05/11/2011 20:40 (GMT+7)
Số lượt xem: 264638
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam (Viet King) vừa tổ chức chương trình Hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 21 với sự có mặt của ông Biswaroop Roy Chowdhury - Tổng giám đốc Tổ chức Kỷ lục châu Á và trên 500 kỷ lục gia của Việt Nam.

Nhân chuyến công du TP HCM để trao kỷ lục châu Á đầu tiên cho tác phẩm mỹ nghệ rồng bằng đá bán quý của nghệ nhân Nguyễn Văn Hữu, ông Biswaroop Roy Chowdhury đã tiếp nhận hồ sơ 5 kỷ lục Việt Nam khác đề xuất là kỷ lục châu Á, gồm: chùa Một Cột - ngôi chùa độc đáo nhất Việt Nam; chùa Đồng (Thiên Trúc tự) - ngôi chùa bằng đồng trên đỉnh núi lớn nhất Việt Nam; hành lang 500 vị La hán dài nhất; tượng Phật Thích Ca bằng đồng được dát vàng lớn nhất và Bộ tượng Phật làm bằng tóc độc đáo.

Chùa Một Cột

Chùa Một Cột nằm trong quần thể di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn có tên là “Nhất Trụ tự”. Chùa được thiết kế độc đáo trên một trụ đá trong hồ nước, được coi như một biểu tượng của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và là ngôi chùa độc đáo nhất Việt Nam.

Chùa Một Cột - ngôi chùa độc đáo nhất Việt Nam. Ảnh: Vietnam+

 

Văn bia trong chùa dựng năm Cảnh Trị 3 (1665), đời vua Lê Huyền Tông có nội dung: Nước Việt xưa có cái hồ hình vuông... Năm đầu tiên hiệu Hàm Thông đời Đường (trong thời gian này Việt Nam bị nhà Đường đô hộ) dựng một cột đá ở giữa hồ. Trên xây một tòa lầu ngọc trong đó đặt tượng Phật Quan Âm để thờ cúng... 

Đến khi triều Lý xây dựng kinh đô ở đây, cũng noi theo dấu cũ, ngày càng sùng kính linh thiêng. Khi Lý Thái Tông chưa có hoàng tử thường đến đó cầu nguyện. Một đêm nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm mời lên trên lầu, ôm một đứa bé đặt vào lòng vua. Tháng đó hoàng hậu có mang hoàng tử. Vua bèn sửa thêm một ngôi chùa Diên Hựu (phúc lành dài lâu) ở bên phải chùa Một Cột để mở rộng việc thờ cúng làm sáng rõ sự tôn sùng....

Trải qua năm tháng, chùa Một Cột đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Đời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), năm Anh Vũ Chiêu Thắng 5 (1080), vua cho đúc chuông treo ở chùa gọi là “Giác thế chung” (chuông thức tỉnh mọi người) và một tòa phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng. Nhưng vì chuông quá nặng nên phải để dưới đất, do vậy đánh không kêu. Chỗ ruộng để chuông thấp, có nhiều rùa đến ở gọi là Quy Điền. Khi quân Minh bị nghĩa quân Lam Sơn bao vây ở Đông Quân, Vương Thông đã cho phá hủy quả chuông nay để đúc vũ khí (1426).

Năm 1954, trước khi rút quân, Pháp cho tay chân đặt thuốc nổ phá chùa Một Cột. Sau ngày tiếp quản thủ đô (10/10/1954) Bộ văn hóa đã có một đợt trùng tu lớn là chùa Một Cột và chùa Diên Hựu như hiện nay.

Mới đây, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) lập đề cương kế hoạch đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo chùa Một Cột theo hướng: bảo tồn Tam Quan, Tam Bảo, Nhà Mẫu, hồ Linh Chiểu; phục dựng nhà Tổ và xây dựng nhà Tăng kết hợp bếp, vệ sinh phục vụ sinh hoạt của nhà chùa; nâng cấp sân vườn, cảnh quan di tích… Dự kiến, tổng mức đầu tư là 31 tỷ đồng. Dự án sẽ được triển khai trong năm 2012 và hoàn thành vào quý I/2013.

Chùa Đồng (Thiên Trúc tự)

Chùa Đồng còn có tên là Thiên Trúc tự - tên đất nước của Phật Tổ Như Lai Thích Ca Mâu Ni, do một bà phi của Chúa Trịnh dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ 17). 

Tọa lạc ở độ cao 1.068m trên núi Yên Tử, chùa có diện tích 20 m2, tổng trọng lượng là 60 tấn được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất. Người đời từng ví, Yên Tử là một đài sen khổng lồ và chùa Đồng là bông sen ngự trên đài sen huyền diệu của chốn Thiền lâm.

Chùa Đồng còn có tên là Thiên Trúc tự, tọa lạc ở độ cao 1.068m
trên núi Yên Tử. Ảnh: VNE


Theo một số tài liệu, ban đầu chùa chỉ là một cái khám nhỏ, một người chui không lọt. Đến năm Canh Thân 1740, đời vua Lê Cảnh Hưng, bão làm bật mái chùa, sau bị kẻ gian lấy cắp, chỉ để lại dấu tích các hố chôn trên mỏm đá.

