21/01/2013 15:08 (GMT+7)
Số lượt xem: 202670
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

NSGN - Việc tế tự, dù cho chư thiên hay các vị thần linh, cũng đều biểu trưng cho lòng biết ơn và thành kính của con người đối với những gì mà họ đã nhận được trong cuộc sống của mình.



Lễ tế thần của người miền núi

Tết của người Kơro ở cao nguyên Trung phần sau tết của người thành thị một tháng, gọi là Tết Lir Bong. Lir Bong là “Mừng lúa về”. Nó bắt đầu vào khoảng tháng Ba dương lịch. Thóc vừa gặt xong, tha hồ nhàn rỗi, chờ đến mùa mưa mới cày cấy cho vụ sắp tới.

Tết “Mừng lúa về” được tổ chức hàng năm. Họ rào làng tránh cướp bóc, sửa sang đường sá, giếng nước, trồng cây nêu v.v… Lễ được khai mạc vào buổi chiều khi mặt trời đã lặn. Trống kèn khua vang, gà, vịt, dê, lợn được mang ra tế lễ dâng cúng Thượng đế với lời cầu nguyện: “Khẩn cầu Thượng đế nhận lời cảm tạ của mọi người. Thượng đế đã ban phúc cho dân làng, dân làng có thóc ăn quanh năm. Xin ban phát cho mọi người được sức khỏe dồi dào để làm việc nhiều hơn cho mùa sau. Kết quả càng tốt đẹp”. Lời cầu nguyện vừa xong, chủ tế chém chết những con vật, lấy huyết vẩy lên cửa nhà, vạt thóc, giạ lúa,… sau đó mang ra làm cỗ đãi khách. Suốt đêm chuông trống vang lừng khắp nơi. Họ tin tưởng may mắn sẽ đến vào những ngày kế tiếp(1).

Tết của đồng bào Di Linh, một năm không nhất định bao nhiêu ngày. Ngày tết của họ thay đổi từ làng này sang làng khác. Sự thay đổi khiến họ có thể dự tết nhiều nơi. Tết là một ngày hoàn toàn ở gia đình. Nghi lễ chỉ tổ chức trong phạm vi nhà cửa và vựa thóc. Gà được lấy máu vẩy lên các bồ thóc để cầu thần linh cho những hạt giống sinh sôi nẩy nở… Những con lợn bị giết và đem thui, ruột gan đựng riêng để tế thần. Đêm xuống, trong vựa thóc chỉ còn leo lét ánh lửa thui lợn như ánh lửa nấu bánh chưng của dân đồng bằng thành thị.

Phong tục tuy có khác nhau, nhưng nói chung, tết xưa ở miền núi thường đi kèm với máu của súc vật, kèn trống, hét hò và những bình rượu lớn.

Cổ tục làng Tích Sơn

Trai làng Tích Sơn đến mười tám tuổi đều được làng cử nuôi một con gà ngay từ đầu năm trước, để đầu xuân năm sau có gà tế thần. Họ phải săn sóc vỗ béo sao cho gà được nặng cân.

Ngày mùng ba tết, tất cả đều khăn đóng áo dài mang gà ra đình làm lễ. Mỗi người ôm gà của mình sắp hàng chỉnh tề trước đình. Đợi các vị tiên chỉ trong làng khấn vái xong, các chàng trai ôm gà nhảy nhót và vái lễ trước bàn thờ. Sau đó, từng người một dùng dao chém đứt đầu gà, tiết gà được hứng riêng, thân gà mang ra nhổ lông làm thịt. Phân gà có khi vãi cả ra bàn thờ cúng thần khi bị chặt đầu.

Ngoài tục chém gà còn có tục chém lợn. Lợn cũng được vỗ béo và dẫn ra đình. Nó được tắm rửa sạch sẽ và thả đi vòng vòng trước bàn thờ để trình Đức Thành hoàng. Trình lợn xong, một thanh niên cầm gươm phang vào đầu lợn. Phải biết cách chém nhanh, chém mạnh, gươm phải thật bén để đầu lợn đứt lìa ngay nhát chém đầu tiên. Đang tung tăng, bị một nhát gươm, lợn không kịp kêu, máu từ cổ phun ra, thân lảo đảo rồi ngã quỵ. 

