Bây giờ, xin mời chư vị cùng chúng tôi làm
chuyến hành hương từ Bắc vào Nam, đến từng chùa lễ Phật và chiêm bái
những pho kim thân đức Bổn sư Thích Ca đã được tạo tác bằng những tấm
lòng thành kính, tay nghề điêu luyện, kỹ thuật tinh xảo, tinh thần sáng
tạo của nhiều thế hệ nghệ nhân Việt Nam, các vị trụ trì cùng sự đóng góp
công sức, tịnh tài, tịnh vật của nhiều Phật tử gần xa.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
01. Chùa Sóc Thiên Vương thường gọi là
chùa Non Nước, tọa lạc ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội. Ở
chánh điện tôn trí pho tượng đức Phật Thích Ca bằng đồng đúc liền khối
tại Ý Yên, Nam Định năm 2001. Pho tượng có trọng lượng 20 tấn, cao 5,3m;
đài sen có trọng lượng 10 tấn, cao 1,35m; bệ đá cao 1,75m.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
02.
Chùa Thần Quang thường gọi là chùa Ngũ Xã, tọa lạc ở số 44, phố Ngũ
Xã, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Ở chánh điện
tôn trí pho tượng đức Phật Thích Ca bằng đồng, được các nghệ nhân địa
phương đúc từ năm 1949 đến năm 1952. Tượng cao 3,95m, nặng 10 tấn; tòa
sen cao 1,45m, nặng 3,9 tấn.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
03. Chùa Tây Phương có tên là Sùng Phúc
Tự, tọa lạc trên núi Tây Phương, thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất,
TP. Hà Nội. Chùa nổi tiếng xưa nay về mặt kiến trúc và hệ thống tượng
thờ. Pho tượng Tuyết Sơn bằng gỗ chạm, cao 1,80m là tác phẩm điêu khắc
xuất sắc của dân tộc ở các thế kỷ XVII, XVIII.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
04. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên tọa
lạc ở xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ở chánh điện tôn trí tượng đức Phật Thích Ca
bằng đá sa thạch có trọng lượng khoảng 14 tấn. Tượng có chiều cao 2,80m,
tòa sen cao 1,33m, bệ cao 1,68m. Pho tượng đã được xác lập kỷ lục Việt
Nam ngày 12-12-2007.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
05. Chùa Tùng Vân tọa lạc ở thị trấn Thổ
Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Chùa có tôn trí
pho tượng Phật Ngọc Thích Ca nguyên khối cao 2,1m, nặng 5 tấn, được tạo
tác theo mẫu tượng đức Phật Thích Ca cổ của chùa, từ khối đá xanh nặng
18 tấn, cao 3,3m, rộng 2,1m, dày 1,2m ở Yên Bái do gia đình Phật tử
Nguyễn Văn Phước cúng dường. Pho tượng được xác lập kỷ lục Việt Nam ngày
16-9-2011.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
06. Chùa Phật Tích có tên là
Vạn Phúc Tự, tọa lạc ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa là một trung tâm Phật giáo Việt Nam thời
Lý. Chùa còn giữ một số tác phẩm điêu khắc bằng đá đời Lý. Đặc biệt, ở
điện Phật có tôn trí pho tượng đức Phật ngồi thiền định trên tòa sen cao
1,85m, kể cả bệ là 3m. Đây là một kiệt tác điêu khắc bằng đá lớn nhất và
cổ nhất ở nước ta, đã được xác lập kỷ lục Việt Nam ngày 04-5-2006. Đặc
biệt, chùa có pho tượng Đại Phật bằng đá cao 27m, nặng hơn 3.000 tấn,
đặt ở độ cao 108m, tạc theo nguyên mẫu pho tượng đức Phật thời Lý ở chùa,
đã được chùa tổ chức đại lễ khai quang vào ngày 26-9-2010.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống
nhất về danh xưng pho tượng là đức Phật A Di Đà hay đức Phật Thích Ca.