 

20 năm sau, vào mùa Đông 1930, bà Bùi Thị Mỹ (chùa Long Hoa) đã tái dựng chùa bằng bê tông cốt đồng trên một hòn đá vuông cao quá đầu người ở vị trí chùa cũ.  Đến năm 1993, ông Nguyễn Sơn Nam, một Việt kiều ở Mỹ, cùng các phật tử ở hải ngoại đã đúc lại chùa mới kiến trúc hình chữ Đinh theo dáng một bông sen nở, ngự trên sập đồng chân quỳ dạ cá trổ hình hoa sen cách điệu, đặt ngay bên cạnh ngôi chùa Đồng bằng bê tông xây dựng đầu thế kỷ XX.

Nhà nghiên cứu Phật giáo Trần Ngọc Hằng, Giáo hội Phật giáo VN, đánh giá: "Chùa Đồng giá trị không chỉ ở chất liệu đồng. Đồng ở đây còn phải được hiểu là chữ "đồng" trong quan niệm người Việt - đồng lòng, đồng nhất, đồng chí, đồng tâm hiệp lực. Trong thời đại mới, chữ "đồng" với ý nghĩa "đại đoàn kết" vẫn luôn là bài học của cả dân tộc. Với ý nghĩa to lớn như vậy, chắc chắn ngôi chùa Đồng lần này sẽ trường tồn cùng dân tộc".

Hành lang 500 vị La hán dài nhất

Chùa Bái Đính nằm ở phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, thuộc xã Gia Sinh - Gia Viễn - Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 15 km.

Quần thể chùa hiện có diện tích 539 ha, bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới, khu công viên văn hoá và học viện phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh...

Hành lang 500 vị La hán dài nhất - một trong 12 kỷ lục VN
của chùa Bái Đính. Ảnh: Viet King

 

Chùa Bái Đính được biết đến với 12 kỷ lục Việt Nam được xác lập như: Chùa có  hành lang La hán dài nhất, với La hán đường có 500 vị La hán được tạc bằng đá xanh nguyên khối, cao 2 m.  Pho tượng Phật Thích ca Mâu ni bằng đồng cao và nặng nhất, 150 tấn. Chuông đồng lớn nhất, 30 tấn. Bộ tượng Tam thế bằng đồng lớn nhất, mỗi pho nặng 50 tấn. Chùa có Giếng Ngọc lớn nhất, đường kính 35m. Là ngôi chùa trồng nhiều cây bồ đề nhất. Ngày Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc tại Việt Nam (17.5.2008) trồng 100 cây bồ đề, chiết từ gốc bồ đề Ấn Độ, hiện hàng ngàn cây bồ đề mọc xung quanh chùa. 

Chùa có Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật lớn nhất do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức: cung nghinh 10 viên xá lợi Phật từ chùa Giác Quang (TP HCM) đến chùa Quán Sứ (Hà Nội) và chùa Bái Đính.
 
Chùa có bộ tượng Bát bộ Kim Cương bằng đồng nặng nhất, mỗi tượng nặng 4 tấn, cao 3,95m, đặt tại điện thờ Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni; Tượng ông Thiện và ông Ác bằng đồng cao và nặng nhất: đặt nơi cổng tam quan chùa. Mỗi pho nặng 20 tấn, cao 5,2m; Bộ tượng A Nan - Ca Diếp bằng đồng lớn nhất. Mỗi tượng nặng 30 tấn, cao 9m, đặt tại điện thờ Giáo chủ Thích ca Mâu ni; Tượng Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng đồng dát vàng lớn nhất: đặt trong gian giữa của điện thờ Quan Thế Âm Bồ tát. Điện cao 14,8m, dài 41,8m, rộng 17,4m gồm 7 gian với hệ thống cột bằng gỗ tứ thiết. Pho tượng nặng 80 tấn, cao 9,57m (tính cả bệ), riêng tượng cao 5,4m. Và cuối cùng là tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất, nặng 80 tấn, cao 10m, an vị trên một ngọn đồi ở bên phải điện thờ Tam Thế Phật.

Tượng Phật Thích Ca bằng đồng được dát vàng lớn nhất 

Danh hiệu này thuộc về pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối dát vàng, cao 10m, nặng 100 tấn ở chùa Bái Đính và đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác nhận kỷ lục Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam.

Tượng Phật Thích Ca bằng đồng được dát vàng lớn nhất.
Ảnh: Viet King

 

Pho tượng này do các nghệ nhân đúc đồng thôn Thượng Đồng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đúc, được đỡ bởi khung bê tông cốt thép giả gỗ cao đến nóc gần 30 m, dài 44,7 m, rộng 43,3m.

Bộ tượng Phật làm bằng tóc độc đáo

Danh hiệu này thuộc về tượng Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma - đệ tử đời thứ 28 của Đức Phật Thích Ca, được đặt ở chùa Tây Tạng (tỉnh Bình Dương).

Tượng tổ sư Bồ Đề Đạt Ma bằng tóc. Ảnh: Viet King


Tượng Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma đã được tôn tạo trong 2 năm 1982, 1983. Tượng gồm 3 phần rời nhau, được gắn lại bằng keo dán. Chỉ trừ phần khung được làm bằng sắt còn chất liệu chủ yếu bằng tóc, mật rỉ đường và vôi vữa mà trong đó tóc là chiếm một phần quan trọng. Tóc được thu nhận từ các Phật tử. Tượng có chiều cao 2,32m, chiều ngang tính từ túi Càn khôn đến kinh Lăng Già là 1,74m.

 

 

 

Nguồn: Báo Đất Việt



 



Âm lịch

Ảnh đẹp