Có cổ tục này là do dân làng Tích Sơn chịu ảnh hưởng vị thần mà họ đang dâng lễ tế. Tương truyền, lúc sinh tiền ông là một tên tướng cướp. Khi bị dân làng đuổi tới chân núi thì cùng đường. Bị vây hãm quá đói, sẵn có con lợn ngang qua, ông chém ngang mà ăn sống v.v... Sau, do chết vào giờ linh(?) ông được dân làng tế tự như vị thần giữ làng(2). Nhân tích ăn lợn đó mà có lễ dâng lợn vào đầu xuân hàng năm.

Tục dâng rượu ở làng Yên Đổ

Với cái nhìn của người thế gian, không có rượu thì không có lễ, nên trong việc tế tự, đa phần đều có rượu đi kèm. Riêng ở làng Yên Đỗ, rượu mang dâng thần phải là loại rượu thật đặc sắc, được các lão làng tế tự tuyển chọn kỹ càng mới được dâng cúng.

Việc cúng kiếng ở thành thị

Xuân ở thành thị, từ xưa đến nay vẫn văn minh hơn. Gà, vịt, heo, bò tuy vẫn bị giết, nhưng máu của chúng đều được rửa sạch. Không thể để dấu vết của sự chết chóc tồn tại đâu đó trong nhà cửa hay trong chốn làm ăn vào những ngày đầu năm. Thật kinh hoàng khi đâu đó xuất hiện một vài giọt máu, dù của súc vật. Xem ra, thứ mà ngày xưa dân miền núi gọi là điềm may, nay lại được coi như điềm bất hạnh với dân thành thị. Xét cho cùng “may” hay “không may” chỉ là vọng tưởng của con người.

Đa phần mọi nhà đều có tục làm cơm rước ông bà vào cuối năm. Người người lau rửa, sơn sửa nhà cửa sạch đẹp để chuẩn bị đón mừng năm mới. Thức ăn đồ uống cũng được dự trữ đầy đủ trong ba ngày tết. Phần do chợ búa ngày xưa không mở bán trong những ngày đó, phần mọi người đều tin rằng sự sung túc đầy đủ đầu năm là điềm báo cả năm được sung túc dư dả. Mọi người còn nhắc nhau phải vui vẻ, không được nhăn nhó gay gắt để cả năm được an bình. Bực bội, la hét hay khóc lóc phải được kiêng cữ tối đa trong ba ngày tết. Mùng ba tết có lễ làm cơm tiễn ông bà.

Lễ tết, ngoài cơm nước thịnh soạn, còn có bánh chưng, bánh tét, tiền lì xì, rượu, chè v.v… Tùy phong tục của từng miền mà nhà nhà sắm sửa sao cho thịnh soạn để cả năm được sung túc an lành.  

Lợi ích của tế tự qua cái nhìn của Đức Phật

Việc tế tự, dù cho chư thiên hay các vị thần linh, cũng đều biểu trưng cho lòng biết ơn và thành kính của con người đối với những gì mà họ đã nhận được trong cuộc sống của mình. Dù việc tế tự mang tính cầu xin là không đúng với chánh kiến, nhưng bản thân việc tế tự lại mang tính bố thí và lòng biết ơn, nên cái quả của nó vẫn có liên quan ít nhiều đến sự sung túc.

Trong kinh Trường bộ quyển I, bài kinh số 5, khi được Bà-la-môn Kutadanta hỏi về cách thức tế tự và các tế vật, Phật đã trả lời gián tiếp bằng câu chuyện tế tự của vua Mahàvijita. Trong đó, vị Bà-la-môn chủ tế đã vạch định cho vua Mahàvijita các điều kiện thiết yếu để ông có thể gặt được cái quả hạnh phúc an lạc dài lâu trong tương lai:

1/ Mời tất cả những vị Sát-đế-lị, chư hầu các tỉnh thành, các đại thần cùng quyến thuộc, các gia chủ phú hào (Phật gọi chung là bốn đại chúng) tham dự, như việc chứng thành cho buổi lễ tế đàn được thành tựu.

