Nhiệm kỳ VII (2007-2012) vừa qua, xét về mặt tổng thể, Phật giáo
TP.HCM của chúng ta từng bước ổn định và phát triển thuận lợi. Điều đó
trước hết thể hiện cụ thể qua việc kiến thiết và xây dựng cơ sở. Đã có
rất nhiều chùa trên địa bàn thành phố được sửa sang, trùng tu, xây dựng
mới. Đặc biệt, chùa Phổ Quang, một trong những địa chỉ về tu học và hoạt
động Phật sự của Phật giáo TP.HCM cũng đã được đầu tư trùng tu toàn
diện. Đến nay cơ bản hoàn tất và chuẩn bị làm lễ an vị Phật để chào mừng
Đại hội đại biểu Phật giáo thành phố, dù thời gian gần đây tình hình
kinh tế có phần khó khăn và ảnh hưởng không nhỏ.
HT.Thích Trí Quảng và Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải - Ảnh: Bảo Thiên
Riêng Học viện Phật giáo Việt Nam
tại TP.HCM cũng được Nhà nước cấp 24ha đất tại Bình Chánh và chúng ta
cũng đã hoàn tất công tác san lấp mặt bằng. Dự kiến, sau Đại hội sẽ tiến
hành xây dựng để đến năm học 2013 có thể đưa vào hoạt động và mở thêm
lớp học tại cơ sở này.
Về công tác giáo dục Tăng Ni, do có sự thay đổi nhân sự đã làm đình
trệ tiến trình công tác Phật sự của ngành, nhưng sau đó mọi thứ cũng dần
ổn định và duy trì tốt việc giảng dạy tại Trường Trung cấp Phật học.
Đến nay lớp cao đẳng Phật học đang trong quá trình kết thúc và làm lễ
mãn khóa để chiêu sinh khóa mới, các lớp trung cấp Phật học vẫn tiếp
tục.
Công tác từ thiện xã hội của Phật giáo thành phố là một trong những hoạt động nổi bật và đi đầu trong cả nước.
Đối với ngành Tăng sự, giữa nhiệm kỳ đã có sự thay đổi vị trưởng ban
vì HT.Thích Tắc Thành viên tịch. Tuy vậy, ngành Tăng sự vẫn thể hiện sự
tiếp nối khá tốt khi đều đặn tổ chức các Đại giới đàn và khóa An cư kiết
hạ, giữ tốt nếp sống tu tập của Tăng Ni, nuôi dưỡng đạo tâm của Phật tử
thành phố.
Bạch Hòa thượng, với những gì đã thực hiện và đạt được,
Phật giáo thành phố đã thật sự khai thác hết tiềm năng ở một trung tâm
kinh tế - văn hóa - giáo dục lớn nhất nước?
Dù hài lòng với những gì đạt được nhưng có thể nói chúng ta vẫn chưa
khai thác hết tiềm năng của Phật giáo thành phố để đầu tư cho các công
tác Phật sự. Thời gian qua, chúng ta chỉ huy động được một phần nhỏ các
nguồn lực, trong khi đó phần lớn vẫn còn nhiều thụ động.
Xét trên bình diện nhân sự, có nhiều vị được cơ cấu và giao việc
nhưng chưa có đóng góp gì nhiều và thể hiện sự nổi bật. Thậm chí có một
số trường hợp, hiếm thấy xuất hiện trong các công tác chung của Phật
giáo thành phố. Trong khi đó, Tăng Ni trẻ chúng ta tốt nghiệp đại học,
sau đại học ngày càng nhiều nhưng chưa được sử dụng đúng mức.
HT.Thích Trí Quảng - Ảnh: Bảo Thiên
Để thay đổi điều này, trong nhiệm kỳ mới, Phật giáo thành phố tiếp
tục thực hiện các bước trẻ hóa trên tinh thần chọn lọc. Dự kiến chư tôn
giáo phẩm trên 80 tuổi sẽ được cung thỉnh vào Ban Chứng minh, chư Hòa
thượng dưới 80 tuổi sẽ được giữ lại một số ít tiêu biểu trong các hoạt
động Phật sự; sẽ mạnh dạn cơ cấu chư tôn đức mới được tấn phong giáo
phẩm Hòa thượng, Thượng tọa và Tăng Ni trẻ để tạo sức bật cho các hoạt
động và phát huy tính kế thừa một cách hiệu quả.
Trong thời gian tới, chúng ta cũng giảm nhẹ việc xây dựng mà đầu tư
vào việc kiến tạo các mô hình tu học cho Tăng Ni, Phật tử thành phố nhằm
thể hiện đúng nghĩa tinh thần của một đạo Phật nhập thế.
Năm nay, lần đầu tiên Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc
chúng ta đã đưa ra chủ đề cho sự kiện này, còn Đại hội Phật giáo TP.HCM
thì sao, bạch Hòa thượng?
Trong Hội nghị cuối cùng của Ban Thường trực HĐTS diễn ra vào tháng 8
vừa qua, chư tôn đức đã xác định chủ đề của Đại hội Phật giáo toàn quốc
năm nay là “Kế thừa - ổn định - phát triển”. Đây cũng được xem là chủ
đề chung cho Đại hội Phật giáo các tỉnh, thành trong cả nước.
Đối với các tỉnh phía Bắc, do không còn nhiều các bậc tôn túc lớn
tuổi nên nhân sự nhiệm kỳ mới là chư tôn đức trẻ tuổi lên lãnh đạo. Do
vậy, khu vực này rất chú trọng đến yếu tố kế thừa để đảm bảo không đi
chệch hướng của Giáo hội.
Lãnh đạo TP thăm chư tôn giáo phẩm Phật giáo TP.HCM - Ảnh: Bảo Thiên
Riêng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam,
chư tôn túc lớn tuổi vẫn còn nhiều nên sẽ tập trung vào nội dung ổn
định để tạo sự phát triển nhịp nhàng và thể hiện sự thay thế dần dần.
Song song đó, cũng cần tạo điều kiện cho Tăng Ni trẻ tham gia đóng góp
để khai thác hết tiềm năng, nêu cao tinh thần hòa nhập xã hội của Phật
giáo.
Hòa thượng đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Phật giáo thành phố đến thời điểm này?
Nhìn chung, Phật giáo thành phố đang thể hiện sự chuẩn bị nghiêm túc
cho Đại hội kỳ này. Về nội dung, chúng ta đã thực hiện xong các văn kiện
cần có. Về công tác tổ chức, mọi việc đang được triển khai và hoàn tất
đúng ngày diễn ra Đại hội như triển lãm, văn nghệ, trang trí, cổ động,
truyền thông và đặc biệt là Lễ an vị Phật tại chánh điện chùa Phổ Quang
vào ngày thứ Sáu 21-9-2012 (nhằm mùng 6-8 năm Nhâm Thìn).
Riêng công tác nhân sự, chúng ta cũng đã xong phần khung và sẽ thực
hiện việc chỉnh sửa, bổ sung cho đến ngày cuối cùng. Tiểu ban Nhân sự
Đại hội đã trình bản dự kiến nhân sự nhiệm kỳ mới 2012-2017 nhưng chắc
chắn sẽ có sự thay đổi ít nhiều cho phù hợp với yêu cầu phát triển của
Phật giáo thành phố trong thời gian 5 năm sắp đến.
Chân thành tri ân Hòa thượng!