Do
đâu một làng chài từng có thời kỳ vì nghèo đói quá mà phải dắt díu nhau
đi ăn xin trở nên giàu có xa hoa như vậy? Đằng sau những ngôi mộ xa hoa
bậc nhất Việt Nam là những câu chuyện mà không phải ai cũng biết.
Lạc vào “thành phố ma”
Làng An Bằng thuộc xã Vinh An, là một địa danh được nhiều người biết đến
với cái tên, “thành phố lăng mộ” hoặc có người còn gọi là “thành phố
ma” hay nghĩa địa xa hoa nhất Việt Nam. Những quần thể lăng mộ nơi đây
nổi tiếng đến mức, đến Huế, hỏi bất kỳ người dân nào đều biết.
Những quần thể lăng mộ như những tòa lâu đài nguy nga trên cồn cát ở làng An Bằng.
Cái nắng đầu tháng tư không gắt nhưng cũng khiến cho người ta cảm thấy
khó chịu. Chúng tôi quyết định ngược về tỉnh lộ 49, qua Phá Tam Giang để
đến với An Bằng, nơi có ngôi làng với khu nghĩa địa mà “chẳng nơi nào
có được”.
Có thể nhận thấy người dân ở đây nói chung có sự quan tâm khá đặc biệt
đối với những người đã mất qua việc xây lăng mộ. Dọc đường, nhưng bãi
cát trắng xóa đã dần biến mất khi những ngôi mộ chi chít mọc lên. Anh
bạn đang công tác tại Trung tâm nghiên cứu văn hóa nghệ thuật miền Trung
nói rằng: Khu vực ven biển nơi đây người sống thường có quan niệm “sống
vì mồ mả”, “sống gửi thác về” nên đừng bất ngờ khi thấy những ngôi lâu
đài mộ trên cát.
Và muốn chiêm ngưỡng và hiểu được thì phải đến An Bằng...
Vừa bước chân vào An Bằng, tầm mắt chúng tôi bỗng choáng ngợp như đứng
trước một đám nấm kiến trúc khổng lồ đủ màu, đủ cỡ mọc lên trùng điệp
trên bãi cát dọc bờ biển. Những ngôi mộ không nằm tách biệt trên các
sườn đồi hoặc xa khu dân cư mà là trải dài ra dọc biển và xen lẫn với
những ngôi nhà của người sống.
Hình ảnh 4 con rồng chầu trên bậc thềm dẫn lên một ngôi mộ bạc tỷ tưởng chừng như lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn.
Tuy là nghĩa địa nhưng không có cảm giác u ám, hiu hắt với mùi hương
khói trên những ngôi lăng. Trái lại, có một cảm giác vui thú bừng lên
như đang nhìn ngắm một bức tranh với những màu sắc tươi thắm.
Một lăng mộ thuộc vào loại “đẳng cấp” tại đây phải hội đủ các yếu tố:
Móng sâu và chắc, vật liệu xây dựng sang trọng - kiên cố, trang trí đầy
đủ các con vật trong “tứ linh” (lân ly quy phượng), rồi những con rồng
chầu trước bậc lên xuống, những ngôi tháp lục giác cao và điêu khắc chạm
trổ công phu.
Anh bạn tôi có thâm niên lâu năm nghiên cứu về văn hóa các làng biển nơi
đây nhận xét, quả thật nếu chỉ nhìn qua các tấm hình trên báo chí thì
chẳng thể tưởng tượng ra mức độ xa hoa và hoành tráng của khu nghĩa địa
này. Một quần thể lăng mộ dày đặc đến nỗi nếu không có người thông thạo
địa hình dẫn đi thì có khó có thể tìm được lối ra.
Những ngôi mộ tiền tỷ
Anh Văn Công Tuấn, một người dân làng An Bằng cho biết, phong trào xây
lăng mộ hoành tráng cho ông bà tổ tiên của người dân An Bằng rộ lên từ
những năm đầu thập niên 90. Những ngôi mộ bé nhỏ, bạc màu thời gian ở
khu nghĩa địa này đều được xây lên từ thời kỳ này. Nay sót lại chẳng
nhiều vì nhiều ngôi mộ đã bị đập bỏ và xây lại khi con cháu có điều
kiện.
