Phật giáo VN truyền thống và thành tựu 30 năm qua


Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 141 | BÙI HỮU DƯỢC
04/06/2013 18:42 (GMT+7)
Số lượt xem: 247567
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lời Tòa Soạn: Tạp chí Văn hóa Phật Giáo nhận được bài viết dưới đây do ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, gửi đến, thể hiện một nhận định về hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam suốt ba mươi năm qua. VHPG xin giới thiệu đến quý vị độc giả để cùng suy nghiệm.



Văn Hóa Phật Giáo

Phật giáo VN truyền thống 30 nămĐại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất diễn ra tại thủ đô Hà Nội trong thời gian từ 4 – 7/11/1981, với đại diện của chín tổ chức, hệ phái Phật giáo trong nước lúc bấy giờ, đã cùng nhau nhất trí thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), với đường hướng hành đạo là “Đạo pháp-Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.” Sự ra đời của GHPGVN là cơ duyên để Phật giáo Việt Nam ngày thêm gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Trải qua 30 năm, GHPGVN đã khẳng định truyền thống tốt đẹp bằng những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Gần hai ngàn năm gắn bó cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam luôn thể hiện là tôn giáo lớn, yêu nước và tỏ rõ vai trò “ Hộ quốc-An dân”. Từ xa xưa, nhiều triều đại phong kiến ở nước ta đã biết vận dụng triết lý đạo Phật để xây dựng và phát triển đất nước. Dưới thời Lý và thời Trần, đạo Phật được xem là Quốc đạo của người Việt; các thiền sư như Vạn Hạnh, Khánh Vân, Không Lộ, Tuệ Tĩnh,.., vừa là nhà sư, là danh y cứu độ chúng sinh, vừa là nhà chính trị, nhà ngoại giao phò vua giúp nước. Đa số các vị vua, quan đều là những Phật tử, am hiểu sâu sắc Phật pháp, biết chuyển hóa tư tưởng, triết lý sống của Phật giáo để dựng đạo tạo đời tốt đẹp. Nhờ thế đạo Phật ăn sâu, bén rễ trong tâm tư tình cảm, lối sống đạo đức của đông đảo người Việt, trở thành một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam, để Phật giáo luôn có mặt qua các hoạt động trong đời sống của đông đảo người Việt, gắn bó cùng dân tộc trong lịch sử dụng nước và giữ nước.

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa ấy để ngày nay nếp sống Phật giáo đã trở thành nhu cầu, thói quen của đông đảo nhân dân. Trong hai cuộc cách mạng thần thánh của dân tộc ta chống đế quốc Pháp và quân xâm lược Mỹ, tinh thần vô úy của Phật giáo được phát huy, người có tâm Phật dám xả thân vì sự bình yên cho dân lành, phù hợp với tư tưởng “ Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự tương đồng ấy đã trở thành động lực, thành ý chí góp phần cho sự đoàn kết đồng lòng của toàn quân và toàn dân, thực hiện thành công cuộc kháng chiến chống xâm lược của hai đế quốc lớn, tạo nên thời đại Hồ Chí Minh vẻ vang trong lịch sử dân tộc ta.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tăng, Ni, Phật tử đã nêu cao tinh thần đại hùng, đại lực của Phật giáo, bất khuất trước kẻ thù xâm lược, nhiều nhà sư “cởi áo cà sa khoác chiến bào” tòng quân đánh giặc cứu dân, cứu nước.  Cùng với cả nước đánh giặc, nhiều chùa là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, cất trữ vũ khí, tổ chức hội họp bí mật. Cùng với chống giặc ngoại xâm, đông đảo tín đồ, Phật tử tham gia diệt giặc đói, giặc dốt, thực hiện chùa là trường học, nhà sư là thầy giáo, ở khắp nơi chùa trở thành nơi vận động cứu tế giúp đỡ người nghèo. Những hoạt động thiết thực của Phật giáo đã góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi to lớn, đập tan ách đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiếp nối truyền thống “Hộ quốc-An dân”, Phật giáo miền Nam đã dũng cảm xuống đường đấu tranh chống ách kìm kẹp của Mỹ, ngụy, cổng chùa mở rộng cửa cho thanh niên lui tới, vừa tu học Phật pháp vừa phản đối chiến tranh tỏ rõ lòng yêu nước. Nhiều Tăng, Ni, Phật tử đã “dấn thân” làm cách mạng, trở thành chiến sĩ, giao liên, cán bộ binh vận, vận động binh lính ngụy đình chiến, phản chiến,… Tháng 11 năm 1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chiến tranh, phản đối ngụy quyền tay sai đàn áp Phật giáo, đòi tự do tôn giáo và độc lập dân tộc. Hành động đó đã làm rung chuyển lương tâm của nhân loại tiến bộ, tạo làn sóng khắp thế giới phản đối đế quốc Mỹ xâm lược, ủng hộ chính nghĩa Việt Nam. Khi hay tin về sự hy sinh của Hòa thượng Thích Quảng Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:

Vị Pháp thiêu thân, vạn cổ hùng uy thiên nhật nguyệt, Lưu danh thiên cổ, bách niên chính khí rạng sơn hà.