2/ Vua Mahàvijita cần có 8 đức:

- Thiện sinh từ mẫu hệ lẫn phụ hệ.

- Huyết thống thanh tịnh đến bảy đời tổ phụ, không một lời dèm pha nào đối với vấn đề huyết thống.

- Sắc diện và phong thái phải thanh cao tuấn nhã.

- Tài bảo sung túc, thương khố sung mãn.

- Có uy lực, đầy đủ bốn loại quân chủng chinh phục địch quân.

- Có tín tâm, từ tâm, chuyên làm công đức cho Sa-môn, Bà-la-môn, kẻ bần cùng…

- Bác học trong mọi vấn đề.

- Có thể suy tư tinh thông các việc từ quá khứ cho đến vị lai.

3/ Vị Bà-la-môn làm chủ tế đàn phải có đầy đủ năm đức:   

- Thiện sinh từ mẫu hệ lẫn phụ hệ.

- Huyết thống thanh tịnh đến bảy đời tổ phụ, không một lời dèm pha nào đối với vấn đề huyết thống.

- Là nhà phúng tụng, trì chú, thông hiểu ba tập Veda với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền thống.

- Có biệt tài về thuận thế (tự nhiên học) và xem tướng bậc đại nhân.

- Là nhà bác học tinh thông, sáng suốt với đầy đủ giới hạnh và đức độ cao dày.

4/ Trước khi tế lễ, vị Bà-la-môn chủ tế cần căn dặn vua Mahàvijita ba pháp “không nên”:

- Trước khi lễ tế đàn xảy ra, không nên hối tiếc “phần lớn tài sản ta đã tiêu hao…”.

- Trong khi đang làm lễ tế đàn, không nên hối tiếc “phần lớn tài sản ta đã tiêu hao…”.

- Sau khi làm lễ tế đàn, không nên hối tiếc “phần lớn tài sản ta đã tiêu hao…”.

Nói chung, không khởi tâm hối tiếc đối với việc tế đàn dù với bất kỳ lý do gì.

Vì sao không nên hối tiếc đã được Phật nói trong phẩm Địa chủ, kinh Tăng nhất A-hàm quyển I. Nhân duyên cúng dường bố thí tuy đưa đến cái quả sung túc cho thí chủ, nhưng bố thí rồi mà khởi tâm hối tiếc thì dù được quả báo sung túc vượt bực, cũng không hưởng được quả ấy, cũng không được vui trong ngũ dục(3). 

5/ Vị Bà-la-môn khuyến khích vua lập tế đàn với nội tâm hoan hỷ an vui. Dù việc bất như ý nào xảy ra, nhà vua vẫn nên giữ nội tâm hoan hỷ. 

6/ Trong lễ tế đàn, không có trâu, bò, dê, cừu, gà, heo bị giết. Cũng không có loại sinh vật nào bị sát thương. Không có cây cối bị chặt để làm trụ cột tế lễ. Không có cỏ cát tường bị cắt để rải chung quanh. Các kẻ gia bộc, làm thuê không bị dọa nạt đánh đập khiến cho sợ hãi, khổ nhọc. Tế đàn được hoàn tất chỉ với dầu, sinh thô, thục tô, mật và đường miếng.

Không có thú vật v.v..., vì đánh đập và sát sanh là nhân đưa đến bệnh tật, nạn tai và yểu tử. Cho nên, muốn có sức khỏe thì không nên giết hại súc vật để tế đàn. Chỉ cần không sát sinh v.v… thì không cần có trụ tế đàn hay cỏ cát tường rải quanh, cát tường vẫn đến. Đó là lý do vì sao trong việc tế lễ, Đức Phật dạy không có thịt súc vật dâng cúng, cũng không có sự dọa nạt đánh đập. Bởi từ tâm là nhân giúp thoát được mọi nạn tai.

Làm được một tế đàn như thế thì cuộc sống của chúng ta sẽ được hạnh phúc an lạc dài lâu. Song với những điều thiết yếu cần có của một lễ tế đàn như thế không phải ai cũng làm được. Vì thế, Kutadanta hỏi tiếp:

- Thưa Tôn giả Gotama, có tế đàn nào ít phức tạp, ít phiền nhiễu mà lại nhiều quả báo và lợi ích hơn cách tế đàn như thế?

