Trong nền văn hóa Việt Nam, từ hàng nghìn năm nay những quả chuông
lớn bằng đồng luôn được coi như biểu tượng tâm linh mà hầu hết các các
công trình tôn giáo, tín ngưỡng như nhà thờ, đền chùa, từ đường... đều
có. Với vai trò đó, rất nhiều câu chuyện lạ lùng đã xuất hiện chung
quanh những quả chuông này…
Chuông bị “thiến” cho khỏi vang
Trong
lịch sử Việt Nam có một quả chuông không to lớn, không gắn với các câu
chuyện thần thoại, nhưng có một số phận rất lạ lùng. Đó là quả chuông
của làng La Chữ (huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Làng
La Chữ vồn là một ngôi làng trung thành với triều đình Tây Sơn. Quả
chuông của chùa làng được đúc vào năm Quang Trung thứ 4 (1791), do
chính vợ chồng tướng Võ Văn Dũng, một vị võ tướng chủ chốt của triều
Tây Sơn cùng với nhạc phụ đứng ra làm hội chủ cúng dường.
Chuông làng La Chữ. Ảnh: CAND.
Đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, để xóa sổ những tàn tích của vương
triều cũ, nhiều giá trị văn hóa của triều Tây Sơn cũng bị nhà Nguyễn
trưng thu, phá hủy, đặc biệt là các loại hiện vật bằng đồng. Sự gắn bó
của làng La Chữ với vương triều Tây Sơn đã khiến người dân nơi đây bảo
vệ quả chuông bằng mọi giá.
Quả chuông đồng của làng La Chữ có
một điểm lạ là tuy không phải lớn nhưng khi đánh lên lại có tiếng ngân
vang xa kỳ lạ. Các bô lão trong làng sợ tiếng chuông vang đến tai vua
triều Nguyễn và bị tịch thu bèn cho “thiến” chuông nhằm giảm bớt tiếng
vang.
Đó là cách khoan trên đỉnh nhiều lỗ, rồi trám chì vào.
Mỗi lần có quan binh triều Nguyễn đến lùng sục trong làng, các bô lão
đã lại chuông giấu xuống giếng làng rồi dùng cây cối che khuất để ngụy
trang, không cho quan binh nhìn thấy. Chính vì thế mà trải qua nhiều
thăng trầm, đến nay quả chuông quý vẫn còn được lưu giữ tại chùa làng
La Chữ.
Chuông nặng đến mức… treo không nổi
An Nam tứ đại khí là bốn vật quý bằng đồng nổi tiếng, được đúc công
phu, trọng lượng rất lớn, được những người thợ thủ công tài giỏi bậc
nhất chế tác trong triều đại Lý - Trần. Một trong bốn vật quý đó là
chuông Quy Điền.
Sự xuất hiện của chuông Quy Điền gắn liền với
lịch sử của chùa Diên Hựu (chùa Một Cột). Ngôi chùa được dựng ở trung
tâm kinh thành Thăng Long trong giai đoạn đầu tiên của triều Lý (khoảng
năm 1049).
Chuông Quy Điền gắn liền với lịch sử của chùa Một Cột.
Năm 1108, Nguyên phi Ỷ Lan cũng cho đúc một quả chuông rất to, tương
truyền là nặng đến một vạn hai nghìn cân. Chuông có tên là Giác Thế
Chung, ngụ ý là tiếng chuông sẽ thức tỉnh người trên cõi đời. Với tầm
vóc của mình, chuông được liệt vào một trong Tứ đại khí thời bấy giờ.
Nhưng sau khi hoàn thành thì chuông gióng lên không kêu. Cho rằng nó đã
thành khí, không nên tiêu hủy, nhà vua bèn sai người vần ra khu ruộng
sau chùa. Cũng có tích kể rằng sau khi đúc, quả chuông nặng tới mức
không thể treo lên nên phải đem ra để ngoài ruộng. Vì khu ruộng này
thấp trũng, có nhiều rùa đến ở, nên có tên là Quy Điền (ruộng rùa).
Đến thế kỷ 15, quân Minh sang xâm lăng nước ta, chiếm được thành Đông
Quan (tức là Hà Nội sau này). Lê Lợi đem quân từ Lam Sơn ra bao vây
thành của chúng. Vì thiếu vũ khí, đạn dược, tướng Minh là Vương Thông
đã sai quân lính phá hủy chuông Quy Điền để lấy đồng đúc khí giới.
Quả chuông tạo nên hồ Tây
Một quả chuông kỳ lạ khác trong lịch sử Việt Nam gắn liền với truyền
thuyết về hồ Kim Ngưu (hồ Tây ngày nay). Truyện kể rằng, vào thời Lý ở
nước Việt có một người khổng lồ hết sức to lớn, sức khỏe phi thường,
muôn người không địch nổi, xuất gia làm thiền sư. Đó chính là thiền sư
Minh Không.