Đồng tâm cùng Phật giáo miền Nam, Phật giáo miền Bắc tích cực vận động các chức sắc tín đồ cùng toàn dân, toàn quân đoàn kết thực hiện nhiệm vụ xây dựng XHCN ở miền Bắc và chi viện cho cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân miền Nam để thống nhất nước nhà. Với tinh thần “Quốc gia lâm nguy, thất phu hữu trách”, nhiều nhà sư đã tình nguyện tòng quân, vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Tổ chức Phật giáo miền Bắc chủ động lên tiếng đấu tranh tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai trên nhiều diễn đàn quốc tế; tham gia sáng lập và hoạt động trong Tổ chức Phật giáo châu Á vì Hòa bình (ABCP)… góp phần làm cho thế giới hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh chính nghĩa cùa nhân dân Việt Nam. Những đóng góp của Phật giáo cả nước đã góp phần tích cực cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào 30/4/1975.

Đất nước được độc lập, tôn giáo được tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện tâm nguyện của các bậc Tổ sư tiền bối, được sự giúp đỡ của Nhà nước,  từ ngày 4 – 7/11/1981, Đại hội thống nhất Phật giáo cả nước diễn ra tại thủ đô Hà Nội. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, Phật giáo cả nước thống nhất trong một tổ chức chung mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). GHPGVN ra đời có ý nghĩa quan trọng đối với việc ổn định tư tưởng và thống nhất tổ chức Phật giáo nước nhà, tạo cơ sở đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, bước vào công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế đã có nhiều tác động và làm nảy sinh những vấn đề mới đối với tôn giáo. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc đường lối, chính sách  tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, kích động một bộ phận nhân dân gây mất ổn định chính trị – xã hội, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Thông qua những kẻ đội lốt Phật giáo ở nước ngoài, chúng hà hơi tiếp sức cho các phần tử Phật giáo cực đoan trong nước đứng ra đòi phục hồi hoạt động “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”, một trong  chín tổ chức hệ phái đã tham gia vào GHPGVN  nhằm chia rẽ đoàn kết, làm suy yếu Phật giáo Việt Nam. Xúi giục các phần tử thiếu thiện chí ngụy tạo nhiều sự kiện vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, vi phạm nhân quyền… Vin vào những chứng cứ ngụy tạo, Mỹ đã từng đặt Việt Nam vào danh sách các nước “cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo” (CPC) gây không ít khó khăn cho nước ta trong đối ngoại và quan hệ kinh tế quốc tế.

Trước tình hình trên, ở góc độ an ninh, chính trị, GHPGVN đã có những đóng góp tích cực, tỏ rõ truyền thống tốt đẹp, thể hiện nhận thức sâu sắc của trí tuệ Phật giáo về giá trị hòa bình, an lạc, GHPGVN đã khẳng định là tôn giáo yêu nước, gắn bó và đồng hành cùng dân tộc qua

kiên định phương châm “Đạo pháp – Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”, ủng hộ chủ trương đường lối của Đảng và gương mẫu thực hiện pháp luật của Nhà nước. Lập trường kiên định, ủng hộ Đảng và Nhà nước Việt Nam của GHPGVN đã góp phần quan trọng ổn định tư tưởng trong Tăng, Ni, Phật tử qua đó tác động tích cực tới tư tưởng của đông đảo nhân dân, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, cùng nhau đoàn kết để lao động xây dựng và  đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Thái độ và lập trường của GHPGVN đã phản tỉnh các thế lực lợi dụng tôn giáo: Không dễ dàng chống chế độ xã hội chủ nghĩa  ở Việt Nam khi các tôn giáo và đông đảo nhân dân đoàn kết quanh Đảng. Trong hoạt động, Phật giáo luôn là tôn giáo gương mẫu trong thực hiện đoàn kết, góp phần tích cực tạo nên đoàn kết tôn giáo, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc. Sinh hoạt của Phật giáo đã góp phần làm thay đổi nhận thức của cán bộ đảng viên về tôn giáo. Nhờ có chủ trương, chính sách về tôn giáo phù hợp, trong 30 năm qua hoạt động của GHPGVN đã thu được kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực:

Năm 1981 khi mới thành lập, GHPGVN có gần 12 ngàn ngôi chùa, trên 26 ngàn vị sư tham gia sinh hoạt trong Giáo hội. Tổ chức, sau Đại hội khóa I, cấp Trung ương Hội đồng Chứng minh có 50 thành viên, Hội đồng Trị sự 50 thành viên. Giúp việc cho Hội đồng Trị sự ở Trung ương có 06 ban; cấp địa phương có 28 tỉnh, thành phố có Ban Trị sự. Đào tạo có 01 Học viện Phật học Vạn Hạnh (tương đương Học viện Phật giáo ngày nay), một số trường sơ cấp Phật học, số giảng sư có trình độ tiến sĩ trong Phật giáo chưa tới 10 vị.