- Đó là bố thí thường xuyên, những tế đàn thuận lợi, cúng dường cho các vị xuất gia có giới đức.

Quả báo bố thí lệ thuộc vào ba thứ là tâm người bố thí, phẩm vật bố thí và giới hạnh người được bố thí. Bố thí thường xuyên, là đủ duyên liền bố thí, không đợi phải lập đàn tràng. Người cần liền bố thí. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Đó là ruộng phước tốt, tâm người bố thí cũng tốt. Cúng dường cho các vị xuất gia có giới đức cũng là ruộng phước tốt, là gieo nhân với Tam bảo để được sự hộ trì của Tam bảo.

Kutadanta lại hỏi tiếp:

- Thưa Tôn giả, có tế đàn nào ít phức tạp, ít phiền nhiễu mà lại nhiều quả báo và lợi ích hơn là bố thí thường xuyên, những tế đàn thuận lợi, cúng dường cho các vị xuất gia có giới đức?

-  Đó là xây dựng tinh xá cho Tăng chúng tu tập.

- Thưa Tôn giả, có tế đàn nào ít phức tạp, ít phiền nhiễu mà lại nhiều quả báo và lợi ích hơn là xây dựng tinh xá cho Tăng chúng tu tập?

- Đó là thành tâm quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Này Bà-la-môn! Tế đàn này ít phiền hại mà lại được quả báo lợi ích nhiều hơn các cách tế đàn trên.

- Thưa Tôn giả, có tế đàn nào ít phức tạp, ít nhiễu hại mà lại nhiều quả báo và lợi ích hơn là quy y Tam bảo?

- Đó là thành tâm giữ gìn 5 việc không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm và không uống rượu. Giữ được 5 việc đó là tế đàn mang lại hạnh phúc và an lạc dài lâu cho con người.

Tùy mức độ giữ gìn mà ta có được hạnh phúc và an lạc nhiều hay ít, dài hay ngắn. Đây là tế đàn mà tất cả ai cũng có thể thực hiện cho chính bản thân, kể cả những người không thuộc đạo Phật, để có được hạnh phúc và an lạc dài lâu. 

Điên trần truồng

Luận Đại trí độ kể rằng:

Ở Nam Thiên Trúc có vị pháp sư giảng về ngũ giới. Trong đó có nhiều ngoại đạo đến nghe. Nghe xong quốc vương nước đó vấn nạn pháp sư:

- Nếu đúng như lời ngài nói, người uống rượu cũng như kẻ cho rượu đều phải chịu quả báo điên khùng, thì đáng ra đời này người điên phải nhiều hơn người tỉnh, sao người điên ít mà người tỉnh lại nhiều?

Hàng ngoại đạo vẫy tay tán đồng:

- Đúng! Đúng! Người tỉnh nhiều hơn người điên. Vua thật là người lợi trí. Lời vấn nạn thâm thúy thay! Nhất định gã trọc đầu ngồi tòa cao kia không thể nào trả lời.

Pháp sư không trả lời mà lấy tay chỉ hàng ngoại đạo rồi nói qua chuyện khác. Vua liền hiểu.

Hàng ngoại đạo xầm xì:

- Lời vấn nạn quá thâm thúy đâu thể trả lời. Xấu hổ nên đưa tay chỉ chỉ rồi nói qua chuyện khác.

Vua nói với các ngoại đạo:

- Pháp sư lấy tay chỉ chỉ là đã nói xong. Vì muốn bảo vệ các ngươi nên không trả lời mà lấy tay chỉ chỉ, là muốn nói lũ điên chính là các ngươi. Điên không phải ít. Các ngươi lấy tro bôi người, trần truồng không biết hổ thẹn. Dùng đầu lâu của người đựng phân mà ăn. Mùa đông thì nhảy vào nước, mùa hạ lại hơ lửa. Các việc làm phi đạo như thế đều là hình thức của điên khùng. Lại vùi mình trong cát mà cho là tiêu hết tội lỗi. Những việc cưỡng nhân trái duyên như thế mà cho là nhân duyên của nhau, không phải điên là gì?

