Tôi rất may mắn trong thời gian ở Hàn Quốc khi gặp nhiều người thú vị và tạo cảm hứng, nhưng không ai trong số họ hơn được vị tu sĩ Phật giáo có tên Chong Go Sunim. Tình cờ, thầy Chong phát hiện ra blog của tôi, và sau đó chúng tôi mail qua lại thường xuyên.
Để tôi giới thiệu cho bạn biết nhiều hơn một chút về Chong Go Sunim, đây là một vị sư người Mỹ đã sống ở Hàn Quốc 17 năm qua. Thầy đã tự mình thực hành Phật giáo ở Mỹ nhiều năm; nhưng theo Chong, thầy không đạt được nhiều tiến bộ. Cuối cùng, thâfy đã gặp và nghe một vị sư Hàn Quốc có tên Daehaeng Kun Sunim.
Và như thầy miêu tả chuyện này, “Như thể là tôi đang nhìn một bức tranh bẩn, trong đó chỉ có một vùng sạch nhỏ ở giữa bức tranh. Khi tôi bắt đầu nghe ni sư Daehaeng Kun Sunim, vùng sạch nhỏ ở giữa đó bắt đầu mở rộng ra nhiều hơn và tôi có thể nhìn thấy những gì được ẩn dấu bên trong bức tranh. Những gì ni sư chỉ cho tôi dường như đúng là điều đã có sẵn, nhưng chỉ có điều bản thân tôi không thể tự nhìn thấy.”
Gần đây, tôi có đủ may mắn được phép hỏi thầy một số câu về việc một người Mỹ sống ở Hàn Quốc với tư cách một tu sĩ Phật giáo thì ra sao:
Hỏi: Hãy cho tôi biết một chút về bản thân thầy?
Đáp: Tôi đến từ phía đông Oregon và Washington. Tôi sống và đi học ở đó, cho đến khi tôi tới Hàn Quốc năm 25 tuổi.
Hỏi: Lần đầu tiên thầy quan tâm tới Phật giáo là từ bao giờ và như thế nào?
Đáp: Có lẽ tôi bắt đầu quan tâm đến Phật giáo khi 12 tuổi, và một trong những điều tạo ấn tượng cho tôi là các sắc lệnh khắc đá của vua A Dục. Tôi không nhớ chính xác những gì vua A Dục nói, nhưng ông đã khuyến khích mọi người đối xử tốt với nhau, và nói rằng ai phỉ báng tôn giáo của người khác chính là phỉ báng tôn giáo của mình. Sự đại đồng thực sự gây ấn tượng cho tôi.
Hỏi: Ý tưởng/lời dạy nào trong Phật giáo mà thầy cho là quan trọng nhất?
Đáp: Hãy loại bỏ “tôi” và “của tôi”, hãy dựa vào Phật tính sẵn có bên trong chúng ta và không rơi vào ham muốn chỉ trích hay đổ lỗi cho người khác.
Một câu hỏi gần tương tự “Bạn có thể làm việc mà không cần ngón tay nào?” “Thực ra, tất cả ngón tay đều hữu dụng.” Nhưng những khái niệm cơ bản này đều thực sự vĩ đại, nếu ai chăm chỉ áp dụng, chắc chắn họ sẽ thấy những kết quả tốt đẹp.
Hỏi: Tại sao thầy muốn trở thành một vị sư?
Đáp: Về cơ bản, tôi muốn thực hành tâm linh hơn bất cứ việc nào khác.
Hỏi: Tại sao thầy quyết định tới Hàn Quốc?
Đáp: Tôi rất ấn tượng với phẩm chất của các vị Tăng Ni Hàn Quốc, và vị thầy giáo mà tôi cảm thấy có sự kết nối nhất cũng đến từ Hàn Quốc.
Hỏi: Hiện tại, công việc của thầy ở Hàn Quốc là gì?
Đáp: Là một phần trong việc tu tập, tôi làm việc với Viện Văn hóa Quốc tế Hanmaum để dịch các tác phẩm của Thiền sư Daehaeng.
Hỏi: Kế hoạch tương lai của thầy là gì?
Đáp: Có lẽ tôi sẽ pha một tách cà phê, và đi ăn bữa tối.
Minh Tân (dịch)
Theo: www.koreatimes.co.kr