Sau 30 năm, GHPGVN đã có sự phát triển vượt bậc từ tổ chức cho tới những hoạt động nhằm phát triển Giáo hội và đóng góp xây dựng xã hội. Thống kê vào tháng 6 năm 2011: GHPGVN trong nước có 14.778 ngôi chùa, ngoài nước Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam sống ở nước ngoài, vận động xây dựng nhiều chùa và đã tham gia trong tổ chức GHPGVN như: Lào, Ba Lan, Séc, Nga, Ucraina, Pháp,… Tại các nước này thành lập Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài, trực thuộc tổ chức GHPGVN. Trong nước cũng như ngoài nước, nhiều ngôi chùa Việt Nam được xây dựng mới, to, đẹp, đang khẳng định phát triển của Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới. Số lượng Tăng, Ni sinh hoạt trong Giáo hội hiện có 46.495 vị. Về tổ chức, khóa VI (2007-2012), ở cấp Trung ương, Hội đồng Chứng minh có 97 thành viên, Hội đồng Trị sự có 147 ủy viên chính thức và 48 ủy viên dự khuyết, có 09 Ban chuyên môn và 01 Viện Nghiên cứu Phật học. Địa phương có 58 tỉnh, thành phố có Ban Trị sự, Ban Đại diện Phật giáo, trên 200 huyện có tổ chức Phật giáo cấp huyện. Công tác hành chính đạo của Giáo hội thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương tới tận các chùa. Đào tạo hiện có 04 Học viện Phật giáo tại Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ; 01 trường cao đẳng Phật học, 7 lớp cao đẳng Phật học, 31 trường trung cấp Phật học, hàng trăm lớp sơ cấp Phật học, hàng năm trong nước đào tạo trên 5.000 Tăng, Ni sinh các cấp. Cùng với hệ thống đào tạo trong nước, Tăng, Ni sinh Việt Nam du học sau đại học ở nước ngoài tới nay đã có trên 700 vị, hiện có gần 70 vị tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ về nước phục vụ Giáo hội và xã hội trong các lĩnh vực nghiên cứu Phật học, hoằng pháp, giảng dạy, quản lý,… Về thông tin, báo chí GHPGVN TW có trang web điện tử, 04 tờ tạp chí, địa phương có báo Giác Ngộ của Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh và nhiều tờ nội san của các Ban Trị sự Phật giáo địa phương, cập nhật thông tin, phản ánh kịp thời nhiều hoạt động của Giáo hội và các hoạt động xã hội cũng như chủ trương, chính sách tôn giáo của Nhà nước. Trong tổ chức GHPGVN, nhiều vị cao tăng, nhân sĩ, trí thức Phật giáo tham gia tích cực các lĩnh vực xã hội cũng như các tổ chức chính trị xã hội, nhiều vị được nhân dân tín nhiệm bầu vào đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp,… Những hoạt động tích cực ấy là những tấm gương tiêu biểu khuyến khích Tăng, Ni, Phật tử tham gia nhiều hoạt động xã hội, nêu cao tinh thần yêu nước, phát huy đạo lý từ bi, mở rộng lòng khoan dung, duy trì nếp sống lục hòa để tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, động viên nhau hăng hái thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm và tham gia xóa đói giảm nghèo. Riêng trong công tác từ thiện xã hội, GHPGVN có 126 Tuệ Tĩnh đường  là nơi khám chữa bệnh cho người nghèo, người có hoàn cảnh ốm đau khó khăn, hàng trăm ngôi chùa tổ chức nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ tàn tật, người già không nơi nương tựa, nhiều chùa làm tốt công tác từ thiện nhân đạo. Bình quân hàng năm GHPGVN đã vận động quyên góp giúp đỡ đồng bào khó khăn hàng trăm tỉ đồng, tính riêng năm 2010 số tiền do GHPGVN vận động là 700 tỉ đồng, báo cáo tổng kết trong 30 năm GHPGVN huy động 2.020 tỉ đồng giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, bệnh tật… Tấm lòng và hành động chia sẻ của Phật giáo Việt Nam với người khó khăn không chỉ trong nước mà còn cả với nhân dân bị thiên tai ở nước ngoài như Indonesia, Nhật Bản,.., sau những thảm họa sóng thần. Trong lĩnh vực hoằng dương chính pháp, GHPGVN đã tổ chức nhiều hoạt động hoằng pháp trong nước, những nhiệm kỳ gần đây GHPGVN tổ chức các đoàn hoằng pháp của Giáo hội ra các nước nhằm xiển dương đạo lý sống cao đẹp của Đức Phật, góp phần truyền bá tư tưởng hòa bình, hữu nghị và hợp tác của xã hội tiến bộ, đề cao bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời để cho bạn bè thế giới hiểu thêm về chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam. Cùng với hoạt động hoằng pháp, GHPGVN tham gia nhiều hoạt động quốc tế Phật giáo như tham gia Tổ chức Phật giáo châu Á vì Hòa bình (ABCP), Thành viên sáng lập Thượng đỉnh Phật giáo thế giới, Thành viên Vesak của Liên Hợp Quốc, tham gia đối thoại tôn giáo tại các diễn đàn quốc tế… Đặc biệt trong nước vào năm 2008, GHPGVN và Nhà nước ta đã tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Đại lễ Vesak) ở thủ đô Hà Nội, Việt Nam trong vai trò là Chủ tịch Đại lễ, có sự tham dự của 74 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 2.000 các vị sư đứng đầu Phật giáo các nước, các nhà khoa học và quan khách quốc tế, cùng hàng chục vạn Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam tham gia. Những hoạt động tích cực của tôn giáo trong nước và nước ngoài, đặc biệt là hoạt động của GHPGVN đã góp phần khẳng định, chứng minh chính sách và thực tế tự do tôn giáo ở Việt Nam. Trong thực hiện xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, GHPGVN luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, chủ động đấu tranh chống mọi sự lợi dụng “Diễn biến hòa bình”, xuyên tạc tình hình tôn giáo và chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam, tích cực tham gia đối ngoại nhân dân, đối thoại tôn giáo, lên tiếng đấu tranh trên nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế, vạch mặt những kẻ mạo xưng, đội lốt Phật giáo nhưng đi ngược lại tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo của GHPGVN. Trước sự thật hiển nhiên ấy, năm 2008, Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC). Những thành tựu trên càng khẳng định tính ưu việt trong chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đồng thời khẳng định đường hướng hành đạo “Đạo pháp – Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” là sự lựa chọn đúng đắn của GHPGVN để nối tiếp truyền thống Phật giáo Việt Nam gắn bó và đồng hành cùng dân tộc.