Ngôi mộ đồ sộ trên mảnh đất gần 800m2 của dòng họ Trương ở khu nghĩa địa
An Bằng. Đây là một trong số nhiều ngôi mộ xa hoa, nổi bật nhất "thành
phố lăng mộ" này.
“Những ngôi mộ trên 1 tỷ đồng xuất hiện nhiều trong khoảng 5 năm trở lại
đây. Như ngôi mộ của họ Trương ngay đầu nghĩa địa xây cách đây 3 năm
cũng đã xấp xỷ một tỷ đồng. So với thời giá bây giờ thì phải mất 1,5 tỷ
mới xây được ngôi như thế”, anh Tuấn cho biết.
Chúng tôi quyết định “đột nhập” vào trong ngôi mộ hoành tráng nhất nhì
nghĩa địa của họ Trương. Khuôn viên của ngôi mộ rất rộng, cũng phải tới
700- 800m2, được xây tường bao xung quanh khá cũ kỹ. Toàn lăng mộ được
trang trí màu xanh da trời khá bắt mắt. Nền móng phần dương có chiều cao
quá đầu người, bậc thềm lên mộ được bố trí 4 con rồng chầu xuống như
lăng mộ của các vị vua triều Nguyễn.
Phía trên được bố trí 4 chiếc cột trụ lớn và một ngôi tháp được điêu
khắc, chạm trổ khá tinh vi. Để có vật liệu trang trí, chủ nhà phải mua
từng các loại bình, chén, bát bằng gốm còn nguyên rồi về đập vỡ để trang
trí.
Ngôi mộ đồ sộ của dòng họ Lê đã xây dựng hơn 2 năm nhưng vẫn chưa thể
hoàn thành. Theo người chủ thầu xây mộ thì khi hoàn thành đây sẽ là ngôi
mộ "khủng" nhất về quy mô cũng như tiền bạc.
Nếu không được giới thiệu qua thì chúng tôi không nghĩ đây là một trong
vô số những ngôi mộ bình thường ở nghĩa trang này mà có thể ví như lăng
tẩm của các vị vua triều Nguyễn, bởi quy mô hoành tráng và chạm trổ tinh
vi của nó. Như thể tòa lâu đài nguy nga sặc sỡ trên cát.
Ông Lê Đoàn, trưởng thôn An Bằng cho biết, chẳng thể đếm được trong
nghĩa trang này có bao nhiêu ngôi mộ, thôn cũng như xã chẳng có được con
số chính thức. Ông Đoàn cũng là người nhận thầu xây dựng phần lớn số mộ
nơi đây nên hiểu rất rõ về những ngôi mộ này.
Ông giới thiệu cho chúng tôi biết về ngôi mộ của dòng họ Lê Văn mà ông
đang xây. Ngôi mộ này được khởi công gần 2 năm nay nhưng vẫn chưa thể
hoàn thành. Do là ngôi mộ đại diện cho cả dòng họ nên gia chủ yêu cầu
khá chặt chẽ.
Khắp nghĩa địa An Bằng, những ngôi mộ đắt tiền lại tiếp tục được xây lên.
“Dự toán ban đầu khoảng 1,3 tỷ nhưng với tình hình vật giá gia tăng như
hiện nay thì số tiền có thể lớn hơn nhiều dự tính ban đầu. Khi hoàn
thành thì đây sẽ là ngôi mộ to nhất làng. Bình thường thì thời gian hoàn
tất một ngôi mộ khoảng 3 tháng, vượt quá cả thời gian xây một căn nhà
lầu hiện nay, nhưng ngôi mộ này rất cầu kỳ nên gần 2 năm vẫn chưa thể
xong”, ông Đoàn nói.
Đó chỉ là số ít trong vô số những ngôi mộ ở 'thành phố chết' tại làng An
Bằng. Đằng sau những ngôi mộ xa hoa, đồ sộ và rất lãng phí này là những
cơn sóng ngầm âm ỉ. Người dân đua nhau chiếm đất, mạnh ai nấy xây,
chính quyền cơ sở chẳng thể quản lý. Và rồi, sự dần biến mất của một
làng chài, đất dành cho người chết dần dần chiếm hết người sống. Và có
nhiều những cảnh đời nghèo túng trong ngôi làng tỷ phú này.
Duy Tuấn (còn nữa)