Nói chung, những suy nghĩ và hành động nào trái với chánh kiến, gây tạo nhân quả không phù hợp với những gì kinh Thập thiện đã nói, đều là hình thức của điên cuồng. Phật nói điên đảo. Tổ Long Thọ nói “điên trần truồng”. Nói điên, vì nó trái với quy luật bình thường.

Thế gian này, có những cái điên lộ hẳn ra ngoài, được mời ngay vào nhà thương điên thì dễ thấy rồi. Nhưng cái gọi là “điên trần truồng” đây thì ít ai thấy mà gần như ai cũng có, chỉ là ít hay nhiều, cạn hay sâu mà thôi.

Không tin vào lý nhân quả, giết người hàng loạt để lên Niết- bàn, giết hại sinh vật làm lễ tế tự với mong cầu được sức khỏe, muốn giàu có phải tranh giành chụp giựt, tham nhũng, thỉnh bùa, chú ngải v.v… đều là hình thức của điên trần truồng. 

Uống rượu là một trong những cái nhân đưa đến tà kiến. Từ tà kiến mà có hoạn nạn, tai ương, nhưng hiện nay ít ai tin điều đó. Đáng nói là dù rượu đưa đến khá nhiều thảm họa trước mắt, nó vẫn được đa phần mọi giới ca tụng và xem như một thú tiêu khiển không thể thiếu trong các buổi trà tiệc. Thế giới ngày càng đảo điên một phần là đó.

Xuân của bậc đạo nhân

Dù may mắn hay bất hạnh thì xuân về, không phải chỉ mang sự sống và niềm vui đến muôn loài. Niềm vui của loài này có khi là nỗi đau của loài khác. Sự sống của loài này có khi là sự chết chóc của loài khác. Ta hồ hởi đón xuân với những vật phẩm tốt lành nhưng lũ súc vật thì không. Một nỗi sợ hãi và chấm dứt thân mạng khá đau khổ. Niềm vui của ta hình thành một phần từ nỗi đau của kẻ khác, nên cái quả mà ta có được là một thế giới Sa-bà phân ranh, không ngừng chiến tranh, thù hận, nạn tai và chết chóc. Không như xuân của những kẻ miền núi vô sự:

Ở núi, việc không, cửa đóng gài

Độc tọa tâm cùng, dứt thấy nghe

Màn giấy tùng mai trăng rọi sáng

Nhân gian chỉ đó một càn khôn.

              (Sơn Cư Bách Vịnh)

Ở núi không người thì xuân về đâu phải tiếp khách mà cửa không đóng, việc cho nhiều? Một mình một chợ thư thả đất trời như chốn không người. Người nhàn cảnh nhàn, người như cảnh như. Vật ngã đều quên, bỉ thử vắng bóng. Tâm không cảnh không thì thấy nghe không tồn tại. Chỉ như trăng sáng chiếu khắp đất trời. Vạn vật đều tỏ như trăng soi bóng nước. Trạm nhiên chưa từng vắng thiếu.

Hòa thượng Thường Chiếu bình: “Bậc siêu thoát trí hạnh viên dung, thấy nghe không phân biệt. Xoay thấy nghe trở về tâm. Đây là bậc đại trí đại hạnh. Cảnh giới của Văn Thù, Phổ Hiền toàn bày đầy đủ. Điền địa này siêu tuyệt, ít người vãng lai, vượt khỏi nhị biên, siêu thoát thể nhập. Người đến được đất này thường ngồi trên lưng voi hoặc cỡi sư tử dạo khắp đó đây, tùy duyên hóa độ làm lợi ích chúng sinh...", rồi nói  kệ rằng(4):

Trên ngọn Diệu Phong rong tự tại

Xem xét mười phương

chúng khổ đau

Khởi từ phương tiện tùy ứng hóa

Đưa chúng đồng lên bờ Niết-bàn.