Trong bài này, chúng tôi xin phép được đưa tượng Ngài vào nhóm tượng
Phật Thích Ca.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
07. Chùa Bái Đính tọa lạc ở xã Gia Sinh,
huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Chùa được xây dựng quy mô lớn, kỳ mỹ nhất nước.
Trong điện Giáo chủ, chùa tôn trí pho tượng đức Phật Thích Ca bằng đồng
đúc nguyên khối có trọng lượng 100 tấn, cao 10m được Công ty TNHH thủ
công mỹ nghệ Đoàn Kết do nghệ nhân chính Nguyễn Trọng Hạnh đúc thành
công ở Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định. Pho tượng được xác lập kỷ lục Việt Nam
ngày 04-5-2006.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
08. Chùa Quang Minh tọa lạc ở số 412
đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.
Chùa có pho tượng đức Phật Thích Ca lộ thiên
cao 20m, ngồi thiền định trên tòa sen hình lục giác, rộng 8m, bệ cao
10m. Thích Ca Phật đài được xây dựng từ năm 1964, hoàn thành năm 1969 là
Phật đài lớn nhất nước ta thời bấy giờ.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
09. Chùa Linh Ứng Bà Nà tọa lạc ở độ cao
khoảng 1.400m, trên đỉnh Bà Nà, thuộc thôn An Lợi, xã Hòa Ninh, huyện
Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.
Chùa có Phật đài lớn tôn trí pho tượng đức Phật
Thích Ca bằng xi măng cốt sắt, cao 27m, ngang gối 14m, đài sen cao 6m,
được khánh thành trọng thể vào ngày 06-3-2004. Đây là pho tượng Phật lớn
nhất nước ta hiện nay, đã được xác lập kỷ lục Việt Nam ngày 02-01-2006.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
10. Tu viện Nguyên Thiều tọa lạc ở xã
Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Bên phải tu
viện có Phật đài Thích Ca bằng xi măng cao 15m, khánh thành năm 1962.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
11. Chùa Bảo Lâm tọa lạc ở xã Bình Kiến,
TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Bên phải ngôi chánh điện, trên triền núi, chùa
tôn trí pho tượng đức Phật Thích Ca tọa thiền trên đài sen cao 18m, an
vị năm 1998.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
12. Chùa Long Sơn tọa lạc ở số 20 đường
23 tháng 10, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Bên hông trái chùa, có đường lên núi Trại Thủy,
nơi đây, có tôn trí pho tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn và Thích
Ca Phật đài. Tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài 17m, cao 5m, an
vị năm 2003. Thích Ca Phật đài cao 24m, đường kính đài sen 10m, phần
tượng Kim thân Phật Tổ cao 14m, tư thế tọa thiền, uy nghi giữa bầu trời.
Tượng Kim thân Phật tổ do nghệ nhân Phúc Điền cùng nhóm thợ thực hiện
trong 2 năm 1964-1965.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
13. Chùa Linh Sơn Trường Thọ thường gọi
là chùa Núi, tọa lạc trên núi Tà Cú, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình
Thuận.
Pho tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn tôn
trí phía trên chùa, cách hang Tổ khoảng 50m. Tượng bằng xi măng, dài
49m, cao 11m, do kiến trúc sư Trương Đình Ý thực hiện từ năm 1963 đến
năm 1966. Pho tượng đã được xác lập kỷ lục Việt Nam ngày 02-01-2006.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
14. Chùa Thiên Vương Cổ Sát thường gọi
là chùa Phật Trầm, chùa Tàu tọa lạc trên đồi Rồng, số 385 đường
Khe Sanh, phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Chùa thuộc Hệ phái Phật giáo Bắc tông (người
Hoa). Trên đỉnh đồi thông sau chùa là Thích Ca Phật đài cao 10m, tôn trí
tượng đức Phật Thích Ca bằng xi măng, cao 6m, tọa thiền trên đài sen.
