc Phạm Duy.
Cám ơn nhạc sĩ đã chia sẻ.
“Bích Khê (1916-1946) là một trong những thi sĩ thuộc
trường phái tượng trưng xuất hiện ở Việt Nam vào những năm ba mươi, bên
cạnh Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử... Tập thơ Tinh Huyết
của ông đã làm rúng động văn đàn lúc bấy giờ khiến thi sĩ họ Hàn phải
gọi đó là “những đóa hoa thần dị”. Trước hết, tôi thấy thơ Bích Khê là
sự giao lưu giữa thơ cổ và thơ hiện đại, giữa kiến trúc, nghệ thuật, âm
nhạc và hội họa. Đặc biệt, trong lối tạo hình, ông sử dụng một phương
pháp mới: Phương pháp cách gián. Sau Hồ Xuân Hương, có thể nói Bích Khê
là người tiêu biểu trong việc xưng tụng xác thịt và cái đẹp lõa thể. Ông
khác những thi nhân cùng thời ở chỗ, ông xem cõi âm ty không phải là
địa ngục mà là thiên đường. Đối với Bích Khê, cái chết chính là giới hạn
cuối cùng để thăng hoa trở về sự sống cùng tâm hồn chưa từng hết cuồng
say. Thêm điểm nổi bật nữa là thơ Bích Khê dựa trên âm bằng nên chất
nhạc trong thơ ông đổi hẳn cung bậc, không còn giống thơ cổ điển, mà lại
khác biệt thơ mới.
Bích Khê có trên 60 bài thơ ca ngợi những mảng đặc sắc
của đời sống. Dường như không có bất kỳ câu chuyện gì để tôi soạn nhạc
ngoài những hình tượng khác thường. Vào một ngày mùa xuân năm nay, tôi
đã hoàn tất 9 bài, cộng với 1 bài đã phổ từ năm 1969. Tất cả nằm trong
một hợp khúc có tên gọi Dị khúc Bích Khê, bao gồm: Nghê thường, Sầu lãng
tử, Huế đa tình, Tì bà, Thi vị, Mơ tiên…”.
Nhạc sĩ Phạm Duy
|
Nguyễn Khắc Ngân Vi
(thực hiện