Mới hay, núi cao một mình không ngoài núi tâm vô sự. Tâm không cảnh không thì ngay chốn thành thị đồng bằng vẫn là trên đỉnh Diệu Phong thong dong tự tại. Từ tâm khai phát thì không vì cái vui của mình mà động đến nỗi đau muôn loài. Không vì sở thích của mình mà phá bỏ cái vui của muôn người. Xuân xuân từ đó khắp nơi. Xuân xuân từ đó mọi thời. Đây là tế đàn mà phần thiết lập tế đàn ít phức tạp phiền nhiễu nhưng quả báo lợi ích thì không gì bằng, như Đức Phật đã nói với Kutadanta:

 - Này Kutadanta! Như Lai xuất hiện ở đời là bậc A-la-hán, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Như Lai sau khi tự chứng ngộ với thượng trí thế giới này, với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, tất cả thế giới, với Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Nhân, lại tuyên thuyết điều đã chứng ngộ. Như Lai thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện đầy đủ văn nghĩa, Như Lai truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh. Nếu có người nào nghe pháp ấy. Sau khi nghe pháp, người ấy sinh lòng tín ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tín ngưỡng ấy, vị này suy nghĩ về đời sống từ bỏ dục lạc ở gia đình. Một thời gian sau, người ấy từ bỏ tất cả, sống đời sống không gia đình. Khi đã xuất gia, vị ấy sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập giới học. Thân nghiệp, ngữ nghiệp thanh tịnh. Sinh hoạt trong sạch. Giới hạnh đầy đủ. Thủ hộ các căn. Chánh niệm tỉnh giác. Biết tri túc... Đó là tế đàn ít phiền nhiễu nhất mà lợi ích thì lớn lao nhất. 

Hay và không hay - Giữ và bỏ

Tập tục truyền lại không phải cái gì cũng hay. Có cái hay mà có cái không hay. Làm lễ tạ ơn trời Phật thần linh vì lòng biết ơn là hay, nhưng sát sinh hại vật làm lễ dâng cúng thì không hay. Làm lễ tạ ơn Trời Phật là hay nhưng giao phó tính mạng của mình vào tay Trời Phật thì không hay. Vấy máu súc vật cùng khắp là không hay nhưng giữ tâm hoan hỷ, không để phiền não hiện hình vào những ngày đầu năm là hay. Sửa soạn nhà cửa, thức ăn dự trữ đầy đủ là hay, nhưng phải đi vay nợ để tạo sự sung túc tạm bợ vì mê tín dị đoan thì không hay v.v...

Hay, nối tiếp giữ gìn thì dễ, vì nó thuận với thói quen và tập tục của mọi người. Nhưng với cái không hay thì từ bỏ không phải dễ. Bởi cưỡng lại thói quen tạo ra sự bất an cho chính mình. Đi trái lại tập tục của tập thể đông đảo cũng tạo ra sự bất an không nhỏ. Do đó chúng ta dễ bị các tập tục xấu trói buộc khiến phải gặt quả xấu trong tương lai. Cho nên, muốn bỏ những tập tục xấu, đòi hỏi chúng ta phải có niềm tin vững mạnh vào những gì Như Lai đã nói. Có trí tuệ để học hiểu và nhìn nhận vấn đề cho chính xác. Tránh tình trạng đi từ cực này sang cực kia, dứt bỏ luôn cả những điều tốt đẹp, rơi vào chấp không nhân quả. Và cuối cùng, cần có định lực và can đảm để dứt bỏ những gì cần dứt bỏ. Tự mình dứt bỏ và động viên người khác dứt bỏ để cuộc sống được an vui thật sự.

Sang năm mới, nguyện cho tất cả chúng sinh có được niềm tin sâu sắc đối với giáo pháp của Như Lai. Tự lợi và lợi tha rộng rãi để thế giới được an bình, nơi nơi được ấm no, đao binh và nạn tai chấm dứt.

 Chú thích

(1) Phần lễ tết của các bộ tộc đều được lấy ra từ cuốn Nếp cũ của nhà văn Toan Ánh.

(2) Sau cái chết của ông, có nhiều việc không hay xảy ra trong làng, nên dân làng cho rằng ông chết vào giờ linh mà lập miễu thờ tự.

(3) Đây đang nói đến phước báu Nhân Thiên nên có việc vui trong ngũ dục.

(4) Sơn cư bách vịnh, HT.Thích Nhật Quang chú dịch.

Chân Hiền Tâm

http://giacngo.vn/nguyetsan/vanhoa/2013/01/21/1B4212/


Âm lịch

Ảnh đẹp