(xin bấm vào tấm
hình để xem hình lớn hơn)
15. Thiền viện Vạn Hạnh tọa lạc ở số 39
đường Phù Đổng Thiên Vương, phường 8, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Ở sân trước thiền viện có tượng đức Phật Thích
Ca "niêm hoa vi tiếu" được đúc bằng xi măng và bê tông cốt thép, cao
24m, rộng 20m, nặng trên 60 tấn, được xây dựng vào ngày 14-4-2002. Dưới
đài sen là ngọn giả sơn, bên trong có hang động.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
16. Chùa Huệ Nghiêm tọa lạc ở Khu phố 2,
đường Đỗ Năng Tế, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP. Sài Gòn.
Sân trước chùa tôn trí pho tượng nghệ thuật của
điêu khắc gia Lê Thành Nhơn tạo tác từ năm 1974 đến năm 1979, đó là
tượng đức Phật Thích Ca lộ thiên bằng xi măng cao 4,5m, ngang gối 4,5m.
(xin bấm vào tấm
hình để xem hình lớn hơn)
17. Bát Bửu Phật Đài thường gọi là
chùa Phật Cô Đơn, tọa lạc ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP. Sài
Gòn.
Phật đài kiến trúc hình bát giác, cao 3m. Trên
đài, tôn trí tượng đức Phật Thích Ca cao 7m, nặng 4 tấn, khoảng cách
ngang gối 4,6m, do điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu thực hiện năm 1957,
được an vị vào ngày 22-8-1961.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
18. Thiền viện Nguyên Thủy tọa lạc tại
số 33A đường 10, khu phố 1, phường Cát Lái, quận 2, TP. Sài Gòn.
Vào năm 1972, thiền viện đã xây dựng và an vị ở
chánh điện tượng đức Phật Thích Ca bằng xi măng thếp vàng 24 karat, cao
6,3m (tượng cao 4,5m, bệ cao 1,8m), ngang gối 3,3m, bên trong có tôn trí
3 viên ngọc Xá Lợi Phật. Pho tượng được xác lập kỷ lục Việt Nam ngày
31-5-2007.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
19. Chùa Long Hương tọa lạc ở xã Long
Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Trên ngọn đồi phía sau ngôi chánh điện, chùa
tôn trí pho tượng đức Phật Thích Ca lộ thiên bằng xi măng cao 14m vào
năm 1996.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
20. Thiền viện Phước Sơn tọa lạc ở đồi
Lá Giang, 368 ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Tượng đức Bổn sư được tạo tác vào năm 2010 bằng
xi măng, cao 9,999m là pho tượng Phật lớn nhất Việt Nam được tôn trí
trong điện Phật, đã được xác lập kỷ lục Việt Nam ngày 11-8-2011. Thiền
viện tôn trí khá nhiều pho tượng Thích Ca lộ thiên, pho tượng đức Phật
Thích Ca đi bát cao 13m bằng xi măng, đã được xác lập kỷ lục Việt Nam
năm 2010.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
21. Chùa Bạch Liên tọa lạc ở xã An Phước,
huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Chùa có vườn tượng Phật lộ thiên lớn nhất Việt
Nam, được xây dựng trong 2 năm 1996 - 1998. Đó là các nhóm tượng giới
thiệu cuộc đời đức Phật Thích Ca : Đản sanh, xuất gia, tu khổ hạnh,
chuyển Pháp luân, nhập Niết bàn ... Vườn tượng đã được xác lập kỷ lục
Việt Nam ngày 31-5-2007.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
22. Thích Ca Phật Đài - Vũng Tàu tọa lạc
trên sườn núi Lớn, số 610 đường Trần Phú, phường 5, TP. Vũng Tàu, tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu.
Khu danh thắng này gồm chùa Thiền Lâm và nhiều
pho tượng Phật lộ thiên lớn mô tả cuộc đời đức Phật Thích Ca, tiêu biểu
là tượng đức Phật Thành đạo ngự trên đài bát giác cao 11,6m (đài cao
4,5m, tòa sen cao 2m, tượng cao 5,1m), bên trong có tôn trí 3 viên ngọc
Xá Lợi Phật vào ngày 18-8-1962. Đại tượng được khánh thành ngày
10-3-1963, Phật lịch 2.506.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
23. Niết Bàn Tịnh xá tọa lạc bên triền
núi Nhỏ, số 66/7 đường Hạ Long, phường 1, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa -
Vũng Tàu.