Một dịp nọ thiền sư sang phương Bắc để chữa bệnh
cho con vua Tống. Khi công việc hoàn thành, vua muốn trả ơn. Nhà sư chỉ
xin một ít đồng đen cho vào tay nải. Vua Tống đồng ý cho thiền sư vào
kho lấy đồng, với số lượng bao nhiêu tùy ý. Sư đã lấy tất cả đồng đen
trong kho bỏ vào tay nải và thả nón làm thuyền bơi về quê hương.
Quả chuông của Thiền sư Minh Không còn nằm dưới hồ Tây?
Về Thăng Long, ông dùng số đồng đó đúc thành các bảo khí nhà Phật,
trong đó có một quả chuông đồng cực lớn. Chuông đúc xong, đức vua sai
ông đánh một hồi chuông dài để báo hiệu cho dân chúng biết.
Tiếng chuông ngân đến tận kinh đô nước Tống. Nghe tiếng chuông, con trâu
bằng vàng to lớn nằm trước kho đồng bên Tàu tự dưng bừng tỉnh. Vì
"đồng đen là mẹ của vàng", ngỡ là tiếng mẹ gọi nó liền vươn mình phóng
thẳng xuống phương Nam tìm đến quả chuông khổng lồ.
Trâu vàng
quần quanh mãi mà không tìm thấy “mẹ”, khiến cho cả một vùng đất lớn
quanh quả chuông sụp xuống thành một vùng hố sâu. Quả chuông cũng đổ sụp
xuống hố. Trâu vàng thấy vậy nhảy xuống và nằm bên cạnh. Chẳng bao lâu
sau vùng đất bị trâu vàng dẫm sụt biến thành một hồ nước mênh mông.
Từ đó, quả chuông cứ nằm mãi dưới lòng hồ không ai vớt lên nổi và trâu
vàng vẫn cứ nằm mãi bên cạnh quả chuông dưới đáy nước sâu mà không quay
về phương Bắc. Do vậy, dân gian đặt tên cho hồ là hồ Kim Ngưu. Thiền
sư Minh Không về sau được thợ đúc đồng vùng Ngũ Xã thờ làm tổ sư nghề
đúc đồng.
Quả chuông “tự lăn xuống biển”
Chuông Vân Bản được coi là quả chuông có số phận kỳ lạ nhất trong lịch
sử Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, chuông được đúc trong thời Trần
(thế kỷ 13). Ban đầu chuông được treo tại chùa Vân Bản (Đồ Sơn - Hải
Phòng), ngôi chùa nằm trên một mỏm núi hướng ra biển. Vị trí gần với
biển cũng liên quan trực tiếp tới những âu chuyện nửa hư nửa thực lưu
truyền trong dân gian về quả chuông này.
Tương truyền, sau
nhiều thăng trầm lịch sử, chùa Vân Bản bị đổ nát, chuông lăn xuống
biển. Ít lâu sau, dân chúng hò nhau trục vớt được quả chuông ở bến đò
Họng, rồi rước về chùa Nam gần đó. Trải qua vài trăm năm sau, do một
trận bão lớn, chùa bị đổ sập, chuông lại bị lăn xuống biển ở chân núi
Tháp. Đến thời Lê, chùa Vân Bản được dân chúng dựng lại ở ven núi. Sau
khi chùa mới dựng xong, người dân Đồ Sơn lại tìm được quả chuông, đem
về treo ở chùa.
Chuông Vân Bản.
Những thế kỷ sau đó, chuông Vân Bản còn nhiều lần tuyệt tích dưới đáy
biển. Dân gian đồn đại rằng những lần chuông biến mất đều trùng với
thời điểm đất nước có biến loạn. Chuông đã một lần bị thất lạc từ thế
kỷ 15 để tránh cuộc hủy hoại văn hóa Đại Việt trên quy mô lớn của giặc
Minh. Đầu thế kỷ 19, chuông lại “lặn” xuống biển để tránh việc phá chùa
Tháp của Hoàng Cao Khải... Đến khi nào "muốn" trở lại đất liến thì
chuông sẽ "tự" cho con người những dấu hiệu để trục vớt…
Lần
“trở về” gần đây nhất của chuông Vân Bản là vào năm 1958, khi quả chuông
“tự lăn” vào lưới của một ngư dân tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng. Sau
đó, chuông được đưa về lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia (Hà Nội)
cho đến ngày nay.
Điều đặc biệt là chuông bị chìm dưới biển
hàng thế kỷ nhưng không hề bị nước mặn ăn mòn, làm hư hỏng. Có người lý
giải rằng, chuông bền như vậy vì được đúc với một tỷ lệ vàng rất cao.
Theo Quốc Lê - ĐV