Với phương châm “Phật pháp bất ly thế gian” thực hiện hài hòa “xây Đạo để dựng Đời”, GHPGVN đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc VNXHCN. Đánh giá cao về cống hiến ấy, tại Đại hội kỳ III GHPGVN năm 1992, Nhà nước đã tặng tập thể GHPGVN Huân chương Hồ Chí Minh. Trong 30 năm hoạt động của GHPGVN, nhiều bậc cao tăng, nhiều vị nhân sĩ trí thức Phật giáo đã được xã hội tôn vinh, cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh cho Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban Vận động Thống nhất Phật giáo, Chủ tịch Hội đồng Trị sự khóa I; Huân chương Hồ Chí Minh cho Hòa thượng Thích Tâm Tịch, Đệ nhị Pháp chủ; Huân chương Độc lập hạng nhất cho Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự từ khóa II tới nay;… Để ghi nhận công lao, cống hiến của tập thể và cá nhân, tiến tới kỷ niệm 30 năm thành lập GHPGVN (7/11/1981 – 7/11/2011), Nhà nước có những hình thức khen thưởng động viên xứng đáng đối với những tập thể và cá nhân trong tổ chức GHPGVN đã có đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước VNXHCN.

Chặng đường 30 năm của GHPGVN không dài so với lịch sử Phật giáo đã 2.000 năm có mặt ở nước ta, song 30 năm qua, GHPGVN đã có những bước phát triển quan trọng, tạo nên những mốc son mới trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sự ra đời của GHPGVN đã khẳng định tầm cao của Phật giáo Việt Nam trong gắn bó và đồng hành cùng dân tộc. Sự lựa chọn đường hướng Đạo pháp-Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội là quyết định đúng đắn để những giá trị tốt đẹp của Phật giáo được phát huy trong thời đại ngày nay, thực hiện đúng phương châm tốt Đời đẹp Đạo.■

Nguon: http://vanhoaphatgiaoblog.com/thong-tin/4018.html


Âm lịch

Ảnh đẹp