Điện Phật tôn trí tượng đức Phật Thích Ca nhập
Niết bàn màu hồng thạch, dài 12m đặt trên bệ thờ cao 2,5m. Gan bàn chân
đức Phật được khắc 52 điểm ấn. Tượng nằm nghiêng, mặt hướng Tây Trúc,
đầu gối lên tay phải, hướng Bắc, chân duỗi thẳng hướng Nam. Sau lưng pho
tượng là quang cảnh thiên nhiên xanh tươi, nổi bậc với 2 cây Long Thọ,
được đắp nổi nhiều lớp, chạm vẽ công phu.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
24. Chùa Quan Âm tọa lạc ở cây số 10, ấp
Long Thới B, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Ở sân trước chùa có tôn trí một pho tượng
đại Phật Thích Ca nhập Niết bàn bằng xi măng, dài 32m, nặng 100 tấn. Lễ
an vị Phật đã được tổ chức trọng thể vào ngày 22 và 23-12-2008.
(xin bấm vào tấm hình để xem hình lớn hơn)
25. Chùa Hội Khánh tọa lạc ở số 29
đường Chùa Hội Khánh, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình
Dương.
Chùa có nhiều pho tượng lộ thiên, như Phật đài
Thích Ca cao 5,1m được xây dựng năm 2002. Đặc biệt, vào ngày 30-3-2010,
chùa đã tổ chức khánh thành trọng thể Phật Đài Thích Ca quy mô lớn, cao
22m ở khu đất trước chùa. Tầng trệt là dãy nhà chiều dài 64m, chiều
ngang 23m dùng làm trường Phật học và thư viện. Tầng trên tôn trí đại
tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn bằng xi măng, cao 12m, dài 52m do
2 kiến trúc sư Phạm Văn Thịnh, Trần Văn Pháp vẽ bản thiết kế; điêu khắc
gia Trần Quang Thái thực hiện. Pho tượng đã được xác lập kỷ lục Việt Nam
ngày 30-3-2010.
Trên đây là 28 pho tượng lớn về đức Bổn sư được
tôn thờ ở 25 ngôi chùa từ Bắc vào Nam mà chúng tôi có duyên lành đến
chiêm bái và chụp ảnh. Còn những pho tượng Phật quý, đặc sắc, tiêu biểu
cho các tông phái, hệ phái Phật giáo thì rất nhiều, chúng tôi đã chọn
lọc được hơn 2.400 tấm ảnh trong hơn 1 triệu files hình ảnh để đưa vào
cuốn sách "Tượng Phật Việt Nam" xuất bản vào cuối năm 2011.
Tượng Phật đại diện cho kim thân Ngài ở đời.
Ngài là đấng giác ngộ, là vị Đại Sư của muôn loài, hướng dẫn chúng sanh
tu tập để tỉnh thức mà giải thoát khổ đau do tham sân si ở trong mỗi con
người. Dù tượng Ngài được tôn trí trong những không gian tâm linh có khi
trái ngược nhau, nơi thì thâm u, nơi lại lộng lẫy; nơi thì hoành tráng,
nơi lại giản đơn nhưng tự kim thân Ngài luôn toát ra sự nhiệm mầu, sự
giải thoát và sự an lạc. Là một Phật tử, chúng tôi nghĩ việc thờ tượng
đức Bổn sư và chiêm bái hình ảnh Ngài là sự nhắc nhở việc rèn luyện tự
thân về giáo pháp an lạc của Ngài để giải thoát và cầu phúc lành đến với
mọi người, mọi loài.
Võ Văn Tường
GV. Học viện Phật giáo Việt Nam tại Sài Gòn
(cùng một tác giả)